Chất lượng giáo dục thấp kém và những nguyên nhân chính
- Cập nhật: Thứ tư, 22/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay quy mô trường lớp của tỉnh Yên Bái đã đảm bảo nhu cầu học tập của con em nhân dân, tuy nhiên do điều kiện thực tế của một tỉnh miền núi nên chất lượng giáo dục của tỉnh vẫn còn hạn chế. Tỷ lệ bỏ học của học sinh còn cao ở bậc học tiểu học, Yên Bái thuộc 10 tỉnh có học sinh chất lượng yếu nhất toàn quốc, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thấp, đứng thứ 62/64 tỉnh thành...
Học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành.
|
Phân tích kết quả công tác giáo dục và đào tạo thời gian qua cho thấy có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng giáo dục trong tỉnh thấp kém. Trước hết, trong quãng thời gian từ năm 1990 đến nay, do yêu cầu nhiệm vụ của công tác phổ cập nên trong giáo dục chỉ quan tâm tới số lượng huy động học sinh mà chưa thực sự quan tâm tới chất lượng.
Đối với giáo dục tiểu học, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, do tỷ lệ trẻ học mẫu giáo 5 tuổi thấp nên nhiều học sinh lớp 1 không đọc được, học sinh lớp 4, lớp 5 đọc không thông, viết không thạo. Năm học 2006 – 2007, bậc tiểu học có 12,5% học sinh yếu môn tiếng Việt, 12% học sinh yếu môn Toán. Chất lượng bậc tiểu học thấp dẫn đến chất lượng đầu vào của THCS và THPT không cao và thiếu vững chắc.
Riêng bậc học THPT chỉ có các trường là: THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Chu Văn An, Lê Quý Đôn, THPT Nghĩa Lộ, Trần Nhật Duật thực hiện thi tuyển còn lại là xét tuyển. Ngay cả đối với trường thực hiện thi tuyển hay xét tuyển thì với tinh thần thu hút hết nhu cầu học tập của con em nhân dân nên đầu vào của bậc học này không cao và đương nhiên kết quả học tập cũng như kết quả thi tốt nghiệp của học sinh cũng rất thấp. Mặt khác, chương trình sách giáo khoa mới thực sự quá tải đối với học sinh miền núi. Khi học sinh học kém ở lớp 1 thì dĩ nhiên các lớp sau, bậc học sau sẽ không thể cho kết quả tốt, nhất là ở các lớp phổ cập.
Vấn đề về cơ sở vật chất trường lớp học cũng là một nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Những năm qua, thực hiện các chương trình đầu tư như: chương trình kiên cố hoá trường, lớp học giai đoạn I, các chương trình mục tiêu, xây dựng cơ bản tập trung và một số chương trình khác, hệ thống trường lớp trên địa bàn đã được cải thiện rõ nét, đặc biệt là trường lớp thuộc những vùng đặc biệt khó khăn được xây dựng kiên cố, khang trang.
Tuy nhiên, so với nhu cầu phát triển thì cơ sở vật chất trường lớp học ở Yên Bái vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong các cấp học, thì bậc tiểu học có hệ thống trường lớp tốt nhất, còn ngành học mầm non là khó khăn nhất, thiếu trường, thiếu lớp thiếu cả cơ sở vật chất. Đối với bậc học THCS và THPT, thực trạng cơ sở vật chất hiện nay chỉ đảm bảo cho phòng học thông thường, các phòng học chức năng, phòng thiết bị, phòng bộ môn còn thiếu rất nhiều. Một số nơi giải quyết việc học 2 ca nhưng khi thực hiện phụ đạo cho học sinh phải tổ chức vào buổi tối. Đối với vùng cao, ở những trường có lớp bán trú, do khó khăn về cơ sở vật chất, nơi ăn ở, sinh hoạt của học sinh đều tạm bợ, chật chội, có trường phải bố trí học sinh ở ngay trong lớp học do vậy tỷ lệ chuyên cần và chất lượng học tập của học sinh không cao là điều dễ hiểu.
Cùng với nguyên nhân về chất lượng đầu vào của học sinh, về điều kiện cơ sở vật chất, về nguồn tài chính... thì vấn đề về chất lượng đội ngũ giáo viên đã được ngành giáo dục và đào tạo xác định cũng là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng giáo dục thấp kém như hiện nay. Do nhiệm vụ mang tính lịch sử là thực hiện công tác phổ cập nên việc đào tạo cán bộ, giáo viên trong những năm qua đã không bắt được dự báo dẫn đến tình trạng thừa, thiếu cũng như chất lượng giáo viên không đảm bảo, việc rà soát, quy hoạch đội ngũ cho phù hợp với quy mô hiệu quả chưa cao.
Hiện tại, toàn tỉnh đã có trên 82% giáo viên đạt chuẩn. Tính theo bậc học thì tiểu học có 57,4%, THCS 76% và THPT trên 92%, tuy nhiên thực tế việc làm chủ sách giáo khoa của giáo viên vẫn còn khoảng cách nhất định. Toàn tỉnh còn thiếu tới 943 giáo viên mầm non, 281 giáo viên tiểu học, 242 giáo viên THCS. Tính theo quy mô, tất cả các huyện đều thiếu giáo viên ngành học mầm non, trừ thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên; trừ Trấn Yên, Lục Yên, thị xã Nghĩa Lộ, thành phố Yên Bái, còn lại các địa phương đều thiếu giáo viên bậc THCS.
Ông Trần Xuân Hưng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: "Ngoài thiếu giáo viên theo quy mô, tình trạng thừa, thiếu giáo viên giữa những môn, ban cũng đang là vấn đề ngành cần giải quyết. Trong thời gian tới, ngành sẽ sớm thực hiện quy hoạch đội ngũ phù hợp với quy mô phát triển, chấn chỉnh lại việc đào tạo, thực hiện đào tạo theo dự báo, thực hiện đánh giá phân xếp loại đội ngũ. Về vấn đề này, tới đây ngành sẽ ban hành quyết định về quy định phân xếp loại giáo viên...".
“Không học chữ, không học nghề sẽ không thoát được đói nghèo, giáo dục yếu thì tỉnh không thể tiến bộ" là ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm và làm việc tại Yên Bái. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 210 ngàn học sinh, bằng 28% dân số Yên Bái. Vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo không còn là vấn đề của riêng ngành giáo dục mà đang trở thành thách thức đối với tỉnh Yên Bái trong quá trình phát triển.
Khánh Linh
Các tin khác
“Quyết định ban hành quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học, THCS, THPT” bản dự thảo lần thứ 4 vừa được Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục gửi đi lấy ý kiến rộng rãi đến các trường, phòng GD-ĐT trên cả nước.
YBĐT - Ngay từ những ngày đầu năm, Công an Lục Yên đã tham mưu cho UBND huyện có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn công an các xã, thị trấn, bảo vệ các cơ quan doanh nghiệp triển khai vận động quần chúng đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc. Nội dung chủ yếu của cuộc vận động là tuyên truyền giáo dục để cán bộ công nhân viên chức và các tầng lớp nhân dân nhận thức đúng và nắm vững đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, chống âm mưu "Diễn biến hoà bình, bạo loạn lật đổ" cũng như chiến tranh tâm lý, chia rẽ, móc nối và phát triển đạo trái phép ở vùng đồng bào dân tộc của các thế lực thù địch.
YBĐT - Xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, giữ vững khối đoàn kết các dân tộc, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trong nhiều năm qua, cùng với đó là tích cực tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã thực hiện thắng lợi nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương.