Tết này Nghĩa Sơn vui lắm
- Cập nhật: Thứ năm, 22/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Gần mà xa. Nghe tiếng hú to biết là Nghĩa Sơn (Văn Chấn). Năm mới vào thăm lại mảnh đất này. Bây giờ, từ quốc lộ 32, cạnh Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ, tôi như trong mơ, theo chiếc xe truyền hình lưu động YTV của Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, bon bon trên con đường bê tông phẳng lì... Nghĩa Sơn đang ở phía trước, không còn là vùng sâu, vùng xa nữa rồi.
Người Khơ Mú ở xã Nghĩa Sơn quây quần bên bếp lửa nghe các nghệ nhân hát sử thi.
|
Nhớ lại cách đây mấy năm, từ dốc Pú Lo nhìn ngang thấy trập trùng mây núi, thấy bạt ngàn cây và những lối mòn đi xuống, đi lên, rẽ trái, rẽ phải. Đó là miền đất cao xanh Nghĩa Sơn - nơi định cư của đồng bào Khơ Mú. Dưới chân dốc, quốc lộ 32 ngày ngày người xe nhộn nhịp, nhưng khách ngược lên Nghĩa Sơn vẫn là hiếm hoi. Cũng từ đỉnh Pú Lo, nhìn từ đây xuống mờ xa, thấp thoáng những mái nhà sàn. Thấy thế thôi, những người khỏe cũng phải đi tầm hai mươi phút mới tới. Khi có mưa, đường đất nhão nhoét, lầy lội thì đi bộ ngót cả tiếng đồng hồ. Người Nghĩa Sơn không phải là quá thiếu thóc, ngô, nhưng nghèo vẫn hoàn nghèo. Mọi người bảo: "Chỉ tại con đường đấy thôi!".
Hồi đó, ông Vì Văn Sang - một già bản, một nghệ nhân thường đứng trên sàn nhà, nhìn xa xăm về phía mặt trời. Lời ông ước trăm điều, nhưng cốt lõi là mong quê ông có một con đường to, một con đường tốt, để Nghĩa Sơn không còn là "ốc đảo".
Những hình ảnh và nỗi khát khao ấy là của nhiều năm về trước. Còn từ năm 2003, con đường Đảng đã đến. Một ngày đẹp nhất trong những ngày đẹp, con đường bê tông lên Nghĩa Sơn chính thức được khởi công. Chương trình 135 của Chính phủ đã đem mùa xuân về cho gần hai nghìn đồng bào Khơ Mú. Tiếng máy ủi giòn tan, những mét đường đầu tiên hiện ra. Lũ trẻ, người già bản Nậm Tộc, bản Noong Khoang, bản Lọng nô nức đi xem. Cụ Lò Văn Dem, gần 80 tuổi (bản Nậm Tộc II) đứng lặng, nước mắt vui sướng trào ra, ướt áo.
Con đường xưa đi bộ còn mướt mồ hôi. Con đường hôm nay xin cứ nói vui hai chữ "thênh thang". Gần 4 ki lô mét từ quốc lộ lên trung tâm xã, không dài nhưng là cả một sự đổi đời với người dân Nghĩa Sơn. Lại nữa, hàng chục ki lô mét cũng bê tông hóa từ xã đi về các ngả. Đường về Nậm Tộc, đường đi bản Noong Khoang, đường vượt dốc tới bản Lọng... Mỗi cây số đường là trăm nghìn niềm vui, là niềm tin và tự hào. Hết rồi, hết vĩnh viễn cái "ốc đảo" Nghĩa Sơn. Giờ trung tâm xã trụ sở cao tầng bề thế, cạnh ủy ban xã là trạm xá, là nhà bưu điện, là khu trường liên cấp I - II khang trang, kiên cố, rộng đẹp. Nơi trung tâm đã đành, các bản xa đã có những chuyến xe ô tô cỡ nhỏ, xe máy đi về trao đổi, bán mua. Ngô, thóc, sắn bán đi và xoong nồi, chăn màn, đồ điện, phân bón... mua về. Hai chữ "hàng hóa" đã đến với người dân, nâng tầm giá trị lao động của người Nghĩa Sơn lên gấp nhiều lần.
Đưa chúng tôi đi thăm những thửa ruộng lúa xuân, ông Mè Văn Lún, Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: "Cách đây ba năm thôi, bà con cả 6 thôn còn khó khăn lắm. Đường giao thông không như bây giờ. Điện chưa có, trường học, trạm xá chưa xây. Cả xã chỉ có 22 ha ruộng 1 vụ, nếu đem chia cho 312 hộ thì gần 2 nghìn khẩu chẳng được là bao". Bây giờ, Đảng và Nhà nước quan tâm, địa phương được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Trước hết là hệ thống thủy lợi, kế đó là điện lưới quốc gia, đường, trường, trạm y tế, bưu điện văn hóa xã, công trình nước sạch. Tất cả kiên cố, khang trang. Chỉ tính từ năm 2004 - 2006, xã đã khai hoang thêm 16 ha, đưa diện tích ruộng nước 2 vụ/năm lên tới 39,5ha. Năm 2007, năng suất lúa đạt 40 tạ/ha/vụ. Cùng với thâm canh lúa, nơi đây còn có 20 ha ngô, 45 ha sắn, 10 ha đậu tương.
Nhìn đàn trâu bò đang nhởn nhơ trên những gò đồi gần bãi bằng trung tâm xã, Bí thư Mè Văn Lún cười vui: Năm 2000 cả xã có gần 1 nghìn con. Vậy mà nay, mới gần 7 năm, cả trâu lẫn bò đã tăng gấp đôi. Từ chăn nuôi, xã thu về tới nửa tỷ đồng. Con số lớn đấy chứ?".
- Anh Lún làm bí thư được quá nửa nhiệm kỳ rồi, điều gì anh tâm đắc nhất? - Tôi hỏi.
-À! Có đấy! Điều mình tâm đắc nhất là lòng dân Nghĩa Sơn. Nhờ đức tính nhân hậu, tinh thần đoàn kết, một lòng tin Đảng và được sự ủng hộ, sẻ chia của cán bộ, đảng viên cơ sở mà chúng mình hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Rồi anh sôi nổi nói với tôi những chuyện từ những năm 2000 đến nay. Vẫn là xung quanh và hiệu quả từ 3 tỷ 978 triệu đồng từ Chương trình 135, chưa kể các dự án khác như: Chương trình 134, Dự án Chia sẻ...
Tâm đắc là vậy! Còn trăn trở?
-Trăn trở của Nghia Sơn là núi đồi mênh mông nhưng kinh tế đồi rừng phát triển còn chậm, hiệu quả chưa cao; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; một số dự án trọng điểm chưa xúc tiến.
Tôi thông cảm những trăn trở của vị Bí thư và không quên động viên:
-Những 5/6 thôn bản của Nghĩa Sơn đã được sử dụng điện lưới. Các cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội đã đến nhiều hộ. Đặc biệt, địa phương vừa được công nhận phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Từ một xã đặc biệt khó khăn, nhiều năm sống nhờ vào hỗ trợ của Nhà nước mà nay bình quân lương thực đạt 230kg/người/năm. Điều đó, không mừng lắm sao? Lại nữa, năm nay xã được mùa cả lúa ruộng lẫn lúa nương.
-Đúng vậy! Mè Văn Lún nắm tay tôi, cười to. Biết anh vui nhiều.
Chia tay Nghĩa Sơn, tôi không quên đến chào nghệ nhân Vì Văn Sang ở Nậm Tộc. Người mà mấy năm trước, đứng trên sàn nhà nhìn về phía mặt trời cầu xin Đảng, xin Chính phủ giúp quê ông một con đường để nơi ông không còn là ốc đảo. Nắm chặt tay tôi, ông Sang nhắc đi nhắc lại:
-Tết này Nghĩa Sơn vui chơi nhiều hơn. Có hát Tơm, hát Kim chư, cùng biểu diễn các nhạc cụ: trống, chiêng, cồng, đàn tính tờ la, âm đing, tằm đao, pí tót, khèn Hon rờ. Sẽ có những tiết mục múa cổ như: Tẹ khăn, Tẹ mưng gọi hân mệ (múa mừng xuân), Tẹ cầm đắc sinh (múa đuổi chim), Tẹ Krang (múa cá lượn...) và nhiều trò chơi khác. Nhớ mà về đấy nhé!
Bùi Huy Mai
Các tin khác
YBĐT - Năm 2008 - năm có nhiều thuận lợi nhưng cũng lắm khó khăn đối với ngành y tế Yên Bái. Mỗi cán bộ, y bác sĩ, nhân viên ngành y tế không khỏi tự hào vì đã vượt lên khó khăn, có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
YBĐT - Đến giữa nhiệm kỳ, Trấn Yên đã và có khả năng hoàn thành 8 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện khoá XIX đề ra, đó là: diện tích tre măng Bát độ, mục tiêu 1.000 ha, đến nay trồng được 1.025 ha; duy trì 47.447 ha rừng, độ che phủ đạt 68%, trồng rừng mới đạt 1.889 ha; 82,67% chi, đảng bộ cơ sở đạt tiêu chuẩn trong sạch vững mạnh; mỗi năm kết nạp đảng viên mới đạt 111%; 100% thôn bản cơ sở có chi bộ hoặc tổ đảng; diện tích lúa chất lượng cao đạt 1.500/2.000ha; số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỷ lệ xã có bác sỹ, số hộ dùng nước sạch; cơ sở có đoàn thể vững mạnh, tỷ lệ thu hút đoàn viên, hội viên.
YBĐT - Trở lại huyện Văn Chấn vào những ngày cuối đông, dừng chân nơi đỉnh đèo bồng bềnh sương trắng, tôi miên man thả hồn mình vào đại ngàn hùng vĩ để tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên kỳ thú, vẻ đẹp riêng có khi đất trời vùng cao vào xuân. Dưới chân đèo, những ngôi nhà xây kiên cố, những cánh đồng lúa, ngô xanh đến mát mắt, gợi cảnh ấm no, hạnh phúc… Những cành đào chúm chím nụ. Những đồi chè nối tiếp nhau trùng trùng đang nảy lộc mới báo hiệu một mùa xuân mới đã về trên quê hương Văn Chấn.
YBĐT - Năm 2008, thị xã Nghĩa Lộ gặp nhiều khó khăn, thách thức như: thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài; giá cả hàng hóa tăng mạnh cùng với chính sách thắt chặt tài chính, tín dụng, kiềm chế lạm phát của Chính phủ. Những yếu tố này đã gây nhiều bất lợi trong việc triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện kế hoạch xây dựng cơ bản, tiến độ đầu tư các dự án công nghiệp, kế hoạch sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống nhân dân.