Không ra đề những phần còn tranh luận về mặt khoa học
- Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2008 | 12:00:00 AM
Đề thi ĐH, CĐ 2008 không ra vào những phần còn đang tranh luận về mặt khoa học; lời văn, câu chữ đảm bảo chính xác, khoa học; không có sai sót cả về nội dung và hình thức - Ông Bành Tiến Long cho biết.
|
Thưa giáo sư, qua một số năm cải cách, đề thi theo hướng mới cơ bản đã được dư luận hoan nghênh xin GS hé mở đôi chút về tinh thần và cách ra đề thi năm 2008 có gì mới; đặc biệt, trong một kỳ thi có thêm các môn thi được thi theo hình thức trắc nghiệm như năm nay?
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 phải đảm bảo yêu cầu kiểm tra kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong chương trình THPT (chủ yếu lớp 12). Không ra đề thi vào các phần đã giảm tải, cắt bỏ; không ra đề thi quá khó, quá phức tạp, lắt léo, đánh đố thí sinh.
Đề thi không ra vào những phần còn đang tranh luận về mặt khoa học; lời văn, câu chữ đảm bảo chính xác, khoa học; không có sai sót cả về nội dung và hình thức.
Đề thi phù hợp với thời gian làm bài của thí sinh, nhưng có khả năng phân loại cao. Đối với mỗi môn thi các cán bộ làm đề thi, từ Trưởng môn, những người ra đề, những người phản biện đề phải thống nhất với nhau về tỷ lệ phân bố các câu hỏi tương ứng với kiến thức trung bình, khá, giỏi của thí sinh.
Đề thi, đáp án, thang điểm thuộc danh mục Nhà nước độ tối mật. (Kể cả đề thi đang trong thời gian làm bài thi).
Lực lượng ra đề thi sẽ có cơ cấu như thế nào so với cơ cấu thầy ra đề của kỳ thi tốt nghiệp THPT để đảm bảo tiêu chí “tuyển” so với tiêu chí tốt nghiệp?
Lực lượng cán bộ trong Ban đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm giáo viên trung học phổ thông và giảng viên các trường đại học, tỷ lệ đại học/phổ thông xấp xỉ khoảng 60/40, 50/50, 40/60 tùy theo từng môn.
Cán bộ biên soạn và phản biện đề thi là các nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, có trình độ chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy, được lựa chọn từ các trường THPT, các trường ĐH trên phạm vi cả nước, đại diện cho các khu vực, các vùng miền.
Việc biên soạn đề thi phải đảm bảo các yêu cầu theo qui định của Quy chế tuyển sinh và đặc biệt là phải phân loại được thí sinh, để các trường ĐH, CĐ tuyển chọn được các thí sinh thực sự có năng lực, có học lực khá giỏi, xứng đáng ngồi ghế trường ĐH, CĐ.
Trong kỳ thi TNPT, một số thí sinh phản ánh: Trong phòng thi thí sinh có thể dễ dàng phát hiện các phiên bản đề thi trắc nghiệm trùng nhau và ra ám hiệu cho nhau câu trả lời đúng. Vậy trong một phòng thi năm nay có bao nhiêu phiên bản khác nhau để tránh được hiện tượng này? Bộ sẽ đảo câu hỏi theo cách đặc biệt như thế nào?
Trong kỳ thi tuyển ĐH, CĐ năm nay có 4 môn thi bằng phương pháp trắc nghiệm: Vật lý, Hóa học, Sinh học và Ngoại ngữ. Môn Ngoại ngữ, ngoài tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung đã thi bằng phương pháp trắc nghiệm từ các kỳ tuyển sinh trước, năm nay bổ sung tiếng Đức và tiếng Nhật.
Mỗi phòng thi môn thi trắc nghiệm có nhiều phiên bản; việc xáo trộn các câu hỏi trong mỗi phiên bản do máy tính tự động thực hiện, để hạn chế tối đa việc thí sinh trao đổi với nhau trong phòng thi. Số phiên bản và công nghệ trộn đề phải do Ban ra đề quyết định ngay tại địa điểm ra đề, được bảo mật và duy trì an ninh tối đa.
Ngoài ra những hiện tượng mà thí sinh phản ánh trên đây còn phải được kiểm soát bởi các cán bộ coi thi, thanh tra…Ngay cả khi mỗi thí sinh có một phiên bản riêng và nội dung câu hỏi của từng phiên bản hoàn toàn khác nhau trong một phòng thi thì biện pháp giám thi không bao giờ được lơ là.
Đảm bảo phù hợp với cả 2 chương trình phân ban và không phân ban và đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh không phải là nhiệm vụ dễ hoàn thành trong một đề thi. Điều này sẽ được thể hiện như thế nào ở năm nay?
Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 là: 427.239; trong đó, ĐH: 232.634 (tăng 12% so với năm 2007); CĐ: 194.607 (tăng 22,8% so với năm 2007); TCCN: 201.095 (tăng 12,6% so năm 2007). Tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào ĐH, CĐ năm 2008: 2.192.312; trong đó: ĐH: 1.575.441 (chiếm tỉ lệ 71,86%); CĐ: 616.871 (chiếm tỉ lệ 28,14%). Hồ sơ ĐKDT theo khối thi của ĐH, CĐ gồm: ĐH: Khối A: 793.851 (50,0%); Khối B: 323.078 (20,5%); Khối C: 153,909 (9,8%); Khối D: 222.558 (11,1%); Khối khác: 82.045 (8,6%); CĐ: Khối A: 358.491 (58,0%); Khối B: 57.248 (9,3%); Khối C: 76.191 (12,4%); Khối D: 84.835 (13,8%); Khối khác: 40.106 (4,5%). |
Không phải chỉ kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay mà trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2005 đã có học sinh tốt nghiệp THPT phân ban thí điểm và không phân ban.
Trong 2 kỳ thi tuyển sinh vừa qua, Ban đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ra đề thi cho cả 2 đối tượng thí sinh dự thi. Đề thi đã bám sát nội dung chương trình sách giáo khoa.
Thí sinh cũng đã làm bài với kết quả phân loại chính xác cao.
Nhiều trường đã tuyển sinh với điểm trúng tuyển rất cao, từ 25 điểm trở lên. Các trường còn lại tuyển sinh đủ chỉ tiêu với điểm trúng tuyển từ 14, 15 điểm trở lên mà không có khó khăn gì.
Theo thống kê ban đầu thì số sinh viên trúng tuyển học theo 2 chương trình này được xếp loại tổng kết rõ ràng và kết thúc năm học tốt. Đặc biệt, năm nay theo Quy chế thì đề thi có phần riêng ra theo chương trình THPT phân ban và THPT không phân ban, nhưng thí sinh chỉ được chọn 1 phần riêng thích hợp để làm bài mà không phân biệt thí sinh đó đã học theo chương trình nào. Nếu thí sinh làm cả 2 phần thì bị hủy kết quả phần riêng, còn phần chung vẫn được chấm.
Việc biên soạn đề thi có vất vả cho những người ra đề, nhưng với trình độ chuyên môn của đội ngũ ra đề thì hoàn toàn họ biên soạn tốt 2 nội dung trong một đề thi, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh hoàn thành tốt bài thi để có kết quả thi cao.
Lưu ý: thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Nếu thí sinh mà làm cả 2 phần riêng (dù làm hết hay không hết, dù đúng hay không đúng) làm bài bị coi là phạm quy. Phần riêng không được chấm, chỉ chấm điểm phần chung.
Giáo sư đã có lần phát biểu trên mạng rằng kỳ thi năm nay không căng thẳng như các năm trước. Xin cho biết lý do của khẳng định này? Thí sinh nào đến trường thi có thể yên tâm với kiến thức của mình nhất?
Đúng vậy, căng thẳng là do sức ép về tâm lý, trên thực tế kỳ thi không căng thẳng như những năm trước. Lý do: Năm nay chỉ tiêu tuyển sinh tăng nhiều, đại học tăng 12%; cao đẳng tăng khoảng gần 23%. Môn thi ngoại ngữ nhiều hơn, thêm môn tiếng Đức và tiếng Nhật.
Thí sinh dự thi cao đẳng theo đề thi chung của Bộ, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, thì có thêm 2 cơ hội tức là có thể dùng kết quả này để xét tuyển vào các trường cao đẳng khác nếu có kết quả thi bằng hoặc cao hơn mức điểm tối thiểu theo qui định của Hội đồng điểm sàn quốc gia. Chỉ tiêu vào các trường TCCN, cao đẳng nghề, trung cấp nghề, học nghề cũng rất lớn.
Tất cả học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông muốn được đào tạo nghề nghiệp thì đều có cơ hội cả nếu các em sẵn sàng tiếp nhận các cơ hội đó.
Đặc biệt, đầu năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký quyết định ban hành Quy chế về đào tạo liên thông giữa các trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, vì vậy các em thí sinh, tùy theo năng lực của bản thân để quyết định chọn trường thi, khối thi, ngành học phù hợp, sao cho có khả năng trúng tuyển cao theo năng lực của mình.
Sau khi tốt nghiệp, nếu có nguyện vọng các em có thể học tiếp lên các trình độ cao hơn, theo hình thức đào tạo liên thông.
Thí sinh tự chọn các câu hỏi để làm bài thi hay bắt buộc phải làm theo chương trình mình đã học?
Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2008 có 2 phần:
- Phần bắt buộc: Dành cho tất cả thí sinh (mà không phân biệt thí sinh đã học theo chương trình nào).
- Phần tự chọn: Dành cho thí sinh đã học theo chương trình THPT phân ban thí điểm và không phân ban.
Như vậy, chỉ có phần riêng của đề thi, thí sinh mới được tự chọn; còn phần chung là phần bắt buộc đối với tất cả thí sinh, mà không phân biệt thí sinh đó đã học theo chương trình nào (THPT phân ban thí điểm hay THPT không phân ban).
Thí sinh nên vào phòng thi với tâm trạng thế nào?
Các em thí sinh khi bước vào phòng thi nên bình tĩnh, tự tin, với tâm trạng thoải mái. Khi vào phòng thi nhớ kiểm tra các vật dụng cần thiết mang theo để làm bài thi theo qui định của qui chế;
Các vật dụng bị cấm, tuyệt đối không được mang vào phòng thi, vì theo qui định, nếu thí sinh mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi (dù sử dụng hay chưa sử dụng) đều bị lập biên bản đình chỉ thi.
Trong khi làm bài thi, thí sinh cần nghiêm túc bài làm, không được trao đổi, thảo luận với thí sinh khác (không được chép bài của bạn và cho người khác chép bài của mình). Tranh thủ thời gian tối đa để làm bài, nhất là đối với các bài thi trắc nghiệm, nhiều câu, thời gian ngắn.
Chân thành cám ơn Giáo sư.
(Theo TPO)
Các tin khác
Trong những ngày qua, rãnh áp thấp phía Tây gây mưa ở Bắc bộ và Trung bộ đã suy yếu dần, trời chỉ còn xuất hiện mưa rải rác ở vài nơi và nắng nóng bắt đầu xuất hiện. Tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương ngày 29-6 cho biết, khoảng những ngày đầu tháng 7 có khả năng lưỡi cao cận nhiệt đới gây nắng nóng sẽ lấn dần về phía Tây.
Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết sẽ tăng cường 70 chuyến xe buýt mỗi ngày từ 30/6 đến 18/7 để phục vụ nhu cầu đi lại trong kì thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2008.
YBĐT - Từ ngày 22/6 đến 26/6/2008, tại thị xã Nghĩa Lộ, Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (thuộc Tổng hội Địa chất Việt Nam, thành viên Liên hiệp các hội KHKT Việt Nam) đã tổ chức Hội thảo “ Niềm tin và bảo vệ rừng thiêng truyền thống của dân tộc Thái”.
YBĐT - Trấn Yên chú trọng phát triển giáo dục mầm non tại vùng khó khăn / Quỹ khuyến học các cấp tỉnh Yên Bái đạt gần 2 tỷ đồng