Nỗi niềm vùng cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Ngồi sau chiếc xe Win 100 của một người dân xã Cao Phạ (Mù Cang Chải) - anh Vàng Sống Củ, trôi dốc, cả 2 chúng tôi hướng về phía những ngôi nhà người Mông nằm kề hai bên đường. Tấp xe vào vệ đường, xắn quần, hướng về phía những thửa ruộng bậc thang nơi bà con người Mông đang thu hoạch lúa. Chị Sùng Thị Sầu, bản Tà Chơ, vừa đập lúa, vừa trả lời những câu hỏi của anh Củ.
Người phụ nữ Mông và 5 đứa con đẻ dày.
|
- Gia đình có mấy con? Anh Củ hỏi.
- 7 đứa: 2 con gái, 5 con trai.
- Chồng đâu không phụ giúp?
- Đi chơi rồi!
- Vậy có đủ ăn không?
- Đói lắm, chỉ đủ 5 đến 7 tháng thôi!
Cạnh chị Sầu là một phụ nữ Mông cũng có 5 con, cả 5 đứa đều đang đứng cạnh mẹ, đứa lớn nhất 13 tuổi, còn đứa nhỏ nhất 2 tuổi rưỡi. Vụ lúa này giúp gia đình chị có ăn đến tháng 5 năm sau.
Qua cuộc trò chuyện được biết, ngoài công việc đồng áng, chị kiếm thêm 30.000 đồng/ngày nhờ việc làm thuê sửa đường giao thông nhưng không phải lúc nào cũng có việc làm. "Biết làm sao được, một số người dân gần đường quốc lộ này vẫn còn khá, chứ vào sâu bên trong đói nghèo hơn nhiều. Vừa đói lại đông con, con gái có đứa nào đi học mấy đâu!" - anh Củ chép miệng.
Sự im lặng, tiếng rít của gió núi, tiếng ầm ầm của thác đổ, cả hai rùng mình vì ớn lạnh. Anh Củ đưa tay: "Kìa, cái dốc đó sẽ đưa anh em mình đến bản Ít Thái, ở đó chỉ có một hộ người Mông duy nhất, còn lại là người Thái. Đời sống người dân nơi đây đỡ vất vả hơn, song vẫn đẻ nhiều". Chiếc xe đổ dốc dựng đứng, ngoằn ngoèo, qua cây cầu đến bản Ít Thái. Cả bản có trên 330 hộ dân, số hộ nghèo chiếm tới 70%. Ấy là anh Củ bảo ''còn đỡ vất vả'' so với những bản nằm sâu bên trong. Đúng là thật khó khăn để tìm được hộ gia đình không sinh con thứ 3 ở cả 3 bản Tà Chơ, ít Thái, Chống Tông này.
Theo như anh Củ thì không chỉ người dân sinh con thứ 3 mà ngay cả chủ tịch xã, các trưởng thôn, bản cũng vậy. Nhà nào ít cũng 4 đến 5 con, nhiều có khi lên ngót chục đứa trứng gà trứng vịt. Các nhà đều thế nên dường như chả ai băn khoăn gì, đói thì nhờ rừng, họ tự bằng lòng với sự đói khổ do đẻ nhiều sinh ra. Tuyên truyền vận động mãi rồi cũng chẳng ăn thua. Bởi đồng bào quan niệm, càng đẻ nhiều càng có nhiều nhân lực để lao động.
Thứ nữa, do bộ máy làm công tác dân số thời gian qua có sự thay đổi, công tác tuyên truyền vận động sinh đẻ kế hoạch chưa sâu, chưa được vận dụng linh hoạt dựa trên tập quán, tâm lý của đồng bào, vận động rồi chưa có sự đôn đốc, kiểm tra, còn làm theo kiểu" đánh trống bỏ dùi'' … mà đó lại là yêu cầu cốt lõi của công tác vận động dân số - KHHGĐ ở vùng cao. Có làm được việc này, các chương trình xoá đói giảm nghèo mà Chính phủ đã đầu tư mới thực sự có ý nghĩa giúp đồng bào thoát khỏi khó khăn, bộ mặt vùng cao mới thay đổi. Còn làm, có khó không? Tất nhiên là khó nhưng không phải không làm được.
Anh Củ đã thừa nhận: "Không có việc gì là không làm được, dân mình chịu nghe lắm! Nhưng phải làm tốt công tác dân vận". Nhưng ở đây, chính những cán bộ, đảng viên, trưởng thôn, bản và đến cả lãnh đạo xã còn vi phạm, thì nói ai nghe? Điều này còn chứng tỏ chưa có sự vào cuộc của chính quyền thì vai trò vận động của các đoàn thể càng khó đề cập.
Việc cán bộ, đảng viên vi phạm chưa thấy bị xử lý cũng là một khó khăn. Càng giật mình khi mới đây, qua thông tin từ một đồng nghiệp, cách đây hơn hai tháng, theo thống kê chưa đầy đủ ở một vài xã của Mù Cang Chải, đã có tới 80 người tảo hôn mà giấu huyện, xã nào cũng cố né tránh đề cập tới vấn nạn này. Thế thì bao giờ vùng cao mới đẻ ít con?
Câu trả lời này còn chờ nhưng chờ đến bao giờ thì không ai trả lời được. Hình ảnh những đứa trẻ gầy gò, đen nhẻm trên lưng gùi những bó củi nặng trĩu vượt dốc về bản, những người phụ nữ lọn tóc vàng hoe, xơ xác đang quần quật in bóng trên những mảnh ruộng, những túp nhà lụp xụp, nằm chơ vơ bên sườn núi... mà trong lòng không khỏi xót xa. Mơ ước được ngồi trong một lớp học nào đó với bạn bè, thầy cô, với những đứa trẻ này, dường như vẫn còn đâu xa lắm!
Ngọc Sơn
Các tin khác
Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa hướng dẫn cách thể hiện dấu quy chuẩn Việt Nam trên mũ bảo hiểm trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.
YBĐT - Mưa lũ đã làm cho hàng trăm ha lúa ruộng, cây rau màu, ngô đông trên đất 2 lúa của huyện Lục Yên (Yên Bái) bị úng ngập. 26 nhà ở của người dân ở Mai Sơn, Khai Trung, minh Chuẩn bị hư hỏng. Tại xã Tân Lĩnh, lũ quét làm một nhà bị sập, gần 100 nhà dân bị ngập trong nước…
YBĐT - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” (TDĐKXDĐSVH) của tỉnh Yên Bái trong thời gian qua đã có những bước chuyển biến tích cực, trở thành một phong trào lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và có ý nghĩa, ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phong trào TDĐKXDĐSVH về những vấn đề liên quan đến quá trình phát huy hiệu quả của phong trào.
YBĐT - Bạo lực tình dục dù dưới bất kỳ hình thức nào cũng khiến người khác phải chịu đựng sự đau đớn và để lại hậu quả không chỉ về mặt thể xác, nặng nề hơn là về mặt tinh thần.