Mối lo vệ sinh môi trường ở vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 27/5/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Sau khi biết tin một cô giáo Trường phổ thông cơ sở xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) bị mắc bệnh tiêu chảy cấp và nghi nhiễm phẩy khuẩn tả, nhóm phóng viên chúng tôi đã có mặt tại huyện Trạm Tấu để nắm bắt thông tin về tình hình người bệnh cũng như công tác phòng chống dịch bệnh của địa phương.
Mặc dù đã hơn 16 giờ chiều ngày chủ nhật (24/05/2009), song đồng chí Hoàng Thị Vĩnh - Phó chủ tịch UBND, Trưởng Ban Phòng chống dịch bệnh huyện Trạm Tấu vẫn thường trực tại phòng làm việc. Trán đẫm mồ hôi, khuôn mặt đầy vẻ lo lắng, trên tay bà luôn sẵn sàng 2 chiếc máy điện thoại để tiện việc liên lạc với các anh em được phân công theo dõi các địa bàn, đặc biệt là đoàn công tác của Giám đốc Trung tâm Y tế huyện đi xã Phình Hồ.
Bà Vĩnh cho biết: “Phải luôn túc trực như vậy để nắm bắt thông tin và theo dõi tình hình diễn biến ở các xã khi đoàn công tác ở cơ sở báo cáo về. Có vậy mới kịp thời đối phó với các tình huống xấu xảy ra”. Sau khi dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm tái diễn ở Hà Nội với 3 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, tuy chưa có ca tử vong nhưng nguy cơ lây nhiễm rất cao. Trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng, mưa bão ngập lụt gây ô nhiễm môi trường, là điều kiện thuận lợi để vi sinh vật gây bệnh phát triển.
Trước nguy cơ lây lan của dịch bệnh tiêu chảy cấp có khả năng bùng phát thành đại dịch trên diện rộng, cũng giống như các huyện trong toàn tỉnh, Trạm Tấu đã khẩn trương triển khai thực hiện Công văn số 313/ SYT- NVY ngày 4/5/2009 của Sở Y tế về việc tăng cường phòng chống chống dịch bệnh mùa hè, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đến các trạm y tế xã bằng các việc kiện toàn lại Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện với 21 đồng chí và thành lập đội cơ động phòng, chống dịch bệnh gồm 10 đồng chí chia làm 2 tổ tăng cường giám sát các bệnh truyền nhiễm gây dịch; phối hợp với các cơ sở điều trị trên địa bàn phát hiện sớm ca mắc bệnh đầu tiên, báo cáo sớm để kịp thời có biện pháp chống dịch, không để bùng phát lây lan thành dịch lớn, không để bệnh nhân tử vong do dịch bệnh; tổ chức tuyên truyền hướng dẫn cho nhân thực hiện 4 biện pháp phòng chống bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm do Cục Y tế dự phòng và Môi trường hướng dẫn; phối hợp với Khoa Vệ sinh an toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế huyện), các ban, ngành liên quan của xã tổ chức kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại các quán ăn, chợ, các quầy bán thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất nước đá...
Khi dịch tiêu chảy cấp ở huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đang có dấu hiệu bùng phát như hiện nay thì việc tuyên truyền, vận động và yêu cầu nhân dân các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số ở tất cả các huyện, thị xây dựng công trình vệ sinh phục vụ công tác phòng chống dịch càng quan trọng hơn lúc nào hết. Đây chính là lúc tuyên truyền, vận động hiệu quả để người dân có được nhận thức và hành động đúng đối với việc bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của mình và cộng đồng. |
Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm huyện tổ chức đoàn thanh tra, tiến hành kiểm tra 78/ 129 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên toàn địa bàn huyện. Qua kiểm tra phát hiện 14 cơ sở vi phạm, đã tiến hành xử lý, tiêu huỷ một số sản phẩm hết hạn sử dụng như bánh kẹo, nước mắm, thạch, bia Đại Việt, mỳ tôm trẻ em, nước khoáng...
Đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Đến thời điểm này, huyện đã cơ bản triển khai đầy đủ các hướng dẫn về phòng chống bệnh dịch tiêu chảy cấp cho nhân dân các xã. Song, do địa bàn cư trú của nhân dân đặc biệt là đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn không tập trung; trình độ dân trí thấp, vấn đề vệ sinh môi trường chưa đảm bảo thêm vào đó, cán bộ dự phòng ở tuyến xã mỏng... nên nhiều khi vẫn rơi vào tình trạng bác sỹ không biết bệnh nhân, người dân thì không biết bác sỹ...”.
18h chiều cùng ngày, trao đổi nhanh với Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đào Xuân Ngọc vừa từ Phình Hồ trở về, ông cho biết: “Sau khi nghe tin có trường hợp bị tiêu chảy cấp và nghi nhiễm phẩy khuẩn tả, chúng tôi đã ngay lập tức có mặt tại xã Phình Hồ, nơi bệnh nhân cư trú. Đó là cô Nguyễn Thị Ngọc Bắc, giáo viên phổ thông cơ sở, đang sinh hoạt tại khu tập thể dành cho giáo viên, chưa có sự giao lưu, đi lại khỏi khu vực trong những ngày qua.
Việc ăn uống của bệnh nhân không khác ngày thường, nhưng có ăn mận. 5 giờ sáng ngày 23/5/2009, cô giáo Bắc bị đi ngoài nhiều lần, phân nhiều nước kèm theo nôn . Sau đó, người nhà đã đưa bệnh nhân xuống Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Lộ điều trị và chẩn đoán dương tính với tiêu chảy cấp, song không nằm trong diện nhiễm phẩy khuẩn tả”.
Trước nguy cơ của một đại dịch có thể bùng phát, đoàn công tác đã yêu cầu cán bộ y tế của huyện, xã phải xử lý vệ sinh triệt để môi trường xung quanh khu vực bệnh nhân cư trú như: các đồ dùng, nhà ở, công trình vệ sinh, nguồn nước, rắc vôi và chất hoá học CloraminB xung quanh khu vực. Đồng thời khuyến cáo đến tất cả người dân trong xã về tình hình dịch bệnh và cách thức phòng chống dịch bệnh tiêu chảy cấp.
Mặc dù đây mới chỉ là trường hợp đầu tiên ở xã Phình Hồ nói riêng và huyện Trạm Tấu nói chung bị tiêu chảy cấp, song đó là dấu hiệu cảnh báo một đại dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay. Hơn một lúc nào hết, công tác vệ sinh môi trường phải được đặt lên hàng đầu, nhất là những địa bàn vùng cao, nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngọc Sơn
Các tin khác
Ngày 26-5, Tổ chức ORBIS, một tổ chức nhân đạo, phát triển quốc tế có sứ mệnh phục hồi và bảo vệ thị lực trên toàn thế giới vừa cho biết, trong dịp hè này, các dự án về chăm sóc mắt trẻ em do ORBIS tài trợ sẽ tổ chức khám mắt và điều trị miễn phí các bệnh mắt cho 100.000 trẻ và điều trị phẫu thuật cho hơn 1.000 cháu tại nhiều tỉnh và thành phố trong cả nước.
YBĐT - Đề án xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã của huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) giai đoạn 2005 - 2010 đặt mục tiêu phấn đấu đến 2010 có 70% số xã, thị trấn đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn.
YBĐT - Huyện Văn Yên (Yên Bái) có 5.752 hộ nghèo và cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với 23.487 nhân khẩu đã được hưởng lợi từ nhiều chương trình, dự án, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
YBĐT - Đến trưa ngày 26/5/2009, trong tổng số 18 bệnh nhân nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ do nghi ngờ liên quan đến dịch bệnh thì đã có 10 bệnh nhân bình phục hoàn toàn và được ra viện.