Yên Bái: Đồng loạt ra quân phòng chống dịch

  • Cập nhật: Thứ tư, 3/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tính đến ngày 30/5/2009, toàn tỉnh Yên Bái đã có 271 trường hợp tiêu chảy được phát hiện. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, ngành y tế đã tham mưu cho tỉnh, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, đồng loạt ra quân thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng của dịch.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn phun hóa chất khử trùng tại ổ dịch tiêu chảy cấp bản Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn phun hóa chất khử trùng tại ổ dịch tiêu chảy cấp bản Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn.

Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương từ ngày 20/4/2009 đến 27/5/2009 cả nước đã ghi nhận 94 trường hợp dương tính với phẩy khuẩn tả trong tổng số 962 ca lâm sàng tại 15 tỉnh, thành phố. Tại Yên Bái, tính đến ngày 30/5/2009, toàn tỉnh đã có 271 trường hợp tiêu chảy được phát hiện và điều trị trong đó từ ngày 16/5/2009 có 2 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm dương tính với phẩy khuẩn tả tại xã Sơn Lương và xã Nghĩa Sơn thuộc huyện Văn Chấn.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, ngành y tế đã tham mưu cho tỉnh, phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, đồng loạt ra quân thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng của dịch. Tại địa bàn huyện Văn Chấn, đã tổ chức kiểm tra đôn đốc giám sát 2 ổ dịch cũ ở bản Sẻ xã Sơn Lương, bản Nậm Tộc xã Nghĩa Sơn, tiếp tục các biện pháp khống chế ổ dịch; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhanh cho cán bộ chủ chốt, trưởng thôn bản và nhân dân trong các xã của huyện về sự nguy hiểm của dịch tiêu chảy cấp, 4 biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, hướng dẫn các công việc địa phương phải làm, phát động toàn dân tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom, xử lý chất thải, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, không uống nước lã, rửa tay trước khi ăn.

Với địa bàn thị xã Nghĩa Lộ đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, ngành y tế đã chỉ đạo lập các khu vực cách ly theo quy định, tẩy uế tư trang bệnh nhân, hạn chế người nhà thăm nuôi bệnh nhân, thu gom toàn bộ nước thải bệnh viện xử lý bằng cloramin B trước khi thải vào hệ thống chung; tập trung cứu chữa các bệnh nhân tiêu chảy cấp, không để tử vong.

Hiện tại các bệnh nhân tiêu chảy cấp điều trị trong bệnh viện ổn định, 2 trường hợp tiêu chảy cấp nguy hiểm có nguyên nhân do phẩy khuẩn tả cũng đã ổn định, chờ kết quả xét nghiệm âm tính để cho ra viện theo quy định. Đến nay, 2 ổ dịch cũ không có trường hợp mắc mới, trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ cũng phát hiện một số trường hợp tiêu chảy cấp ở phường Cầu Thia, xã Nghĩa Phúc...  được đưa vào Bệnh viện Nghĩa Lộ điều trị, đến nay đã ổn định, các trường hợp theo dõi, giám sát tại nhà đều không nghi ngờ tiêu chảy cấp nguy hiểm.

Tại các huyện khác trong tỉnh, ngoài dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm, trên địa bàn còn có những dịch nhỏ, lẻ tẻ khác như: chân tay miệng, sốt virus... Ngành đã chỉ đạo các cơ sở y tế tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cấp bách nhằm tăng cường giám sát phát hiện sớm, chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe được triển khai thường xuyên và liên tục tại vùng có dịch và chưa có dịch bằng nhiều hình thức như: thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông bằng xe loa và phát tờ rơi tại các tụ điểm đông người, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng.

Bên cạnh đó, còn tổ chức sản xuất, cấp phát cho cơ sở các tài liệu truyền thông gồm 30.000 tờ rơi, 2.000 tờ áp phích, 300 đĩa CD, 300 băng cassete với các nội dung như: hướng dẫn nhân dân đào hố thu gom, xử lý chất thải, tránh để mầm bệnh phát tán ra môi trường; xử lý các nguồn nước... bằng Cloramin B, tuyên truyền để người dân không uống nước lã, đảm bảo dân được dùng nước sạch, tránh nhiễm bệnh từ nguồn nước... 

Tính đến ngày 1/6, cả nước đã có 3 ca nhiễm cúm A/H1N1. Trước nguy cơ của dịch cúm, Yên Bái tăng cường tuyên truyền về các biện pháp phòng bệnh, phấn đấu 90% dân số được tiếp cận với thông tin về bệnh cúm A/H1N1 và biết cách thực hiện một số biện pháp phòng bệnh cơ bản. Toàn bộ hệ thống giám sát và kiểm soát cúm A/H1N1 từ tỉnh đến huyện, xã đều ứng phó nhanh, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch; phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên, khoanh vùng, cách ly và xử lý kịp thời không để dịch bệnh lan rộng; tổ chức điều trị ca bệnh kịp thời hạn chế đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong do dịch; đảm bảo đủ về thuốc, hóa chất, dụng cụ, phương tiện để ứng phó kịp thời khi dịch xảy ra.

Đoàn thanh tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh đang tích cực thanh kiểm tra các cơ sở thực phẩm đặc biệt là các cơ sở thực phẩm tại thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn, kiên quyết đóng cửa các cơ sở không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã yêu cầu các cơ sở cấp nước tập trung đảm bảo lượng clo dư trong nước theo quy định của Bộ Y tế nhằm ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch theo đường nước.

Mặc dù có nhiều cố gắng, song công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Ở Yên Bái vùng có dịch có nguy cơ phát triển rộng do điều kiện vệ sinh môi trường, thiếu nguồn nước, thiếu nhà vệ sinh, nhận thức của người dân về phòng chống bệnh dịch còn nhiều hạn chế, bên cạnh đó, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện, nhân lực, kinh phí của ngành y tế còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu nếu dịch bùng phát. Vì vậy, ngành y tế mong muốn tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện về mọi mặt của tỉnh, Bộ Y tế, sự phối hợp của các thành viên trong Ban chỉ đạo, các cấp ủy Đảng chính quyền ở cơ sở đặc biệt là sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân trong phòng chống các dịch bệnh nguy hiểm.

Tiến sĩ  Đào Thị Ngọc Lan - (Giám đốc Sở Y tế Yên Bái)

Các tin khác
Kiểm tra thân nhiệt tại sân bay

Ngày 2/6, Bộ Y tế đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch cúm A/H1N1 và các biện pháp đã triển khai nhằm hạn chế sự lây lan của dịch trong cộng đồng.

Thí sinh Hà Nội dự thi môn Sinh học.

Kết thúc ngày thi đầu, cả nước có gần 4.500 thí sinh bỏ thi, hơn 100 em bị đình chỉ thi, hàng trăm trường hợp bị tai nạn và ốm...

Nhân Ngày vi chất dinh dưỡng (1 và 2/6), theo kế hoạch Bộ Y tế phối hợp với các địa phương trên cả nước tổ chức trẻ em uống vi ta min A miễn phí.

YBĐT - Sáng 2/6, cùng với hơn 1 triệu học sinh trong cả nước, trên 9.000 học sinh THPT và bổ túc THPT tỉnh Yên Bái bước vào ngày thi đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT và bổ túc THPT năm học 2008-2009 với môn Văn, thời lượng 180 phút.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục