Tình trạng bảo hiểm y tế (BHYT) bị bội chi: Móc ruột quỹ ngày càng tinh vi
- Cập nhật: Thứ sáu, 27/6/2008 | 12:00:00 AM
Từ năm 2005, khi mở rộng đối tượng, bỏ các loại "trần" thanh toán, mức độ bội chi của quỹ bảo hiểm (BH) cứ đều đều năm sau cao hơn năm trước, khiến các nhà giữ quỹ ăn không ngon, ngủ không yên.
|
Cho dù nhiều biện pháp quản lý đã được đưa ra, nhưng "liều thuốc" cho một trong những "bệnh" nặng nhất là ngăn chặn lạm dụng quỹ thì vẫn chưa được "kê đơn"!
Bệnh viện lạm dụng và...
Ban giám định y tế Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết: "Các nơi có tỉ lệ bội chi quỹ khám chữa bệnh (KCB) BHYT cao là Bình Định 133%, Long An 135%, Ninh Thuận 131%... Theo cơ quan BHXH, các thủ thuật rút quỹ BH không còn là bí kíp của một nơi nào mà đã khá phổ biến: Bệnh nhân điều trị ngoại trú nhưng làm hồ sơ nội trú; hồ sơ thanh toán khống (ở Đắc Lắc, Tiền Giang); chỉ định dịch vụ kỹ thuật (DVKT) thường quy (Hưng Yên, Bình Định, Sóc Trăng)... Ở các tỉnh Bình Định, Phú Thọ, Quảng Nam, có nơi riêng chi phí cận lâm sàng đã chiếm gần 50% tổng chi phí KCB.
Ông Hoàng Kiến Thiết - Trưởng ban BHYT tự nguyện BHXH Việt Nam dẫn chứng một trường hợp điển hình: "BV huy động xã hội hoá, mua máy cộng hưởng từ là 8 tỉ đồng. Tại BV này, chi phí KCB ngoại trú được BH thanh toán là 11 tỉ đồng/tháng, nhưng riêng tiền chụp cộng hưởng từ đã là 3,2 tỉ đồng. Vậy thì chưa đầy 1 năm, vốn đầu tư cho máy đã được hoàn lại. Đó là điều rất không bình thường, khi mà chi phí dành cho các DVKT chiếm tới 60 - 65% chi phí KCB. Thậm chí có nơi không đọc được kết quả cũng chỉ định làm chụp chiếu".
Ông Thiết cũng đặt câu hỏi, có quá bất bình thường không, khi mà thuốc ngoại giá cao được chỉ định rộng rãi, chiếm tới 80% tổng chi phí thuốc, nhất là các BV T.Ư Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy, T.Ư Huế? Giải thích như thế nào việc bệnh viêm họng ở tuyến huyện điều trị mất 30.000 - 40.000đ/ca, trong khi ở BV T.Ư là 150.000đ/ca?".
Ông Thiết so sánh: Các thủ thuật móc quỹ của các BV này như một ma đồ trận với các nhân viên giám định của BHYT. Hơn nữa, chỉ định phương pháp cận lâm sàng, điều trị lại là quyền tối cao của bác sĩ mà họ không thể can dự sâu". Như vậy, người thực sự có thể kiểm soát được điều này, chỉ có thể là người của chính BV, mà hiện nay, phần lớn các BV đều chưa đặt ra vấn đề tự kiểm soát này.
Người có thẻ cũng... lạm dụng
Theo BHXH Kiên Giang, BHYT ở Kiên Giang "bội chi" chủ yếu phục vụ vào việc điều trị bệnh, trong đó chủ yếu là điều trị ngoại trú. Bên cạnh các yếu tố khách quan, nguyên nhân sâu xa là do yếu tố chủ quan gây ra. Thí dụ, sau khi có chủ trương của Bộ Y tế cho phép các BV chủ động xây dựng giá thuốc, các BV ở Kiên Giang đã xây dựng giá thuốc ở mức tối đa, thậm chí có nơi giá bán một số loại thuốc còn cao hơn cả giá thị trường.
Sự việc chỉ diễn ra trong quý III/2007, nhưng chỉ tính riêng tại BVĐK Kiên Giang, "bội chi" này đã lên đến bạc tỉ. Không dừng lại ở đó, tại hầu hết các cơ sở y tế trên địa bàn đều chưa xây dựng được kế hoạch quản lý người khám bệnh theo diện BHYT, nên đã tạo khe hở cho nhiều đối tượng khai thác một cách thái quá việc khám bệnh để lãnh thuốc không vì mục đích điều trị cho chính mình.
Ông Nguyễn Xuân Bái - Phó GĐ BHXH tỉnh Kiên Giang - dẫn chứng, có đối tượng mới nhận thẻ 22 ngày, nhưng đã thực hiện đến 18 lần khám, nhận thuốc với nhiều chứng bệnh khác nhau để mang ra ngoài bán kiếm lời. Cũng theo BHXH Kiên Giang, trên thực tế, trong đội hình lạm dụng BHYT này không chỉ có người dân, mà còn có cả đội ngũ thầy thuốc, thậm chí là cả bác sĩ.
(Theo Lao Động)
Các tin khác
Ngày 26-6, tại Hà Nội, Bộ LĐTB-XH đã sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2005-2010. Tới dự có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng.
YBĐT - Theo số liệu của ngành Giáo dục & Đào tạo Yên Bái, năm học 2008 – 2009 toàn tỉnh có khoảng 14.000 học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 hệ THPT.
Ngày 26-6, tại Hà Nội, cuộc điều tra toàn quốc đầu tiên về gia đình được công bố. Mục tiêu của cuộc điều tra nhằm nhận diện thực trạng gia đình Việt Nam dưới tác động của công nghiệp hóa hiện đại hóa và toàn cầu hóa.
Tiếp sau Bắc Ninh xuất hiện bệnh nhân tiêu chảy cấp, hiện đã có thêm Hải Phòng và Ninh Bình có tên trong danh sách các tỉnh có bệnh nhân tiêu chảy đợt dịch này.