Nỗi niềm học sinh bán trú

  • Cập nhật: Thứ tư, 15/10/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Cách trở về giao thông, đói nghèo cản bước khiến bao học trò đã tốt nghiệp tiểu học ở các thôn bản vùng cao, vùng sâu ở huyện Văn Yên (Yên Bái) không thực hiện được ước mơ, học tiếp trung học cơ sở (THCS). Các em tới trường mang theo cả nỗi niềm cảm thông của những người có trách nhiệm.

Học sinh bán trú Trường trung học cơ sở xã Lâm Giang (Văn Yên) trước khu nhà ở
nội trú.
Học sinh bán trú Trường trung học cơ sở xã Lâm Giang (Văn Yên) trước khu nhà ở nội trú.

Về Lâm Giang, khi thấy tôi nhắc tới chuyện huy động học sinh bán trú phổ cập THCS, ông Vũ Mạnh Hải – Chủ tịch UBND xã, giọng trầm buồn: “Đã có đến 3 – 4 năm nay, tình trạng học sinh học xong tiểu học ở các thôn bản xa không huy động được tới trường. Năm học này, qua khảo sát, Lâm Giang có tới 160 học sinh ở các thôn bản xa đã học xong tiểu học ở các lứa tuổi từ lớp 6 đến lớp 9. Chính quyền xã đã cùng với Trường THCS Lâm Giang ngay từ những ngày chuẩn bị bước vào năm học tới từng hộ gia đình có con em trong độ tuổi để vận động đi  học bán trú... Nhưng buồn thay, kết cục cũng bởi tại đường xa và cái nghèo níu kéo, nên năm học này vẫn có 160 học sinh bán trú không huy động được tới trường. Có một nguyên nhân nữa là hầu hết số học sinh ở các xã vùng sâu, vùng xa đều là học sinh nghèo. Nhưng theo qui định thì những em nào gia đình có sổ hộ nghèo mới được trợ cấp 140 nghìn đồng/ tháng nên việc huy động đi học bán trú cũng rất khó!”.

Cũng như nhiều xã khác ở Văn Yên và các huyện vùng cao ở Yên Bái, con em các dân tộc ở các thôn vùng sâu, xa trong xã đều đã học xong chương trình tiểu học, do có các lớp học tại thôn bản. Nhưng khi học xong tiểu học, việc huy động học sinh vùng sâu đi học THCS gặp nhiều khó khăn như Lâm Giang chỉ có duy nhất một trường THCS nằm ở trung tâm xã, trong khi xã  hiện đang có 4 thôn gồm: thôn 15, thôn 17, thôn 8 và thôn 9 ở khu Ngòi Khay, Ngòi Trục nằm xa Trường THCS; thôn gần nhất cũng tới 6 cây số, thôn xa nhất tới 14 cây lại phải trèo đèo, lội suối chủ yếu bằng phương tiện... "hai cẳng"! Đặc biệt vào mùa mưa lũ thì việc đi lại càng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, 4 thôn này đang có tới 80 học sinh trong độ tuổi phải huy động đến trường trung học cơ sở học bán trú, nhưng cuộc sống khó khăn, đường đi cách trở nên các em đều ở nhà. 

Thôn 17, xã Lâm Giang, là thôn xa nhất nằm ở khu vực Ngòi Khay, cách trung tâm xã 14 km, trong trận lũ vừa qua, đường bị hư hỏng nặng. Để học sinh trong thôn kịp đi khai giảng năm học mới, xã phải huy động nhân công tới khắc phục cả chục ngày trời  mới đi lại được. Cả thôn có hơn 50 hộ, tính từ năm 1996 đến nay, kể từ khi Trường THCS được xây dựng đã 12 năm chỉ có duy nhất một học sinh tốt nghiệp ở trực tiếp tại nhà Chủ tịch xã. Số còn lại có bằng THCS và trung học phổ thông đều do được đi học tại Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh. Năm nay, trong số 4 học sinh của thôn trong độ tuổi huy động tới trường, ông Hải lại đón thêm 2 em nữa về nghỉ tại nhà mình để theo học.

Cùng anh Nguyễn Minh Tuấn – Hiệu trưởng Trường THCS Lâm Giang thăm nơi ăn nghỉ của các em học sinh bán trú, anh cho biết: "Các phòng ở cho học sinh nhà trường chỉ đủ cho khoảng 40 em bán trú. Nhưng hiện nay nhà trường chỉ có 22 học sinh đang theo học lớp 6 và lớp 7. Nếu năm học này mà huy động đủ 160 học sinh thì các em phải ở nhờ nhà dân mới đủ. Học sinh theo học tại đây chủ yếu là con em các gia đình nghèo. Nhà trường không có biên chế cán bộ làm công tác quản sinh, phục vụ ăn uống cho các em, nên các em đều tự nấu lấy”. Nói đến đây, tôi nghe giọng anh lắng xuống: “Chốc nữa anh cứ ở lại xem các em nấu ăn thì biết, bữa ăn chỉ có rau thôi!”. Bước vào căn nhà xây lợp tấm lợp xi măng thấp lè tè, phía trong căn phòng ở tối tăm thiếu ánh sáng vừa học, vừa ngủ của các em chăn màn luộm thuộm do thiếu bàn tay chăm sóc chỉ bảo của người lớn, nhưng để động viên thầy hiệu trưởng, tôi gật đầu: “Dẫu sao thì các em ở vẫn hơn các lớp bán trú ở huyện vùng cao!”.

May mắn, tôi gặp được các em sau giờ tan học trên lớp trở về trước khu nhà ở nội trú. Đặng Thị Vên, cô bé người Dao 12 tuổi bẽn lẽn: “ Nhà cháu ở thôn 9, nghèo lắm! Cháu là chị cả, có 2 em trai. Bố thì tàn tật, mẹ không được khoẻ lắm. Mỗi tuần ngoài gạo mang từ nhà đi, bố mẹ cháu cho 10 nghìn đồng không đủ mua rau, chú ạ! Hàng tuần cứ vào thứ 7, chủ nhật cháu lại phải đi bộ 9 cây số về nhà để lấy gạo và tiền để lên trường theo học”. Còn cậu học trò trai lém lỉnh đứng cạnh là Nguyễn Văn Tậy chen vào: “Cháu được bố mẹ cho nhiều hơn một chút, mỗi tuần 15 nghìn đồng, cũng chỉ đủ mua rau, muối thôi!”.

Cũng theo thầy Tuấn vì những khó khăn trên mà trong số 160 học sinh năm nay nhà trường không huy động được đi học bán trú có 120 em đã được học bổ túc, nhưng không được Phòng Giáo dục chấp nhận. Tại hội nghị bàn giải pháp phổ cập THCS bền vững của huyện, lãnh đạo xã Lâm Giang đã đưa ra giải pháp đưa giáo viên vào các thôn bản dạy từng môn cuốn chiếu, nhưng không nhận được sự đồng tình của Phòng Giáo dục vì đòi hỏi phải đủ số tiết và chương trình theo qui định mới bảo đảm được chất lượng phổ cập.

Theo báo cáo của lãnh đạo Phòng Giáo dục Văn Yên, tỷ lệ huy động học sinh THCS của huyện năm học này chưa đạt kế hoạch đề ra. Riêng học sinh lớp 6 so với kế hoạch đề ra mới đạt 92%, do có tới 161 em trong độ tuổi không theo học bán trú. Không chỉ ở xã Lâm Giang, nhiều xã vùng cao cũng do nhà xa trường, điều kiện ăn ở tập trung khó khăn nên xã Dụ Thượng có 24 em, Xuân Tầm 7 em, Mỏ Vàng 10 em, Lang Thíp 14 em, Quế Thượng 14 em và Đại Sơn 11 em không theo học bán trú. Trước thực trạng trên, để phổ cập THCS bền vững, ngành giáo dục cần quan tâm đầu tư xây dựng nơi ăn nghỉ đảm bảo đủ điều kiện cho học sinh bán trú; có biên chế cán bộ làm công tác quản sinh cũng như phục vụ đời sống học sinh bán trú. Đồng thời, ngành có kiến nghị với Chính phủ trợ cấp 140 nghìn đồng/ tháng cho tất cả học sinh học bán trú ở các thôn bản vùng sâu, vùng xa, bởi hầu hết học sinh ở các thôn bản vùng sâu, xã đều là học sinh nghèo. Có như vậy mới động viên được các em tới lớp.

Ước muốn được theo học của các em hay mục tiêu phổ cập THCS của ngành giáo dục có đạt được hay không vẫn đang là nỗi niềm xoay quanh “cái nghèo và sự khó” ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đang cần sự trợ  giúp của các cấp, ngành liên quan.

Đào Minh

Các tin khác
Năm nay, miền Bắc sẽ không có những đợt rét đậm kéo dài

"Đợt lạnh đầu tiên ở Miền Bắc xuất hiện vào khoảng cuối tháng 10 (từ 20 đến 30/10). Nhiệt độ những ngày này chỉ xấp xỉ 20 độ C nhưng do là rét đầu mùa nên người dân sẽ cảm thấy lạnh hơn nhiệt độ thực tế", bà Nguyễn Liên Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, cho biết.

Lúc 10g30 sáng nay, 14-10, ông Bùi Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh (Quảng Nam), cho biết đã tìm thấy xác của 4 trong số 6 nạn nhân bị chết trong vụ sụp hầm khai thác vàng tại núi Sũng Bùn, thôn 9, xã Tam Lãnh.

Điện thoại di động trở thành vật sở hữu quen thuộc với nhiều tầng lớp lao động.

Theo báo cáo của Bộ LĐTB-XH, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 58% (năm 1993) xuống còn 16% (năm 2006), có khoảng 34 triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo đói. Như vậy, Việt Nam đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ là đến năm 2015 giảm 1/2 số người nghèo.

Theo thông báo của Văn Phòng Chính phủ tại công văn số 6830/VPCP-KTTH, ngày 13/10, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã giao Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước tạm ứng cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho học sinh, sinh viên học kỳ I năm học 2008-2009 vay vốn tín dụng trong tháng 10/2008.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục