Bệnh nể nang - muốn chữa mà chưa có thuốc đặc trị
- Cập nhật: Thứ tư, 10/6/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Căn bệnh này phát sinh nhiều nhất ở cấp cơ sở, nhất là đối với những địa phương mà cán bộ thực thi nhiệm vụ có mối quan hệ thân thích, họ mạc rộng rãi, người trong làng, xã, thôn, bản đều là anh em, con cháu trong nhà.
Người dân đến làm các thủ tục hành chính trong đó có đăng ký hộ tịch tại phòng giao dịch “một cửa” phường Nguyễn Phúc, hành phố Yên Bái.
(Ảnh: Quang Thiều)
|
Dân tộc Việt Nam từ xa xưa vốn đã có truyền thống tương thân, tương ái, yêu thương, đùm bọc nhau giữa các cá nhân trong cộng đồng. Hầu hết các công việc đều được giải quyết trên cơ sở tình cảm, giúp đỡ nhau đắc lực để đạt kết quả tốt nhất. Đó là một truyền thống quý báu, cần duy trì và phát huy.
Nhưng nhiều khi truyền thống tốt đẹp này đã bị đem ra áp dụng không đúng nơi, đúng lúc khiến cho nó bị biến thái thành một tật xấu, một thói quen tai hại làm ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng và hiệu quả quản lý nhà nước bằng pháp luật, thậm chí trở thành một thứ bệnh khó chữa, hay muốn chữa mà vẫn chưa tìm được thuốc đặc trị, đó có thể gọi là bệnh nể nang trong giải quyết công việc.
Căn bệnh này phát sinh nhiều nhất ở cấp cơ sở, nhất là đối với những địa phương mà cán bộ thực thi nhiệm vụ có mối quan hệ thân thích, họ mạc rộng rãi, người trong làng, xã, thôn, bản đều là anh em, con cháu trong nhà. Và tuy không gây ra chết người hay để lại hậu quả ngay tức thì, nhưng bệnh nể nang cũng đem lại bao nhiêu hệ lụy cho người này, người khác mà hậu quả rõ nhất đó là các quy định của pháp luật bị cố tình làm sai lệch, tạo ra lợi ích bất chính cho người này thì đem lại sự phiền hà, tốn kém về thời gian, tiền của cho cá nhân, tổ chức khác.
Quản lý đăng ký hộ tịch, hộ khẩu ở vùng cao vẫn còn là một khó khăn.
(Ảnh: Văn Tuấn)
Bệnh nể nang xảy ra phần lớn xảy ra đối với các trường hợp mà giữa công dân với cán bộ thực hiện nhiệm vụ có mối quan hệ thân thích, bạn bè hay họ hàng và trong công việc cụ thể có những vướng mắc, những khó khăn chưa tháo gỡ được. Thế là họ nhấm nháy nhau để tìm tòi, để săm soi xem có kẽ hở nào không trong các văn bản áp dụng pháp luật để mà luồn lách, chạy chọt cho bằng được.
Vì thế mới có chuyện một công dân có thể đi đăng ký hộ khẩu cho cả nhà mà không cần đem theo bất cứ thứ giấy tờ gì để chứng minh là mình khai báo đúng, cán bộ thì cũng cứ thế ghi chép và xác nhận theo “khẩu khí” của công dân mà cũng chẳng buồn quan tâm xem liệu người ta có khai báo trung thực hay không.
Đăng ký khai sinh, khai tử cũng thế, chỉ cần công dân khai theo trí nhớ là được, chẳng cần giấy tờ chứng minh gì hết. Khi được hỏi vì sao lại có sự dễ dãi như thế thì các cán bộ này đều trả lời rằng: “Toàn chỗ người nhà cả, có người là ông trẻ, bà trẻ mình, hỏi giấy tờ họ lại cho là mình hách dịch, quan liêu, không cẩn thận lại còn bị ăn mắng ấy chứ!”.
Hậu quả tất nhiên chưa xảy ra ngay lúc ấy, nhưng sau đó mới phát sinh giấy tờ này, hồ sơ kia không khớp với nhau về tên tuổi, quê quán, ngày tháng năm sinh, vậy là lại sửa chữa, thay đổi, gạch xóa. Mà cái chuyện thay đổi, cải chính cũng dễ dàng không kém gì lúc đi đăng ký mới, chỉ cần nói lại rằng: “Quên mất, nhớ nhầm”, còn cán bộ thì tặc lưỡi: “Thôi thì giải quyết linh động, tạo điều kiện cho ông trẻ, bà trẻ hay cháu nó, đỡ phải đi lại tốn kém, xa xôi”.
Vậy là lại có các thông tin mới thay thế rồi đóng dấu xác nhận vào chỗ sửa chữa là xong, lại thành một con người khác với nhân thân khác. Điều này có thể giúp cho một người không có quyền lợi trở thành có quyền lợi, có nghĩa vụ trở thành không có nghĩa vụ.
Chính cái sự nể nang, giải quyết trên cơ sở tình cảm là chính ấy đã làm cho không ít cán bộ làm sai không chỉ những việc thuộc thẩm quyền của mình mà họ còn cố tình thực hiện luôn cả những nhiệm vụ của cấp trên, ngành trên, những việc không thuộc nhiệm vụ của mình.
Ví như việc xác định lại dân tộc là thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, nhưng có vị cán bộ tư pháp xã cứ ung dung tham mưu cho UBND xã ký ban hành quyết định xác định lại dân tộc cho công dân, chỉ vì “Nể quá, người ta gọi điện nói là bận, không đi làm được và nhà lại ở xa quá”. May là vụ việc được phát hiện kịp thời nên UBND huyện đã phải khẩn trương ra quyết định thu hồi và huỷ bỏ những quyết định xác định lại dân tộc trái thẩm quyền kia, nếu không chẳng biết hậu quả sẽ ra sao.
Với những sự dễ dãi, nể nang trong giải quyết công việc như trên đã gây nên rất nhiều hậu quả xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý an ninh, trật tự an toàn xã hội, giúp cho một số người không phải thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng lại được hưởng những ưu đãi, quyền lợi không chính đáng. Sự dễ dãi, nể nang đó còn góp phần giúp cho nhiều tên tội phạm lọt tội và thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật bằng cách thay tên, đổi họ và trở thành một con người khác, có kẻ còn thoát án tử hình để lấy vợ, sinh con tại một địa phương khác.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với nhau để ngăn chặn và đẩy lùi căn bệnh nể nang, dễ dãi như trên. Từ đó đề xuất những giải pháp như luân chuyển cán bộ ở địa phương này sang làm việc ở địa phương khác, thường xuyên tập huấn nghiệp vụ và rèn luyện ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chuyên môn hay đề ra một giải pháp hữu ích nào đó để xóa sổ căn bệnh tai hại này, góp phần tích cực ổn định an ninh, trật tự tại địa phương, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật của cán bộ và mỗi người dân.
Khánh Thư
Các tin khác
YBĐT - Nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt, Đảng bộ Công an Mù Cang Chải (Yên Bái) đã yêu cầu các chi bộ chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt gắn với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của từng đảng viên, qua đó chỉ ra các yếu kém, hạn chế và đề ra giải pháp phù hợp trong từng thời gian; đồng thời thực hiện tốt việc vận động toàn đơn vị tham gia cuộc thi “Kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tìm hiểu “Truyền thống quê hương Yên Bái"...
YBĐT - Vừa qua, tại Khách sạn Bảo Hưng, Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động - Thương vinh và Xã hội) phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở dạy nghề cho trên 120 học viên là cán bộ quản lý các cơ sở dạy nghề trên địa bàn Yên Bái và các cơ sở dạy nghề thuộc 6 tỉnh miền núi phía bắc: Hà Nội, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai.
YBĐT - Huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tổ chức hội nghị triển khai Quyết định 71/2009-QĐ/TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ huyện nghèo xuất khẩu lao động (XKLĐ), giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020.
Sáng 10-6, tại Đại học quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam, Tập đoàn văn phòng phẩm Thiên Long, báo Thanh niên phối hợp tổ chức ra quân chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2009, với sự tham gia của hàng nghìn thanh niên, sinh viên tình nguyện.