Dân số gia tăng, áp lực lớn tới nền kinh tế
- Cập nhật: Thứ năm, 17/7/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sự gia tăng dân số sẽ tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế, phải đáp ứng lương thực thêm cho khoảng nửa triệu người mỗi năm, kèm theo đó là các dịch vụ khác về hạ tầng cơ sở như: nhà ở, giao thông đi lại, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, việc làm..., tất cả sẽ tạo nên một áp lực rất lớn đối với nền kinh tế của đất nước.
Phụ nữ dân tộc Dao đỏ tổ chức tuyên truyền về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình.
|
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, công tác dân số/kế hoạch hóa gia đình (DS/KHHGĐ) của nước ta đã thu được những thành tích đáng khích lệ. Tỷ lệ phát triển dân số giảm dần qua từng năm, đã có những năm tỷ lệ phát triển dân số gần đạt mức sinh thay thế, tương đương 1%/năm; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm nhiều so với những năm 80 của thế kỷ 20 trước; tổng tỷ xuất sinh đạt 2,1 con/phụ nữ. Với những thành tích đó, Việt Nam được Liên hợp quốc khen thưởng về công tác DS/KHHGĐ vào năm 1999. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, công tác này đang có xu hướng buông lỏng ở nhiều địa phương, dẫn tới những diễn biến khó lường về quy mô cũng như chất lượng dân số, tiếp tục gây áp lực lớn cho nền kinh tế nước ta.
Như chúng ta đã biết, dân số là một vấn đề rất nhạy cảm, liên quan đến tất cả mọi người, đến mỗi gia đình, đến các địa phương và toàn xã hội, chỉ một sự hiểu chưa đúng về một chính sách nào đó cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc giảm sinh, ảnh hưởng đến việc ổn định quy mô và chất lượng dân số. Do phong tục tập quán; do nhận thức về lợi ích của công tác DS/KHHGĐ của một bộ phận không nhỏ người dân còn có những bất cập, vì vậy bên cạnh việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người, thì những chính sách về hạn chế tốc độ gia tăng dân số trong giai đoạn hiện nay vẫn rất cần thiết, đặc biệt là những vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Theo thông báo của Tổng cục Dân số, 6 tháng đầu năm 2008 tỷ xuất sinh thô tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tỷ lệ sinh con thứ 3 tăng 17,3%. Với tỷ lệ như hiện nay, dân số nước ta tăng khoảng 1,5 đến 1,6 triệu người một năm, nhiều hơn những năm trước khoảng 300 đến 500 ngàn người mỗi năm. Sự gia tăng dân số sẽ tác động không nhỏ đến toàn bộ nền kinh tế, phải đáp ứng lương thực thêm cho khoảng nửa triệu người mỗi năm, kèm theo đó là các dịch vụ khác về hạ tầng cơ sở như: nhà ở, giao thông đi lại, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, việc làm..., tất cả sẽ tạo nên một áp lực rất lớn đối với nền kinh tế của đất nước.
Một khía cạnh rất đáng quan tâm nữa là sự mất cân bằng về giới, tâm lý mong muốn có con trai trong giai đoạn hiện nay đã được các phương tiện chẩn đoán hiện đại tiếp tay một cách có hiệu quả, các cặp vợ chồng có thể biết giới tính con mình từ khi thai còn rất nhỏ, nhiều em gái không có cơ hội chào đời nếu rơi vào một số gia đình đang mong muốn có con trai. Chính vì vậy, hiện nay đã có sự chênh lệch khá rõ về giới, theo thống kê hiện nay, tỷ lệ bé trai trên bé gái được sinh ra là: 116 bé trai thì mới có 100 bé gái. Tỷ lệ này còn chênh lệch hơn ở một số vùng miền khác nhau, đặc biệt có nơi tỷ lệ này là 130 bé trai/100 bé gái. Vấn đề mất cân bằng về giới sẽ có những tác động lâu dài cho toàn xã hội, đặc biệt là giới nữ có vai trò quan trọng trong đảm bảo duy trì và phát triển giống nòi, là cái nôi cho cả loài người. Ở một số nước trên thế giới đang phải giải quyết vấn đề mất cân bằng về giới khá nan giải và phức tạp, nhiều người đàn ông nếu không có điều kiện sẽ không thể có vợ.
Để công tác DS/KHHGĐ sớm đi vào ổn định mỗi chúng ta cần nhận thức rõ một số nội dung như sau:
Công tác DS/KHHGĐ là nhiệm vụ của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, của mỗi gia đình, mỗi cặp vợ chồng, mỗi cá nhân và của toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác DS/KHHGĐ là nhiệm vụ, là lương tâm và trách nhiệm cho đất nước hôm nay và cho cả thế hệ mai sau. Thực hiện mục tiêu giảm sinh, xây dựng gia đình quy mô nhỏ, mỗi gia đình chỉ có một hoặc hai con, không sinh con thứ ba, các con cách nhau từ 3 đến 5 năm, tổ chức nuôi dạy con tốt, các con được chăm sóc, được học hành, được sống trong một môi trường an toàn và không có bạo lực.
Tiếp tục triển khai đầy đủ các biện pháp tránh thai xuống tận địa bàn cơ sở, đảm bảo đáp ứng đầu đủ nhu cầu cho các đối tượng có nguyện vọng tránh thai, các biện pháp tránh thai phải thực sự an toàn, tiện lợi và có hiệu quả cao, tăng cường các biện pháp tránh thai có hồi phục.
Tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về các nội dung liên quan đến công tác DS/KHHGĐ; cần nhấn mạnh sự mất cân bằng về giới; những ảnh hưởng về trước mắt cũng như lâu dài đối với toàn xã hội; những áp lực của sự gia tăng dân số với toàn bộ nền kinh tế.
Sớm củng cố hệ thống bộ máy quản lý công tác DS/KHHGĐ từ tỉnh xuống huyện, xã và thôn bản, đặc biệt chú ý duy trì đội ngũ cộng tác viên dân số trong công tác truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và triển khai các biện pháp tránh thai tại cơ sở, có chế độ đãi ngộ phù hợp cho đội ngũ này.
Từng bước nghiên cứu để hợp nhất 3 chức danh: y tế thôn bản, cộng tác viên dân số, cộng tác viên dinh dưỡng để vừa tăng hiệu quả công việc vừa có thêm thu nhập cho cán bộ. Trong giai đoạn hiện tại vẫn cần có các biện pháp hành chính nhằm ngăn chặn tình trạng sinh con thứ 3, trách nhiệm được giao cho lãnh đạo chính quyền cấp cơ sở, thủ trưởng các đơn vị, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, đơn vị lực lượng vũ trang, công an nhân dân.
Các đơn vị có thể gắn việc thực hiện công tác DS/KHHGĐ với việc bình xét các danh hiệu thi đua, đề bạt, nâng lương...; triển khai đồng bộ các dịch vụ chăm sóc trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi xuống dưới 20% vào năm 2010; chăm sóc tốt các bà mẹ trước, trong và sau sinh; triển khai các nội dung chăm sóc sức khỏe vị thành niên; phòng chống bạo lực gia đình, tạo môi trường sống an toàn và lành mạnh cho trẻ em.
Công tác DS/KHHGĐ trong những năm sắp tới vẫn cần được chú trọng, đặc biệt các địa phương, cơ quan, ban ngành phải coi chỉ tiêu phát triển dân số là một trong những chỉ tiêu quan trọng hàng đầu trong chiến lược phát triển chung của toàn xã hội. Nếu chúng ta không thực hiện tốt công tác DS/KHHGĐ thì mọi kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước sẽ bị những ảnh hưởng rất lớn, mục tiêu tăng trưởng kinh tế, khống chế lạm phát sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra.
Làm tốt công tác DS/KHHGĐ chúng ta sẽ góp phần bình ổn thị trường, giảm áp lực cho nền kinh tế, không ngừng ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
BS: Trần Khắc Quyền
(GĐ Trung tâm TT – GDSK)
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu năm đến nay, Huyện Đoàn Lục Yên (Yên Bái) đã triển khai, hướng dẫn các Đoàn xã, thị trấn thực hiện chương trình phối hợp giữa tổ chức đoàn với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh về ủy thác, cho vay đối với thanh niên là hộ nghèo và các đối tượng chính sách.
Theo bà Nguyễn Lan Châu, Phó Giám đốc TT Dự báo Khí tượng thủy văn, mùa hè năm nay có thể kết thúc sớm hơn năm trước (năm 2007, mùa hè bắt đầu từ tháng 4 và kéo dài đến tháng 9). Khu vực miền Bắc và miền Trung có thể chịu ảnh hưởng của 3 - 4 đợt nắng nóng nữa, tuy nhiên sẽ không gay gắt và kéo dài.
Trong tháng 7/2008, giao Bộ Tài Chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai thực hiện Luật Thuế thu nhập cá nhân.
YBĐT - Chiến tranh đã lùi xa hơn 30 năm những nỗi đau nó để lại vẫn còn dai dẳng, di chứng của chất độc da cam thì vẫn còn đó, đè nặng lên hàng ngàn gia đình và hàng triệu con người.