Thượng Bằng La Vùng đất văn hóa, lịch sử anh hùng
- Cập nhật: Thứ năm, 12/2/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nằm ở phía đông nam huyện Văn Chấn (Yên Bái), xã Thượng Bằng La có cảnh quan thiên nhiên giao hòa, xứ sở của các điệu Dậm thuông, Tính tẩu, với nền văn hóa mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Tày. Người dân Thượng Bằng La anh dũng trong chiến đấu, cần cù trong lao động đã viết nên những trang sử hào hùng, làm nên một địa danh nổi tiếng với bao chiến công anh hùng.
Với bản làng yên ả, bên những rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt, những ngôi nhà sàn với chín bậc cầu thang và mái lá đơn sơ chở che biết bao thế hệ người dân nơi đây.
|
Thiên nhiên đã ban tặng cho Thượng Bằng La địa thế khá thuận lợi với đồng bằng được bao bọc bởi các dãy núi, với 5 ngọn linh sơn án ngữ ngũ phương. Đó là núi Khau Cướm (tức núi Cướm), Khau Tee (tức núi Tè), Khau Hán (tức núi Hán), Khau Tày (tức núi Tày) và Khau Moon (tức núi Moon hay núi Thắm). Năm ngọn núi như 5 vị thần linh che chở cho cuộc sống bình yên của bản làng. Thượng Bằng La, theo tiếng Tày vùng ngoài huyện Văn Chấn, có nghĩa là vùng đất rộng, bằng phẳng ở trên cao. Với diện tích trên 950.000m2, bồn địa này trước đây đã từng được thực dân Pháp chọn làm nơi đóng quân cai trị các tộc người khu vực vùng ngoài. Đó là nơi ghi dấu những chiến công hiển hách của một thời đi vào thơ ca cách mạng với “56 ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm mưa dầm cơm vắt”, mà “gan không núng, chí không mòn” phơi phới một niềm tin:
…Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát
Dù bom đạn xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh…
Cùng với quân dân cả nước trong những ngày tháng hào hùng của dân tộc, quân và dân Thượng Bằng La đã vùng lên, góp phần đánh đổ ách đô hộ của thực dân Pháp làm nên chiến thắng lẫy lừng.
Đến Thượng Bằng La không hiếm gặp những chiến tích của một thời chống Pháp, chống Mỹ, tự hào với truyền thống của cha anh với lòng thành kính, biết ơn với tổ tiên đến đây khai sơn lập lạc và chiến đấu bảo vệ bản làng, cho con cháu hôm nay có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Đồng bào Tày nơi đây luôn giữ gìn, trân trọng những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc. Cùng với những đổi thay của đất nước, đời sống kinh tế – xã hội của nhân dân hôm nay cũng có nhiều đổi thay, song đồng bào dân tộc Tày nơi đây vẫn giữ được nét xưa thuần phác của cư dân nông nghiệp.
Với bản làng yên ả, bên những rừng cọ, đồi chè, đồng xanh ngào ngạt, những ngôi nhà sàn với chín bậc cầu thang và mái lá đơn sơ chở che biết bao thế hệ. Với cây đàn tính tẩu đã trở thành nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Tày, những câu then ngọt ngào say đắm, những điệu Dậm thuông nhẹ nhàng, quyến rũ. Đồng bào Tày ở Thượng Bằng La còn có nhiều lễ nghi truyền thống độc đáo mang ý nghĩa tâm linh và hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc vừa có ý nghĩa gắn kết cộng đồng, vẫn được trân trọng gìn giữ qua nhiều thế hệ và đang tiếp tục phát huy trong cuộc sống hôm nay, như lễ hội Cầu mùa, lễ hội lớn nhất trong năm của người Tày, thường được tổ chức vào dịp đầu xuân với ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống con người ấm no, hạnh phúc. Lễ hội Cầu mùa thường được tổ chức ở một bãi rộng bằng phẳng để nhân dân có thể hướng vọng cả 5 ngọn linh sơn.
Trong lễ hội Cầu mùa có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Mở đầu cho phần lễ là nghi lễ cúng Thần hoàng làng, thần Núi, thần Nước mà đứng đầu là thần núi Khau Tee. Tương truyền đây là ngọn núi cao nhất, nằm ở phía Tây che chắn ánh nắng thiêu đốt và những cơn gió Lào từ phía Tây thổi lại. Đây cũng là ngọn núi có nhiều truyền thuyết huyền bí về tổ tiên đồng bào Tày và sự liên hệ giữa loài người với thần linh. Mâm cúng tế thần Núi có cả đồ chay và đồ mặn. Cùng với thịt trâu nướng, các loại bánh làm từ bột gạo như bánh tày, bánh “khén công” và 7 loại rau măng rừng mà đồng bào Tày ưa thích. Thứ không thể thiếu được là đầu và đuôi trâu đen. Người làm lễ tế thần phải là người đứng đầu trong dòng họ và chỉ có người trong dòng họ mới được nối tiếp công việc này. Sau lễ cúng núi Tè đồng loạt diễn ra lễ cúng, dâng hương 4 vị thần núi của nhân dân các bản. Phần lễ đã xong, phần hội bắt đầu.
Trong phần hội, nhiều trò chơi dân gian được các chàng trai, cô gái thể hiện với sự dẻo dai, thông minh, khéo léo. Nếu các trò bắn nỏ, đu quay chỉ thu hút những nam thanh, nữ tú thì các trò đá bóng hay kéo co không chỉ thu hút mọi người tham hội mà còn tạo nên không khí vui tươi rộn rã. Vui nhất phải kể đến ném còn. Cột còn được làm bằng cây bương cao trên chục mét, quả còn làm bằng vải có hình vuông, bên trong độn cát và vỏ trấu. Dây còn được kết từ 5 đến bảy tua, với đủ sắc màu. Ném còn là trò chơi không chỉ thể hiện khả năng tung cao, ném trúng của người chơi mà quả còn được tung qua, ném lại còn là nhịp cầu trao đổi tâm tình. Theo bóng còn bay lung linh bảy sắc, người già như sống lại những ký ức xa xăm của một thời tuổi trẻ. Với các chàng trai cô gái, tung còn là dịp để bày tỏ lòng mình cùng với hẹn ước lứa đôi. Ném còn là dịp để nhân dân đoàn kết phấn đấu quyết tâm đạt được mục tiêu trong năm tới. Theo quan niệm, vòng còn càng cao, càng nhỏ và nhanh bị ném thủng thì năm đó dân làng được mùa lớn và ai ném thủng vòng còn sẽ được may mắn cả năm.
Một trong những hoạt động không thể thiếu được trong lễ hội Cầu mùa ở Thượng Bằng La là hội xòe then với 7 điệu xòe chính thường gọi là Dậm thuông. Trong giai điệu thanh tao, nhịp nhàng của cây đàn tính, người người nắm tay nhau nối thành vòng lớn, vòng nhỏ cùng bước, cùng nhảy theo tiếng nhạc, tiếng khắp. Với những động tác khoan thai, uyển chuyển, mỗi điệu múa là một hình ảnh được hình tượng hóa một động tác lao động sản xuất hàng ngày. Vòng xòe càng lúc càng lớn, thể hiện tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa các dân tộc anh em.
Sau những điệu xòe nồng ấm, bạn có thể thưởng thức các món ăn đặc trưng của dân tộc Tày với canh gà nấu măng chua, cá nướng tẩm gia vị chấm với nước chấm được chế từ lá cây mắc mật, hạt dổi, hạt sẻn hay nhâm nhi ly rượu với món nem chua, tất cả hòa quyện tạo nên hương vị quê hương ngây ngất nồng nàn, đắm say.
Ngày xuân đến với Thượng Bằng La đi hội Cầu mùa, du khách sẽ được thưởng ngoạn những tinh túy của đất trời, cảnh sắc thiên nhiên và những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày. Đến với Thượng Bằng La để thấy được lối sống giản dị, thuần phác của những cư dân nông nghiệp và chứng kiến tình cảm cộng đồng gắn bó keo sơn qua nhiều thế hệ, tìm hiểu những chiến tích của một thời hào hùng; ngắm đèo Lũng Lô, thăm hang Thẩm Thoóng, núi Tè, núi Thắm, núi Tày – những địa danh đã đi vào lịch sử và ghi đậm dấu tích văn hóa dân tộc. Và đến Thượng Bằng La để thấy những đổi thay trong đời sống của những người dân trên quê hương anh hùng.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Pá Hu có Thào A Tông, người lao động giỏi thuở nào. Cán bộ xã đều được đào tạo nâng cao trình độ văn hóa, lý luận chính trị cùng chuyên môn nghiệp vụ nên năng lực lãnh đạo và quản lý điều hành đã khá hơn. Pá Hu sẽ bứt lên trong một ngày không xa…
YBĐT - Thực hiện chương trình công tác của tỉnh Yên Bái, ngày 10/2, đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra kết quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, công tác giáo dục, y tế tại hai xã Cảm Nhân và Xuân Long, huyện Yên Bình. Cùng đi có lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
YBĐT - Thôn Tân Việt, xã Quy Mông (Trấn Yên - Yên Bái) đã mười năm nay không có người sinh con thứ ba. Đó là một thành quả lớn đối với một thôn thuộc xã vùng ba, dân trí còn thấp. Nói đến thành quả này không ai không nhắc đến công lao của chị Trần Thị Luyến. Chị là chi hội phó, Hội Phụ nữ thôn, cộng tác viên dân số gia đình và trẻ em và là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc xã.
YB§T - Năm 2008, toàn tỉnh Yên Bái vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được 1,662 tỷ đồng, đạt 138,5% kế hoạch năm, trong đó, cấp tỉnh vận động được 334 triệu đồng, cấp huyện và xã vận động được 1,328 tỷ đồng. Ban quản lý quỹ cấp tỉnh đã hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng nhà ở cho các gia đình chính sách tại 9 huyện, thị xã, thành phố.