Thành phố Yên Bái: Sẽ còn sống chung với lũ!

  • Cập nhật: Chủ nhật, 14/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Qua một vài cơn mưa nhỏ đầu mùa, nhiều tuyến đường nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Yên Bái lại bị ngập nước. Trong khi đó, một mùa mưa bão nữa lại về, báo hiệu nhiều bất thường!

Thành phố Yên Bái giờ đây cứ có mưa là ngập lụt.
Thành phố Yên Bái giờ đây cứ có mưa là ngập lụt.

4000 ngôi nhà bị ngập, trên 30 nhà bị phá sập, nhiều đoạn đường bị tắc nghẽn... phải mất nhiều thời gian, cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của tỉnh và bạn bè khắp nơi, thành phố Yên Bái mới tạm khắc phục được hậu quả trận lũ lịch sử  đêm ngày 11 rạng sáng ngày 12/7/2005. Bốn năm trôi qua, nhưng hậu quả của nó vẫn ám ảnh nhiều người. Vì vậy, dù nền nhà đã được tôn cao so với trước gần hai mét nhưng ông Trần Kim Hồng, ở khu phố Trần Phú (phường Đồng Tâm) vẫn không yên tâm mỗi khi có mưa.

Định cư đã gần 40 năm, vì vậy ông Hồng quá hiểu mảnh đất nơi mình sinh sống. Trước đây, quanh nơi ở là vườn, là ruộng, mỗi khi có mưa lớn, nước lũ dù có to, nhưng vẫn có nơi chứa nước nên không gây úng ngập. Nay, các thung suối đã thành mặt bằng khu dân cư, lấn chiếm hành lang suối để xây dựng các công trình, dòng suối bị thu hẹp, bồi lấp nên việc tiêu thoát nước không kịp gây úng ngập là điều không tránh khỏi. Chiếc cầu bê tông mới được bà con đóng góp để xây dựng thay thế chiếc cầu cũ, mặt cầu đã được nâng lên gần 2,5 mét những chỉ sau một năm, đất đá đã bồi lên quá nửa. Giờ mỗi khi có mưa rào to, nhà dân không bị ngập, nhưng cả xóm lại trở thành ốc đảo.

Thành phố Yên Bái nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của khí hậu ẩm thấp, mưa nhiều, hàng năm về mùa mưa, nước sông Hồng lên cấp báo động 3 (cốt +32 m) nước dềnh ngược sâu vào các cửa sông ngòi nội thị, làm ảnh hưởng đến khả năng thoát lũ, gây ngập úng nhiều khu vực khác của thành phố. Đây là những nguyên nhân khách quan, còn nguyên nhân chủ quan đó là hệ thống thoát nước tự nhiên của Yên Bái  đã bị người dân xâm hại nghiêm trọng!

 Kỹ sư thuỷ lợi  Nguyễn Huy Hoàng – Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn – Xây dựng Thuỷ lợi Yên Bái:

“ Để giải quyết bài toán ngập lụt ở thành phố thì phải cần có sự đầu tư đồng bộ. Cụ thể là, việc phải đầu tư xây dựng hệ thống kè hai bên suối, giải quyết những điểm gây ách tắc. Nhưng trước tiên, để hạn chế ngập lụt cục bộ, thành phố cần nạo vét, dọn vệ sinh lòng suối, đối với công trình lấn chiếm cần dỡ bỏ”

Ông Nguyễn Văn Ta – người dân khu phố Hào Gia (phường Đồng Tâm):

“Sống bên suối nhiều năm, tôi thấy ý thức của nhiều người dân rất kém. Họ coi dòng suối là nơi để trút xuống những gì thải ra như: rác thải, đất đá... đấy là chưa kể việc lấn chiếm dòng suối xây dựng những công trình. Mong sao, mỗi người dân đều có ý thức bảo vệ dòng suối và dự án kè suối sớm được triển khai để người dân chúng tôi đỡ khổ.”

Làm nghề trị thuỷ nên kỹ sư thuỷ lợi Nguyễn Huy Hoàng – Phó giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Yên Bái cho biết: “Thành phố có hai hệ thống thoát nước chính là ngòi Cường Nỗ và Ngòi Xẻ. Sau trận lũ lịch sử tháng 7/2005, thành phố Yên Bái đã tổ chức khơi thông dòng chảy, tuy nhiên việc nạo vét mới chỉ được từng đoạn nên khả năng thoát nước của các suối rất hạn chế. Bên cạnh đó, việc xâm hại dòng chảy vẫn diễn ra phổ biến nên việc úng ngập là khó tránh khỏi”.

Lần theo những con suối trên cho thấy hầu hết các thung suối như: ruộng, vườn, ao... hai bên dòng suối đã bị san lấp hết để làm khu dân cư hay công trình công cộng. Nhiều đoạn là nơi đổ rác, đất đá... của người dân. Nhiều hộ dân lấn chiếm dòng suối để cơi nới nhà cửa, toilét... Chỉ  một đoạn ngắn suối Ngòi Xẻ từ cây xăng Km5, có chiều dài 860 m về phía hạ lưu, đã có 41 hộ vi phạm hoặc nằm trong phạm vi quy hoạch hành lang bảo vệ kè, 3 hộ nằm trong hành lang bảo vệ cống qua đường!

Theo số liệu khảo sát của Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng thuỷ lợi Yên Bái mới đây thì tại suối Ngòi Xẻ, nhánh 1 ( từ cống Km 7 + 500) có chiều dài 1.767m; nhánh 2 ( cống Km 6 + 500 tại khu vực tổ 13 phường Yên Thịnh) có chiều dài 2.182m; nhánh 3 (từ huyện Yên Bình chảy qua xã Tân Thịnh) có chiều dài 2.807m... độ dốc trung bình của suối chỉ còn từ 0,15% đến – 0,5%, lòng dẫn chỉ còn từ 3 đến 20m, có nơi lòng còn chưa đầy 1 mét.

Đoạn suối Ngòi Yên từ đê chống lũ Nam Cường đến cửa ra tại sông Hồng (khu vực chợ Yên Bái), có chiều dài 2115 m và độ dốc lòng suối chỉ còn dưới 0,1%, lòng dẫn của ngòi chỉ rộng từ 6 m đến 30 m...

Tìm hiểu được biết thêm, ngoài các vật kiến trúc, cây cối hoa màu... một nguyên nhân dẫn đến tắc nghẽn dòng chảy còn do nhiều công trình cầu, cống qua suối có khẩu diện nhỏ, không thoát đủ lưu lượng lũ. Cụ thể là cống Cường Nỗ trên đường Lê Hồng Phong, cống chợ Yên Bái (thuộc đoạn suối Ngòi Yên); cống gần chợ Yên Thịnh trên đường Nguyễn Đức Cảnh, cống trước trụ sở Đảng ủy các cơ quan Dân chính Đảng tỉnh, trên đường Trần Phú (thuộc đoạn suối Hào Gia); cầu qua suối từ đường Điện Biên vào tổ 34 phường Đồng Tâm, cầu vào Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng giao thông...

Được biết, để chống úng ngập, năm 2006, thành phố Yên Bái đã phê duyệt quy hoạch chỉ giới hành lang suối trên địa bàn và gần đây tỉnh cũng đã xây dựng đề án kè hai bên các suối. Trong đó, bước 1, sẽ tiến hành giải toả các công trình kiến trúc và các công trình khác nằm trong phạm vi xây dựng kè suối; bước 2 và giải toả các công trình kiến trúc và các công trình khác nằm trong hành lang bảo vệ kè.

Cùng với việc xây kè sẽ tiến hành xử lý những cầu, cống không đủ lưu lượng thoát nước. Tuy nhiên, với tổng kinh phí đầu tư xây kè lên đến trên 300 tỷ đồng và chỉ trông vào sự đầu tư của Nhà nước thì việc xây dựng kè chống lũ, chống ngập các suối ở thành phố hiện tại mới đang dừng lại trên giấy tờ. Với những gì đang diễn ra, việc người dân thành phố phải sống chung với ngập lụt trong mùa mưa bão năm nay  và một vài năm tiếp theo là khó tránh khỏi!

Nguyễn Đình

Các tin khác
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thị Thanh Trà - Trưởng Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện của tỉnh động viên các sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái hiến máu tình nguyện.

YBĐT - Nhân Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện 14/6, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thanh Trà - Phó chủ tịch UBND tỉnh về các hoạt động nhằm tôn vinh người hiến máu tình nguyện.

Cán bộ kiểm dịch y tế quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất kiểm tra thân nhiệt hành khách qua máy bay.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu hôm 12/6, cảnh báo, dịch cúm A/H1N1 có thể gia tăng vào mùa đông năm nay.

Khói mù bao phủ phố Nguyễn Chí Thanh lúc 22h30.

Tối 12/6, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội lại chìm trong khói mù mờ ảo. Đây là lần thứ hai trong mấy ngày qua, người dân thủ đô thấy hiện tượng này.

Máu cứu người chính là món quà tặng vô giá từ trái tim của những tấm lòng nhân ái.

YBĐT – Theo thống kê, mỗi năm ở Việt Nam có gần 300.000 người tình nguyện hiến máu cứu người. Chính họ là người đã cứu sống và mang lại hạnh phúc cho rất nhiều bệnh nhân, gia đình và cộng đồng đang cần tới máu. Thông điệp chung của Thế giới về ngày 14/6 năm nay là “Hướng tới 100% máu và các thành phần máu từ người tình nguyện” nhằm khẳng định ý nghĩa nhân văn sâu sắc của việc tham gia hiến máu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục