Cái được lớn sau một hội thi
- Cập nhật: Thứ ba, 23/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Hội thi Tuyên truyền viên giỏi phòng, chống HIV/AIDS khu vực miền núi phía Bắc năm 2008 lần đầu tiên được tổ chức ở Yên Bái đã khép lại trong sự vui mừng, phấn khởi và tự tin của các thí sinh và hàng ngàn cổ động viên đến từ các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Cái được lớn nhất không dừng lại ở niềm vui giải nhất toàn đoàn và cá nhân mà chính là những kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư.
Đồng chí Đặng Quốc Việt - Giám đốc TT truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương, Trưởng ban tổ chức giải trao phần thưởng cho các thí sinh tham dự hội thi.
|
Theo ông Đặng Quốc Việt – Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương, Trưởng ban Tổ chức giải: Hội thi có 2 mục đích là nâng cao kiến thức cho đội ngũ tuyên truyền viên và kỹ năng cho các tuyên truyền viên cơ sở, tiến tới tuyên truyền trực tiếp cho các thành viên. Được biết đây là năm đầu tiên Trung tâm phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS của Bộ Y tế tổ chức thí điểm thi ở 15 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Sau đó nhân rộng ra khắp địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhằm hạn chế tối đa sự lây lan của căn bệnh AIDS.
Có thể nói, công tác truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được tuyên truyền chủ yếu qua 2 cách: gián tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp qua đội ngũ tuyên truyền viên cộng đồng đến vùng sâu vùng xa cho đồng bào dân tộc thiểu số từ nâng cao nhận thức đến thay đổi hành vi trong cách truyền thông phòng, chống AIDS.
Hội thi lần này được tổ chức tại thành phố Yên Bái với sự tham gia của các thí sinh là tuyên truyền viên giỏi phòng, chống HIV/AIDS đến từ 5 tỉnh: Lào Cai, Phú Thọ, Yên Bái, Cao Bằng và Tuyên Quang. Hội thi thực sự là nơi hội tụ của những cách làm hay, những kỹ năng xuất sắc, sáng tạo trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, góp phần giảm thiểu sự lây lan của căn bệnh AIDS trong cộng đồng dân cư.
Bám sát vào mục đích và nội dung tuyên truyền: không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; tăng cường lãnh đạo, giữ vững cam kết, quyết tâm ngăn chặn AIDS, thí sinh của các đội đã giúp cho khán giả những hiểu biết thêm về công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS. Những câu hỏi tình huống, ứng xử đều được các thí sinh nghiên cứu kỹ và trả lời rất chính xác. Kỹ năng tuyên truyền của các đội đã làm cho khán giả thấy rõ được tính sáng tạo trong xử lý các tình huống với người có HIV/AIDS, thấy rõ được tính tập thể trong từng khâu tổ chức của mỗi đội. Đây chính là thành công của hội thi.
Thí sinh Nguyễn Thị Thu Phương, 24 tuổi đến từ phường Bình Minh, thành phố Lào Cai tâm sự: “ Em rất thích phần thi xử lý tình huống, bởi vì là cán bộ y tế thôn, bản, là tuyên truyền viên phòng, chống HIV/AIDS hàng ngày đi cơ sở rất hay gặp những tình huống giống như trong hội thi này. Song, cách xử lý mỗi đội lại có một cái hay mà em thấy mình cần phải học tập để làm kinh nghiệm khi về tuyên truyền tại địa bàn của mình”.
Đó cũng là những tâm sự của hầu hết các thí sinh về dự Hội thi. Họ đa phần là những cộng tác viên y tế thôn, bản và tuyên truyền viên phòng, chống HIV/AIDS ở các tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao của cả nước. Còn đối với những khán giả hầu hết là cộng tác viên cơ sở của 5 tỉnh và sinh viên Trường Trung cấp Y Yên Bái, những kết quả họ cần khi đến với Hội thi đạt được còn hơn cả mong đợi.
Sinh viên Nguyễn Văn Long lớp 18C, Trường Trung cấp Y Yên Bái phấn khởi bộc bạch: “Không những có thêm kiến thức cho học tập mà chúng em còn nhận thức được rằng, dù mắc loại bệnh gì thì người bệnh đều rất cần được sự chăm sóc không riêng của y bác sỹ. Hội thi giúp chúng em hiểu thêm những cách phòng, chống và chăm sóc người nhiễm HIV để không xa lánh, hắt hủi họ”.
Theo thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS, đến nay cả nước có khoảng 170 ngàn người nhiễm HIV/AIDS ở 100% tỉnh, thành phố, quận, huyện và gần 70% số xã, phường của cả nước. Trong số 10 tỉnh có tỷ lệ nhiễm cao nhất thì có tới 6 tỉnh thuộc địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc. Do vậy, để từng bước hạn chế tình trạng gia tăng của căn bệnh AIDS và xã hội hoá công tác phòng, chống HIV/AIDS cần tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp thông qua đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở. Bởi chính đội ngũ này là những hạt nhân tích cực đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao kiến thức và thay đổi hành vi phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.
Trải qua mỗi hội thi, từ cấp cơ sở thôn, bản tới cấp tỉnh và cuối cùng là thi cụm, số lượt người được tuyên truyền lại nhân lên, số lượng kiến thức cũng như chất lượng, kỹ năng tuyên truyền của các thí sinh cũng được nâng cao, công tác phòng, chống HIV/AIDS dần được xã hội hoá. Đó mới thực sự là kết quả cao nhất, là giá trị đích thực mà Hội thi Tuyên truyền viên giỏi phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Tính đến 20/11/2008, toàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 403 học sinh bậc THCS và 57 học sinh bậc tiểu học bỏ học và chưa ra lớp. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do gia đình có hoàn cảnh khó khăn, nhà cách xa trường và do bản thân học sinh có học lực yếu.
Bộ LĐTB-XH chuẩn bị trình Thủ tướng đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ) góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2015”. Nếu thực hiện đề án này, người dân ở các huyện nghèo sẽ được hỗ trợ tối đa để đi làm việc ở nước ngoài. Ông Đào Công Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB-XH đã trao đổi với phóng viên báo chí về đề án này.
YBĐT - Trong những năm gần đây, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội, công tác DS - KHHGĐ ở Yên Bái đã có những kết quả nhất định. Quy mô gia đình có một hoặc 2 con đã được nhiều người chấp nhận; nhịp độ tăng dân số được khống chế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm từ 1,436% năm 2001 xuống còn 1,311% năm 2008.
Bộ NN&PTNT vừa có quyết định tạm thời chỉ định 12 phòng thử nghiệm, phân tích chất melamine trong nguyên liệu thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.