Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn
- Cập nhật: Thứ tư, 29/4/2009 | 12:00:00 AM
Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi các đơn vị trực thuộc, y tế các ngành tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn. Bộ cũng đã chuẩn bị 1.000 máy thở cấp cứu, 34 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn gói thuốc khử trùng… đề phòng dịch cúm lợn H1N1 lây lan vào nước ta.
Dịch cúm lợn bước vào giai đoạn nguy hiểm
|
Sáng 28/4, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm tổ chức cuộc khẩn cấp triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm lợn H1N1 đang diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu chủ trì cuộc họp.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 4 trường hợp bệnh nhân bị nhiễm bệnh cúm A-H5N1 và đều bị tử vong. Riêng trong tháng Tư, có một trường hợp xảy ra tại tỉnh Thanh Hóa và cũng đã tử vong. |
Tại cuộc họp, Cục y tế dự phòng và môi trường khẳng định: Trước diễn biến phức tạp về dịch cúm lợn H1N1 xảy ra ở nhiều nước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng: đây là vấn đề khẩn cấp đối với sức khoẻ cộng đồng và cần phải được kiểm soát nghiêm ngặt. Ngay khi nhận được thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế đã triển khai một loạt biện pháp ngăn chặn.
Trước mắt, Bộ Y tế đã chuẩn bị 1.000 máy thở cấp cứu, 34 bộ xét nghiệm nhanh, hàng trăm nghìn gói thuốc khử trùng tiêu độc môi trường, chỉ đạo các Trung tâm y tế dự phòng cấp tỉnh, thành phố phải kiểm tra thường xuyên, đề xuất biện pháp ngăn chặn không để dịch cúm lợn H1N1 lây lan vào nước ta.
Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước tăng cường phối hợp với các lượng lượng chức năng, chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các đối tượng có nguy cơ cao và cơ sở điều trị, đặc biệt là người nước ngoài, người Việt Nam đến từ vùng có dịch.
Trước tình hình dịch cúm lợn diễn biến đặc biệt phức tạp, có thể bùng phát thành đại dịch; nhằm sẵn sàng, chủ động phòng chống dịch bệnh, điều trị có hiệu quả, chiều 28/4, Bộ Y tế đã có công điển khẩn gửi các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Y tế các ngành tăng cường công tác điều trị phòng chống dịch cúm lợn.
Theo đó, các đơn vị tăng cường cảnh giác đối với các trường hợp có triệu chứng cúm, đặc biệt chú ý đến những người mới đến từ các nước có dịch có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, mệt mỏi, ... , phát hiện sớm các trường hợp bệnh nghi ngờ cúm. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ cúm phải tiến hành cách ly ngay và phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng địa phương lấy mẫu bệnh phẩm để tiến hành xét nghiệm chẩn đoán vi rút theo quy định của Bộ Y tế. Đồng thời, tổ chức triển khai và kiểm tra chặt chẽ công tác phát hiện, cấp cứu, thu dung điều trị, cách ly và chăm sóc người bệnh; thực hiện nghiêm ngặt các quy định về kiểm soát lây nhiễm và nghiêm túc thực hiện các quy chế chuyên môn như quy chế thường trực, cấp cứu, hội chẩn, chuyển viện,... Các đơn vị đặc biệt coi trọng công tác rà soát cơ sở vật chất, khu vực cách ly, bảo đảm đầy đủ vật tư, hoá chất, thuốc, trang thiết bị y tế, nhân lực bảo đảm sẵn sàng phòng chống dịch, tiếp nhận, cách ly điều trị bệnh nhân và sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và y tế ngành hoàn thiện kế hoạch điều trị chống dịch và có các phương án cụ thể để phân tuyến thu dung điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong công tác chuẩn bị, tiếp nhận, cấp cứu, thu dung và điều trị cho bệnh nhân và thành lập các đội thường trực cấp cứu cơ động để kịp thời hỗ trợ các đơn vị tuyến dưới khi có yêu cầu. Đồng thời, tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố để kiện toàn và duy trì hoạt động Ban chỉ đạo chống dịch của tỉnh, thành phố. Chú ý đến việc chỉ đạo và hỗ trợ công tác điều trị phòng chống dịch bệnh.
Tại mỗi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đơn vị phải thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo chống dịch bệnh của bệnh viện; xây dựng kế hoạch chi tiết phòng chống dịch, có các phương án cụ thể để phục vụ bệnh nhân trong mọi tình huống của dịch bệnh bùng phát; chủ động và sẵn sàng về giường bệnh, thuốc, dịch truyền, trang thiết bị y tế và bố trí nhân lực phù hợp để kịp thời tiếp nhận điều trị bệnh nhân, không để lây lan dịch và hỗ trợ tuyến dưới. Bên cạnh đó, các đơn vị cần tổ chức tốt khu vực cách ly điều trị bệnh dịch, thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp xử lý chất thải y tế và các biện pháp phòng bệnh; phối hợp với hệ thống y tế dự phòng và các cấp, các ngành có liên quan tăng cường giám sát dịch tễ, truyền thông giáo dục sức khoẻ để phát hiện sớm, xử lý kịp thời các trường hợp, không để bùng phát dịch.
Được biết, tính đến ngày 27/4/2009 tại Mỹ đã phát hiện 40 trường hợp dương tính với cúm lợn A (H1N1); tại Mexico cũng ghi nhận hàng ngàn trường hợp mắc bệnh.
(Theo VOV)
Các tin khác
Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định về chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt và chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia tổ công tác tại các xã thuộc 61 huyện nghèo.
YBĐT - Cơ quan thi hành án tỉnh Yên Bái vừa phát động đợt thi hành án dân sự cao điểm năm 2009: đợt 1 từ ngày 25/4/2009 đến 25/5/2009, đợt 2 từ 26/5/2009 đến 30/8/2009, phấn đấu đạt chỉ tiêu 86% số việc thi hành xong, 63% số tiền thực thu so với số có điều kiện, làm giảm 10 - 15% án tồn đọng năm 2008.
Số điểm đủ để thí sinh đỗ tốt nghiệp sẽ không là 30 điểm như hiện nay mà chỉ là 18 điểm và không có môn nào bị điểm 0, theo dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT Quốc gia.
YBĐT - Ngày 27/4/2009, Ban quản lý dự án “Thí điểm sáng kiến an toàn giao thông đường bộ” tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/ 2009.