Thị xã Nghĩa Lộ: Cần bao nhiêu thời gian để thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa
- Cập nhật: Thứ tư, 31/12/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ được tái lập lại theo Nghị định số 31/NĐ-CP Chính phủ, là đơn vị hành chính thứ 9 của tỉnh Yên Bái. Sau 8 năm xây dựng và phát triển (từ 1995 – 2003), địa phương đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế – văn hóa – xã hội, an ninh quốc phòng.
Toàn cảnh thị xã Nghĩa Lộ.
(Ảnh: Hoàng Đô)
|
Là một thị xã có truyền thống lịch sử văn hóa; đồng thời cũng là mảnh đất giầu truyền thống yêu nước, cách mạng, với những ưu thế đó, thị xã đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) chọn làm điểm xây dựng thị xã văn hóa ở miền núi và vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2003 – 2010.
Sau 2 tháng ra mắt xây dựng thị xã văn hóa, ngày 24/12/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/NĐ-CP mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ bằng việc sáp nhập thêm 3 xã là Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn.
Việc điều chỉnh mở rộng địa giới đã tạo cho thị xã có nhiều thay đổi, từ quy mô 4 đơn vị hành chính trực thuộc, nay tăng lên 7 đơn vị hành chính gồm 4 phường, 3 xã; diện tích tự nhiên từ 1.093ha tăng lên 2.996,6ha; dân số từ 18.263 người tăng lên 25.846 người (2004); từ 98 tổ dân phố nay tăng lên 121 tổ dân phố, thôn bản; từ 4.124 hộ tăng lên 6.740 hộ. Đồng thời, cơ cấu kinh tế của thị xã cũng có những thay đổi như: tỷ trọng nông nghiệp từ 17,6% năm 2003 tăng lên 28,6%; thu nhập bình quân đầu người từ 3,65 triệu đồng/năm giảm xuống còn 3 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 5,5% tăng lên 10% (theo tiêu chí cũ), tăng lên 31,74% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 0,8%/năm tăng lên 1,2%/năm; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng từ 20% tăng lên 24,2%.
Về giáo dục đào tạo: năm 2002 thị xã đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục đúng độ tuổi, năm 2003 đạt phổ cập THCS nhưng khi sáp nhập thêm 3 xã năm 2004 thì thị xã lại chưa đạt 2 chuẩn này. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” còn nhiều khó khăn, bất cập, do vậy, việc hưởng thụ các công trình phúc lợi như y tế, giáo dục, văn hóa... của nhân dân nhất là khu vực 3 xã mới còn nhiều khó khăn.
Trước những thay đổi trên, thị xã đã kịp thời rà soát, điều chỉnh những nhiệm vụ, mục tiêu mới vào Đề án xây dựng thị xã văn hóa Nghĩa Lộ giai đoạn 2003 – 2010. Thị ủy đã ra nhiều văn bản chỉ đạo phong trào xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng thị xã văn hóa. HĐND có Nghị quyết chuyên đề về xây dựng thiết chế nhà văn hóa và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. UBND đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng 13 đề án chuyên ngành, nhằm cụ thể hóa các mục tiêu của đề án như: Đề án phát triển công nghiệp – thương mại - dịch vụ theo hướng thị trường hóa nhằm đáp ứng cung cầu thị trường; Đề án phát triển bảo tồn các ngành nghề truyền thống gắn với các hoạt động du lịch; Đề án phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn; Đề án xây dựng chuồng trại và chăn nuôi khu vực nông nghiệp; Đề án quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai; Đề án phát triển cây xanh đô thị; Đề án đảm bảo an toàn giao thông, trật tự đô thị; Đề án phòng chống ma túy và các tệ nạn xã hội; Đề án củng cố nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập THCS, đẩy mạnh phổ cập THPT giai đoạn 2004 – 2010... hay Đề án xây dựng thiết chế nhà văn hóa...
Sau 5 năm (từ 2003 – 2008) triển khai thực hiện; với sự nỗ lực, quyết tâm cao, Đảng bộ, các cấp chính quyền, đoàn thể cùng toàn thể nhân dân các dân tộc trên địa bàn đã đoàn kết phấn đấu đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 13,3%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ lệ của ngành công nghiệp – xây dựng, thương mại – dịch vụ ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế: năm 2003 chiếm 72,6% thì 2007 đã chiếm 76,1%.
Giai đoạn 2003 – 2007 thu nhập bình quân tăng 2,05 lần từ 3,009 triệu đồng/người năm 2003 lên 6,18 triệu đồng/người năm 2007. Thị xã cũng đã ra mắt được 50 câu lạc bộ thể thao, thành lập được các hội cầu lông, bóng đá, bóng chuyền; 100% xã, phường có hoạt động thể thao, nhiều loại hình, sân chơi TDTT được xây dựng. Các nội dung chính về TDTT cơ bản đã đạt mục tiêu đặt ra như: số người luyện tập thường xuyên đạt 100%, số trường đảm bảo giáo dục thể chất có tổ chức đạt 100%, số trường thực hiện ngoại khoá TDTT tốt đạt 100%. Đã tiến hành xây dựng thiết chế nhà văn hóa từ xã, phường đến các tổ dân phố, với phương châm Nhà nước và Nhân dân cùng làm.
Đến cuối năm 2006, thị xã đã xây dựng được 20 nhà văn hóa, 100% các nhà văn hóa đều đạt yêu cầu của Đề án, với giá trị từ 25 – 30 triệu đồng. Một số thiết chế văn hóa nằm trong quy hoạch đầu tư, tôn tạo của Đề án cũng đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tỉnh Yên Bái và thị xã đầu tư tôn tạo, nâng cấp như: sửa chữa, nâng cấp Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn tạo Khu di tích lịch sử Căng - Đồn Nghĩa Lộ.
Các thiết chế văn hóa từ cấp thị xã cho đến xã, phường, tổ dân phố, thôn bản đều đã xây dựng quy chế quản lý, sử dụng nhằm khai thác có hiệu quả. Các giá trị văn hóa truyền thống được quan tâm khôi phục, bảo tồn và phát huy như: truyền dạy 6 điệu xòe cổ, truyền dạy và sưu tầm chữ Thái cổ; các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc như khèn, bè, pí, tính, sáo; các trò chơi dân gian như ném còn, tát yến, tó mắc lẹ...; tổ chức thi trang phục dân tộc; giới thiệu các món ăn dân tộc trong những ngày lễ tết; khôi phục các lễ hội truyền thống như “Xên bản, xên mường” ở phường Trung tâm, “Hạn khuống” ở xã Nghĩa An; khôi phục và phát triển làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bảo tồn nhà sàn dân tộc Thái cùng các phong tục, tập quán tốt đẹp gắn với phát triển du lịch sinh thái.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng thị xã văn hóa Nghĩa Lộ thì đến năm 2010 tức là chỉ còn 2 năm nữa, thị xã Nghĩa Lộ vẫn không thể đạt được các tiêu chí của một thị xã văn hóa. Ông Nguyễn Quốc Bảo – Trưởng phòng Văn hóa thị xã cho biết: trong quá trình xây dựng Đề án thị xã văn hóa, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cũng như tỉnh Yên Bái chưa đưa ra một tiêu chí cụ thể nào mà Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch) chỉ có Công văn số 363 ngày 27/1/2003 trao đổi với UBND tỉnh Yên Bái đề nghị thị xã Nghĩa Lộ lưu ý khi xây dựng Đề án nên đề cập toàn diện đến các lĩnh vực phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội song trong Đề án nên thể hiện một cách có trọng tâm trọng điểm, rõ hơn về những mục tiêu, chỉ tiêu và giải pháp về văn hoá, của văn hóa. Không hiểu vì sao trong Đề án của mình, Nghĩa Lộ đã gần như đồng nhất Đề án xây dựng thị xã văn hóa với chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương? Nhiều tiêu chí đặt ra chạy theo thành tích. Kết quả, từ khi xây dựng Đề án đến nay khi thực hiện các tiêu chí thị xã văn hóa, Nghĩa Lộ luôn bị động, lúng túng, nhiều phần việc phải chờ ý kiến chỉ đạo của tỉnh (?). Điều này rất dễ nhận thấy khi thị xã đầu tư xây mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình công cộng nói chung, các thiết chế văn hóa nói riêng.
Do xuất phát điểm về kinh tế – văn hóa – xã hội từ một thị trấn của huyện Văn Chấn cũ tách ra, thu ngân sách hàng năm thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu chi, phải phụ thuộc vào nguồn ngân sách tỉnh, Trung ương, nên có một số tiêu chí Đề án nêu ra mà đến nay sau 5 năm triển khai thị xã Nghĩa Lộ gần như chưa động đến vì thiếu kinh phí. Cụ thể như: nhà văn hóa trung tâm theo dự án là 3 tỷ đồng; thư viện thị xã 500 triệu đồng; hiệu sách nhân dân 350 triệu đồng; rạp chiếu bóng ngoài trời 800 triệu đồng; nâng cấp và xây dựng các cụm panô 120 triệu đồng; nhà văn hóa thiếu nhi 400 triệu đồng; nhà văn hóa 6 xã, phường 1.750 triệu đồng. Còn lúng túng ở chỗ đến nay cả Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và tỉnh vẫn chưa có quy chế công nhận các xã, phường, huyện, thị đạt chuẩn văn hóa. Chính vì lẽ đó, thị xã Nghĩa Lộ đã cho 6/7 xã phường ra mắt xây dựng phường văn hóa và lập tờ trình đề nghị tỉnh công nhận phường Cầu Thia là phường đầu tiên của thị xã đạt chuẩn văn hóa vẫn chưa có hồi âm (!). Lộ trình đến năm 2010 có 4/7 xã, phường được công nhận có thể sẽ không thực hiện được.
Ông Nguyễn Mạnh Cường – Phó giám đốc Nhà thi đấu TDTT thị xã, phụ trách công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở cho biết: Chỉ trong chưa đầy 3 năm, thị xã đã ồ ạt cho 100/121 tổ dân phố, thôn, bản ra mắt xây dựng tổ dân phố văn hóa, trong đó có nhiều tổ trong khu vực khối nông nghiệp nông thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống còn rất lạc hậu. Cũng theo ông Cường, ngay cả làng Cang Nà ở phường Trung Tâm, năm 1997 được Sở Văn hóa – Thông tin Yên Bái (nay là Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch) chọn làm thí điểm xây dựng làng văn hóa cấp tỉnh, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, ngay sau một năm xây dựng, làng Cang Nà đã được công nhận ngay là làng văn hóa cấp tỉnh nhưng cho đến nay các tiêu chí của làng văn hóa điểm đã đi xuống gần như không còn giữ được.
Cũng do phải dàn trải nhiều công việc cùng một lúc, thị xã hy vọng vào 13 tiểu đề án của các cơ quan, ban ngành được coi là “xương sống” của Đề án xây dựng thị xã văn hóa nhưng đến nay nhiều cơ quan đã không còn thực hiện. Từ đây, thị xã đã vấp phải những hạn chế yếu kém như về kinh tế: tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa ổn định, vững chắc; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; thu ngân sách còn thấp; quản lý đô thị được tăng cường nhưng vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm xây dựng, vi phạm đất đai; cơ sở hạ tầng đã được quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cơ sở hạ tầng khu vực nông nghiệp nông thôn... Đặc biệt về công nghiệp, thị xã chưa có cơ sở sản xuất lớn, đa phần là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, vốn thấp, công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Nông lâm nghiệp là thế mạnh nhưng cho đến nay công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đã có những chuyển biến tích cực song quy mô còn nhỏ lẻ; chưa có vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, không mang tính hàng hóa cao; nhận thức, trình độ của người dân nông nghiệp còn hạn chế, chưa có sự chủ động trong công tác sản xuất, vẫn còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Về văn hóa, chất lượng gia đình văn hóa, làng bản, tổ dân phố văn hóa chưa thực sự bảo đảm yêu cầu đặt ra: tỷ lệ hộ được dùng nước sạch, có hố xí hợp vệ sinh khu vực nông nghiệp còn thấp; vẫn còn hiện tượng nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; công tác vệ sinh môi trường, đường làng ngõ xóm chưa được nhân dân quan tâm đúng mức; hệ thống giao thông ở một số thôn, bản chưa được bê tông hóa, đi lại còn gặp nhiều khó khăn...
Một số nhà văn hóa chưa hoặc đã được trang bị nhưng còn thiếu thốn, chất lượng thấp chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT ở cơ sở chưa thường xuyên, đa phần dừng lại ở mức phát động phong trào; chưa có sự đầu tư về chiều sâu. Công tác gìn giữ, bảo tồn phát triển các giá trị văn hóa truyền thống đã được quan tâm song chưa được khai thác hiệu quả, đặc biệt là việc khai thác dưới khía cạnh quảng bá, phục vụ, thu hút khách tham quan, du lịch...; chưa đầu tư xây dựng được các điểm du lịch hấp dẫn để đón du khách. Về chính sách xã hội, số hộ nghèo đã giảm nhưng chưa bền vững, tỷ lệ nghèo còn chiếm từ 17% - 20%, đặc biệt hơn ở xã Nghĩa Lợi đến trên 42,5%...
Hai năm nữa là khoảng thời gian còn rất ngắn. Có lẽ việc gia hạn thời gian xây dựng Đề án thị xã văn hóa đến năm 2012 là thực sự cần thiết nhưng ngay từ lúc này thị xã phải nhanh chóng điều chỉnh Đề án tập trung vào thế mạnh đặc trưng, sẵn có của địa phương là truyền thống văn hóa dân tộc, khơi dậy tiềm năng du lịch văn hóa. Qua đó, rà soát, bổ sung các mục tiêu, tiêu chí của Đề án, đưa ra các giải pháp phù hợp, đề nghị bổ sung vào nghị quyết của Đảng, HĐND và chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trên địa bàn về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là nâng cao nhận thức của nhân dân về Nghị quyết TƯ5 (khóa VIII), Kết luận Hội nghị TƯ10 (khóa IX), Nghị quyết Đại hội X của Đảng về phát triển văn hóa, tuyên truyền các mục tiêu và nội dung phong trào “TDĐKXDĐSVH”, mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng thị xã văn hóa thì mục tiêu xây dựng Đề án thị xã văn hóa mới có thể trở thành hiện thực.
Nguyễn Thanh
Các tin khác
YBĐT - Ngành tư pháp Yên Bái là một trong 2 đơn vị duy nhất của khu vực thi đua khối các cơ quan tư pháp của 14 tỉnh miền núi phía Bắc được suy tôn đề nghị Bộ Tư pháp tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2008. Thành tích đó chính là thành quả của một năm phấn đấu, đánh dấu những thành tựu bước đầu của ngành tư pháp Yên Bái trong lộ trình cải cách tư pháp đến năm 2020 theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị. Đó cũng là lý do để ngành tư pháp tỉnh nhà đón năm mới Kỷ Sửu 2009 phấn khởi hơn, quyết tâm hơn, vững tin vào thực hiện nhiệm vụ kế hoạch trong năm 2009.
YBĐT - Vào những ngày cuối năm, khi đồng bào Mông ở Suối Bu (Văn Chấn - Yên Bái) đang nhộn nhịp chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc, chúng tôi có dịp đến thăm bà con. Con đường đất quanh co năm nào dẫn vào trung tâm xã nay đã được bê tông hóa. Những ngôi nhà mới làm bằng gỗ thông, khoác tấm lợp phibrôximăng ngay ngắn hai bên đường trông thật vững chãi của các thôn hạ sơn đã tạo cho Suối Bu một diện mạo mới. Thăm các gia đình hạ sơn một vòng, chúng tôi đã cảm nhận được cuộc sống mới của đồng bào Mông quần tụ, đầm ấm bên nhau tại các thôn Ba Cầu, Làng Hoa, Bu Cao…
YBĐT - Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 - 2010 được HĐND tỉnh thông qua tháng 7/2006 và UBND tỉnh phê duyệt thực hiện tháng 11/2006 đã qua nửa chặng đường thực hiện. Phóng viên (PV) Báo Yên Bái có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Công Vạng - Phó giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh về việc thực hiện chương trình trong nửa đầu giai đoạn này.
Trang tin điện tử Cải cách thủ tục hành chính vừa chính thức ra mắt chiều 30.12.2008, mang Thông điệp của Thủ tướng Chính phủ: "Đơn giản hóa thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước giai đoạn 2007 - 2010 là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá cải cách hành chính từ nay đến hết năm 2010".