Bệnh chân tay miệng có nguy cơ bùng phát cao

  • Cập nhật: Thứ ba, 6/5/2008 | 12:00:00 AM

Tuy mùa dịch bệnh chân tay miệng mới bắt đầu, nhưng đã có nhiều trẻ em nhập viện với biến chứng nặng. Mùa hè năm nay được dự báo là nắng nóng kỷ lục, là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, trong đó có EV71 gây bệnh chân tay miệng.

Điều trị cho trẻ bị chân tay miệng.
Điều trị cho trẻ bị chân tay miệng.

EV71 gây bệnh chân tay miệng tại Việt Nam

 

Ngày 5/5, bé Đinh N. H. G., 25 tháng tuổi, nằm trong phòng cấp cứu của khoa Nhiễm vì những biểu hiện nặng hơn của bệnh tay chân miệng. Mặc dù đã được uống thuốc giảm sốt, bé vẫn sốt cao đến 39,5 độ C, ho nhiều. Các bác sĩ tìm mãi mới phát hiện một vài bóng nước dưới lòng bàn chân bé.

 

Với những trẻ bị tay chân miệng có biến chứng nặng, thông thường các bóng nước rất ít xuất hiện. Đó là một điều nguy hiểm vì cha mẹ khó nhận biết dấu hiệu bệnh.


4 tháng đầu năm 2008, bệnh tay chân miệng ở TP.HCM nói chung và Nhi Đồng II nói riêng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2007. Thống kê của bệnh viện, cho đến ngày 20/4, 766 trẻ tay chân miệng đã nhập viện điều trị, với 4 ca tử vong.

 

Hiện nay, mỗi ngày khoa Nhiễm có từ 20 - 30 bệnh nhân điều trị nội trú vì bệnh tay chân miệng. Điều đó có nghĩa 3 - 4 trẻ mắc bệnh tay chân miệng được phát hiện tại các phòng khám ngoại trú. Những trẻ bị bệnh tay chân miệng nhập viện phần lớn đều nhỏ hơn 3 tuổi.

 

Theo BS. Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II, bệnh tay chân miệng do virus EV71 có thể dẫn tới biến chứng thần kinh và tim mạch ở trẻ, ngoài những biểu hiện sốt nhẹ, từ 37,5- 38 độ C, kèm nôn trớ, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Lòng bàn tay và bàn chân, miệng trẻ nổi nhiều ban đỏ hoặc mụn nước, vết loét. Tuy nhiên, với nhiều trẻ có biến chứng nặng, các bóng nước lại rất ít xuất hiện. Những ca này đặc biệt nguy hiểm vì cha mẹ khó nhận biết dấu hiệu bệnh.

 

Tại miền Bắc cũng đã xuất hiện những ca chân tay miệng nhưng chưa có ca tử vong nào. Gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã phát hiện một số cháu bé có biểu hiện của hội chứng chân tay miệng. Các ca bệnh đều nhẹ, chưa gặp trường hợp nào có biến chứng não hoặc tử vong như ở các tỉnh phía Nam (những ca nặng này thường do virus Entero 71 gây ra).

 

Trẻ không miễn dịch sau khi mắc bệnh tay chân miệng

 

Vào thời điểm đang vào hè như hiện nay, tại Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân có biểu hiện của bệnh chân tay miệng.

 

Khoảng 10-20 bệnh nhi/ngày nhập viện có biểu hiện sốt nhẹ, ban đỏ, nốt đỏ xuất hiện trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, sau vài ngày có nhân đục bên trong rồi loét ra. Hiện các bác sĩ ở đây vẫn chưa rõ là do virus nào gây bệnh.

 

 Ảnh minh họa

 Phát hiện bệnh sớm cho trẻ em.

Mặc dù ảnh hưởng của bệnh chân tay miệng là rất nghiêm trọng đối với trẻ, nhưng theo BS Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia thì không phải tất cả số trẻ bị bệnh chân tay miệng đều có nguy cơ chuyển sang viêm màng não, viêm não. Chỉ những trẻ mắc thể viêm não và màng não mới có nguy cơ cao dẫn đến tử vong, tuy nhiên, hai thể nguy hiểm này chỉ chiếm dưới 5% số trẻ mắc bệnh.

 

Khi thấy trẻ có biểu hiện như sốt, quấy khóc, đi ngoài phân nát, chán ăn nên đưa trẻ đi khám để được tư vấn và điều trị đúng cách. Với những trẻ bị bệnh ở thể nhẹ, bác sĩ chỉ cần hướng dẫn cách chăm sóc trẻ tại nhà cho phụ huynh. BS Hà cảnh báo, virus EV71 tồn tại trong phân của người mắc bệnh và tốc độ lây lan rất nhanh, nếu các nhà trẻ nào đã có trẻ bị bệnh chân tay miệng thì các bậc phụ huynh cần cẩn thận, nên cho trẻ ở nhà để tránh lây lan.

 

Về loại bệnh này, TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: "Hiện trên thế giới chưa sản xuất được vaccine phòng bệnh chân tay miệng".

 

Còn theo BS. Trần Thị Việt - Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi Đồng II (TP.HCM): "Trẻ không được miễn dịch dù đã từng mắc bệnh tay chân miệng. Trong khi chưa có vaccine hữu hiệu để phòng ngừa bệnh, các bậc cha mẹ cần phải vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và nâng cao thể lực cho trẻ. Ngoài thịt cá, trứng, sữa để bổ sung nguồn đạm, trẻ cần được tăng cường rau xanh, trái cây tươi".

 

Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccin phòng bệnh, nên cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

 

Biến chứng viêm não có thể dẫn đến tử vong

Bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây ra có những triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sưng miệng, nổi bong bóng nước to khoảng đầu đũa, màu xám, đỏ hình ô van ở vùng mông, gối, lòng bàn tay, lòng bàn chân và thường ấn không đau. Bong bóng nước còn xuất hiện trong miệng, khi vỡ ra gây những vết loét trong miệng. Một số trẻ có kèm nôn ói, tiêu chảy ngay khi nổi bóng nước hay khi bóng nước đã xẹp. Những triệu chứng này khiến nhiều bác sĩ chẩn đoán nhầm là bệnh thủy đậu, nhiễm khuẩn da hay dị ứng...

 

Sau khi xâm nhập vào cơ thể, đến ngày thứ 3, virus từ các hạch theo máu đến gây tổn thương tại da, niêm mạc, tiếp tục sinh sản rồi gây những triệu chứng đầu tiên.

 

Các tế bào dưới da và niêm mạc phình to, chứa nhiều dịch tiết, gây hoại tử, phù trong tế bào và quanh tế bào. Tổn thương chủ yếu ở các vùng miệng, tay và chân. Sau khi gây tổn thương da, niêm mạc, virut không nhân lên nữa, cơ thể xuất hiện kháng thể và hiện tượng nhiễm virut chấm dứt.

 

Ở một số trường hợp, virut từ da, niêm mạc trở vào máu lần thứ 2 để đến hệ thần kinh trung ương gây viêm não, viêm màng não, liệt. Đồng thời, cơ thể sản xuất kháng thể và virus ở da, niêm mạc biến mất. Tuy nhiên, virut ở đường ruột có thể hiện diện kéo dài đến 17 tuần.

 

Trẻ nhỏ có thể có ban dạng sẩn vùng mông, nơi quấn tã lót. Trong giai đoạn diễn tiến, khi virut gây bệnh xâm nhập hệ thần kinh trung ương, trẻ sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tri giác như lơ mơ, ly bì, mê sảng hay co giật, có nhiều trường hợp trẻ có mạch nhanh nhưng không sốt cao, yếu tay chân, méo miệng. Bệnh nhi có thể tử vong hoặc phục hồi sau một thời gian điều trị, nhưng vẫn còn những rối loạn tâm thần kinh kéo dài.

 

Phòng bệnh là biện pháp cơ bản

 

Nếu bệnh do các virus lành tính gây ra, bóng nước tự xẹp đi, bệnh có thể tự khỏi sau 5-7 ngày. Nhưng nếu bệnh do virus EV71 gây ra thì có thể bị biến chứng rất nguy hiểm là viêm não, viêm cơ tim, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết rất dễ dẫn tới tử vong.

 

Trẻ mắc hội chứng chân tay miệng thường khỏi trong vòng 1 tuần nếu được điều trị đúng cách, không có biến chứng. Nếu không được điều trị đúng cách hoặc diễn tiến nặng, bệnh sẽ gây những biến chứng rất nặng.

 

Có những trường hợp mắc bệnh tay chân miệng nhưng rất ít các triệu chứng hoặc không có các biểu hiện dễ nhận thấy như nổi bóng nước, nên nếu thấy trẻ có những triệu chứng bất thường kể trên cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Gia đình phải theo dõi sát sao trẻ ít nhất trong 8 ngày sau triệu chứng đầu tiên để phát hiện ngay các dấu hiệu biến chứng và đưa trẻ đến bệnh viện để được điều trị kịp thời.

 

Do đa số bệnh tay chân miệng sẽ tự khỏi nên đối với trường hợp không có dấu hiệu của biến chứng có thể điều trị tại nhà bằng thuốc giảm đau, cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, cố gắng cho trẻ ăn thành nhiều bữa.

 

Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccin phòng ngừa nên cách phòng bệnh tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống, cá nhân cho trẻ thật tốt. Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, uống nhiều nước. Không cần kiêng gió và ánh sáng. Nên cho trẻ mắc bệnh nghỉ học và không cho tiếp xúc với trẻ khác để tránh lây lan bệnh.

 

(Theo VnMedia)

Các tin khác
Cùng với

Ngày 5/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã đưa ra dự báo giá thuốc trong tháng 5 sẽ có điều chỉnh do sự tăng giá chung trên toàn cầu.

Mặc dù nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với các khó khăn về lạm phát, giá cả tăng... nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong bốn tháng đầu năm, các lĩnh vực xã hội có những chuyển biến tích cực.

Dạy nghề may ở Trung tâm dịch vụ giới thiệu việc làm Sở LĐ-TBXH Yên Bái. (Ảnh Thanh Chi)

Yên Bái hiện có 182 giáo viên dạy nghề, trong đó có 108 giáo viên cơ hữu thuộc các cơ sở dạy nghề, riêng Trường Trung cấp Nghề là 80 giáo viên, còn lại là 74 giáo viên ở các trường trung học chuyên nghiệp có dạy nghề.

YBĐT - Vừa qua, Chi đoàn đã phát động xây dựng hình ảnh “Người công an về bản” và người được giao nhiệm vụ đi đầu là Trung úy Nguyễn Viết Thành – công an phụ trách xã Châu Quế Thượng...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục