Tuổi trẻ Yên Bái: Sống đẹp - làm theo lời bác
- Cập nhật: Thứ hai, 20/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tại Hội nghị “Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Ban Chỉ đạo Tây Bắc tổ chức tại Sơn La ngày 14/10/2008, tỉnh Yên Bái có 2 cơ sở Đoàn xuất sắc và 3 gương thanh niên dân tộc “Sống đẹp - làm kinh tế giỏi” được khen thưởng và tuyên dương trong “Đêm hội Sắc màu tuổi trẻ - Sắc màu đoàn kết”.
Tuổi trẻ Yên Bái xung kích tình nguyện giúp nhân dân khắc phục sau bão lũ.
Ảnh:
Phương Linh
|
Yên Bái cũng là một trong những tỉnh được nhắc đến nhiều lần trong báo cáo của Ban chấp hành (BCH) Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên các dân tộc khu vực miền núi và biên giới phía Bắc giai đoạn 2002 - 2008 với những thành tích nổi bật trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động.
Sức trẻ Yên Bái trên những công trường thanh niên tình nguyện
Phong trào thanh niên tình nguyện (TNTN) vì cuộc sống cộng đồng, xung kích tham gia các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được Tỉnh đoàn Yên Bái triển khai thực hiện có hiệu quả. Nét nổi bật trong hoạt động công tác đoàn và phong trào thanh niên những năm qua ở Yên Bái là tổ chức các mô hình công trường TNTN tham gia đảm nhận những việc mới, việc khó, những vấn đề đang được xã hội quan tâm, như: làm đường giao thông đến các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; trồng rừng kinh tế, phát triển kinh tế đồi rừng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Các công trường TNTN của tuổi trẻ Yên Bái trong những năm qua đã góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, được Đảng bộ và chính quyền tỉnh đánh giá cao.
Nhắc đến các công trường TNTN ở Yên Bái không thể không nhắc đến công trường mở đường giao thông đến xã vùng cao đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng, Làng Nhì huyện Trạm Tấu. Đây là công trình TNTN Yên Bái phát huy truyền thống mở đường thắng lợi, tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2004). Sức trẻ, ý chí quyết tâm, nhiệt huyết của hàng ngàn thanh niên Yên Bái đã khiến núi cao, vực sâu phải cúi đầu khuất phục. Trong ký ức của hàng ngàn thanh niên Yên Bái đã in đậm dấu ấn những ngày lao động trên công trường tình nguyện, những tháng ngày đã tạo nên sức mạnh đoàn kết, là động lực tinh thần cổ vũ, ý chí “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên” theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu.
Trong Tháng Thanh niên 2008, TNTN Yên Bái đã tổ chức khai hoang ruộng nước trên một cánh đồng bị bỏ hoang từ những năm 60 của thế kỷ trước tại một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh. 150 TNTN (dân tộc Mông và dân tộc Thái) đã được huy động, tổ chức khai hoang giúp nhân dân, xoá tan nỗi ám ảnh về một “cánh đồng ma” cho người dân nơi đây, góp phần làm chuyển biến nhận thức, mở ra một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
Và nữa, nhiều công trường TNTN trồng rừng kinh tế, giúp nhân dân phát triển kinh tế đồi rừng được triển khai thực hiện có hiệu quả. Trong chiến dịch TNTN hè 2008, Tỉnh đoàn Yên Bái đã huy động trên 300 TNTN là thanh niên dân tộc thiểu số giúp nhân dân trồng 30 ha cây sơn tra xen kẽ thông mã vỹ (rừng phòng hộ) tại vùng đồng bào dân tộc Mông, mở nhiều công trường làm đường giao thông nông thôn tại Lục Yên, Yên Bình, Văn Yên, Nghĩa Lộ...
Và những tấm gương thanh niên dân tộc Yên Bái “Sống đẹp - Làm kinh tế giỏi”
Trong tổng số 27 cơ sở đoàn tiêu biểu được Ban Chỉ đạo Tây Bắc tặng bằng khen tại Hội nghị “Tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên các dân tộc khu vực miền núi phía Bắc”, Yên Bái có 2 đơn vị là Đoàn xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu và Đoàn xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải. 3 cá nhân được Ban Bí thư Trung ương Đoàn tặng bằng khen tại hội nghị, được tuyên dương và trao Cup “Thanh niên sống đẹp - Làm kinh tế giỏi” trong “Đêm hội Sắc màu tuổi trẻ - Sắc màu đoàn kết” được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV 6 Đài Truyền hình Việt Nam đêm 14/10 thực sự là những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc của trên 193 ngàn thanh niên Yên Bái.
Đó là Trương Thị Bắc, dân tộc Tày ở thôn 7, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên. Một đoàn viên đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong trồng lúa, hoa màu, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thu nhập bình quân từ 50 - 60 triệu đồng/năm. Bắc còn tích cực phối hợp BCH chi đoàn tổ chức phổ biến khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất cho đoàn viên thanh niên trong thôn học tập, làm theo.
Đó là tấm gương Hờ A Hú, dân tộc Mông, Bí thư Đoàn xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải - người đã xây dựng tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, trực tiếp là tổ trưởng, góp phần giúp bà con và đoàn viên thanh niên trong xã tham gia phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo. Hờ A Hú đã cùng BCH chi đoàn tổ chức nhiều phong trào hành động cách mạng nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò xung kích tình nguyện, tham gia phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm liền, Đoàn xã Chế Cu Nha được công nhận là đơn vị vững mạnh.
Đó là Sùng Tồng Chư, dân tộc Mông, Bí thư Đoàn xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu, một tấm gương tích cực vận động đoàn viên thanh niên trong xã tham gia các công trình, phần việc thanh niên, góp phần tham gia phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, như: nhận trồng 60 ha rừng phòng hộ, tham gia tu sửa trường học, làm đường giao thông nông thôn, đường liên thôn, bản, tham gia công tác chống tái trồng cây thuốc phiện; giúp đỡ các hộ gia đình thuộc diện hưởng Chương trình 134 của Chính phủ xoá nhà dột nát... với hàng ngàn ngày công lao động.
Trong các giai đoạn cách mạng, thanh niên luôn nêu cao vai trò lực lượng xung kích, là đội hậu bị vững chắc của Đảng. Trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay, thanh niên càng phát huy vai trò qua các phong trào: xung kích bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng; xung kích lao động sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội; xung kích thực hiện cải cách hành chính; xung kích trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Cùng với thanh niên cả nước thực hiện cuộc vận động “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác”, thanh niên Yên Bái đang đẩy mạnh cuộc vận động “Tuổi trẻ Yên Bái học tập và làm theo lời Bác” với những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả, mang ý nghĩa xã hội sâu sắc. Học tập và làm theo lời Bác chính là “sống đẹp – làm kinh tế giỏi”, là công dân có ích của xã hội, mang lại niềm vui, hạnh phúc, ấm no cho chính gia đình, bản thân và quê hương mình.
Hồng Thanh Tâm
Các tin khác
YBĐT - Anh Hoàng Ngọc Hải, công nhân Chi nhánh điện lực Yên Bái bị mắc bệnh suy thận từ năm 2003, hàng tuần phải về Bệnh viện Bạch Mai chạy thận nhân tạo, chi phí chữa bệnh vượt quá khả năng chi trả của gia đình nên hoàn cảnh gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình trạng sức khỏe và hoàn cảnh gia đình anh Hải, Công đoàn Chi nhánh điện Lục Yên đề nghị chuyên môn bố trí công việc phù hợp với sức khỏe, anh em trong đơn vị cùng chia sẻ, gánh vác công việc thay anh Hải trong thời gian đi chữa bệnh, đồng thời vận động đoàn viên công đoàn trong đơn vị quyên góp, ủng hộ mỗi người một ngày lương giúp đỡ gia đình anh.
YBĐT - Hội Phụ nữ huyện Trấn Yên hiện có 15.555 hội viên và là một lực lượng đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - văn hoá xã hội của địa phương. Tuy nhiên là huyện vùng thấp, kinh tế chậm phát triển, cách thức làm ăn còn nhỏ lẻ, manh mún chậm đổi mới nên đời sống của nhân dân trong huyện còn gặp nhiều khó khăn.
YBĐT - Toàn huyện Mù Cang Chải có 31 trường học (trong đó 1 trung tâm giáo dục thường xuyên) với 552 lớp, 14.452 học sinh các cấp và trên 830 cán bộ giáo viên. Năm 2001 huyện hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, năm 2007 hoàn thành phổ cập giáo dục THCS. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì chất lượng giáo dục của huyện Mù Cang Chải vẫn còn nhiều điều rất băn khoăn.
YBĐT - Hội phụ nữ phường Nguyễn Thái Học là một trong nhiều Hội phụ nữ cơ sở hoạt động hiệu quả trên địa bàn thành phố. Bởi sự sáng tạo trong các phong trào Hội, bởi sự cụ thể hóa các hoạt động, nhiệm vụ của Hội với thực tế tại địa phương, phù hợp với hoàn cảnh của từng hội viên.