Yên Bình: Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực thu hút thanh niên

  • Cập nhật: Thứ tư, 22/4/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT-Trong vài năm trở lại đây huyện Yên Bình đã có những bước phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc, tốc độ đô thị hoá diễn ra mạnh mẽ trên các vùng quê, nó cũng đồng nghĩa với việc nhiều thanh niên chỉ ham làm giầu, xao lãng mục tiêu, lý tưởng tuổi trẻ. Điều này gây không ít băn khoăn, thanh niên nơi đây sống như thế nào, tổ chức Đoàn hoạt động ra sao để thu hút sự tham gia thanh niên?

Hết năm 2008, toàn huyện thu hút được 10.439 đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt ở 52 cơ sở Đoàn, tỷ lệ thu hút thanh niên đạt trên 70%, một con số khá ấn tượng. Vậy đâu là “bí quyết” thành công trong việc thu hút thanh niên? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã đi về xã Hán Đà, thị trấn Thác Bà. Qua thực tế cho thấy, Yên Bình chẳng có “bí quyết” gì hết, vấn đề cốt lõi là do các phong trào thanh niên thực sự gắn bó với cuộc sống hàng ngày của thanh niên, qua đó đã khơi dậy sự nhiệt tình, xông xáo của tuổi trẻ.
 
Chẳng hạn vấn đề bức xúc hiện nay của thanh niên nông thôn là việc làm, thì tổ chức Đoàn từ huyện đến cơ sở đã tạo điều kiện để thanh niên tháo gỡ khó khăn bằng cách giúp họ vay vốn ngân hàng, vốn giải quyết việc làm và hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Tính đến hết năm 2008 đã có 11 tổ tiết kiệm vay vốn được huyện Đoàn đứng ra bảo lãnh và tín chấp với số tiền trên 2 tỷ đồng và hàng trăm triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm. Bằng nguồn vốn này đoàn viên thanh niên đã đầu tư xây dựng nhiều trang trại trồng rừng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, mở xưởng chế biến gỗ… rất hiệu quả.

Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn còn đứng ra phối hợp với các cấp các ngành, nhất là Trung tâm khuyến nông mở các lớp tập huấn kỹ thuật, bình quân mỗi năm mở từ 60-70 lớp khuyến lâm, khuyến ngư, hướng dẫn cách thức làm ăn mới có hiệu quả, nhằm giúp lao động trẻ xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu. Đây là những điều kiện tốt để thanh niên lập thân, lập nghiệp.

Như để minh chứng, Bí thư huyện Đoàn Yên Bình - Vũ Hồng Hải dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình làm kinh tế do đoàn viên thanh niên làm chủ. Mô hình mà chúng tôi đến thăm đầu tiên là gia đình đoàn viên Trần Thị Hằng, thôn Phúc Hoà 2, xã Hán Đà. Khởi nghiệp ban đầu của vợ chồng Hằng là từ nấu rượu và làm đậu phụ bán. Sau đó vợ chồng Hằng được sự giúp đỡ của tổ chức Đoàn vay vốn ngân hàng, Hằng cùng chồng mở một cửa hàng bán hàng tạp hoá, kết hợp đầu tư, xây dựng hệ thống chuồng chăn nuôi lợn theo quy mô bán công nghiệp. Từ một gia đình nghèo, đến nay vợ chồng Hằng đã có mức thu nhập trên 80 triệu/năm và có điều kiện nuôi con cái học hành đầy đủ.
    
Chăn nuôi lợn thì không phải là nghề mới, nhưng chăn nuôi theo mô hình trang trại theo hướng hàng hoá thì không phải ai cũng làm được! Vậy mà gia đình đoàn viên Bùi Văn Bình, thôn 1 xã Hán Đà đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi rất quy mô, trong chuồng lúc nào cũng có trên 150 đầu lợn. Bình quân 3 tháng xuất chuồng 1 lần, mỗi lần từ 8-9 tấn lợn hơi, thu gần 200 triệu đồng, trừ chi phí mỗi năm thu lãi hơn 50 triệu đồng. Hiện nay trên địa bàn toàn huyện đã có trên 200 trang trại do đoàn viên thanh niên làm chủ, có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và giải quyết nhiều việc làm cho thanh niên nông thôn.

Thanh niên không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tổ chức nhiều phong trào mang tính xã hội cao. Những hoạt động xã hội này vừa khơi dậy tâm lý xông xáo, muốn đóng góp sức mình cho xã hội, đồng thời tác động tới tư tưởng, lối sống, trách nhiệm của người thanh niên với xã hội. Hàng trăm thanh niên với màu áo xanh tình nguyện đổ về các thôn bản vùng cao, vùng sâu “ba cùng” với bà con dân bản, cùng làm đường giao thông, hướng dẫn làm nhà vệ sinh, chăn nuôi nhốt gia súc. Hướng dẫn nhân dân bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, chữa bệnh, vận động các em trong độ tuổi ra trường, nhập lớp… Nhiều vùng đất hôm nào chỉ có chè vè, lau lách mọc nay đã được phủ xanh bằng rừng kinh tế. Chính những thanh niên này đã làm sống dậy đất đai.
    
Những nội dung hoạt động của thanh niên Yên Bình không mới và xa lạ. Nhưng việc áp dụng như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của địa phương để thu hút thanh niên tham gia thì không phải nơi nào cũng làm được. Điều cốt yếu là bao giờ hoạt động phong trào cũng gắn liền với những gì thiết thực nhất, gần gũi nhất với tuổi trẻ.

Thanh Phúc
    

 

Các tin khác

Chiều 21-4, ông Nguyễn Minh Khang, Phó giám đốc NXB Giáo dục cho biết, NXB đã chỉ đạo các công ty sách và thiết bị trường học địa phương tổ chức 2 đợt phát hành SGK trong thời gian tới (đợt một từ ngày 10-5 đến 10-6; đợt hai từ ngày 15-7 đến 15-8) với giá mới, giảm 10% so với năm học trước.

YBĐT – Không ngừng đổi mới hình thức và nội dung hoạt động, những năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) luôn hướng mạnh về cơ sở, tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đóng góp tích cực và tham gia thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kết quả sơ bộ về cuộc tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7/2009

Kỳ thi Olympic toán sinh viên toàn quốc lần thứ 17 diễn ra từ ngày 17 đến ngày 19-4 tại Trường đại học Quảng Bình (tỉnh Quảng Bình) với sự tham dự của gần 700 sinh viên đến từ 69 trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục