Yên Bái: Chủ động phòng dịch phát ban dạng sởi

  • Cập nhật: Thứ sáu, 13/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trước diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng bệnh nhân sởi ở các tỉnh, thành khu vực phía Bắc, phóng viên Báo YBĐT đã có cuộc trao đổi với thạc sĩ Trần Viết Thắng - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái để tìm hiểu về một số bệnh dịch phát ban thường xuất hiện vào mùa xuân.

- Thưa ông, dịch sởi đã xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phía Bắc trong đó có tỉnh Phú Thọ, giáp ranh với Yên Bái. Vậy ở Yên Bái đã  có dịch này chưa?

Ngay sau khi có thông tin gia tăng bệnh nhân sởi ở một số tỉnh, thành phía Bắc, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tiến hành giám sát và điều tra xác minh tình hình dịch bệnh tại huyện Yên Bình và thành phố Yên Bái. Hiện nay đã có rải rác 7 người sốt phát ban nghi sởi tuổi từ 18 đến 38. Người mắc bệnh có các triệu trứng chính như: sốt, phát ban toàn thân, ho, viêm họng...Các bệnh nhân này đã được quản lý, điều trị và kiểm soát chặt chẽ tại các cơ sở y tế. Bệnh sởi chỉ thực sự nguy hiểm đến tính mạng khi có biến chứng nhưng với Yên Bái tất cả người mắc đều chưa có biến chứng nặng và chưa có tử vong. Các ca bệnh đều có tiền sử chưa được tiêm phòng bệnh sởi và chưa mắc bệnh sởi bao giờ.

- Vì sao các ca bệnh đều mắc ở những bệnh nhân từ 18 đến 38 tuổi?

Bệnh sởi có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ em. Nhưng bởi cách đây 18 - 20 năm, chúng ta mới bắt đầu tiêm phòng sởi cho trẻ em. Thời gian đầu do nhận thức của người dân còn hạn chế nên việc tiêm phòng sởi cho trẻ cũng rất khó khăn. Không những thế, trước đây, người ta hay quan niệm, chỉ trẻ em mới mắc bệnh sởi nên không đi tiêm phòng. Còn thời gian sau, do nhiều trẻ được tiêm phòng dẫn tới dịch sởi giảm nên những người chưa đi tiêm phòng ít mắc dẫn tới chủ quan.

- Người đã mắc sởi và gia đình cần phải thực hiện những gì để bệnh nhân chóng khỏi bệnh?

Khi phát hiện có các triệu chứng sốt, phát ban, ho viêm họng...phải đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. Cách ly hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân sởi và nghi sởi trước, sau phát ban toàn thân ít nhất là 4 ngày. Các bệnh nhân, kể cả người lớn và trẻ em đều phải giữ ấm cơ thể không để bị lạnh vì sởi là bệnh làm giảm sức đề kháng cơ thể, nếu chuyển sang biến chứng sẽ rất nguy hiểm.

- Vậy theo ông phải làm gì để bệnh sởi không gia tăng thành dịch lớn?

Mùa xuân là mùa thường có dịch lây qua đường hô hấp và sốt phát ban. Trong sốt phát ban có bệnh sởi và Rubella (dân gian hay gọi là bệnh giời leo). Hiện Yên Bái đang là tỉnh có cả bệnh Rubella và bệnh sởi lưu hành, đối tượng trong độ tuổi có nguy cơ mắc bệnh rất cao, vì chưa được tiêm chủng. Hơn nữa do điều kiện thuận lợi về khí hậu; sự giao lưu đi lại, hội họp đông người trong mùa lễ hội dự báo thời gian này có khả năng nhiều trường hợp nữa mắc bệnh tại các địa phương. Để chủ động phòng chống không để xảy ra dịch bệnh lớn, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã yêu cầu trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố cử cán bộ tăng cường giám sát và phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi để lấy mẫu máu xét nghiệm chẩn đoán xác định; phối hợp với các cơ sở y tế quản lý, điều trị và kiểm soát ca bệnh, đề phòng các biến chứng nặng và nguy hiểm cho bệnh nhân; tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và gia đình; thực hiện nghiêm chế độ thường trực dịch báo cáo về Trung tâm Y học dự phòng tỉnh; phổ biến kiến thức phòng bệnh, tốt nhất và hiệu quả nhất là tiêm chủng phòng ngừa bệnh sởi khi có cơ hội và điều kiện cho phép.

Được biết hiện nay chỉ có trẻ em trong độ tuổi đi tiêm  phòng sởi theo chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia là không mất tiền còn những người ngoài độ tuổi chưa tiêm phải tiêm dịch vụ có đúng không, thưa ông?

Đúng vậy! Chương trình tiêm phòng sởi Quốc gia qui định trẻ em phải 2 lần tiêm chủng: 9 tháng tuổi tiêm phòng sởi mũi đầu tiên và đến 6 tuổi tiêm mũi thứ 2 không mất tiền. Còn những người không thuộc đối tượng trên đều phải tiêm phòng dịch vụ. Nhưng hiện nay thuốc tiêm phòng dịch vụ tại các trung tâm y tế dự phòng cũng chưa có, do Bộ Y tế  chưa cấp và chưa có ý kiến chỉ đạo.

- Còn tiêm phòng bệnh Rubella thì sao?

Bệnh Rubella không nằm  trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, nên tất cả các đối tượng cả người lớn và trẻ em tới tiêm chủng đều phải trả tiền dịch vụ. Nhưng dù có chương trình quốc gia hay không thì mỗi người vì sức khỏe của mình và mọi người nên đi tiêm phòng đủ các loại vác xin, nếu có điều kiện.

- Xin cảm ơn ông!  

Minh Đức (thực hiện)

Các tin khác

Thời tiết nắng ấm hiện nay sẽ kéo dài trong vòng 5 ngày nữa tại khu vực miền Bắc, với nền nhiệt độ cao nhất 30 độ C, nguyên nhân do ảnh hưởng của một vùng áp thấp phía Tây.

Ngày 12-2, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đã có thêm tỉnh Bắc Ninh xuất hiện dịch cúm gia cầm. Dịch đã xảy ra trên đàn vịt gồm 1.820 con của 2 hộ gia đình ở thôn An Động, xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, làm 387 con vịt bị chết. Như vậy, hiện cả nước đã có 7 tỉnh có dịch cúm gia cầm, gồm: Cà Mau, Sóc Trăng, Nghệ An, Hậu Giang, Quảng Ninh, Quảng Trị và Bắc Ninh.

Thanh niên tình nguyện tham gia nạo vét bùn đất, vệ sinh môi trường tại Đại lộ Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái sau cơn bão số 4 hồi tháng 8 năm 2008.
 (Ảnh: Thanh Chi)

YBĐT - Đồng chí Hoàng Hữu Độ - Bí thư Tỉnh Đoàn Yên Bái khẳng định: “Phong trào “Xung kích tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng” thể hiện sự nhiệt huyết, đoàn kết, không ngại gian khó, sẻ chia, giúp đỡ của những người trẻ tuổi hôm nay. Và đây cũng là một phong trào nổi bật, thu hút sự tham gia đông đảo và tích cực của các đoàn viên, thanh niên trong năm 2008”.

YBĐT - Sau hơn 2 tháng tiến hành đại hội Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam cấp huyện, đến nay 9/9 huyện thị, thành phố trong tỉnh Yên Bái đã đại hội xong và thành công tốt đẹp. Các đại hội đã bầu được Ủy ban MTTQ khoá mới có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục