Cần kịp thời ngăn chặn nạn bạo lực gia đình
- Cập nhật: Thứ hai, 9/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2008. Để Luật đi vào cuộc sống, cơ quan tư pháp các cấp đã phối hợp với MTTQ, các đoàn thể và các ngành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và trong toàn dân.
Một lớp tập huấn về kiến thức giới, Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình do Hội LHPN tỉnh Yên Bái tổ chức.
(Ảnh: Thế Cường)
|
Việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tiến hành bằng nhiều hình thức, kết hợp giữa phổ biến ở các hội nghị với mở các lớp tập huấn về giới - bình đẳng giới, tập huấn về kỹ năng dân vận, hòa giải, phổ biến nội dung của Luật trên báo, đài và thông qua các hình thức biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, sáng tác văn học nhằm đưa luật pháp đến nhân dân.
Việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nói chung và Luật Phòng chống BLGĐ ở huyện Lục Yên tuy đã có nhiều cố gắng, song đến nay hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Thời gian qua tại nhiều cơ sở vẫn còn nạn bạo lực gia đình với các hình thức và mức độ khác nhau. An Phú là xã ven hồ Thác Bà thuộc khu vực vùng xa của huyện Lục Yên, chỉ từ tháng 10 năm 2008 đến nay đã xảy ra một số vụ chồng hành hạ, ngược đãi vợ, trong đó có 3 vụ điển hình: trong khoảng thời gian từ ngày 17 đến 18 tháng 10, chị Hoàng Thị Lựu ở thôn Mỏ Cao bị chồng đánh đập tàn nhẫn, dùng nước sôi dội vào người gây bỏng nặng. Còn chị Nông Thị Oanh mới ngoài 20 tuổi từ xã khác về An Phú lấy chồng, do bị đánh đập, hành hạ quá nhiều, chồng chị còn xua đuổi bằng những lời lẽ xúc phạm nên chị đã phải bế đứa con nhỏ mới 3 tháng tuổi về nhà mẹ đẻ.
Mới đây nhất, chị Nguyễn Thị Nhàn 28 tuổi ở thôn Tổng Khuyển tuy không bị chồng đánh nhưng thường xuyên bị gây áp lực về tâm lý, tinh thần. Với máu say cờ bạc, chồng chị thường xuyên mang tiền bạc, của cải chúi đầu vào những canh bạc đỏ đen; khi hết tiền thì uống rượu rồi chửi vợ con. Chị Sầm Thị Mới - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã An Phú cho biết: chồng chị Nhàn tụ tập cùng các con bạc khát nước chơi "3 cây" mấy ngày đêm liên tục, trong khi chị Nhàn ốm nặng không dậy nổi để chăn lợn và và cơm nước cho con. Trước đó, mẹ con chị lặn lội vào rừng tìm măng bán được trên 1 triệu đồng, chồng chị đã nướng hết vào chiếu bạc. Thua bạc, hết tiền, anh trở về lục lọi tài sản, khám xét túi tiền của vợ để lấy đi những đồng tiền lẻ cuối cùng. Uất ức không chịu nổi, chị đã thắt cổ tự tử ngày 8/11/2008 để lại một căn nhà nghèo xác xơ, một người chồng cờ bạc cùng 2 đứa con thơ dại, cháu nhỏ 3 tuổi, còn cháu lớn mới đang học lớp 2.
Tiếp tục tìm hiểu những vi phạm Luật Phòng chống BLGĐ ở những địa phương khác, chúng tôi đến xã Tân Lĩnh là một xã vùng thấp khá phát triển ở huyện Lục Yên. Chị Trần Thị Nên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết: "Nói rằng bức xúc thì chưa đến nỗi nào, nhưng BLGĐ thỉnh thoảng vẫn có, vừa mấy ngày gần đây cũng xảy ra vụ chồng đánh vợ vì không có tiền sử dụng ma túy. ở những xã khác đã từng xảy ra các vụ BLGĐ hết sức đau lòng như con chém chết bố, mẹ đánh chết con và gần đây nhất là vụ hiếp dâm trẻ vị thành niên ở xã Phúc Lợi.
Điểm qua những vụ BLGĐ thấy rằng hầu hết xảy ra ở lớp trẻ, lớp người được coi là có học, có nhận thức nhanh và được va chạm nhiều với muôn màu cuộc sống. Nguyên nhân dẫn đến BLGĐ thì có nhiều, nhưng chủ yếu vẫn nằm trong nhóm người liên quan đến tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, lười lao động. Điều đáng nói là mặc dù Luật Phòng chống BLGĐ đã được tuyên truyền, phổ biến nhưng nhận thức về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân BLGĐ và nghĩa vụ của người có hành vi BLGĐ cũng như trách nhiệm bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân BLGĐ chưa chuyển biến kịp so với yêu cầu. Từ trước tới nay có rất ít vụ BLGĐ được nạn nhân báo cáo với tổ chức, đoàn thể. Cũng ít có vụ việc được đoàn thể đứng lên tố cáo, bênh vực quyền lợi cho hội viên, nếu có cũng chỉ ở mức hòa giải, khuyên nhủ, can ngăn người có hành vi BLGĐ và thăm hỏi nạn nhân BLGĐ.
Việc tuyên truyền giáo dục, hòa giải mâu thuẫn và tư vấn góp ý, phê bình trong cộng đồng dân cư là cần thiết, đúng quy định của Luật song việc bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, áp dụng các biện pháp ngăn chặn và chăm sóc nạn nhân BLGĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó cơ quan bảo vệ pháp luật, chính quyền và đoàn thể các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng. Bản thân nạn nhân BLGĐ cũng phải thấy rõ quyền hạn, trách nhiệm và kỹ năng trong xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và kỹ năng tự bảo vệ mình khi xảy ra BLGĐ.
BLGĐ không còn là chuyện riêng của từng gia đình. Những hành vi BLGĐ đang bị toàn xã hội lên án và chắc chắn sẽ được đưa lên bàn cân công lý để xem xét cùng với những bản án thích đáng pháp luật đã phán quyết với những kẻ có hành vi BLGĐ, là những hồi chuông cảnh tỉnh cho mỗi gia đình và các tổ chức, đoàn thể trong xã hội văn minh, hiện đại hôm nay.
Bùi Văn Tòng
Các tin khác
21 triệu dân nông thôn còn xa lạ với khái niệm “nước hợp vệ sinh” và 41 triệu người được cấp nước nhưng chất lượng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nước sạch.
Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) vừa quyết định, năm 2009,các học viện, các trường đại học, cao đẳng sẽ tổ chức 2 đợt thi tuyển sinh hình thức vừa làm vừa học vào tháng 3, 4/2009 và vào tháng 10, 11/2009.
YBĐT - Chỉ thị 30 ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị khóa VIII về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở hết sức có ý nghĩa với vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái). Qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị, trên địa bàn huyện đã thực sự phát huy được quyền làm chủ của nhân dân lao động, cán bộ công chức và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
YBĐT - Năm 2008, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, lạm phát, giá cả biến động... gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân song với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân, phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái) đã phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ và thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ thành phố, nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ phường.