Lang Lao vùng đất hoang sơ
- Cập nhật: Thứ ba, 13/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm ở độ cao trên 1500m, sâu trong những khu rừng nguyên sinh và cách trung tâm xã trên 7 giờ đi bộ. Làng Lao, xã Cát Thịnh (Văn Chấn - Yên Bái) từ lâu đã được biết đến là một trong những thôn bản xa xôi, thuộc diện khó khăn nhất của huyện Văn Chấn. Những năm qua, ngoài một số cán bộ xã thỉnh thoảng tới thăm hỏi động viên, vận động nhân dân thì bà con người Mông nơi đây cũng ít khi tiếp xúc với bên ngoài.
Sau 7 giờ đi bộ, bắt đầu từ thôn Đồng Hẻo xã Cát Thịnh, vượt qua nhiều đèo cao, suối rộng, qua các khu vực Tăng Khờ 1, Tăng Khờ 2, Tăng Khờ 3 và Háng Chú, đoàn công tác của Huyện ủy Văn Chấn đi chúc tết đồng bào Mông đã đến trung tâm làng Lao. Từ trên đỉnh Háng Chú nhìn sang trung tâm làng Lao, thấp thoáng lá cờ đỏ sao vàng trên mái lớp học của thôn, xung quanh vài ngôi nhà thấp tè, tỏa ra làn khói lam. Bên trên là những cánh rừng nguyên sinh nhưng phía dưới là những vạt lúa nương, trơ những gốc rạ. Biết tin đoàn công tác đến, đông đảo bà con đã đón chờ. Những đứa trẻ khuôn mặt lấm lem, đôi mắt ngây thơ nhìn chúng tôi đầy vẻ lạ lẫm, còn những người lớn tuổi thì phấn chấn, háo hức lạ thường.
Đón tiếp chúng tôi bằng cái bắt tay nồng ấm, trưởng bản Hờ Gia Trang phấn khởi nói: Từ trước đến nay cán bộ xã cũng thỉnh thoảng đến thăm, nhưng đây là lần đầu tiên làng Lao đón một đoàn công tác cấp huyện, bà con vui mừng phấn khởi lắm, chuẩn bị từ sớm để đón đoàn. Làng Lao hiện có 46 hộ đồng bào Mông, với 352 nhân khẩu, sống rải rác ở 5 khu vực là Tăng Khờ 1, Tăng Khờ 2, Tăng Khờ 3, Háng Chú và trung tâm làng Lao. Đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và trọng tâm là chăn thả gia súc. Với 5,6 ha lúa nước và khoảng 6-7 ha lúa nương, trong khi trình độ canh tác còn khá lạc hậu, sản xuất của nhân dân chủ yếu là tự cung, tự cấp, nên 100% hộ dân trong thôn đều thuộc diện nghèo. Bản làng trông hoang sơ, không đường, không ranh giới giữa các hộ.
Tình trạng môi trường yếu kém và vấn đề gia tăng dân số là một trong những vấn đề hết sức đáng ngại ở đây. Gia súc hầu như 100% thả rông và với con người thì việc sinh đẻ cũng tự nhiên như cây rừng. Năm 2007, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, làng Lao có 1 lớp học đầu tiên và gần 30 em học sinh đã bước vào lớp 1. Tuy nhiên, do điều kiện đường sá xa xôi, Trường Tiểu học Cát Thịnh mới chỉ tổ chức dạy mỗi năm một lớp 1 hoặc lớp 2.
Theo thầy giáo Tăng Tiến Thịnh - giáo viên tình nguyện tại làng Lao cho biết: Năm học này nhà trường tổ chức dạy lớp 2, lớp học có 25 em. Nhìn chung, các em học sinh rất ngoan và chăm học. Các bậc phụ huynh cũng tạo điều kiện cho con em mình đi học nhưng mỗi khi mùa màng tới chúng lại phải ở nhà trông em, hay theo bố mẹ đi nương, thành thử những ngày đó lớp học rất vắng. Mặt khác, do các em chưa được tiếp cận với tiếng phổ thông từ nhỏ nên việc học ngôn ngữ là rất khó. Buổi chiều, làng Lao hình như trời tối nhanh hơn hơi khác, chưa có điện lưới quốc gia nhưng nhiều hộ dân đã biết sử dụng sức nước để làm thủy điện.
Màn đêm buông xuống, bản làng hiện lên những ánh điện yếu ớt lẫn vào ánh bếp lửa bập bùng. Cuộc sống của nhân dân làng Lao tuy vất vả nhưng tình người thật nồng ấm. Sau bữa cơm thân mật với nhân dân làng Lao, đoàn công tác cùng nhân dân đã có một đêm giao lưu văn hóa, văn nghệ thắm tình đoàn kết. Các em thiếu nhi và nhân dân làng Lao đã thể hiện tình cảm chân thành, nồng ấm qua các bài ca, điệu múa đậm đà bản sắc dân tộc Mông. Dường như những gì đặc sắc nhất, tích lũy bấy lâu trong đời sống nhân dân nay mới có dịp thể hiện. Các cô gái Mông trong những trang phục sặc sỡ, say mê trong những điệu dân ca truyền thống của dân tộc, bên tiếng sáo Mông, khèn lá say sưa của các chàng trai. Hòa vào cuộc vui, ai nấy đều quên hết những khó khăn, khắc khổ của cuộc sống đời thường. Đêm giao lưu tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong mỗi chúng tôi một tình cảm sâu đậm, một cảm nhận mới về cuộc sống con người nơi đây.
Chia tay làng Lao, chúng tôi mang theo bao tình cảm của đồng bào Mông. Lần đầu tiên đúng vào dịp tết cổ truyền của dân tộc Mông, đồng bào Mông làng Lao được đón một đoàn công tác của huyện với những tình cảm gửi gắm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn... Tạm biệt làng Lao với những cái vẫy chào cùng ánh mắt thân tình của nhân dân, lòng chúng tôi như ấm lại. Đường về còn xa tít, nhưng ai nấy đều hy vọng có ngày trở lại làng Lao trên con đường được mở rộng, để thấy được những đổi thay của cuộc sống con người nơi đây.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Những năm qua, Toà án nhân dân huyện Văn Yên (Yên Bái) đã chủ động trang bị kiến thức cho cán bộ thẩm phán, thư ký, đoàn hội thẩm nhân dân, nâng cao chất lượng công tác xét xử đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trong tâm của Chiến lược cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2010.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chú trọng việc tổ chức triển khai thực hiện các chính sách người cao tuổi (NCT) trên địa bàn để đảm bảo cho NCT được thụ hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách của Nhà nước; nếu có vướng mắc phải báo cáo kịp thời các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết.
YBĐT - Yên Bái là một tỉnh có diện tích rừng, đất rừng lớn, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác trồng, bảo vệ rừng, song do phong tục tập quán cùng với nhận thức của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc còn hạn chế, tình trạng chặt phá, khai thác, xâm chiếm rừng, đất rừng vẫn còn xảy ra. Để công tác quản lý bảo vệ rừng hiệu quả Yên Bái đã có nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp, hỗ trợ giống, phân bón, quy hoạch vùng phát triển, bảo vệ diện tích rừng ngày một phát triển tốt. Đặc biệt là sau hơn ba năm thực hiện Dự án “Chương trình thí điểm lâm nghiệp cộng đồng”, ý thức của người dân đã được nâng lên, diện tích rừng được bảo vệ tốt hơn rất nhiều.
YBĐT - Bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2008, ngành BHXH Yên Bái gặp không ít khó khăn, đó là các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) luôn có sự thay đổi, tăng thêm khối lượng công việc phải thực hiện khá lớn trong khi đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của ngành còn ít. Hệ thống các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là tuyến xã phường, thị trấn chưa đáp ứng yêu cầu cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, chất lượng đội ngũ.