Ngành giáo dục TP Yên Bái: Sau 2 năm thực hiện cuộc vận động "hai không"
- Cập nhật: Thứ năm, 22/5/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Từ khi có cuộc vận động, ngành giáo dục đào tạo thành phố Yên Bái (Yên Bái) đã huy động mọi nguồn lực để tập trung cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục.
Cô và trò Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân (TP Yên Bái) luôn nỗ lực vượt qua khó khăn hoàn thành tốt việc dạy và học. (Ảnh: Quang Tuấn)
|
Trước hết là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học; xem xét, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, giáo viên kết hợp thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ để nâng cao chất lượng đội ngũ; kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy ở từng lớp học với phương thức Phòng Giáo dục - Đào tạo tổ chức ra đề và cử cán bộ trực tiếp xuống các trường để kiểm tra, đánh giá, thu bài của học sinh về chấm. Từ đó, tạo ý thức trách nhiệm với công việc và đánh giá chất lượng học sinh sát thực tế hơn.
Thầy Nguyễn Văn Tần – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) cho biết, khi thực hiện cuộc vận động “Hai không” của Bộ GD-ĐT và Nghị quyết 03 của Thành ủy Yên Bái, chất lượng dạy và học của nhà trường đã thực chất hơn. Sơ kết học kỳ I năm học 2007 – 2008, tỷ lệ học sinh khá, giỏi không giảm, trong đó tỷ lệ học sinh giỏi đạt 30,1%, tăng 4,9% so với năm học trước; học sinh yếu, kém chỉ chiếm 1,8%, tập trung ở khối lớp 4, lớp 5. Cùng trong học kỳ này, Trường là một trong ba đơn vị được Sở GD-ĐT Yên Bái khen thưởng vì có thành tích cao trong kết quả kiểm tra, giám sát của Phòng Giáo dục - Đào tạo thành phố.
Để đạt được kết quả đó, nhà trường đã áp dụng các biện pháp phù hợp, sát với thực tế. Đó là, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong phụ huynh, học sinh và cán bộ, giáo viên về cuộc vận động “Hai không”; rà soát lại trình độ cán bộ, giáo viên để phân công giảng dạy hợp lý và khảo sát chất lượng học sinh bàn giao lại cho giáo viên ngay từ đầu năm học. Đối với học sinh yếu, kém khối lớp 4, 5 do Ban Giám hiệu trực tiếp bồi dưỡng; khối lớp 1, 2, 3 do giáo viên tự bồi dưỡng trên lớp. Đặc biệt, nhà trường tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc giảng dạy của giáo viên để kịp thời uốn nắn những sai sót; phân công giáo viên giảng dạy chuyên theo phân môn từ lớp 3 đến lớp 5. Bên cạnh đó, căn cứ vào nội dung chương trình, Ban Giám hiệu kiểm tra và trực tiếp đảm nhận từ khâu ra đề đến khâu coi thi, chấm bài nhằm đánh giá thực chất kết quả học tập của học sinh.
Còn đối với Trường THCS Võ Thị Sáu – một trường đang nỗ lực đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia vào năm 2008 thì cuộc vận động “Hai không” với 4 nội dung và Nghị quyết 03 của Thành ủy không nằm ngoài những mục tiêu phấn đấu đó. Giáp ranh giữa phường Minh Tân và Yên Ninh nên Trường có trách nhiệm tuyển học sinh của cả 2 phường và thu hút nhiều học sinh từ các phường, xã khác. Cô giáo Phùng Thị Thanh An cho biết: “Từ khi thực hiện cuộc vận động “Hai không”, chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn vì dù vẫn đặt mục tiêu thi đua dạy và học với thành tích cao nhất nhưng là thi đua trong thực chất”.
Cũng trong quá trình thực hiện cuộc vận động và thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, Trường luôn khuyến khích khả năng tự tìm tòi, phát hiện kiến thức, kích thích năng lực tư duy sáng tạo của học sinh. Qua nhiều đợt học tập, bồi dưỡng tập trung và quy trình tự học, tự bồi dưỡng theo nhóm đã giúp đội ngũ giáo viên dần thích nghi với phương pháp dạy học mới. Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức hội giảng hai cấp, huy động tối đa giáo viên tham gia dự giờ nhằm rút kinh nghiệm và đánh giá giờ dạy tập thể theo quy định. Nhà trường cũng tổ chức phụ đạo học sinh yếu kém ở ba môn Toán, Văn học và Anh văn từ 1 – 2 buổi/tuần không thu tiền.
Từ khi có cuộc vận động, ngành giáo dục đào tạo thành phố đã huy động mọi nguồn lực để tập trung cho công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Trước hết là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các trường học; xem xét, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, giáo viên kết hợp thực hiện Nghị định 132 của Chính phủ để nâng cao chất lượng đội ngũ; kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy ở từng lớp học với phương thức Phòng Giáo dục - Đào tạo tổ chức ra đề và cử cán bộ trực tiếp xuống các trường để kiểm tra, đánh giá, thu bài của học sinh về chấm. Từ đó, tạo ý thức trách nhiệm với công việc và đánh giá chất lượng học sinh sát thực tế hơn.
Cũng qua cuộc vận động xuất hiện nhiều tấm gương nhà giáo hết lòng vì học sinh, đến tận nhà các em có hoàn cảnh khó khăn để giúp việc học tập vào buổi tối như ở trường Nam Cường. Các ngành, các cấp, đặc biệt là Hội Khuyến học có nhiều hình thức khuyến khích, hỗ trợ học sinh học tập, đầu tư trang thiết bị cơ sở vật chất. Đến nay, thành phố có 41 trường với 3 bậc học, trong đó có 8 trường đạt chuẩn quốc gia, 100% số trường THCS được đầu tư thiết bị thí nghiệm, 5 trường có phòng máy vi tính phục vụ cho công tác dạy và học. Nhằm thúc đẩy phong trào thi đua “Hai tốt”, ngành giáo dục đào tạo thành phố thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo, hội giảng. Trong năm học 2007 – 2008, hội thi viết chữ đẹp cấp thành phố có 22 giáo viên, 121 học sinh đoạt giải; hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố ở các bậc học có từ 16% - 17% giáo viên tham gia đạt thành tích cao; có 84 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố, 43 học sinh giỏi cấp tỉnh và 1 học sinh giỏi cấp khu vực.
Tuy nhiên, thực tế cũng nảy sinh một số vấn đề như tỷ lệ học sinh bỏ học tăng, còn nhiều đơn vị chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, nhất là các xã vùng ven. Để khắc phục, ngành giáo dục thành phố đã và đang tập trung từng bước củng cố và sử dụng cơ sở vật chất một cách có hiệu quả; tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy để học sinh tiếp thu chủ động, tích cực; tiếp tục thực hiện tốt Nghị định 132 của Chính phủ về củng cố, xây dựng đội ngũ giáo viên bằng cách từng bước tuyển chọn đội ngũ thực sự có năng lực, bổ sung cho các trường thông qua công tác tuyển dụng chặt chẽ, đúng cơ cấu; kết hợp với Hội Khuyến học và các tổ chức khuyến học của học sinh cũng như sự đóng góp, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất của ngành và làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục.
Minh Chín
Các tin khác
YBĐT - Ấn tượng đầu tiên khi bước vào Bệnh xá Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái là cảm giác thoải mái trước một không gian xanh, yên bình, sạch sẽ. Tấm pa-nô với khẩu hiệu: “Quyết tâm thực hiện tốt phong trào xây dựng đơn vị quân y 5 tốt, chiến sỹ quân y làm theo lời Bác Hồ dạy” được dựng ngay phía cổng vào như lời khẳng định mục tiêu phấn đấu của đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sỹ nơi đây.
YBĐT - Năm 2007, tỉnh Yên Bái được giao kế hoạch giải ngân 3 tỷ 800 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, nhưng đến hết năm chỉ giải ngân được 2 tỷ 300 triệu đồng, đạt gần 61% kế hoạch. Nguyên nhân là do 2 huyện Văn Chấn và Yên Bình không tổ chức bình xét được các đối tượng cho vay.
Chỉ còn vài ngày nữa hơn 1,2 triệu HS trong cả nước sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm 2008. Trao đổi với báo giới, tiến sĩ Nguyễn An Ninh - Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT, cho biết:
Lãnh đạo hầu hết các tỉnh ven biển và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đều tỏ ra lo ngại trước giả định có bão mạnh trên cấp 14 đổ bộ vào nước ta trong năm nay.