Lợi ích từ nguồn vốn vay học sinh sinh viên
- Cập nhật: Thứ năm, 5/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) là xã vùng cao, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, làm ruộng là chính nên đời sống của bà con còn gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2008, Hội Nông dân xã Phan Thanh đã thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Lục Yên, giám sát cho vay tại 6/8 thôn bản. Trong đó, Hội có nhiệm vụ kiểm tra điều kiện vay vốn của người vay khi nhận hồ sơ để xác định đúng đối tượng; tổ chức bình xét thông qua các tổ tiết kiệm và vay vốn; lập danh sách đề nghị vay vốn Ngân hàng CSXH gửi UBND xã xác nhận.
Đến nay dư nợ vay cho học sinh, sinh viên (HSSV) thông qua tổ chức Hội Nông dân xã Phan Thanh đạt 161 triệu đồng với 20 hộ được vay vốn. Bước đầu đã tạo điều kiện thuận lợi cho con em các gia đình, nhất là những gia đình có nhiều con theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và các trung tâm đào tạo nghề.
Đến thăm gia đình ông Mông Văn Chanh ở bản Rầu vào lúc gia đình ông đang chuẩn bị đón tết, chúng tôi cũng vui lây với niềm vui sum họp của cả gia đình. Hai con gái ông đang theo học tại Trường cao đẳng Sư phạm Yên Bái cũng vừa về nghỉ tết. Trước đây, đã có lúc ông tưởng phải cho các cháu nghỉ học vì không kham nổi tiền ăn học nhưng từ khi được vay vốn dành cho HSSV, với số tiền 12 triệu đồng chu cấp cho 2 cháu, gia đình ông đã yên tâm cho các cháu theo học. Ông Chanh rất phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho con em đồng bào dân tộc vùng cao có cơ hội học tập, mở rộng tầm nhìn sau này giúp ích cho quê hương.
Ở Phan Thanh còn rất nhiều hộ gia đình khó khăn có con em đang theo học tại các trường như gia đình ông Triệu Đức Lợi ở bản Chang có 8 khẩu, với hơn 1 mẫu ruộng hàng năm thu hoạch từ lúa chỉ đủ ăn, chăn nuôi thêm con gà, con vịt cũng chỉ cải thiện được bữa ăn gia đình. Trong khi đó, con trai thứ 4 đang học năm thứ 4 Đại học Công đoàn Hà Nội, con gái thứ 5 đang học đại học nông lâm ở Yên Bái, con gái thứ 7 đang học Đại học Sư phạm Tây Bắc và hàng tháng phải chi một khoản tiền khá lớn cho các con ăn học. Được tiếp cận với nguồn vốn vay HSSV, gia đình ông đã phần nào giảm bớt khó khăn, giúp các cháu yên tâm học tập.
Không chỉ ở những xã vùng cao mà những xã ở vùng thấp, nhu cầu vốn vay cho các đối tượng nghèo, khó khăn cũng rất lớn. Thông qua 3 tổ chức: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, xã Minh Xuân đã nhận ủy thác với Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên vay với tổng dư nợ đến nay là 699 triệu đồng cho 87 hộ gia đình. Theo đó, 22 tổ tiết kiệm – tín dụng thực hiện giám sát đúng đối tượng cho vay cũng như việc sử dụng đồng vốn vay đúng mục đích. Nhìn chung, đại bộ phận các gia đình hiện có con em đang theo học tại các trường đều có nhu cầu vay vốn. Có những gia đình có 2 đến 3 con theo học như gia đình ông Vương Văn Mông và bà Hoàng Thị Khoả ở thôn Làng Át có 1 con đang học tại Hà Nội; gia đình bà Phạm Thị Hưng ở thôn Loong Tra có 3 con... Những gia đình này nếu như không có nguồn vốn HSSV hỗ trợ kịp thời thì có lẽ con em họ không thể theo học được.
Căn cứ Quyết định số 157/2007/QĐ-TTh ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên trong thời gian theo học tại các trường, chủ trương này được đông đảo người dân đồng tình hưởng ứng, nhất là người dân ở vùng cao, vùng khó khăn. Đối tượng được vay vốn là học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học hoặc tương đương đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Theo đó, Ngân hàng CSXH áp dụng phương thức cho vay thông qua hộ gia đình, thực hiện ủy thác từng phần qua các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương.
Trong năm 2008, Ngân hàng CSXH huyện Lục Yên giải ngân vốn vay HSSV trên 7 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cho vay HSSV trong toàn huyện từ năm 2004 đến 31 tháng 12 năm 2008 là 9 tỷ 965 triệu đồng, lãi suất hiện tại là 0,5%. Căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu người vay để quyết định mức cho vay cụ thể đối với từng HSSV nhưng tối đa mỗi HSSV không quá 800 nghìn đồng/tháng. Việc giải ngân của Ngân hàng CSXH được thực hiện một năm 2 lần vào các kỳ học. Số tiền cho vay đối với mỗi hộ gia đình căn cứ vào số lượng HSSV trong gia đình, thời gian còn phải theo học tại trường và mức cho vay đối với mỗi HSSV. Người vay phải trả nợ gốc và lãi tiền vay đầu tiên khi HSSV có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 1 năm kể từ khi HSSV kết thúc khóa học.
Tuy nhiên, trong thực tế một số HSSV ra trường chưa có việc làm, có thu nhập ngay do đó cũng khó khăn trong vấn đề trả nợ ngân hàng. Đây là nỗi trăn trở của nhiều người dân khi con em họ hoàn thành khóa học và phải chờ việc lâu hơn 1 năm và rất có thể sẽ thất nghiệp.
Thiết nghĩ, để đầu tư có hiệu quả thì khi lựa chọn ngành, nghề cho con em mình theo học, các gia đình cần hết sức chú ý lựa chọn các ngành, nghề phù hợp với điều kiện học tập và nhu cầu thực tế, tránh tư tưởng chủ quan, thiếu trách nhiệm như một số gia đình cho con em đi học, không xác định trước những rủi ro của thị trường lao động. Nhu cầu tuyển dụng lao động không phải lúc nào cũng ổn định như nhau. Cho nên cần có những phương án dự phòng nếu không tìm được công việc phù hợp với ngành nghề theo học, để sau khi được đào tạo, mỗi HSSV sẽ có ngay việc làm, có thu nhập và nhanh chóng hoàn lại vốn vay ngân hàng.
Hải Viễn
Các tin khác
Trước thông tin Trung Quốc thông báo về việc đã tìm thấy vi khuẩn đường ruột gây chết người có tên E.Sakazakii trong hơn 9,6 tấn sữa bột dành cho trẻ em nhập khẩu từ Công ty Thực phẩm Vị Toàn thuộc Tập đoàn thực phẩm Đỉnh Tân (Đài Loan) được vận chuyển sang Hồng Công cuối năm 2008, TS. Nguyễn Thị Khánh Trâm, Phó cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các sản phẩm sữa của Công ty Thực phẩm Vị Toàn (Đài Loan) bị phát hiện có khuẩn E.Sakazakii hiện chưa được phép lưu hành ở Việt Nam.
Thông tin trên vừa được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 4/2.
YBĐT - Thực hiện Nghị quyết số 05 ngày 13/11/2007 của Huyện ủy Mù Cang Chải (Yên Bái) “Về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015”, UBND huyện đã xây dựng chương trình hành động thực hiện với mục tiêu đến năm 2015 có 100% xã, thị trấn đều có 3 trường độc lập cho ba cấp học: mầm non, tiểu học và trung học cơ sở.
YBĐT - Thực hiện chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Hội Phụ nữ tỉnh, trong những năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý cho phụ nữ ở huyện Văn Yên (Yên Bái) đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện, cũng như sự tham gia của hội phụ nữ cấp cơ sở. Chương trình phối hợp đã đạt những kết quả quan trọng góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ nói riêng và người dân trên địa bàn nói chung.