Cho phép người Việt Nam có hai quốc tịch
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/12/2008 | 12:00:00 AM
Từ ngày 1/7/2009, người Việt Nam đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn mong muốn được trở thành công dân Việt Nam sẽ được đáp ứng. Đây là điểm mới trong Luật Quốc tịch vừa được Văn phòng Chủ tịch nước công bố sáng nay.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, việc cho phép có 2 quốc tịch không có nghĩa là từ bỏ nguyên tắc một quốc tịch của Việt Nam mà chỉ là sửa đổi nguyên tắc cho mềm dẻo và linh hoạt hơn.
Tuy nhiên, việc 2 quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ gồm: người được Chủ tịch nước cho phép, trường hợp xin trở lại quốc tịch Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài và đã nhập quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn muốn nhập quốc tịch Việt Nam; trẻ em là con nuôi.
Luật Quốc tịch cũng cho phép người có vợ chồng, cha mẹ đẻ, con đẻ là công dân Việt Nam thì được nhập quốc tịch Việt Nam. Chính sách trên cũng được áp dụng với trường hợp có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, hay có lợi cho nhà nước Việt Nam.
Trường hợp nếu không thuộc những diện trên thì công dân nước ngoài, người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam muốn trở thành công dân Việt Nam phải có các điều kiện sau: Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; biết Tiếng Việt để có thể hòa nhập vào cộng đồng; thường trú từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch, và có khả năng đảm bảo cuộc sống ở Việt Nam...
Luật cũng quy định, người mang quốc tịch Việt Nam phải có tên gọi Việt Nam Người đã mất quốc tịch nay muốn xin quay trở lại thì phải làm đơn và thuộc một trong các diện sau: xin hồi hương về Việt Nam; có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam; có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Việc đăng ký giữ quốc tịch cũng được đề cập trong đạo luật trên. Theo đó người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch tính đến trước ngày 1/7/2009 thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Và trong 5 năm kể từ thời điểm trên, họ phải đến đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước nơi người đó định cư để giữ quốc tịch. Nếu không đăng ký thì sẽ mất quốc tịch.
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, quy định trên chủ yếu được áp dụng với các trường hợp người Việt Nam đã định cư ở nước ngoài trước đây. "Còn từ 1/7/2009, người Việt Nam ra định cư, nhập quốc tịch ở nước ngoài đương nhiên mang quốc tịch Việt Nam mà không phải đăng ký. Tuy nhiên, có thực tế rằng không phải nước nào cũng cho phép công dân của họ mang hai quốc tịch", ông Cường chia sẻ.
Luật Quốc tịch với 44 điều được Quốc hội thông qua ngày 13/11 và có hiệu lực từ 1/7/2009. Cũng trong sáng nay, Luật thi hành án dân sự, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được công bố.
(Theo VnExpress)
Các tin khác
YBĐT - Những cụ già cô đơn không nơi nương tựa, những đứa trẻ mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ bị bỏ rơi, 56 con người: già có, trẻ có, họ đang sống trong một khuôn viên chật hẹp, những khu nhà cấp 4 được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước đang bị xuống cấp trầm trọng. Cuộc sống thường ngày của họ đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của cả cộng đồng.
YBĐT - Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Phụ nữ huyện Mù Cang Chải và Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái về phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, trong 5 năm qua hai ngành đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, trình độ nhận thức cho phụ nữ cũng như nhân dân trên địa bàn nói chung.
YBĐT - Bước vào thực hiện xây dựng chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở, xã Yên Bình (Yên Bình - Yên Bái) mới chỉ có 44,9% số thanh thiếu niên tuổi từ 15 - 18 tốt nghiệp trung học cơ sở, trong khi tỷ lệ tối thiểu để đạt chuẩn là 80%. Ban chỉ đạo phổ cập giáo dục trung học cơ sở của xã đã đưa ra nhiều giải pháp để thực hiện nhiệm vụ này.
YBĐT - Trong những năm qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng Văn Chấn (Yên Bái) đã đạt được một số kết quả trong công tác xoá đói giảm nghèo.