Bạch Hà nêu cao tinh thần tự lực, tự cường
- Cập nhật: Thứ tư, 24/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo lời truyền khẩu “Gạo Bạch Hà, gà Vũ Linh” tôi về với xã vùng sâu của huyện Yên Bình (Yên Bái). Bạch Hà nằm cách huyện lỵ chừng 50 cây số, đây là nơi chung sống của 4 dân tộc anh em: Kinh, Dao, Tày, Cao Lan. Bấy lâu nay, công cuộc đổi mới của Đảng và Nhà nước đã giúp cho đời sống của nhân dân địa phương được nâng cao, song tỷ lệ hộ nghèo của Bạch Hà vẫn còn cao, chiếm tới 25,7% số hộ toàn xã. Vì thế, xoá đói giảm nghèo vẫn luôn là nhiệm vụ hàng đầu.
Với vai trò là một tổ chức đoàn thể có nhiệm vụ động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua, Mặt trận Tổ quốc xã tích cực vận động mọi người phát huy tinh thần tự lực tự cường, xây dựng quê hương. Để đạt được yêu cầu này, MTTQ đã phối hợp với các đoàn thể tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia sinh hoạt trong các tổ chức chính trị xã hội. Đến nay, số hội viên của các hội, đoàn thể đều tăng. Cũng do đặc điểm địa phương người dân tộc thiểu số chiếm tới 60% dân số và có 1 họ đạo nên việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc được đặt ra thường xuyên. Cùng với nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào là vận động họ thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Đối với giáo dân, vận động bà con đăng ký phấn đấu trở thành người giáo dân xuất sắc, sản xuất giỏi, “kính Chúa yêu nước, sống tốt đời đẹp đạo”.
Chính vì vậy mà cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” từ khi phát động đến nay đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhân dân các dân tộc đoàn kết, giúp đỡ nhau về giống cây trồng, vật nuôi, vốn và ngày công để phát triển sản xuất. Nhiều lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân đã được mở. Diện tích trên 150ha lúa nước do áp dụng kỹ thuật thâm canh, gieo trồng giống mới nên năng suất nâng lên 10,8 tấn/ha. Vụ mùa năm 2008, lũ lụt do cơn bão số 4 gây ra vùi lấp 36ha lúa cùng phá hỏng nhiều công trình thuỷ lợi, lại phải động viên nhân dân tự lực khôi phục lại đồng ruộng, chuyển nhanh sang gieo trồng cây ngô để bảo đảm an ninh lương thực. Biết bao khó khăn của sự thiếu công, thiếu vốn nhưng Bạch Hà đã vượt qua.
Đẩy mạnh trồng cây hoa màu, chăn nuôi, trồng rừng kinh tế, nhiều hộ nông dân trở thành điển hình sản xuất giỏi như: hộ ông Hoàn, ông Mai ở thôn Phai Thao; hộ ông Huân, ông Tự thôn Hồ Sen; hộ ông Bình ở thôn Ngòi Lẻn... Đời sống của nhân dân trong xã được nâng cao rõ rệt, số hộ khá giàu có đến 242 hộ, thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/năm. Nhiều hộ đã mua được xe máy, máy cày bừa, máy xay xát, ô tô... phục vụ nhu cầu đời sống và sản xuất.
Đến Bạch Hà còn được người dân nơi đây kể nhiều về vai trò của trưởng thôn Ngọn Ngòi trong những ngày bão lũ. Thiệt hại do thiên tai gây ra tại thôn là quá nặng nề: 7,5ha đất canh tác bị cát sỏi vùi lấp không thể khắc phục, một số nhà dân bị đổ và các công trình phục vụ dân sinh hư hại. Người trưởng thôn đã huy động bà con trong thôn cải tạo lại đồng ruộng, sửa chữa đường sá, vận động nhường đất và dựng lại nhà cho hộ bị sập đổ. Không chỉ Ngọn Ngòi mà cả 8 thôn của xã đều có phong trào như vậy.
Phát huy tinh thần tương thân tương ái, giúp nhau lúc hoạn nạn khó khăn đã trở thành việc làm quen thuộc từ nhiều năm nay. Vậy nên, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” được triển khai khá tốt ở địa phương này, từ vận động các tầng lớp nhân dân ủng hộ đến thực hiện Chương trình 134 của Chính phủ để xoá 55 nhà dột nát, trong đó có 7 nhà Đại đoàn kết. Mặt trận Tổ quốc còn cùng các ngành, đoàn thể thành viên tín chấp vay Ngân hàng Chính sách – Xã hội cho người nghèo vay vốn với dư nợ 3,6 tỷ đồng. Đa số hộ nghèo sử dụng vốn đúng mục đích để phát triển sản xuất và dần vươn lên, nhiều hộ đã thoát nghèo. Năm 2007, Bạch Hà ra mắt xã văn hoá và toàn xã đã có 5/8 thôn được công nhận danh hiệu Làng văn hoá cấp huyện. Hầu hết các thôn đều xây dựng được hương ước, quy ước và các quy định khác trong việc cưới, việc tang cùng quan hệ ứng xử, giữ môi trường, cảnh quan sạch đẹp.
Những hoạt động nhằm giữ gìn bản sắc văn hoá các dân tộc cũng được đưa vào hương ước. Ngoài ra còn chú ý vận động trẻ em không bỏ học, xây dựng quỹ khuyến học, phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hoá gia đình... Hằng năm đều có 100% số hộ đăng ký xây dựng gia đình văn hoá. Đến nay, Bạch Hà vẫn là xã nghèo, khó khăn trước mắt còn nhiều, song dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, địa phương sẽ từng bước xây dựng được các khu dân cư vững mạnh, hoàn thành thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội mà Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XVI đề ra.
Nam Hà
Các tin khác
YBĐT - Thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở đã góp phần để xã Nậm Mười (Văn Chấn - Yên Bái) phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội. QCDC ở cơ sở đã tăng cường mối quan hệ đoàn kết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, đoàn kết các dân tộc anh em cùng chung sống trên địa bàn từng bước vượt qua khó khăn trong xoá đói giảm nghèo.
Ngày 23-12, Bộ GD-ĐT cho biết, một trong những điểm mới đáng lưu ý trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2009 là đề thi sẽ gồm 2 phần: phần chung đối với tất cả thí sinh (TS) ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao; phần riêng dành cho TS học theo từng chương trình: chương trình chuẩn hoặc chương trình nâng cao; TS học chương trình nào chỉ được làm phần dành riêng cho chương trình đó, nếu làm cả hai phần riêng thì cả hai phần đều không được chấm. Riêng môn Ngoại ngữ chỉ có phần chung dành cho tất cả các thí sinh, ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và nâng cao.
Tại Quyết định số 172/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng vừa ban hành về chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS giai đoạn 2006-2010 , Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung nội dung 3 dự án phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, tăng huyết áp và đái tháo đường vào chương trình này (so với giai đoạn 2003-2007).
Ngày 23/12, Bộ GD&ĐT thông báo cung cấp miễn phí một số phần mềm cho các Sở GD&ĐT và các trường phổ thông trên toàn quốc. Cụ thể: Phần mềm quản lý học tập, quản lý trong nhà trường phổ thông; sắp xếp thời khóa biểu; họp và giảng dạy qua mạng; họp giao ban qua hệ thống đàm thoại; soạn bài giảng điện tử.