Luật Hôn nhân - gia đình với người dân tộc thiểu số: Vai trò quan trọng của già làng, trưởng bản
- Cập nhật: Thứ năm, 30/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay, già làng, trưởng bản vẫn là những người đứng đầu với tiếng nói và vị thế quan trọng trong suy nghĩ của những cư dân địa phương. Vì vậy, cần phải có chính sách, chủ trương thiết thực và mang tính khuyến khích hơn nữa nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân tuân thủ pháp luật.
Hạnh phúc giản dị.
|
Hôn nhân - gia đình là một trong những quan hệ xã hội mang tính nhạy cảm, tế nhị và có tính phức tạp cao. Bởi thế, trong bất cứ dân tộc nào, trong bất kỳ giai đoạn xã hội nào thì yếu tố hôn nhân - gia đình vẫn ít nhiều chịu ảnh hưởng của các phong tục tập quán truyền thống của dân tộc đó. Tuy nhiên hiện nay, do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên, liên tục và đem lại nhiều hiệu quả tích cực nên phần lớn người dân đã ý thức được việc chỉ nên duy trì và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, lành mạnh, cần bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, cổ hủ, mang tính chất mê tín dị đoan.
Nhưng, đối với một số đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao, do hạn chế về nhận thức, trình độ am hiểu kiến thức pháp luật còn thấp, lại ít có điều kiện được tiếp xúc với các hoạt động thông tin đại chúng về văn hóa - xã hội nên vẫn còn tồn tại tư duy nhất nhất phải tuân thủ phong tục, tập quán truyền thống do ông bà, cha mẹ để lại mà không nhận thức được rằng phong tục, tập quán đó có tiến bộ, lành mạnh hay không, có nên duy trì và phát huy hay không. Vì thế tình trạng vi phạm pháp luật và vi phạm các qui định của Nhà nước vẫn còn diễn ra khá phổ biến, nhất là trong lĩnh vực hôn nhân - gia đình.
Vì vậy, để tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, khuyến khích phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp và tiến tới xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu về hôn nhân gia đình của người dân tộc thiểu số, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 32/2002/NĐ-CP ngày 27/3/2002 quy định về việc áp dụng Luật Hôn nhân - gia đình với người dân tộc thiểu số. Nghị định 32 đề cập đến các vấn đề: kết hôn, quan hệ giữa cha, mẹ, vợ chồng, con cái, ly hôn, nhận nuôi con nuôi. Cụ thể tại Điều 2 quy định về việc áp dụng phong tục, tập quán về hôn nhân - gia đình, Điều 9 quy định về việc áp dụng phong tục tập quán về nghi thức cưới hỏi. Bên cạnh đó, còn có Phụ lục A quy định về danh mục các phong tục, tập quán tốt đẹp về hôn nhân - gia đình cần được khuyến khích phát huy và Phụ lục B quy định về danh mục các phong tục, tập quán lạc hậu về hôn nhân - gia đình bị nghiêm cấm áp dụng hoặc cần vận động xóa bỏ.
Với những quy định trên, Đảng và Nhà nước đã khẳng định sự bình đẳng giữa các thành phần dân tộc, quan hệ nam - nữ, vợ chồng, cha mẹ và con cái trong tổng thể các mối quan hệ về hôn nhân - gia đình. Đặc biệt, Nghị định 32 còn nhấn mạnh đến vai trò của già làng, trưởng bản, các vị chức sắc tôn giáo trong việc vận động đồng bào, bà con trong thôn, bản nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về hôn nhân - gia đình. Bởi già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo có một vị trí rất quan trọng, có tiếng nói và uy tín rất lớn đối với bà con trong cộng đồng mỗi dân tộc. Đồng bào các dân tộc vùng cao có một nét chung gần như là truyền thống, đó là luôn luôn tin tưởng và nghe theo lời của các già làng, trưởng bản. Đối với họ, đó là những người có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, được bà con quý trọng và có hiểu biết rộng. Tất cả các công việc lớn nhỏ của cộng đồng đều phải được thông qua ý kiến của đội ngũ này.
Khi trong mỗi gia đình có công việc lớn cần phải xin ý kiến của bề trên, người ta thường tìm đến già làng, trưởng bản. Đặc biệt trong việc dựng vợ, gả chồng cho con cái thì già làng, trưởng bản thường là người được quyền chọn ngày, giờ "đẹp" để tổ chức hôn lễ, đồng thời cũng là người được mời để bàn bạc, thống nhất và tiến hành các thủ tục cũng như nghi thức kết hôn của các đám cưới trong làng, bản. Đây chính là một điều kiện thuận lợi để già làng, trưởng bản gián tiếp hoặc trực tiếp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt các quy định của Luật Hôn nhân - gia đình và Nghị định số 32 về áp dụng Luật Hôn nhân - gia đình với người dân tộc thiểu số. Có thể nói, ý kiến của già làng, trưởng bản có ý nghĩa quyết định đối với tất cả các công việc lớn nhỏ của thôn, bản và có giá trị tham khảo lớn đối với công việc riêng tư của mỗi gia đình hay cá nhân. Chính vì thế, để nhân dân luôn tự giác, tự nguyện nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về hôn nhân - gia đình, cần phải có sự hỗ trợ tích cực của già làng, trưởng bản trong vận động, thuyết phục.
Trong Nghị định 32 quy định rất rõ về trách nhiệm của già làng, trưởng bản trong việc tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ phong tục tập quán kết hôn trước tuổi quy định của Luật Hôn nhân - gia đình. Già làng, trưởng bản vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành độ tuổi kết hôn đối với nam từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 tuổi trở lên. Hay khi trong thôn, bản có người vẫn muốn duy trì chế độ đa thê, tục cướp vợ, tục đòi lại của cải, phạt vạ khi vợ chồng ly hôn hoặc duy trì tục thách cưới cao mang tính chất gả bán thì già làng, trưởng bản phải có trách nhiệm đến tận gia đình để giải thích cho mọi người hiểu đó là những phong tục cổ hủ, lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển tiến bộ về văn hóa - xã hội hiện tại, để từ đó vận động, thuyết phục người dân kiên quyết xóa bỏ các tục lệ ấy.
Già làng, trưởng bản còn có trách nhiệm thuyết phục, vận động các bậc cha, mẹ hướng dẫn con cái xây dựng gia đình tiến bộ, không được cưỡng ép hoặc cản trở việc lấy vợ, lấy chồng của con, vận động mọi người xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu cản trở quyền tự do kết hôn của hai bên nam nữ. Già làng, trưởng bản bằng uy tín và sự am hiểu pháp luật của mình thuyết phục người dân từng bước xóa bỏ sự bất bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ gia đình, bảo đảm vợ và chồng có các quyền và nghĩa vụ ngang nhau về mọi mặt.
Bên cạnh việc vận động, thuyết phục người dân phát huy các bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bài trừ, bãi bỏ các hủ tục lạc hậu, già làng, trưởng bản còn phải đi tiên phong trong việc kiên quyết bãi bỏ tục ly hôn chỉ cần do già làng, trưởng bản hoặc các vị chức sắc tôn giáo quyết định mà không cần tòa án thụ lý. Hiện nay, rất nhiều già làng, trưởng bản đã làm tốt vai trò của mình, họ không chỉ là địa chỉ tin cậy để nhân dân gửi gắm niềm tin như một "cây cao bóng cả" trong thôn, bản mà còn là người đi tiên phong trong việc vận động người thân trong gia đình mình nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.
Thiết nghĩ, trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay, già làng, trưởng bản vẫn là những người đứng đầu với tiếng nói và vị thế quan trọng trong suy nghĩ của những cư dân địa phương. Vì vậy, cần phải có chính sách, chủ trương thiết thực và mang tính khuyến khích hơn nữa nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân tuân thủ pháp luật.
Cần nâng cao nhận thức về pháp luật cũng như kiến thức, kỹ năng về tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ này đó, chính họ sẽ là người trực tiếp khuyến khích, vận động, tuyên truyền đối với bà con trong thôn, bản của mình về việc tìm hiểu, thực hiện và chấp hành các quy định pháp luật của Nhà nước. Như thế, họ còn là những cộng tác viên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đắc lực, góp phần đem lại hiệu quả cao trong việc đưa các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào đời sống.
Khánh Thư
Các tin khác
Ngày 28/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định hỗ trợ bổ sung 180 tỷ đồng và 200 tấn gạo cho các địa phương khắc phục hậu quả cơn bão số 4.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, một bộ phận không khí lạnh đang hình thành ở phía Bắc và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng tới các tỉnh miền núi phía Bắc từ ngày 31/10 và sau đó là các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Trung bộ.
Ngày 29/10, trong văn bản gửi Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Y tế đề nghị Phó Thủ tướng báo cáo Thường trực Chính phủ cho dừng thực hiện Quyết định số 33 và Quyết định số 34.
YBĐT - Ngoài việc hỗ trợ làm nhà "Đại đoàn kết" tặng cho các gia đình khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống, từ nguồn quỹ "Vì người nghèo", MTTQ các cấp trong tỉnh Yên Bái còn chi hàng tỷ đồng để mua vật tư, tư liệu sản xuất cấp cho các hộ nghèo ở vùng cao, trợ giúp học sinh nghèo, tổ chức thăm hỏi các gia đình khó khăn đột xuất…