BHXH thành phố Yên Bái: Chuyển biến mạnh trong công tác BHYT học sinh
- Cập nhật: Thứ năm, 30/10/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Để chăm sóc sức khoẻ toàn diện cho học sinh, góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, đồng thời giúp các gia đình giảm bớt khó khăn về kinh tế khi con em mình không may bị ốm đau, bệnh tật, Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Yên Bái (Yên Bái), đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và nhiều năm đều có tỷ lệ học sinh tham gia Bảo hiểm xã hội (BHYT) cao.
Để các bậc phụ huynh, học sinh hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa của việc tham gia BHYT học sinh khi mà các loại hình bảo hiểm kinh doanh xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều hình thức khuyến mại, BHXH thành phố Yên Bái đã sử dụng các biện pháp như: phát tờ rơi, liên hệ với các nhà trường thông qua các buổi họp phụ huynh... nhờ đó số học sinh tham gia ngày càng tăng, năm sau luôn cao hơn năm trước. Thành phố có 35 trường tiểu học, THCS, THPT, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng với 15.196 học sinh, trong đó có 14.345 em trong diện vận động tham gia BHYT.
Năm học 2007-2008, BHXH thành phố đã vận động được 100% số trường với 10.658 học sinh tham gia, đạt 72%. Trong đó, nhiều trường có số học sinh tham gia động như: Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Trường THPT Nguyễn Huệ, THCS Lê Hồng Phong… Đặc biệt, trong năm học 2008-2009 tính đến ngày 15/10/2008, BHXH thành phố vận động được 9.860 học sinh tham gia, vượt trên 1.000 em so với chỉ tiêu kế hoạch BHXH tỉnh đề ra.
Có được kết quả trên là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể liên quan, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa BHXH thành phố với Phòng Giáo dục & Đào tạo thành phố và các nhà trường trong việc tuyên truyền vận động và triển khai BHYT học sinh ngay từ đầu năm học... nhưng điều quan trọng nhất là đã góp phần thay đổi nhận thức của phụ huynh học sinh đối với chính sách này xuất phát từ lợi ích thiết thực của nó.
Thông qua việc tham gia BHYT tự nguyện học sinh, trong năm học 2007-2008 có 17.930 lượt học sinh được khám chữa bệnh và điều trị với tổng số tiền trên 12 tỷ đồng, trong đó có nhiều trường hợp chi phí cao như: em Nguyễn Minh Hợp, Trường THPT Bán công Phan Chu Trinh gần 6 triệu đồng, em Trần Vân Anh, Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành gần 7 triệu đồng, em Lại Văn Nam, Trường THPT Nguyễn Huệ gần 3 triệu đồng... Nếu không có quỹ BHYT chi trả thì đây là khoản kinh phí lớn khó chi trả nhất là đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Để công tác theo dõi và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho các em được tốt hơn, BHXH thành phố cũng đã phối hợp với Phòng Y tế, Phòng Giáo dục -Đào tạo và các nhà trường tổ chức kiểm tra sức khoẻ ban đầu cho các em học sinh. Thông qua công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các nhà trường, giúp cho việc phát hiện sớm các bệnh thường gặp ở lứa tuổi học sinh và các bệnh khác.
Trên cơ sở đó lập hồ sơ cho từng em để theo dõi sức khoẻ qua hàng năm, tạo điều kiện cho các em học sinh biết và có hướng điều trị. 17,4% kinh phí phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho các trường học có học sinh tham gia BHYT cũng được chuyển kịp thời để nhà trường chủ động mua thuốc và trang thiết bị để tổ chức khám sức khoẻ tại trường theo quy định. Năm học vừa qua đã có 100% số trường tổ chức khám sức khoẻ ban đầu cho 11.415 học sinh. Kết quả có 8.430 học sinh sức khoẻ tốt đạt 73,85%, 1.501 học sinh mắc các bệnh về răng miệng và 1.694 học sinh mắc các bệnh thông thường khác như: tai, mũi, họng, cận thị, cong vẹo cột sống...
Mặc dù, năm học 2008-2009 này công tác triển khai BHYT học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn do bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 4 cùng với việc một số xã của huyện Trấn Yên mới sáp nhập về thành phố, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thêm vào đó mức phí đóng cao hơn (120.000/học sinh)...
Tuy vậy, với sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, ngành y tế, giáo dục và của các ban, ngành liên quan, những nỗ lực của cán bộ cơ quan BHXH thành phố, đến nay công tác triển khai BHYT học sinh, sinh viên đã đạt được kết quả khả quan và đó chính là tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Xã An Bình, huyện Văn Yên (Yên Bái) là địa phương có nhiều thuận lợi trong lưu thông trao đổi hàng hóa, xã có tuyến đường sắt, đường bộ, đường sông, có chợ trung tâm tại khu phố Trái Hút, có bến phà, nhà ga, lưu lượng người và phương tiện qua lại trên địa bàn là khá đông. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, song từ những thuận lợi này đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Các loại hình tội phạm đã phát sinh, thủ đoạn và phương thức hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, táo bạo.
YBĐT - Mặc dù chưa có thống kê chính thức nhưng theo ước tính của cơ quan chức năng, hiện thành phố Yên Bái có khoảng 150 trẻ em bị ảnh hưởng (có bố, mẹ, cô, bác chung sống trong gia đình bị nhiễm HIV/AIDS) và gần mười em có HIV/AIDS.
YBĐT - Là một tổ chức hội giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, những năm qua Hội Nông dân xã Xuân Ái đã làm tốt chức năng là cầu nối cho mọi hoạt động tạo điều kiện cho hội viên tín chấp vay vốn, tạo việc làm, tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT)… đã giúp cho nhiều gia đình hội viên thoát nghèo.
YBĐT - Trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Việt Nam hiện nay, già làng, trưởng bản vẫn là những người đứng đầu với tiếng nói và vị thế quan trọng trong suy nghĩ của những cư dân địa phương. Vì vậy, cần phải có chính sách, chủ trương thiết thực và mang tính khuyến khích hơn nữa nhằm phát huy mạnh mẽ vai trò của già làng, trưởng bản trong tuyên truyền, vận động và thuyết phục người dân tuân thủ pháp luật.