Đề nhẹ nhàng, nhiều thí sinh ra sớm

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/7/2008 | 12:00:00 AM

Đề thi môn Văn và môn Sinh không quá khó, thời tiết lại mát mẻ nên nhiều thí sinh hồ hởi ra về khi kết thúc buổi thi sáng nay. Một số thí sinh “phớt lờ” quy chế, cố tình mang điện thoại và “phao” vào phòng thi đã bị đình chỉ.




Một phòng thi thuộc Hội đồng thi ĐH Hà Nội.
Một phòng thi thuộc Hội đồng thi ĐH Hà Nội.

Đề không khó nhưng có câu phân loại

Sau trận mưa to đêm trước, sáng 9/7 thời tiết Hà Nội khá mát mẻ, giảm đi một phần căng thẳng cho các thí sinh dự thi ĐH đợt 2. Các thí sinh dự thi môn Văn ra về với tâm trạng rất phấn khởi.

Tại Hội đồng thi trường ĐH Văn Hoá, Vũ Đức Việt, quê ở Tuyên Quang làm bài môn Văn chỉ hết có 2/3 thời gian. Việt cho biết, đề bình thường, không quá khó, em trúng tủ được bài “Tây Tiến” của Quang Dũng nên ngồi làm một lèo. Trong 2 tiếng, Việt viết được 4 tờ giấy thi và yên tâm thấp nhất mình cũng được 6 điểm.

Cùng ra khỏi phòng thi với Việt, Nguyễn Thị Thuỷ, quê ở Nam Trực, Nam Định cho rằng câu 2 (5 điểm) hơi khó làm em mất nhiều thời gian nhất vì phải nêu cảm nhận về 2 đoạn thơ bộc lộ nỗi nhớ về Tây Bắc trong bài “Tây Tiến” của Quang Dũng và “Tiếng hát con tàu” của Chế Lan Viên.

Với Ngọc Lan quê TP Vinh thì: Đề bình thường, nhưng có câu IIIa khó quá, câu có nội dung là Trong tác phẩm Chữ người tử tù, vì sao tác giả Nguyễn Tuân lại ví tấm lòng của nhân vật quản ngục như “một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ”?. Thực sự câu này mất khá nhiều thời gian của em.

Vẫn nhiều thí sinh mang điện thoại và phao

Mặc dù đã được các trường phổ biến quy chế chặt nhưng nhiều thí sinh vẫn “phớt lờ”, mang điện thoại vào phòng thi.

Tại hội đồng thi trường Dịch Vọng 1A của Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi làm bài thi được 20 phút thì có tiếng chuông điện thoại của một thí sinh vang lên, giám thị ngay lập tức đã lập biên bản đình chỉ thi và giao cho công an điều tra. Cũng tại hội đồng thi này, một thí sinh bỏ thi vì bị viêm tai giữa.

Tại điểm thi số 1 của trường ĐH Ngoại ngữ thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, tuy chưa sử dụng nhưng đã bị đình chỉ.

Bà Phạm Thị Quy, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh ĐH Ngoại thương cho biết, tại điểm thi ở Thái Thịnh có một thí sinh mang điện thoại vào phòng thi, để chế độ tắt, mặc dù rất thương em nhưng các giám thị vẫn phải làm theo quy chế.

Đặc biệt, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đã có 3 thí sinh mang “phao” vào phòng thi. PGS.TS Phạm Gia Lâm, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh nhà trường cho biết, theo quy chế chỉ mang tài liệu vào phòng thi là bị đình chỉ, trong 3 thí sinh này thì 2 thí sinh đã sử dụng được 10 phút; còn 1 thí sinh chưa sử dụng nhưng chúng tôi đã đình chỉ. Chiều 9/7, trường yêu cầu các giám thị tăng cường giám sát chặt chẽ thí sinh mang tài liệu vào phòng thi.

Một thí sinh giấu tên dự thi vào ĐH Văn hóa, tại Phòng 78, điểm thi trường THCS Tân Trào - Hoàn Kiếm cho biết tại phòng thi của mình có thí sinh mang tài liệu vào. Giám thị phòng thi chỉ phát hiện ra khi tài liệu này được vứt ra sàn và không xác định được là của ai.

Nhiều thí sinh nộp… 9 bộ hồ sơ

Ông Đỗ Duy Truyền, Phó Chủ tịch Hội đồng thi ĐH Hà Nội cho biết, số thí sinh đến dự thi của trường sáng nay chỉ đạt 55%, thấp hơn rất nhiều so với năm trước.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vì thi khối D nên có nhiều thí sinh nộp đến 9 hồ sơ vào trường (thường thì mỗi thí sinh nộp 2 hồ sơ) với nhiều ngành khác nhau nhưng đến phút chót, thí sinh nghe ngóng xem ngành nào ít thí sinh đăng ký dự thi thì đăng ký vào. Do vậy, số ảo của trường rất cao, đến 45% - ông Truyền nói.

Được biết, đợt thi này ĐH Hà Nội có hơn 5.000 thí sinh dự thi. Điểm chuẩn vào các ngành năm trước của trường từ 28-29 điểm (có nhân hệ số Ngoại ngữ).

Trường ĐH Công đoàn đợt thi này cũng chỉ có 60,9% thí sinh đến dự thi. Ông Vũ Quang Thọ, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh của trường cho biết, trường chấp nhận ảo và chấp nhận bù lỗ khoảng vài trăm triệu để tuyển thí sinh.

“Tôi kiến nghị với Bộ nâng cao tiền lệ phí hồ sơ để tránh bù lỗ cho các trường và giảm hồ sơ ảo. Bên cạnh đó, Bộ nên có phần mềm về tuyển sinh cho các trường để quản lý hồ sơ đăng ký dự thi vào trường” - ông Thọ đề xuất.

ĐH Văn hoá Hà Nội sáng nay chỉ có 65% thí sinh đến dự thi, ông Nguyễn Văn Cương, Phó Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh của trường cho biết, số thí sinh đến dự thi năm nay tăng hơn so với năm trước là 3.000.

Tại trường ĐH Y Hà Nội, số thí sinh đăng ký dự thi năm nay giảm gần 600 thí sinh so với năm ngoái. Kết thúc ngày 8/7, số thí sinh dự thi đạt 67,81% (7354/10.859 TS) và sáng 9/7, tỷ lệ này tăng lên 70,69%, đạt gần xấp xỉ so với năm ngoái.

Chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH Y năm nay là 800 sinh viên. Theo ông Đào Văn Long, Phó hiệu trưởng nhà trường, trường cũng chỉ tuyển hết số chỉ tiêu này, không tuyển thêm.

(Theo Dân Trí)

Các tin khác

YBĐT - Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Yên Bái phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lục Yên tổ chức “Huấn luyện công tác bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ” đóng trên địa bàn huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu ngày 8-7 đã ban hành quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế trong dự phòng và điều trị. Đây là quy định cụ thể nhất về quản lý lĩnh vực tiêm chủng sau nhiều vụ tai biến xảy ra sau tiêm vắc-xin thời gian vừa qua.

YBĐT - Trong 2 ngày 7,8/7/2008, tại Yên Bái, Văn phòng dự ánV4/NUY đã sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2008. Năm nay là năm thứ 3 Dự án V4/NAUY về hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển tỉnh Hội chữ thập đỏ. được triển khai ở Việt Nam, gồm 4 tỉnh: Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc và Bình Định.

Mô hình chăn nuôi lợn của NCT xã Đại Phác (Văn Yên).

YBĐT – Nhiều năm qua, Hội Người cao tuổi (NCT) huyện Văn Yên đã có những đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục