Yên Bái: Nỗ lực ngăn chặn bùng phát tiêu chảy cấp
- Cập nhật: Chủ nhật, 24/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Liên tục trong các ngày từ 20 đến 24/5, ngoài bệnh nhân Hà Văn Ước đã có kết luận dương tính với phẩy khuẩn tả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã tiếp nhận thêm 9 bệnh nhân mắc bệnh tiêu chảy, có dấu hiệu nhiễm phẩy khuẩn tả.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đã kiểm tra cả những thứ đồ uống và nước giải khát.
|
>>>Công điện của UBND tỉnh Yên Bái /10 người mắc tiêu chảy cấp nghi nhiễm phẩy khuẩn tả / Huyện Văn Chấn: 12 người nhập viện do do tiêu chảy cấp và nghi nhiễm dịch tả
Công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh là một việc hết sức quan trọng trong thời điểm này, không chỉ với người dân, với các cơ quan chức năng mà còn mang ý nghĩa sống còn đối với toàn xã hội.
Như vậy, tổng số bệnh nhân có liên quan đến dịch bệnh đến thời điểm này là 16 người (Văn Chấn 13, thị xã Nghĩa lộ 2 và Trạm Tấu 1).
Tuy vậy, đây mới chỉ là số liệu ban đầu, theo nhận định, hiện vẫn còn một số đơn vị liên quan trực tiếp đến việc phòng chống dịch bệnh tại các cơ sở đang có dấu hiệu chưa công khai thông tin!?
Bệnh nhân được điều trị tại khu cách ly
Với diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh, các ca bệnh xuất hiện ở nhiều địa bàn khác và cách xa nhau về mặt địa lý (mặc dù chưa có kết luận chính thức về mẫu xét nghiệm của các bệnh nhân do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), chúng ta vẫn phải khẳng định rằng: Nguy cơ bùng phát dịch trên diện rộng, trở thành đại dịch của bệnh tiêu chảy cấp tại địa bàn tỉnh là rất có khả năng xảy ra.
Ông Lường Văn Hom - Phó giám đốc Sở Y tế: Không còn là nguy cơ nữa, dịch bệnh đã thực sự có mặt tại Yên Bái, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ hiện đang là một “ổ dịch” lớn do các bệnh nhân đều tập trung về đây điều trị. Bên cạnh đó, việc các bệnh nhân mang dấu hiệu có mầm bệnh tả lại cư trú ở các địa bàn cơ sở cách xa nhau về mặt địa lý, không hề có sự liên quan về nguồn nước sinh hoạt nên hiện chúng ta chưa thể khẳng định được nguồn gốc và nguyên nhân gây bệnh. |
Ngày 23/5/2009, Sở Y tế tỉnh Yên Bái đã thành lập đoàn thanh tra khẩn cấp, tiến hành kiểm tra tại một số cơ sở phát hiện dịch bệnh và đã tổ chức một cuộc họp khẩn với lãnh đạo UBND thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn cùng các ngành, đoàn thể có trách nhiệm liên quan đến việc phòng tránh, chữa bệnh.
Tại cuộc họp này, ông Lường Văn Hom - Phó giám đốc Sở Y tế đã khẳng định: Việc cấp thiết hiện tại là phải khẩn trương khoanh vùng xử lý, không để dịch bệnh có cơ hội lan rộng. Trong bối cảnh hiện nay, việc đầu tiên các cơ sở đã được chỉ đạo là tổ chức nhân lực đào những hố vệ sinh, công trình phụ, hố tiêu cục bộ để tiện việc xử lý phân tại chỗ; triển khai ngay các cuộc tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng chống dịch bệnh cho hệ thống chính trị, y tế cơ sở nhằm đưa thông tin đến với người dân một cách nhanh nhất; tổ chức phát tờ rơi cho người dân các địa phương để họ tiếp nhận thông tin đầy đủ, hoàn chỉnh về bệnh tiêu chảy cấp.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ tổ chức cho các bệnh nhân nằm điều trị cách ly, mua trang thiết bị cần thiết để xử lý vệ sinh cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân (bô đựng phân, thùng ngâm tẩy quần áo bằng dung dịch CloraminB)... Đồng thời, các huyện, thị đã thành lập các đoàn thanh tra liên ngành phối hợp tổ chức kiểm tra các cơ sở chế biến thực phẩm, dịch vụ ăn uống.
Người dân đã được tiếp cận với tài liệu tuyên truyền về phòng chống dịch tả
Vào ngày 24/5/2009, đoàn thanh tra liên ngành của tỉnh đã phối hợp với đoàn thanh tra thị xã Nghĩa Lộ tiến hành kiểm tra 4 cơ sở dịch vụ ăn uống trước cổng Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ và phát hiện, lập biên bản xử phạt hành chính 2 cơ sở không đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trước đó, đoàn kiểm tra do ông Lương Văn Hom - Phó giám đốc Sở Y tế dẫn đầu, đã tiến hành kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các xã: Sơn Lương, Nghĩa Sơn, Hạnh Sơn (huyện Văn Chấn) và đã chỉ đạo cho đóng cửa tạm thời một số cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống do không bảo đảm yếu tố an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường (theo cảm quan)...
Bà Lò Thị Huân - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ: Thị xã đã tổ chức một hệ thống chống dịch rộng khắp, với sự góp mặt của toàn thể các lực lượng. Yêu cầu đầu tiên là phải tiến hành khẩn cấp việc cô lập vùng dịch, tiếp đó là tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chặt chẽ những nơi có dễ nguy cơ lây nhiễm dịch như các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, khu vực vệ sinh của đồng bào tại các cơ sở. |
Hiện tại, đối với riêng “ổ dịch” lớn đã hình thành tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, một khó khăn lớn đang mắc phải trong việc giải quyết dứt điểm ổ dịch này là Bệnh viện đang trong thời điểm xây dựng, các công trình thi công dang dở dẫn đến việc thiếu giường bệnh.
Theo báo cáo của ông Hoàng Sỹ Hiền - Giám đốc Bệnh viện với đoàn kiểm tra ngành y tế tỉnh thì hiện tại, Bệnh viện chỉ có thể đáp ứng tối đa một khu vực cách ly cho các bệnh nhân tiêu chảy cấp với số lượng 25 bệnh nhân, còn lại các khu vực khác đều đã kín chỗ (do thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đang phải "gồng mình" chịu tải đến trên 270 bệnh nhân điều trị các loại bệnh khác nhau trên tổng số 200 bệnh nhân Bệnh viện có thể tiếp nhận theo thiết kế).
Như vậy, giải pháp tình thế mà Bệnh viện hiện đang phải áp dụng là dồn ghép giường bệnh và cho một số bệnh nhân nhẹ điều trị ngoại trú nhằm giảm tải. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chỉ mang tính tạm thời, không thể thực hiện lâu dài nếu dịch bệnh bùng phát trên diện rộng.
Bên cạnh đó, Bệnh viện lại chỉ còn duy nhất một đường nước thải ra suối nên việc đảm bảo vệ sinh cũng gặp khó khăn; việc làm thống nhất có ý nghĩa tạm thời và đang được tiến hành là sẽ đào một hố sâu ở khu vực giữa đường thoát nước (dung tích khoảng vài chục mét khối) để chứa nước thải và xử lý tại đây bằng hoá chất Cloramin B, sau đó sẽ cho dòng nước tự chảy theo nguyên lý "bình thông nhau".
Cần kiểm tra nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm tươi sống
Do phẩy khuẩn tả rất dễ lây lan qua đường nước nên đối với các vấn đề vệ sinh khác như giặt giũ quần áo bệnh nhân, quần áo của những cán bộ y tế trực tiếp tiếp xúc với người bệnh cũng đã được quán triệt phải xử lý qua dung dịch Cloramin B trước khi mang ra ngoài khu vực cách ly.
Anh Hờ A Phòng - xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu: Nghe tuyên truyền thì mình biết về bệnh tả rồi, nếu mình có dấu hiệu mắc phải bệnh này thì sẽ đến ngay bệnh viện để khám. Mình cũng sẽ về mách với người nhà mình về những điều này, không thì sợ lắm!.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn cũng đã chỉ đạo: ngoài bệnh nhân, các đối tượng khác đều bị nghiêm cấm ăn uống trong khu vực cách ly, khi ra khỏi khu vực này cần phải vệ sinh bằng dung dịch Cloramin B...
Về lực lượng con người hỗ trợ cũng như các yếu tố cần thiết trong việc chống dịch, ngành y tế đã cơ bản đảm bảo ban đầu về số lượng, chất lượng với việc thành lập 5 đội cấp cứu, cung cấp thêm thiết bị y tế, thuốc men, dịch truyền và lượng hoá chất xử lý vi khuẩn...
Với nỗ lực chung của toàn thể các lực lượng, Yên Bái sẽ không phải đối mặt với một "đại dịch"!
Nhóm PV
Các tin khác
YBĐT - Ông Nguyễn Đức Liên - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, tính đến thời điểm 12 giờ trưa ngày 24/5 trên địa bàn huyện Văn Chấn có 12 người nhập viện do mắc dịch và nghi mắc dịch tả.
YBĐT - Tính đến thời điểm sáng 24/3, tại 3 huyện, thị phía tây của tỉnh Yên Bái đã có 10 người mắc tiêu chảy cấp và nghi nhiễm phẩy khuẩn tả.
YBĐT - Ngày 22/5/2009, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả tỉnh Yên Bái đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp với các sở, ban, ngành thành viên để bàn biện pháp chống dịch. Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì cuộc họp.
Bộ NN&PTNT vừa ra quyết định cấm bán tiết canh động vật để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân, phòng chống các dịch bệnh ở người và động vật, nhất là dịch tiêu chảy cấp đang lây lan rộng rãi trên nhiều tỉnh thành.