Ăn gan, mật cóc có chữa được ung thư?

  • Cập nhật: Chủ nhật, 21/6/2009 | 12:00:00 AM

Thời gian gần đây, người dân nhiều tỉnh, thành trong cả nước xôn xao khi một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh một số trường hợp người dân bị bệnh ung thư ở tỉnh Quảng Bình đã ăn gan, mật cóc nhưng không bị ngộ độc chết mà còn chữa được bệnh. Sự thật thế nào?

Rất đông người đổ về nhà ông Khởi vì chuyện “ăn gan, mật cóc”.
Rất đông người đổ về nhà ông Khởi vì chuyện “ăn gan, mật cóc”.

Chuyện ông khởi

Người được cho là ăn gan, mật cóc đầu tiên là ông Mai Xuân Khởi (56 tuổi, hiện sống ở xã Quảng Sơn, H.Quảng Trạch, Quảng Bình). Chúng tôi đến nhà ông khi đã có khá nhiều người đang chờ ở đó để xem ông “biểu diễn” và bày cho cách ăn. Ông cho biết, năm 2004 thì ông bắt đầu phát bệnh, đi chữa trị một số nơi và sau cùng là Hà Nội, các bệnh viện kết luận ông bị ung thư gan rồi trả về. Đến năm 2006 bệnh tình trở nặng, ông đau quằn quại.

Ông nghĩ, trước sau gì cũng chết mà sống kiểu này thì đau thể xác không thể chịu nổi nên quyết định dùng các thứ thuốc độc để tìm đến cái chết. Chỉ có điều những thứ ông dùng như lá ngón trên núi, thuốc diệt chuột đều không khiến ông hề hấn gì, chỉ đau bụng đi ngoài sau khi ăn. Một hôm, đang nằm đau đớn trên giường, ông thấy có con cóc nhảy vào liền gượng chụp lấy và nuốt sống toàn bộ, nhưng cũng không chết mà ngược lại còn giảm đau một thời gian sau đó. Thấy thế ông quyết định ăn mỗi ngày một con và tăng dần số lượng lên theo cấp số cộng, cho đến bây giờ ông ăn mật và gan 5 con cóc mỗi ngày. Mỗi lần ăn cóc chỉ khiến ông buồn ngủ.

Để chứng thực cho mọi người thấy, ông Khởi ra bể nước của nhà lấy một bao có 4 con cóc, ông bắt ra một con rồi tiến hành các công đoạn mổ xẻ khá thành thục. Chỉ mấy phút sau ông đã lấy được nguyên vẹn bộ mật và gan con cóc to. Ông rửa nó sơ qua nước lạnh rồi đưa toàn bộ vào miệng nuốt cùng với một ngụm nước chè. Phần da con cóc được ông lột riêng phơi khô, bảo để giã nhỏ uống.

Theo như lời ông Khởi thì cơ thể ông có thể kháng với tất cả loại chất độc. Ông cho chúng tôi xem phiếu siêu âm tổng quát mới nhất là vào ngày 13.6.2009, trong đó kết luận ông bị u gan phải. Vấn đề là, không có một giấy tờ nào khẳng định ông Khởi bị ung thư, ông chỉ cung cấp được một tấm phim chụp X-quang, và như chúng ta đã biết, tự nó chưa thể kết luận là ông bị ung thư.

Trao đổi với chúng tôi về trường hợp này, một số lương y đều cho rằng: gan, mật, trứng, da cóc đều có chứa chất cực độc, chỉ với liều nhỏ đã có thể gây chết người. Đông y chưa từng đề cập việc dùng gan, mật cóc sống để chữa bệnh, trong đó có ung thư. Nếu đúng là có người ăn gan, mật cóc sống mà không chết thì có khả năng do cơ địa người đó khác thường, hay là có một sự đột biến nào đó như y học đã từng gặp một số trường hợp hy hữu. Vì thế, không thể lấy trường hợp này làm mẫu số chung cho tất cả mọi người.

Có người đã chết!

Một trong những trường hợp ăn gan, mật cóc “để chữa bệnh ung thư” được thông tin là anh Nguyễn Thanh Lân (37 tuổi, ở thị trấn Nông trường Việt Trung, H.Bố Trạch, Quảng Bình). Tuy nhiên, ngày 19.6, khi chúng tôi tìm đến nhà thì anh Lân đã qua đời mấy ngày. Trước đó anh được thông tin là “cải tử” nhờ “nuốt cậu ông trời”. Được biết, thời gian từ khi anh Lân phát bệnh đến lúc chết là khoảng 2 tháng, và sau khi trở về nhà điều trị thì mỗi ngày anh có dùng 1 ống morphine (loại thuốc giảm đau gây nghiện).

Một trường hợp nữa được thông tin tương tự là anh H.T.V (ở TP Đồng Hới). Và đến ngày 16.6, bà M., một người bà con với anh V. cho chúng tôi biết: “Tôi là người làm cóc cho anh ấy ăn nhưng càng ăn vào thì sức khỏe của anh càng suy kiệt. Đến hôm nay anh không còn nuốt được thứ gì nữa, mọi người tưởng sẽ “đi” hôm qua. Tôi đã thả hết khoảng 15 con cóc còn lại ra vườn”.

Về trường hợp này, nhiều người làm trong ngành y dự đoán anh V. ăn mật và gan cóc mà không ngộ độc đến chết là do cơ địa anh không còn hấp thụ được thức ăn.

Quá nguy hiểm!

Qua những trường hợp trên có thể thấy, không thể cho rằng ăn gan, mật cóc là chữa được bệnh ung thư; và hơn hết, chưa có một kết luận chính thức nào về việc này. Nhưng nghe lời đồn đại, số lượng người ở khắp các tỉnh, thành trong cả nước đổ về Quảng Bình ngày mỗi nhiều, hầu hết đó là những người có người nhà bị bệnh ung thư, số ít đến xem vì hiếu kỳ. Có người không đến được vì ở quá xa thì điện theo số điện thoại đăng trên báo cho những gia đình có người ăn rồi để hỏi cách ăn khiến cho việc nghe điện thoại trở nên mệt mỏi; ông Khởi và gia đình anh Lân phải để chế độ kênh máy hoặc không nhấc máy.

Ngày 18.6, tại nhà ông Khởi có không dưới 15 người, người ở gần như thị trấn Hoàn Lão (H.Bố Trạch, Quảng Bình), người ở xa tận Nam Định, Nghệ An, Đà Nẵng... Những người này đều cho biết là có người nhà đang thập tử nhất sinh, nên lặn lội lần tìm theo địa chỉ đến. Họ đi một quãng đường xa xôi đến ngồi để chỉ nghe một chút rồi vội vã trở về vì người nhà đang hấp hối. Thậm chí có trường hợp ở lại luôn nhà ông Khởi để “chữa bệnh”.

Rõ ràng đây là một sự tự phát quá nguy hiểm, dễ dẫn đến những mặt tiêu cực khó lường hết. Trong quá trình đi tìm hiểu, chúng tôi hết sức ngạc nhiên bởi người nhà của người bệnh rất tin tưởng vào việc ăn này trong khi người thì đã chết, người đang hấp hối. Như bà M. bảo: “Có tài liệu sách viết rõ ràng chứ”, nhưng hỏi sách gì, ở đâu thì “không biết, không có”.

Liên quan đến việc này, ngày 15.6, Sở Y tế Quảng Bình lại có công văn báo cáo Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế với những nội dung được cho là “hàng hai” dễ gây sự hiểu nhầm, đánh đồng. Công văn có những câu như: “Ăn cóc (gan, mật, da) để điều trị bệnh... Các triệu chứng bệnh có biểu hiện thuyên giảm. Ăn ngày càng cảm giác ngon miệng, lao động được, sức khỏe tốt lên... Giúp cho người bệnh định hướng đúng cách thức điều trị...”. Trong công văn này cũng chỉ đề cập việc số lượng người trong và ngoài tỉnh trực tiếp hoặc gián tiếp tìm hiểu thực hư và gia đình cho người thân bị ung thư ăn cóc ngày một tăng mà không hề có một khuyến cáo nào. Trong khi thực tế và khoa học từ trước tới nay đều minh chứng rõ ràng gan, mật cóc rất độc, ăn vào dẫn đến chết người.

Điều cần thiết bây giờ là cơ quan chức năng phải vào cuộc để thông tin rộng rãi quan điểm khoa học, có động thái khuyến cáo hay nghiêm cấm ngay lập tức để tránh những điều đáng tiếc xảy ra!

(Theo TNO)

Các tin khác
Các thí sinh trao đổi bài sau giờ thi.

Theo số liệu thống kê ban đầu, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2009 cả nước đạt hơn 80%, tăng hơn so với năm 2008 (75,96%).

Ngày 19-6, Bộ Y tế chính thức xác nhận Việt Nam có thêm 6 ca dương tính với cúm A/H1N1, nâng tổng số ca nhiễm cúm A/H1N1 tới nay lên 35 ca.

Ngày 19-6, lãnh đạo Cục Quản lý dược Việt Nam cho biết, thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp kinh doanh dược phẩm chưa nộp hồ sơ đăng ký quảng cáo tại Cục nhưng đã triển khai quảng cáo thuốc dưới hình thức phát hành tờ rơi, mẫu quảng cáo trên báo, tạp chí, interrnet, băng rôn, bảng biển…

YBĐT - Ngày 19/6/2009, Đài Phát thanh truyền hình Yên Bái (PTTH) tổ chức Hội nghị Cộng tác viên năm 2009. Đến dự có đồng chí Phạm Thanh Tâm - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan báo chí, cùng đông đảo các cộng tác viên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục