Cả đời kiên trung với cách mạng

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/3/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Được lãnh đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh giới thiệu, chúng tôi tìm gặp ông Trịnh Văn Được, hiện đang trú tại tổ 37, phường Minh Tân- thành phố Yên BáI - một con người đã từng tham gia hàng trăm trận đánh chống thực dân Pháp từ những ngày đầu cách mạng. Những địa danh ông từng tham gia chiến đấu ở Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ…còn vang mãi những chiến công của một thời oanh liệt.

Ông Trịnh Văn Được thường xuyên giáo dục truyền thống cho con cháu.
Ông Trịnh Văn Được thường xuyên giáo dục truyền thống cho con cháu.

Ở cái tuổi 83, nhưng ông Được vẫn khoẻ mạnh và nhanh nhẹn, mặc dù mắt có kém đi nhiều và có phần hơi nặng tai, nhưng khi hỏi về những năm tháng tham gia cách mạng ông vẫn nhớ như in từng trận đánh. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo ở xã Kim Trung, huyện Đông Anh, Hà Nội, thuở nhỏ, ông thường theo bố, mẹ lên Yên Bái làm thuê kiếm sống. Tháng 2 năm 1948, 21 tuổi, ông tình nguyện tham gia cách mạng. Thời gian đầu ông tham gia Vệ quốc đoàn, một tổ chức cách mạng của ta tại Yên Bái, vũ khí được trang bị rất thô sơ đa phần chỉ có dao, kiếm, gậy…

Nói về những trận đánh thời đó, ông Được chậm rãi kể: “Trận đánh đầu tiên, vào đầu năm 1949. Tôi cùng anh em được đưa vào phục kích đánh giặc Pháp ở Thượng Bằng La. Sau trận toàn thắng đó, chúng tôi tiếp tục quay ra đánh đồn Ca Vịnh ở khu vực xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên bây giờ. Rồi đánh đồn Dóm, đồn Đại Bục, Đại Phác, đồn Ba Khe, đồn Cửa Nhì, đồn Lang Khay, Lang Thíp. Về sau này tham gia chiến dịch Tây Nam Phú Thọ, rồi trận Yên Bình thuộc huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, đánh đồn Lai Châu, giải phóng Sơn La, kể cả Lào Cai…

Tôi không nhớ hết mình đã tham gia được bao nhiêu trận đánh, nhưng vào thời kỳ đó, khí thế cách mạng trong mỗi người lính Cụ Hồ sục sôi lắm, bất chấp hiểm nguy. Sau này, lực lượng bộ đội của ta ngày càng lớn mạnh, tôi thuộc quân số của Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Sư 312. Đến năm 1955, tôi được điều động về giữ chức vụ Tiểu đoàn phó thuộc Trung đoàn 600, Sư 350, với nhiệm vụ chính là bảo vệ thủ đô Hà Nội. Do quá trình bản thân  nhiều năm hoạt động ở các tỉnh miền núi phía Bắc, thông thạo địa bàn, cùng với kinh nghiệm, năm 1962, tôi được điều động chuyển sang giữ chức Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Yên Bái. Năm 1966, được đề bạt chức vụ Phó ty Công an Yên Bái. Một thời gian sau khi có sự sáp nhập 3 tỉnh: Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lào Cai thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, do yêu cầu công tác, tôi được chuyển sang giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường đào tạo nghiệp vụ Ty Công an Hoàng Liên Sơn, và công tác ở đây đến tháng 8 năm 1981 được Nhà nước cho về nghỉ chế độ…”.

34 năm liên tục công tác, trải qua 3 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, ông đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương quân công hạng Ba; huân chương kháng chiến hạng Nhất; huân chương Chiến công hạng Ba; 3 huân chương Chiến sỹ vẻ vang; huy chương vì an ninh Tổ quốc; huy chương Vì an ninh biên giới; huy chương quân kỳ quyết thắng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Hiện nay, ông Được đang sống trong một gia đình rất hạnh phúc, với 6 người con. Nhiều người con của ông đang tham gia công tác ở cơ quan Nhà nước tại Hà Nội và  Yên Bái. Vợ ông, bà Bùi Thị Chiêm, năm nay cũng đã ở tuổi 79, rất phấn khởi tâm sự: “ Bây giờ gia đình có 13 đứa cháu và một chắt ngoại rồi đấy. Ông ấy trước đây tham gia cách mạng, bây giờ tuổi cao sức yếu, nhưng vẫn giữ được tác phong như ngày xưa, sáng nào cũng dậy sớm đi từ 6 giờ sáng rồi đạp xe đi tập thể dục tận bờ hồ Hào Gia, đến 8 giờ mới về. Tuổi già, nhưng nhà tôi vẫn tham gia nhiều hoạt động của các hội như: Hội Chiến sỹ Điện Biên, Hội CCB, Hội Cán bộ công an hưu trí, Hội Người cao tuổi…”

Là một người không ngại khó, ngại khổ, suốt đời nguyện phấn đấu hy sinh cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, ở bất cứ nhiệm vụ công tác nào, ông Được cũng luôn hoàn thành xuất sắc được đồng đội và nhân dân tin yêu, kính trọng. Ông Trịnh Văn Được thực sự là tấm gương để lớp lớp cháu con học tập noi theo.

Thạch Phong

Các tin khác

YBĐT - Từ khi thành lập đến nay, Hội Cựu chiến binh phường Hồng Hà (thành phố Yên Bái) có gần 260 hội viên. Phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, các thế hệ cựu chiến binh càng hăng say hơn trong trận tuyến mới: tham gia vào các nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Theo báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), đến 26-2, cả nước có hơn 9,2 triệu người nghèo (2,3 triệu hộ) đã nhận trên 1.700 tỷ đồng hỗ trợ Tết theo quyết định của Thủ tướng.

YBĐT - Ngày 2/3/2009, Nhà lớp học mầm non xã Lâm Giang, huyện Văn Yên (Yên Bái) chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng. Đây là công trình do Quỹ “Trái tim nhân ái” Báo Hànộimới tài trợ.

YBĐT - Ngày 02/03/2009,Trung tâm Hỗ trợ phát triển bền vững cộng đồng các dân tộc miền núi ( SUDECOM) tỉnh Yên Bái đã tổ chức hội nghị triển khai Dự án "Hỗ trợ nâng cao kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, HIV/ AIDS và chăm sóc phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình".

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục