Sương tan trên đỉnh La Pán Tẩn

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/5/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đã được xem phóng sự "Bao giờ sương tan trên đỉnh La Pán Tẩn?" trên Đài Truyền hình Trung ương, trong tôi như có sự hối thúc, muốn đến tận nơi chứng kiến sự đổi thay của hai xã có 100% là đồng bào dân tộc Mông, từng bị ma túy “bủa vây” đến nghèo xơ, nghèo xác...

Ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn.
Ruộng bậc thang ở La Pán Tẩn.

Hai xã La Pán Tẩn và Zế Xu Phình cách trung tâm huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) khoảng 30km. Đến huyện miền Tây xa xôi nhất của tỉnh, tôi đã tự động viên mình, dù khó khăn đến mấy cũng phải lên được mảnh đất có con đường dốc tới mức bổng đầu xe, một thời là vựa thuốc phiện của huyện Mù Cang Chải. Đã được xem phóng sự "Bao giờ sương tan trên đỉnh La Pán Tẩn?" trên Đài Truyền hình Trung ương, trong tôi như có sự hối thúc, muốn đến tận nơi chứng kiến sự đổi thay của hai xã có 100% là đồng bào dân tộc Mông, từng bị ma túy “bủa vây” đến nghèo xơ, nghèo xác...

Buổi sáng, sương mù xuống phố huyện khá dày nên phải đến gần trưa, chuyến xe khách đầu tiên mới xuất bến. Không khí chợ huyên náo, những con dốc dài, những lái xe ôm với những chiếc Win100 bên đường đợi khách. Những người Mông cần mẫn gùi nông sản xuống chợ... Anh Ngô Văn Hùng, hỗ trợ viên của ORGUT - Chương trình Xóa đói giảm nghèo thuộc tổ chức phi chính phủ Thụy Điển là người cho tôi đi nhờ xe máy lên xã La Pán Tẩn. Anh bảo: "Mấy năm nay, khu vực trung tâm thị trấn Mù Cang Chải thay đổi tới chóng mặt. Bây giờ ở đây không thiếu, đủ các loại hình dịch vụ...".

Chúng tôi vừa tới con suối, ông Hồ Chờ Phử - Bí thư Đảng ủy xã đã reo lên: "Hùng đấy à, làm một chút lấy lại sức chớ?". Trong chốc lát, ông Lý Chồng Di - Phó Chủ tịch UBND xã cũng đến. Anh Hùng giới thiệu tôi là phóng viên, về tìm hiểu đời sống của dân bản... Ông Di thủng thẳng nói: "Tìm về đất cây thuốc phiện à? Dân vẫn còn nghèo lắm, nhưng mà tốt hơn trước nhiều rồi. Bây giờ, cây ngô của Dự án Xóa đói giảm nghèo triển khai ở xã đã thay hết chỗ trồng thuốc phiện rồi nhá!".

Khi chúng tôi hỏi về những đổi thay của xã, ông Di cho biết: "Cả xã có 3.219ha, 477 hộ dân, 3.549 khẩu mà diện tích trồng lúa được có 200ha, trồng ngô 418ha, còn lại là rừng núi. Ngày xưa, đất ở đây chỉ có cây thuốc phiện mọc thôi. Dân đói lắm, thảo quả trên rừng ra non thì dân đã hái đem xuống chợ bán rồi".

Còn Bí thư Hồ Chờ Phử kể: "Năm 1992, đất đai ở La Pán Tẩn đều trồng cây thuốc phiện, nhà trồng nhiều mỗi vụ cũng phải thu đến 30kg thuốc, nhà trồng ít cũng ngót 20kg". Bí thư Phử bảo, thời đó, mỗi năm La Pán Tẩn sản xuất đều không dưới một tấn nhựa thuốc...

Quá khứ là vậy, nhưng khi lên hai xã này, tôi đã được anh Lò Văn Hùng - Chánh văn phòng UBND huyện Mù Cang Chải khẳng định, tới thời điểm này, ở các bản làng sâu xa nhất của La Pán Tẩn, Zế Xu Phình không còn trồng và tái trồng thuốc phiện nữa.

Chúng tôi ngược 8km nữa ra xã Zế Xu Phình - cách Ngã ba Kim (thị tứ trung tâm huyện) khoảng 20km. Anh Hùng đã có hơn 3 năm “bám” bản nên khẳng định, Zế Xu Phình chẳng bao lâu nữa dân sẽ thoát được nghèo.

Trong câu chuyện, anh cho biết: "Năm nay, Zế Xu Phình đưa giống ngô mới vào trồng nên có năng xuất cao, thu được trên 80 tấn ngô, đói nghèo đã bớt đi rồi. Năm 2007, xã được đầu tư 4 bể nước tự chảy, cấp nước cho hơn 100 hộ dân. Người dân ở xã không còn phải đi gánh nước trên các khe suối".

Gặp chúng tôi, anh Giàng A Páo, cán bộ chuyên trách tư pháp của xã tâm sự: "Xã mình không còn ai lấy vợ nhiều nữa đâu, sinh đẻ cũng có hạn rồi. Pháp luật đã quy định thế thì phải theo thôi, lấy nhiều vợ, đẻ nhiều con, không nuôi nổi đâu. Người Mông ở Zế Xu Phình cũng không còn tục bắt vợ, mà trai gái được tự do tìm hiểu, yêu đương để đi tới hôn nhân". Nghe vậy, tôi rất mừng vì người Mông nơi đây đã bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, dần thay đổi tư duy để thoát nghèo.

So với nhiều xã, Zế Xu Phình vẫn gặp nhiều khó khăn, giao thông còn nhiều cách trở. Tuy chưa có điện thắp sáng đến từng bản nhưng vài năm trở lại đây, diện mạo xã đã có nhiều khởi sắc. Một số hộ dân trong xã đã mua được xe máy. Chỉ tay về phía chiếc Win100 mới dựng cách đó không xa, anh Páo cho biết: "Xe này của Lù A Lềnh, mới mua nhờ bán ngô 2 vụ trước đấy. Có phương tiện đi lại, người Mông mình xuống chợ không còn mất nhiều thời gian như trước nữa. Mình đã tuyên truyền vận động bà con là đã mua xe thì phải có giấy phép lái xe, đội mũ bảo hiểm để bảo vệ tính mạng"...

Khắp con đường trước UBND xã Zế Xu Phình, hầu như trước cửa nhà nào cũng có một chiếc xe máy Win và một chiếc máy khâu. Đi vào các bản làng cũng có hàng quán của một số người Kinh dưới xuôi lên bày bán đồ tạp hóa phục vụ dân bản. Để ý, trong những ngôi nhà làm bằng gỗ pơmu, rất nhiều thiếu nữ Mông đang cắm cúi mê mải trước chiếc máy khâu, có cô thoăn thoắt thêu khăn, may áo mới để chuẩn bị về nhà chồng...

Rời núi rừng Mù Cang Chải, chia tay với bà con người Mông khi trời chiều sập đến, dưới chân tôi là tầng tầng lớp lớp ruộng bậc thang. Từng đàn gia súc thủng thẳng về bản. Tiếng mõ lốc cốc vọng vào vách đá, vang xa trong khói lam chiều nhuốm ánh hoàng hôn. Tôi mang theo niềm tin: rồi một cuộc sống no ấm, hạnh phúc sẽ đến với người dân nơi đây!

Thiên Cầm

Các tin khác

YBĐT - Chăm sóc sức khỏe nhân dân, xây dựng nguồn lực con người nhằm thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TƯ ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị về công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Nhiệm vụ này đã được Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp ở tỉnh Yên Bái gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa đưa ra hướng dẫn về trình tự, thủ tục phong tặng danh hiệu tiến sĩ danh dự Việt Nam theo Thông tư số 26/2008/TT-BGDĐT ngày 09/05/2008 như sau:

YBĐT - Tại Trường THCS Lê Hồng Phong, Hội đồng Đội thành phố Yên Bái tổ chức mít tinh kỷ niệm 67 năm Ngày thành lập Đội thiếu niên tiền phong (TNTP) Hồ Chí Minh.

YBĐT - “Phải xử lý kỷ luật đối với tổ chức Đảng và các đồng chí của mình là điều rất đau xót và không hề dễ, song phải làm thật nghiêm, bảo đảm công minh, chính xác và mang tính giáo dục cao”. Đây không chỉ là tâm sự của Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Vũ Định mà còn là quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy đối với các đảng viên và tổ chức Đảng vi phạm kỷ luật.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục