Sau AIDS là nỗi đau...

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/6/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện năm 1998 ở phường Cầu Thia, đến nay thị xã Nghĩa Lộ đã có tên trong danh sách ba huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái mà cả 100% số xã, phường đều có người nhiễm HIV/AIDS. Song song với việc giảm thiểu tỷ lệ lây nhiễm là vấn đề việc làm và trợ cấp lao động cho những bệnh nhân AIDS. Đây thực sự là bài toán chưa có lời giải không phải của riêng thị xã Nghĩa Lộ.

Anh Hà Văn Cường vẫn mong được điều trị bằng thuốc ARV để kéo dài cuộc sống nhìn con cái trưởng thành.
Anh Hà Văn Cường vẫn mong được điều trị bằng thuốc ARV để kéo dài cuộc sống nhìn con cái trưởng thành.

Bộ mặt của AIDS

Theo chân những cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS của thị xã Nghĩa Lộ xuống thăm gia đình chị Triệu Thị Nghen, có chồng là Hoàng Văn Nghi đã mất vì căn bệnh AIDS chúng tôi mới hiểu nỗi đau mà người phụ nữ dân tộc Thái này đang phải gánh chịu. Con đường đá dẫn tới ngôi nhà ở tổ 20, phường Pú Trạng nhấp nhô như cuộc đời của người phụ nữ chưa đầy 36 tuổi này. Ngôi nhà rách đến mức không thể chống đỡ nổi những tấm phibrôximăng được lợp theo chương trình xoá nhà dột nát. Chị Nghen đi làm đồng vắng một lão nông dắt trâu đi ngang qua cho biết như vậy. Các chị có cần gặp không tôi sẽ gọi hộ cho? - Ông lão nhiệt tình - “vậy ông gọi giúp chúng cháu với” - chị  Tùy, cán bộ Trung tâm Y tế của thị xã mau miệng.

Đó là một người phụ nữ nhỏ, bé, da đen sạm và thật khó đoán tuổi nếu không được biết trước. Dõi nhìn về phía xa xăm, chị Nghen tâm sự: “Lúc sắp mất, anh ấy mới kể là không đi xây dựng thuê thì không sao. Khi uống rượu với nhau bị bọn nó vắt chân, vắt tay lên chích ma túy. Cứ lần lượt, hết người này tới người khác chỉ chiếc kim tiêm ấy tới khi hết thuốc thì thôi. Sau đó anh ấy bị sốt, rồi nghỉ làm thuê, về nhà nằm phát bệnh 3 tháng thì mất”.

Rồi chị kể về những khốn khó khi vận động chồng đi xét nghiệm ra sao, những đau đớn và suy sụp sau khi chồng chết cả hai mẹ con chị đi xét nghiệm đều cho kết quả dương tính với HIV như thế nào, rồi cả cuộc vật lộn mưu sinh của hai mẹ con để chống lại căn bệnh thế kỷ... Những lúc nông nhàn, chị Nghen lại tranh thủ bên chiếc khung dệt cũ, lách cách cả đêm dệt cho xong sải khăn để bán lấy tiền chi dùng sinh hoạt cho hôm sau. Ngày tháng trôi đi nhưng không hôm nào Nghen quên cho con uống thuốc điều trị ARV theo chỉ định của bác sĩ. Hy vọng may mắn với hai mẹ con không ngừng lớn lên trong chị khi chị thấy sức khoẻ của mình đang hồi phục.

Sau AIDS là nỗi đau...

Giờ thì nỗi lo về vật chất và cả tinh thần đều đè nặng lên đôi vai bé nhỏ của rất nhiều phụ nữ dân tộc Thái ở thị xã Nghĩa Lộ. Trước đây, dù phải đi làm thuê, làm mướn thì chồng, cha, anh của họ vẫn là những lao động chính lo cái ăn, cái mặc cho cả gia đình, nhưng hôm nay điều ấy đã là không thể. Nghĩa Lộ hiện có không ít ngôi làng vắng bóng đàn ông như ngôi làng Vực Tuần của xã Cát Thịnh (Văn Chấn). Nguy hại hơn là đại dịch thế kỷ đang tiềm ẩn ở ngay chính những người thân của bệnh nhân AIDS. Đó là vợ, là con, thậm chí cả những người bạn tình của họ.

Ở các bản bắt đầu “vắng đàn ông” như: Chao Hạ 1, Chao Hạ 2 của xã Nghĩa Lợi hay bản Đêu 3 của xã Nghĩa An... Nỗi đau sau AIDS đang dày vò những người còn sống. Người chồng, người em chồng và 2 đứa cháu của chị Lò Thị Xiêng - Chi hội trưởng phụ nữ của Chao Hạ đã bị căn bệnh HIV/AIDS cướp mất, vậy mà đau thương vẫn chưa rời bỏ gia đình chị.

Ngày 16/6/2009 vừa qua trong lúc đi làm đồng, không may chị đã bị sét đánh chết để lại 3 đứa trẻ bơ vơ không cha, không mẹ. “Một người bị AIDS mà nỗi đau kéo dài suốt ba thế hệ!” Giọt nước mắt chảy ngược ấy chực trào ra khỏi cổ qua tiếng nghẹn ngào của em Lò Thị Tích ở Chao Hạ - người cùng làng với chị Xiêng và có chồng đang bị nhiễm HIV. Nỗi đau của bà con trong làng cũng là nỗi đau của em. Thân gái với 3 con dại, ngộ nhỡ một ngày nào đó “chiếc máy chém AIDS ấy lê đến nhà mình... em không biết sẽ sống ra sao?”. Nói đến đây, những giọt nước mắt của Tích không đừng được cứ chảy chứa chan trong nắng trưa Chao Hạ.

Không còn sự phân biệt kỳ thị giữa những người có AIDS và người dân ở thôn Chao Hạ.

Giải pháp nào cho AIDS ở Nghĩa Lộ?

 7/7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ hiện có 293 người nhiễm HIV, 57 người chuyển sang giai đoạn AIDS, đã tử vong 57 người, cụ thể:   Phường Trung Tâm: 83 người nhiễm, đã chết 17; phường Pú Trạng: 62 người nhiễm, đã chết 6; phường Tân An: 58 người nhiễm, đã chết 8; xã Nghĩa Lợi: 31 người nhiễm, đã chết 9; xã Nghĩa An: 29 người nhiễm, đã chết 2; phường Cầu Thia: 28 người nhiễm, đã chết 10; xã Nghĩa Phúc: 3 người nhiễm, đã chết 1.

Mặc dù các cấp chính quyền và đoàn thể, đặc biệt là ngành y tế ở thị xã Nghĩa Lộ đã nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS nhưng mới chỉ đạt ở giai đoạn vận động người dân tự giác đi làm xét nghiệm HIV tại Trung tâm còn đối với các bệnh nhân nghi ngờ chuyển giai đoạn AIDS phải về tận Hà Nội làm xét nghiệm CD4 thì đang là một vấn đề nan giải.

Anh Hà Văn Cường, ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An sinh năm 1976 là một trong số rất nhiều trường hợp như vậy ở Nghĩa Lộ. Cũng như chị Nghen, chị Vì Thị Thân, vợ anh Cường đã phải lo kiếm thêm nhiều việc làm thuê để lấy tiền chăm sóc cho chồng và nuôi hai con ăn học sau khi chồng bị nhiễm HIV, nhưng sức người có hạn, chị Thân cũng không thể xoay xở kiếm tiền nuôi gia đình mãi được.

Anh Cường mắt đỏ hoe, hối hận: “Tôi được anh Thăng - cán bộ y tế xã vận động đi làm xét nghiệm thì mới biết mình bị nhiễm HIV. Sau đó là ốm, sốt và tiêu chảy kéo dài. Thú thực, hiện tại rất nghi ngờ mình đã chuyển sang giai đoạn AIDS nhưng để có được 500.000 đồng về Hà Nội làm xét nghiệm CD4 với gia đình tôi giờ đây quả là điều không thể”. 

Anh Nguyễn Ngọc Thăng - Trưởng Trạm Y tế xã Nghĩa An khẳng định: “Điều nan giải ở đây là hầu hết những trường hợp chúng tôi nghi ngờ, vận động và đưa đi xét nghiệm đều bị nhiễm HIV lại tập trung ở những hộ nghèo, phải đi làm thuê, không có điều kiện về kinh tế nên thời gian chuyển giai đoạn AIDS  và bị tử vong với họ rất nhanh”.

Bài toán khó đặt ra cho các cấp lãnh đạo của Nghĩa Lộ là phải làm gì để HIV/AIDS ở Chao Hạ không còn gay gắt? Để nước mắt của em Tích, chị Nghen, anh Cường và người thân của họ ở cả 7/7 xã, phường không còn chảy? Để lúa, để hoa Mường Lò xanh thắm trên đồng đất phì nhiêu?  Bài toán ấy, câu hỏi ấy, nếu chỉ riêng mình Nghĩa Lộ thôi, sẽ không thể trả lời xong trong một sớm một chiều!

Bà Lò Thị Huân - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ:

Trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ hiện có 10 người nhiễm HIV và có AIDS được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội thường xuyên với số tiền 120 nghìn đồng/người/tháng. Điều này đã phần nào giúp các đối tượng ổn định cuộc sống. Chúng tôi đang thực hiện tổng rà soát trên địa bàn làm sao nắm bắt được số lượng tương đối chính xác để từ đó có biện pháp hiệu quả hơn trong công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong xã hội để giảm thiểu tác hại; vận động những người có nguy cơ cao tự nguyện đi xét nghiệm, giúp đỡ, động viên, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống. Tới đây, chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện để họ được tham gia các tổ chức, đoàn thể. Có như thế mới giúp họ được vay vốn phát triển kinh tế, sống cuộc sống có ích cho bản thân và gia đình.

Chị Hoàng Thị Tùy - Cán bộ Chương trình phòng chống HIV/AIDS Trung tâm Y tế thị xã Nghĩa Lộ:

Trong quá trình công tác tôi đã được nhiều người có nguy cơ cao tin tưởng, tìm đến tâm sự, chia xẻ, khi được tư vấn họ đã tự nguyện đi xét nghiệm. Hầu hết các bệnh nhân khi có kết quả xét nghiệm đều mong muốn được điều trị, được uống thuốc ARV. Tuy nhiên, việc đi làm xét nghiệm CD4 - điều kiện bắt buộc để được điều trị bằng thuốc ARV hay không lại là khó khăn lớn nhất của người bệnh.

Trung bình một chuyến đi Hà Nội làm xét nghiệm CD4 mất 500 nghìn đồng (bao gồm cả tiền ăn uống, tàu xe, và làm xét nghiệm). Nhiều người bệnh dù rất muốn có kết quả CD4 để được dùng thuốc điều trị nhưng cũng đành chịu vì hoàn cảnh quá khó khăn. Tôi luôn mong muốn hàng năm đều có đợt kiểm tra CD4 tại tỉnh để tạo điều kiện cho các đối tượng được đi xét nghiệm, bởi nhu cầu được điều trị của họ là rất chính đáng.

Cùng với đó là việc tạo điều kiện để những người đang điều trị bằng ARV có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống. Thực tế có những người đã phải đi vác cả 1 tấn xi măng mới được nhận 10 nghìn đồng.

Chao Hạ,  tháng 6/2009 - Nhóm PV


Các tin khác

Chiều 25/6, Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp báo công bố tỷ lệ tốt nghiệp THPT 2009 của cả nước là 83,8%. Theo đó, tỉnh có tỷ lệ đỗ cao nhất là Nam Định 98,26%, tỉnh có tỷ lệ đỗ thấp nhất là Sơn La 39,07%.

Bộ Y tế cho biết, tính đến 18 giờ ngày 25/6, Việt Nam đã ghi nhận thêm 15 ca dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 12 ca ở TP HCM và 3 ca ở Thừa Thiên Huế.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 3 đã đi vào khu vực Đông biển Đông. Tối và đêm qua, vị trí tâm bão ở vào khoảng 16,8 độ vĩ Bắc và 117,8 độ kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Năm 2010, thí sinh vẫn thi đại học riêng.

Chiều 25/6, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm 2010 vẫn tổ chức hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Đề án thi “hai trong một” cần thời gian chuẩn bị chu đáo nên chưa thực hiện.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục