Đến với khu bảo tồn loài sinh cảnh Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Qua cây cầu Kim Nọi, nơi đặt tấm panô lớn ghi thông tin: "Khu bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải (Yên Bái), ngôi nhà của loài vượn đen tuyền. Tổng diện tích 20.293 ha, khu bảo vệ nghiêm ngặt 15.128 ha...", chúng tôi bỏ lại phía sau huyện lỵ Mù Cang Chải.

Như để cho con đường thêm ngắn lại, anh Vàng A Lử - Phó giám đốc Khu Bảo tồn và anh Trần Bá Thăng, cán bộ kiểm lâm tỉnh liên tục trò chuyện với tôi về quy mô của khu bảo tồn thiên nhiên độc đáo này. Được thành lập từ tháng 10/2006, Khu Bảo tồn nằm trên địa bàn 5 xã: Chế Tạo, Nậm Khắt, Púng Luông, Lao Chải, Dế Xu Phình của huyện Mù Cang Chải. Thảm thực vật trong khu bảo tồn bao gồm chủ yếu các loại cây lá rộng thường xanh; một vài nơi có những loài cây lá kim như pơmu, thông, tre; thỉnh thoảng có những thung lũng nhỏ xuất hiện kiểu rừng hỗn giao. Diện tích rừng tự nhiên ít bị tác động lên tới 44%, tập trung ở núi cao, xa dân cư.

 Kết quả 3 đợt điều tra của Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (FFI) từ năm 2000 đến 2002 bước đầu thống kê được 788 loài thực vật bậc cao, có mạch thuộc 480 chi, 147 họ và 5 ngành; trong đó có 33 loài thuộc loại quý hiếm (ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới), 267 loài thuộc 95 họ có thể dùng làm thuốc và 77 loài làm cây cảnh, trong đó có hai họ chính là đỗ quyên và lan. Về động vật lại càng phong phú hơn và cho thấy tính đặc hữu cao. Khảo sát nhiều năm của FFI đã kết luận có 241 loài, 74 họ, 24 bộ động vật xương sống, trong đó có 54 loài thú, 132 loài chim, 26 loài bò sát, 26 loài lưỡng thê. Về các loài thú quý hiếm đã thống kê có 42 loài trong Sách đỏ Việt Nam và 28 loài ở mức độ bị đe dọa toàn cầu, đặc biệt 4 loài gồm: niệc cổ hung, gà lôi tía, vượn đen, voọc xám đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Hiện tại ở Việt Nam, loài vượn đen chỉ có 120 cá thể thì trong Khu Bảo tồn này đã có đến 100 cá thể.

Rồi chúng tôi cũng đến Háng Gàng, điểm đầu tiên của Khu Bảo tồn. Tôi lội xuống suối và vục uống ngụm nước mát lạnh chảy từ đỉnh Lao Chải Sơn. Nước ngọt và mát hơn bất cứ thứ nước đóng chai nào. Đi tiếp vào xã Chế Tạo, chúng tôi gặp gỡ Chủ tịch UBND xã Sùng A Chu - thành viên Ban Quản lý Khu Bảo tồn. Anh cho biết: "Bà con người Mông Chế Tạo vinh dự vì xã mình có tới 14.532 ha rừng trong Khu Bảo tồn và hơn 9.000 ha vùng đệm. Từ khi có Khu Bảo tồn, bà con được cán bộ kiểm lâm hướng dẫn cách phòng cháy chữa cháy rừng; được cán bộ dự án hướng dẫn trồng cỏ làm thức ăn cho trâu, ngựa trong mùa đông và còn được nhận tiền công bảo vệ rừng theo Chương trình 661, mỗi héc-ta được 50 nghìn đồng. Cả ngôi nhà sinh hoạt cộng đồng to đẹp ở bản Nủ Háng cũng do dự án đầu tư".

Tôi quyết định đi theo cán bộ kiểm lâm Nguyễn Anh Tuấn và anh Trần Bá Thăng khi họ đi kiểm tra rừng trên núi Tà Sùa. Tiếc là không thể đến được các đỉnh Tà Sùa cao 2.443 m, Phu Ba 2.200 m, Phu Tiên Van 2.298 m, Tà Lĩnh 2.150 m trong Khu Bảo tồn bởi ở trên đó sẽ được ngắm tương đối bao quát Khu Bảo tồn với địa hình hạ dần, hạ dần xuống dòng Nậm Chảy và là khu rừng phòng hộ của con sông Đà. Không đi được hết nhưng tôi cũng đã thỏa thuê ngắm nhìn những cây gỗ to đến mấy người ôm, trên thân là những nhành lan hoàng thảo, kiều đạm thanh, phi điệp, đuôi cáo... khoe sắc thắm. Phong lan vốn đã hết sức quyến rũ, riêng lan rừng với vẻ đẹp tự nhiên và hương thơm nhẹ nhàng lại càng khiến lòng người ngất ngây. Nếu cảnh sắc của Khu Bảo tồn, thật sự khiến du khách say đắm thì âm thanh của đại ngàn lại càng lôi cuốn hơn. Suối róc rách quyện với tiếng rì rào của lá rừng, hòa cùng những thanh âm trong trẻo của họa my, véo von của khiếu bạc má và nhiều tiếng kêu, hú rất lạ tai của thú rừng. Tôi nằm ngửa mặt trên một phiến đá lớn, thả mình vào không gian ấy...

Tôi ước rằng, mai đây sẽ có các tua du lịch thám hiểm, thăm quan Khu Bảo tồn và ước sao Khu Bảo tồn luôn được bảo vệ, duy trì và ngày càng phát triển. Vẫn biết điều đó là rất khó và đồng nghĩa với trách nhiệm của ngành kiểm lâm hết sức nặng nề khi mà đời sống người dân trong Khu Bảo tồn còn nghèo; tình trạng khai thác gỗ, săn bắt thú, làm nương rẫy... vẫn còn. "Khó nhưng vẫn phải quyết tâm làm vì Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh Mù Cang Chải và Khu Bảo tồn Nà Hẩu (Văn Yên), tới đây là Việt Hồng (Trấn Yên), Tân Phượng (Lục Yên) nữa sẽ là niềm tự hào của cán bộ kiểm lâm nói riêng và của cả tỉnh Yên Bái nói chung" - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, anh Nguyễn Quang Vinh đã nói như vậy.

Lê Phiên

Các tin khác
Sách bắt đầu tăng theo giá mới.

Sáng 12/5, trao đổi với phóng viên báo chí, Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục - Nguyễn Minh Khang cho biết, 25 triệu bản sách tăng giá 10% đã được chuyển về 64 tỉnh, thành để phục vụ cho học hè.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đến thời điểm này 90% trong số gần 3.000 ca mắc bệnh "chân tay miệng" từ đầu năm là bệnh nhi thuộc các tỉnh phía Nam, và số mắc bệnh vẫn có thể tăng mạnh trong những tháng tới. Đáng chú ý, tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cho biết vi-rút EV71 gây bệnh này không chỉ tồn tại trong cơ thể người mà còn có trong môi trường (đất, nước, rau...).

Chiếc Beechcraft King Air 350 của ông Đoàn Nguyên Đức ở sân bay Mena (Mỹ).

Ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai đã trở thành người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay riêng khi chiếc máy bay loại thương gia Beechcraft King Air 350 của ông Đức đang trên đường từ Mỹ về Việt Nam.

YBĐT - Ngày 10/5, UBND tỉnh tổ chức lễ phát động “Tháng hành động Vì trẻ em” năm 2008. Dự và chỉ đạo có các đồng chí: Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể; đại biểu các huyện Yên Bình, Trấn Yên và thành phố Yên Bái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục