Lùi thời gian thực hiện đề án tăng học phí
- Cập nhật: Thứ năm, 21/5/2009 | 12:00:00 AM
Chiều 20/5, trao đổi với phóng viên báo chí, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đề án học phí sẽ áp dụng từ năm học 2010-2011, chậm một năm so với phương án trước đó. Tuy nhiên, trong giai đoạn quá độ, sẽ thu thêm 50% mức trượt giá.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (trái) và Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 20/5.
|
Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 sẽ được trình Quốc hội vào ngày 30/5.
"Trong giai đoạn 2009-2010, để khắc phục bất hợp lý về giá cả, sẽ tăng 50% so với mức trượt giá từ năm 2000 đến nay, đối với mức trần học phí khối đào tạo, hơn 200.000 đồng mỗi tháng. Học phí phổ thông giữ nguyên. Đề án học phí sẽ được thực hiện "căn cơ" từ năm 2010", ông Nhân nói.
Trước kiến nghị của cử tri đề nghị chưa tăng mức thu trong năm 2009 khi nền kinh tế đang khó khăn, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giáo dục cho rằng: "Học phí đại học bản chất là kèm theo hỗ trợ, nếu sinh viên không có điều kiện kinh tế sẽ được vay vốn. Việc phải thu khoản trượt giá trong năm 2009 là do hoàn cảnh cấp bách".
Theo ông Nhân, chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước (1998) chưa thay đổi, trong khi từ năm 2000, mức giá tiêu dùng bình quân tăng 1,62 lần. Với mức hiện nay, giá trị thực tế của học phí so với năm 2000 chỉ còn 62%. Ví dụ, mức học phí đại học hiện là 180.000 đồng một tháng nhưng giá trị thực tế so với năm 2000 chỉ còn 111.600 đồng.
Do vậy, đổi mới cơ chế tài chính là yêu cầu hết sức cấp thiết. Mức học phí và chi phí học tập khác của gia đình có con học mầm non và phổ thông không vượt quá 6% thu nhập bình quân. Học phí giáo dục nghề nghiệp và đại học thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ giữa người học và Nhà nước; miễn phí cho học sinh, sinh viên gia đình chính sách, hộ nghèo, giảm học phí cho người học cận nghèo và hỗ trợ cho người học ở gia đình có thu nhập thấp; thực hiện tốt việc cho vay đi học...
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, chi phí giáo dục chia làm 2 phần: cơ sở vật chất, dạy và học. Cơ sở vật chất Chính phủ xác định còn đầu tư lâu dài. Với chi phí dạy và học, Bộ GD&ĐT đề xuất tăng trần học phí đại học, giáo dục phổ thông tính theo mức 6% thu nhập bình quân hộ gia đình, vẫn chưa đủ bù đắp.
"Chúng ta phải dần dần thay đổi cơ chế tài chính, giúp các cơ sở giáo dục và đào tạo chủ động hơn trong hoạt động thu chi, cải tiến chất lượng giảng dạy. Việc tăng học phí là đã hướng tới những người có khả năng chi trả. Còn đối tượng người nghèo, gia đình chính sách không chỉ được miễn như hiện nay mà còn phải được cấp học phí. Cơ chế sẽ chuyển dần theo hướng như vậy", ông Ninh nói.
Theo tờ trình của Bộ GD&ĐT tại Thường vụ Quốc hội đầu tháng 5, mức học phí 7 nhóm ngành đại học (giai đoạn 2008-2012) sẽ từ 200.000 đồng (ngành Sư phạm) đến 800.000 đồng (ngành Y dược). Theo đó, năm 2012, chi phí hằng tháng để đào tạo bác sĩ là 1,7 triệu đồng, người học đóng 800.000 còn nhà nước hỗ trợ 900.000 đồng; ngành sư phạm chi phí là 1 triệu đồng mỗi tháng, sinh viên đóng 500.000 đồng...
(Theo VnExpress)
Các tin khác
Ngày 20-5, Bộ Y tế xác nhận thêm 2 tỉnh mới có người mắc tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả là Nghệ An và Yên Bái. Như vậy, đã có 15 tỉnh, thành phố ghi nhận bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả.
YBĐT - Chi hội nông dân ở cơ sở có vai trò rất quan trọng, vừa trực tiếp vận động hội viên vừa thực hiện các nhiệm vụ công tác của hội. Trong các hoạt động của chi hội thì sinh hoạt chi hội luôn được coi là một hoạt động cơ bản. Tuy nhiên, chất lượng sinh hoạt ở cấp cơ sở vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chi hội cơ sở ở vùng cao.
YBĐT - Kỷ niệm 119 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ 15/5 đến 17/5/2009, đoàn thanh niên 3 cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Cục An ninh Tây Bắc và Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam đã đến tặng quà các gia đình đồng bào khó khăn tại huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An, thăm di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên.
YBĐT - Phòng trưng bày của ông Tích giờ là địa chỉ quen thuộc không chỉ của các CCB mà cả những người dân ở đây mà có ý nghĩa đặc chiệt cho giờ học ngoại khoá của các em học sinh trường THCS Hoàng Văn Thọ.