Phòng chống xâm hại trẻ em: Vẫn thiếu sự phối hợp đồng bộ

  • Cập nhật: Thứ năm, 15/1/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Thực tế cho thấy, tình trạng xâm hại, lạm dụng trẻ em có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, bao gồm: lạm dụng thân thể, xâm hại tình dục, lạm dụng tình cảm, bóc lột trẻ em vì mục đích thương mại thông qua mại dâm trẻ em, tranh ảnh khiêu dâm trẻ em, buôn bán trẻ em và sử dụng lao động trẻ em trong điều kiện độc hại, nguy hiểm.

Mô hình chuyển đổi ngành nghề tại xã Yên Bình (Yên Bình) đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm.
Mô hình chuyển đổi ngành nghề tại xã Yên Bình (Yên Bình) đã góp phần cải thiện đáng kể tình trạng trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong môi trường độc hại, nguy hiểm.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái thì số trẻ em lao động trong điều kiện nặng nhọc, nguy hiểm là 368 trẻ nhưng chỉ có 51 trẻ được chăm sóc, số còn lại luôn có nguy cơ bị xâm hại bất cứ lúc nào. Trẻ phải lao động trước tuổi có nhiều nguyên nhân như: bị bỏ rơi, bị bạo hành gia đình, bị dụ dỗ và lừa gạt...

Tháng 10/2008, Sở Lao động - Thương binh & Xã hội đã phối hợp với Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội xây dựng thí điểm mô hình tư vấn cho các bậc cha mẹ về chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, tạo việc làm và thu nhập nhằm ngăn ngừa cũng như giải quyết tình trạng trẻ phải lao động nặng nhọc, phải lao động trong môi trường độc hại, nguy hiểm tại xã Nghĩa Lợi của thị xã Nghĩa Lộ. Đây là một trong những xã có dân số đông nhất, nhì của thị xã với 100% đồng bào dân tộc Thái.

Trên cơ sở tập hợp những gia đình thuộc diện nghèo và một số trẻ mồ côi, mô hình đã tập hợp được 22 trẻ đang có nguy cơ phải lao động nặng nhọc, phải lao động trong điều kiện độc hại, nguy hiểm tham gia, trong đó có 9 trẻ đã bỏ học, 13 trẻ đang đi học và đều ở độ tuổi từ 10 - 15 tuổi. Mô hình đã tổ chức 2 hội nghị, hội thảo về rà soát để phát hiện mô hình và hoàn thiện mô hình với sự tham gia của UBND thị xã, các ban, ngành chuyên môn của thị xã Nghĩa Lộ,  UBND xã Nghĩa Lợi và Trung tâm Dạy nghề thị xã Nghĩa Lộ.

Qua đó đã xác định ngành nghề cần chuyển đổi là nghề thêu thổ cẩm truyền thống. Bằng hình thức hỗ trợ vốn, kỹ thuật và cung cấp tài liệu về thêu thổ cẩm truyền thống giúp các em có thể dựa vào tài liệu hoàn thiện quá trình học nghề, đồng thời bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Tuy thời gian triển khai mô hình tương đối ngắn nhưng bước đầu mô hình đã đạt được những kết quả nhất định trong việc thí điểm tìm ra giải pháp tại chỗ để giải quyết một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng trẻ phải bỏ học, phải lao động nặng nhọc trong môi trường độc hại, nguy hiểm. Mô hình cũng góp phần nâng cao nhận thức của cha mẹ, của người lớn về cách giáo dục con cái trong việc học tập, lao động nghề nghiệp. Tuy nhiên, do thời gian triển khai ngắn nên chưa đánh giá được kết quả đầu ra, kinh phí cho mô hình còn hạn chế... nên hiệu quả chưa cao.

Đối với mô hình phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại cộng đồng ở 25 xã trọng điểm cũng vậy. Việc tập huấn nghiệp vụ về cách phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại cộng đồng cho trên 1.300 cán bộ chủ chốt cấp xã, cấp thôn đồng thời với việc duy trì mô hình phòng chống xâm hại tình dục trẻ em tại cộng đồng ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái từ tháng 12/2005 đến nay. Song thực tế cho thấy, hiệu quả của việc phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em tại cộng đồng chưa cao, nhất là mô hình điểm ở phường Nguyễn Phúc dù đã triển khai và duy trì được 3 năm nhưng kết quả lại không mấy khả quan cũng như chưa nhân rộng thêm được ra những xã trọng điểm khác. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa được quan tâm. Các tụ điểm vui chơi giải trí cho trẻ cũng chưa được quan tâm đúng mức, thiếu các tụ điểm vui chơi giải trí ngoài giờ lên lớp và vẫn phải sinh hoạt nhờ ở các hội trường thôn, bản...

Về nguyên nhân của tình trạng này thì ngoài kinh phí để triển khai các mô hình, dự án, có một yếu tố quan trọng đó là vẫn thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành; chưa tạo được sự đồng thuận trong tuyên truyền, giáo dục phòng chống xâm hại tình dục trẻ em cho các bậc cha mẹ, người dân cũng như chính bản thân các em.

Bên cạnh đó, chưa có sân chơi lành mạnh, bổ ích dành riêng cho thanh, thiếu niên; chưa đưa được nội dung giáo dục giới tính vào giảng dạy ở nhiều điểm trường vùng sâu, vùng xa. Mối quan hệ giữa gia đình - nhà trường - xã hội chưa được phối hợp chặt chẽ; bạo lực gia đình vẫn có chiều hướng gia tăng; trẻ em vùng cao vẫn phải lao động nặng nhọc trước tuổi; trẻ vẫn đi một mình tại những khu vực vắng người mà không có người lớn đi cùng... Có giải quyết được triệt để, được tốt những vấn đề nêu trên thì tình trạng xâm hại trẻ em mới mong được ngăn ngừa và cải thiện đáng kể.

Lê Thanh

Các tin khác

YBĐT - Nhân dịp tết cổ truyền của dân tộc, UBND tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch đi thăm và tặng quà các đơn vị trực tết và các đối tượng người có công, gia đình chính sách tiêu biểu.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở phải đảm bảo thuốc men, giường bệnh và bác sĩ trực để có thể cấp cứu tai nạn, phòng chống dịch bệnh...

Bộ Y tế vừa có Chỉ thị khuyến cáo các đơn vị, địa phương cần chủ động phòng ngừa bệnh cúm A (H5N1) ở người cũng như bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm có thể bùng phát trở lại trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Sửu.

Ngày 14/1, Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã có thư gửi lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị quan tâm chăm lo thầy, cô giáo nhân dịp Tết Kỷ Sửu. Phó Thủ tướng trăn trở là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tôi cảm thấy rất băn khoăn khi ngày Tết đến, không góp phần lo được cái Tết cho gia đình của 1 triệu thầy cô giáo mầm non và phổ thông.

YBĐT - Ngày 13/1, Phân xã TTXVN tại Yên Bái đã phối hợp với Hội chữ thập đỏ tỉnh đi thăm, tặng quà cho các gia đình là nạn nhân chất độc màu da cam và người nghèo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục