Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cao: Tin cậy đến mức nào?
- Cập nhật: Thứ hai, 16/6/2008 | 12:00:00 AM
Trong mấy ngày qua, hàng loạt địa phương đã công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT khoá thi ngày 28 – 30/5/2008. Thông tin ban đầu cho thấy, kết quả tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của phần lớn các địa phương đều tăng.
|
Thậm chí, nhiều tỉnh có tỉ lệ thí sinh đỗ tăng vọt lên so với năm ngoái (mức tăng thêm từ 15 đến hơn 20%). Bên cạnh đó, có một số tỉnh tỉ lệ đỗ tốt nghiệp giảm nhưng tỉ lệ giảm không đáng kể.
Khi kết quả đúng như dự báo
Năm ngoái, trước tỉ lệ đỗ tốt nghiệp bình quân của cả nước là 66,64% trong kỳ thi đợt 1 (giảm 25,44% so với giai đoạn 2002 - 2006), một số lãnh đạo ngành GD&ĐT xem đó là một minh chứng cho sự thắng lợi của cuộc vận động “hai không”. Tuy nhiên, trong dư luận vẫn không khỏi có những tiếng ì xèo, hồ nghi kết quả này.
Ngay giữa địa phương này với địa phương khác đã không có sự tin tưởng dành cho nhau khi trên thực tế có một sự so sánh ngấm ngầm kết quả thi của tỉnh mình với tỉnh bạn. Sự hồ nghi này không phải là không có căn cứ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, ông Quách Tuấn Ngọc (Cục trưởng Cục Quản lý Công nghệ thông tin, Bộ GD&ĐT) cũng cho biết, xuất hiện những dấu hiệu bất thường qua phân tích dữ liệu kết quả thi của một số hội đồng thi, một số địa phương.
Có nơi, môn Toán, cả phòng thi đều được 9,5 hoặc 10 điểm (tuyệt nhiên không hề có thí sinh nào từ 9 điểm trở xuống). Trong khi phòng thi đó không phải là của phòng thi riêng của HS lớp chuyên hay lớp chọn mà là phòng thi của HS nhiều lớp, nhiều trường khác nhau ghép vào. Những dấu hiệu bất thường đó đã được chuyển cho lãnh đạo Bộ GD&ĐT.
Do đó, khi chưa tiến hành điều tra để có kết luận cuối cùng, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khó mà dám khẳng định tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của năm ngoái là con số đánh giá đúng thực tế chất lượng dạy và học trong các nhà trường phổ thông hiện nay.
Vậy mà khi trả lời phỏng vấn báo giới, một số người có trách nhiệm trong Ban chỉ đạo thi của Bộ GD&ĐT đã đưa ra dự báo (khiến dư luận nghi ngại phải chăng đây là tín hiệu “bật đèn xanh” cho các địa phương), nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay cao hơn năm ngoái cũng là hợp lý!?
Trước kỳ thi, trao đổi với phóng viên, nhiều lãnh đạo Sở GD&ĐT tin tưởng kết quả kỳ thi của điạ phương mình năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Tuy nhiên, ai cũng nhận thấy vấn đề không thể chỉ một năm mà đảo ngược tình thế, như lời ông Hoàng Văn Thinh, Giám đốc Sở GD&ĐT Tuyên Quang nói: “Tất nhiên không thể đùng một cái cao vống lên được bởi nâng cao chất lượng là phải có quá trình, không thể đốt cháy giai đoạn”.
Tăng 44,8 %, hợp lý hay đốt cháy giai đoạn?
Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp của Tuyên Quang năm nay là 58,9%, tăng 44,8% và cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, cho đến nay Tuyên Quang đã vượt được khỏi mức tỉnh có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất nước.
Thay vào đó (số liệu được cập nhật ngày 13/6) là Cao Bằng: 40,55% và Sóc Trăng: 58,3%. Bên cạnh đó có nhiều tỉnh năm ngoái vốn dĩ đỗ đã khá cao so với mặt bằng khu vực thì năm nay tiếp tục tăng từ 10 đến 20%.
Với những tỉnh năm ngoái thuộc tốp trên thì năm nay vẫn tiếp tục tăng mạnh (từ 5 đến 10%): Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hà Nội... Có địa phương năm ngoái đã là mức rất khá so với các địa phương cùng điều kiện kinh tế xã hội như Hà Tĩnh (73,77%) thì năm nay vẫn tiếp tục tăng vọt lên ngang tầm với những tỉnh được xem là mặt bằng chất lượng GD phổ thông cao: 89%.
Trong số các địa phương có kết quả đỗ tốt nghiệp năm ngoái ở tốp trên thì duy chỉ có TP Hồ Chí Minh là giảm (năm ngoái 95,41%; năm nay 93,41%). Nhưng TP Hồ Chí Minh vẫn là một trong số những địa phương có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp trên 90%.
Bình luận về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT năm nay của những địa phương đã công bố, một cán bộ Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng cho rằng, những con số về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT đó nhìn chung đều ở mức độ hợp lý.
Vị cán bộ này giải thích: “Năm nay, thái độ ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi của giáo viên cũng như HS các trường đều nghiêm túc hơn. Đề thi năm nay cũng như mọi năm đều rất dễ và phù hợp với khả năng của hầu hết HS. Tuy nhiên, nếu các em không chịu học thì vẫn không làm được bài. Còn năm nay, chỉ cần chịu khó học hơn một chút là phần lớn các em đạt điểm đỗ”.
Phân tích này tuy có vẻ hợp lý nhưng vẫn không đủ sức thuyết phục khi mà dư luận vẫn ì xèo về sự “nơi thì có vẻ nghiêm, nơi chưa nghiêm” trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (cả năm nay và năm ngoái).
GS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Dân lập Lương Thế Vinh nói: “Tôi có cảm giác là kết quả năm nay vẫn chưa chuẩn. Với chất lượng dạy học ở bậc phổ thông của ta như hiện nay, nếu tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT bình quân của cả nước đạt khoảng 70% đã là một cố gắng.
Tôi không có trong tay các dữ liệu nên không phân tích được cụ thể tại sao. Nhưng có một điều tôi biết chắc chắn là bất bình thường, đó là tỉ lệ đỗ tốt nghiệp ở các trường dân lập của TP Hồ Chí Minh. Năm ngoái, địa phương này có 8 trường dân lập đạt tỉ lệ đỗ 100%. Năm nay còn 5 trường, nhưng với tôi đó vẫn là con số khó tin”.
(Theo NNVN)
Các tin khác
Trong vòng 1 tuần qua tại thôn Xuân An, xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đã có gần 1.000 con gà, vịt của nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trong vùng bị chết không rõ nguyên nhân.
Ngày 14-6, tại kỳ họp thứ 14 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIII, các đại biểu đã nhất trí thông qua Nghị quyết đặt tên 31 đường, phố mới và điều chỉnh độ dài 3 đường, phố.
Ngày 14-6, tại Festival “Trái tim nhân ái Việt Nam” và lễ Tôn vinh những người hiến máu tình nguyện, PGS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học truyền máu trung ương, kêu gọi, mọi người dân hãy trở thành người hiến máu thường xuyên, tham gia mạnh mẽ hơn nữa vào phong trào hiến máu tình nguyện.
Bộ Y tế vừa ban hành 64 danh mục vật tư y tế tiêu hao, vật tư y tế thay thế trong khám, chữa bệnh để làm cơ sở cho Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) thanh toán cho người bệnh tham gia BHYT và các cơ sở khám, chữa bệnh cung ứng, thu viện phí.