Số người thiệt mạng do mưa lũ không ngừng tăng lên

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/11/2008 | 12:00:00 AM

Thống kê sơ bộ của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến hết ngày 2/11, mưa lũ đã làm 49 người thiệt mạng.

Mưa lũ tàn phá thủ đô.
Mưa lũ tàn phá thủ đô.

Một số tỉnh, thành phố đã có báo cáo bước đầu về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra như: Lạng Sơn, Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Các tỉnh trên có 49 người chết. Cụ thể Hà Nội có 18 người, Hà Tĩnh 17 người, Bắc Giang 3 người, Hòa Bình 2 người, Nghệ An 2 người, Thái Nguyên 2 người, Vĩnh Phúc 2 người, Phú Thọ 1 người, Ninh Bình 1 người và Quảng Bình 1 người.

Số người mất tích là 5 người ở các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh do đi qua suối bị lũ cuốn trôi.

Bên cạnh thiệt hại về người, mưa lũ cũng làm 99 căn nhà bị sập và cuốn trôi; 106.799 ngôi nhà bị ngập và hư hại; đặc biệt 241.118 ha diện tích hoa màu và lúa bị ngập úng; 25.456 ha diện tích thuỷ sản bị ngập cùng nhiều công trình thủy lợi, đường xá bị hư hại.

Trước tình hình mưa lũ, Văn phòng Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương kiến nghị đối với vùng ngập úng cần hỗ trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, hóa chất khử trùng. Ở những nơi nước đã rút, tập trung vệ sinh, xử lý môi trường đề phòng dịch bệnh và đảm bảo nước sinh hoạt; Giải quyết ngay việc trợ cấp xã hội với các đối tượng bị ảnh hưởng thiên tai theo quy định; Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng những vị trí còn bị ngập, hướng dẫn người và phương tiện đi lại tránh ùn tắc, tránh tai nạn đáng tiếc; Khẩn trương khôi phục các dịch vụ cung cấp điện, nước sạch và tăng cường bơm tiêu úng nội đồng; Khẩn trương hỗ trợ nhân dân khôi phục sửa chữa nhà bị hư hỏng do lũ, lụt; đồng thời kiểm tra, xác định và có biện pháp hỗ trợ về vốn, giống để phục hồi sản xuất vụ đông; Có các biện pháp kịp thời sửa chữa, khôi phục những hư hỏng của các công trình giao thông, thuỷ lợi, các công trình cơ sở hạ tầng và các công trình phục vụ công cộng để phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lũ hạ lưu sông Cả biến đổi chậm, sau đó có khả năng lên lại. Đến sáng 4/11, tại Nam Đàn có khả năng lên mức 7,7m, dưới BĐIII: 0,2m.

Lũ hệ thống sông Mã tiếp tục lên, riêng sông Bưởi tiếp tục xuống chậm; đến tối nay (3/11), tại Giàng lên mức 3,7m, trên BĐI: 0,2m, tại Kim Tân xuống mức 11,2m, dưới BĐIII: 0,3m.

Cần đề phòng lũ lớn, lũ quét trên các sông suối, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Nghệ An.

Lũ trên sông Hoàng Long tiếp tục xuống chậm; trên sông Cầu, sông Thương và hạ lưu sông Thái Bình vẫn duy trì ở mức đỉnh. Chiều tối nay (3/11), mực nước trên sông Hoàng Long tại Bến Đế có khả năng xuống mức báo động III là 4,0m; trên sông Cầu tại Đáp Cầu sẽ ở mức 6,0m (trên báo động III là 0,2m); trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương ở mức 5,5m (dưới báo động III là 0,3m); trên sông Thái Bình tại Phả Lại ở mức 4,5m (ở mức báo động II).

(Theo VietNamNet)

Các tin khác

YBĐT - Năm 2007, thôn Khe Hóp, xã Yên Hợp (Văn Yên) được Uỷ ban MTTQ tỉnh chọn làm mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, giảm hộ nghèo không, có tệ nạn xã hội” để nhân ra diện rộng tại các địa phương khác trong toàn tỉnh.

Mưa lũ tại Hà Nội đã làm 18 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại vật chất khoảng 3.000 tỉ đồng. Có 31.517 hộ dân bị ngập, 4.439 hộ dân phải di dời, 52.139 ha lúa và cây vụ đông bị ngập.

Ngày 1-11, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở TƯ đã ra thông cáo báo chí cho biết, cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 trên phạm vi cả nước sẽ bắt đầu vào thời điểm 0 giờ ngày 1-4-2009.

Tổng hợp chưa đầy đủ tại các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, tính đến 22 giờ ngày 1/11, trận mưa lũ lịch sử chưa từng thấy trong nhiều năm qua đã làm 47 người chết, mất tích.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục