Trạm Tấu: Vai trò già làng, trưởng bản trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở
- Cập nhật: Thứ tư, 5/11/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, trên 75% là đồng bào Mông, 16% là dân tộc Thái. Mỗi dân tộc đều có những dòng họ lớn như dòng họ Lầu, họ Giàng, họ Sùng, họ Thào của dân tộc Mông; dòng họ Lò của dân tộc Thái.
Mỗi dòng họ thường sống tập trung tại 1 bản hay một chòm dân cư và những người cao tuổi, những người có uy tín trong dòng họ. Do đó, vai trò của các già làng, trưởng bản trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quốc phòng an ninh tại địa phương rất được coi trọng.
Phát huy tinh thần thi đua yêu nước, các già làng trưởng thôn bản luôn gương mẫu đi đầu trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hơn ai hết các già làng, trưởng thôn bản là những người bám đất, bám làng, hiểu biết và nắm bắt được các thế mạnh của địa phương. Từ đó, tham mưu tích cực cho chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và trình độ nhận thức của nhân dân.
Già làng Mùa A Lềnh ở thôn Háng Tầu, xã Túc Đán cho biết: Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, chúng tôi vận động nhân dân, con cháu trong dòng họ, tích cực tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi, thâm canh tăng vụ, hăng hái trồng rừng đi đôi với bảo vệ diện tích rừng hiện có, dạy bảo con cháu cùng nhau chia sẻ những khó khăn về đất ở, đất sản xuất để giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Các già làng chính là những bảo tàng sống, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc và cũng là những người có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền các giá trị văn hóa đó cho các thế hệ sau; động viên con cháu và nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc, coi trọng truyền thống dựng làng giữ nước; vận động con cháu trong độ tuổi đến trường học chữ, rèn luyện sức khỏe và trí tuệ chung tay xây dựng bản làng; dạy bảo con cháu và tuyên truyền cho nhân dân thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ, không hút và không trồng cây thuốc phiện; vận động nhân dân trong bản trong làng thực hiện hương ước, quy ước về xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Ông Giàng Sáy Sao - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Bản Mù cho biết: các già làng trưởng bản là những người đã trải qua và thấy rõ hậu quả của những hủ tục lạc hậu và ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với sinh hoạt, đời sống của nhân dân. Chính vì vậy, các già làng, trưởng bản luôn gương mẫu đi đầu vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục và tập quán canh tác lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư; áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển KT-XH ở địa phương; đưa tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm 6,3%.
Các già làng, trưởng bản còn làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân như: Luật Hôn nhân gia đình, Bộ luật Dân sự, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, chính sách giáo dục...; tham gia xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng các mô hình đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở; vận động nhân dân tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh trật tự, đấu tranh tố giác các loại tội phạm; cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an điều tra làm rõ nhiều vụ việc; hòa giải hàng chục vụ và đã bắt được 1 đối tượng truy nã lẩn trốn tại địa bàn.
Nhờ các già làng, trưởng bản tham gia tuyên truyền vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện, cung cấp thông tin giúp ngành chức năng phát hiện và phá bỏ diện tích cây thuốc phiện tái trồng trên địa bàn các xã, diện tích cây thuốc phiện tái trồng đã giảm theo từng năm. Nếu như niên vụ 2006-2007 phát hiện và phá bỏ 13,5 ha thì đến niên vụ 2007-2008 phát hiện và phá bỏ 4,3 ha (giảm gần 10 ha). Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hiện nay, tại một số thôn bản các già làng trưởng thôn bản chưa phát huy được hết vai trò và trách nhiệm của mình; chưa phát huy được tính dân chủ, công khai trong bàn bạc một số công việc liên quan đến nhân dân; còn mang nặng tư tưởng cục bộ dòng họ; tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên vẫn còn phổ biến làm ảnh hưởng đến uy tín của già làng.
Một số trưởng thôn bản trình độ văn hóa thấp, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở cơ sở còn chậm, chưa chủ động phối hợp với các cơ quan ban ngành đoàn thể trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội ở địa phương. Tình trạng phát rừng làm nương rẫy, buôn bán tàng trữ và vận chuyển lâm sản trái phép, tái trồng cây thuốc phiện vẫn diễn ra...
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) vừa có Kế hoạch 68 về rà soát hộ nghèo trên địa bàn năm 2008. Yêu cầu là rà soát số hộ thoát nghèo, hộ nghèo phát sinh để đưa vào danh sách hộ nghèo, khẩu nghèo có địa chỉ cụ thể đến thôn bản, bảo đảm phương châm "3 không".
Ngày 4/11 Cục Quản lý Dược Việt Nam cho biết, với 1.223 mặt hàng thuốc nhập khẩu của các doanh nghiệp đề nghị được tăng giá nhưng Cục này chỉ xem xét cho 247 loại được phép tăng.
YBĐT - Người dân vùng lũ Trấn Yên, Văn Yên, thành phố Yên Bái của tỉnh Yên Bái đã không bất ngờ khi nước lũ về do mưa kéo dài ở thượng nguồn, công tác phòng ngừa đã được các cấp, các ngành, địa phương chủ động triển khai thực hiện đồng bộ...
YBĐT - Đến nay, huyện Trấn Yên (Yên Bái) còn 3 xã là Quy Mông, Kiên Thành và Việt Hồng tiếp tục hưởng lợi của Chương trình 135 giai đoạn II. Sau gần 3 năm thực hiện Chương trình, diện mạo nông thôn và đời sống người dân các xã vùng đặc biệt khó khăn đã được cải thiện rõ rệt.