Nâng cao chất lượng phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Trong những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Phong trào đã thực sự đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân, đã thu hút sự quan tâm đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.

Đua thuyền trên hồ Thác Bà.
Đua thuyền trên hồ Thác Bà.

Các giá trị văn hóa truyền thống đã được kế thừa, phát huy cùng nhiều giá trị văn hóa mới được xác lập, đan xen hài hòa trong đời sống xã hội đã có ảnh hưởng tích cực, tác động lên toàn bộ các lĩnh vực phát triển kinh tế, ổn định chính trị, giữ vững an ninh - quốc phòng và trật tự an toàn xã hội.

Phong trào đã đạt được một số mục tiêu đề ra. Năm 2008, toàn tỉnh có 135.589/ 164.755 hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, đạt 82%, tăng 0,5% so với năm 2007; có 1.100/ 1.935 khu dân cư được công nhận danh hiệu khu dân cư tiên tiến, đạt 56,8%. Tổ chức được nhiều giải thể thao từ tỉnh đến cơ sở, thu hút đông đảo quần chúng tham gia. Đến nay, số người tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 159.730 người, đạt 21,8%, trong đó có 18.300 gia đình thể thao (đạt 12%). Hiện toàn tỉnh có 465 câu lạc bộ thể dục - thể thao thường xuyên hoạt động.

Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa có 1.285/ 1.360 cơ quan đạt chuẩn văn hóa (đạt 94,5%), có 987/2342 làng bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa.

Toàn tỉnh đã xây dựng được 911 nhà văn hóa, đạt 48%; 29/180 xã phường, thị trấn đã ra mắt xây dựng đạt chuẩn văn hóa. Toàn tỉnh có 2.653 tổ hòa giải, 1.880 tổ an ninh nhân dân hoạt động tích cực, củng cố các mối quan hệ, đoàn kết tình làng nghĩa xóm, giữ gìn tốt an ninh trật tự. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Những đám cưới tổ chức linh đình gây dư luận xấu trong xã hội đã không còn, việc tang và lễ hội được thực hiện đúng theo qui chế, đảm bảo môi trường xã hội lành mạnh.

Tuy nhiên, phong trào còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu đó là: Một số nơi nếp sống văn hóa còn chưa được duy trì thường xuyên; những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc có nguy cơ bị mai một, quên lãng, biến dạng. Một số tập tục lạc hậu trong cưới xin, ma chay, mê tín dị đoan vẫn còn tồn tại chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người.

Công tác phối hợp giữa các ngành thành viên, các cấp thiếu đồng bộ; một số ngành thành viên được phân công phụ trách các huyện, thị xã, thành phố chưa đi sâu đi sát cơ sở, chưa đôn đốc, quan tâm đến phong trào ở cơ sở, chưa thật sự vào cuộc, chưa xác định rõ vai trò trách nhiệm của mình trong cuộc vận động. Việc thực hiện chế độ báo cáo của các ngành thành viên đối với Ban chỉ đạo tỉnh còn chậm, sơ sài, do vậy việc nắm bắt tình hình và tham mưu cho Ban chỉ đạo tỉnh chưa kịp thời.

Một bộ phận cán bộ, đảng viên còn chưa thật sự gương mẫu trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Các phong trào khác của cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" chưa phát triển đồng đều, chưa có chiều sâu và thiếu cân đối giữa các vùng, miền. Nhiều địa phương cho ra mắt xây dựng làng, bản tổ dân phố văn hóa, song thiếu kiểm tra giám sát việc thực hiện, chưa đôn đốc thường xuyên nên chất lượng đạt thấp; một số nơi còn chạy theo thành tích dẫn đến chất lượng của một số phong trào chưa đảm bảo. Nhiều nơi còn dễ dãi hoặc thực hiện chưa đúng quy trình trong việc công nhận các danh hiệu văn hóa, có biểu hiện thỏa mãn với thành tích đạt được, buông lơi, thiếu củng cố nâng cao chất lượng làm phong trào chững lại và có chiều hướng đi xuống.

Từ những hạn chế nêu trên, để nâng cao chất lượng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức từ trong hệ thống chính trị đến từng người dân; ký cam kết thực hiện các phong trào xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng làng, bản, tổ dân phố văn hóa, xây dựng cơ quan đơn vị văn hóa gắn với những tiêu chuẩn công nhận danh hiệu văn hóa đã ban hành.

Lựa chọn xây dựng những mô hình điểm gia đình văn hóa để bồi dưỡng và nhân rộng, trong đó lấy chất lượng cuộc sống làm mục tiêu cho cuộc vận động, tăng cường trách nhiệm cộng đồng và tự quản, thực hiện tốt dân chủ ở cơ sở, vận động các phong trào quần chúng, tạo sự tự nguyện, tự giác thực hiện của các cá nhân và sự đồng thuận của xã hội.

Quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở như: nhà văn hóa, sân thể thao, điểm bưu điện văn hóa xã, bổ sung sách, báo cho thư viện, phòng đọc ở cơ sở, các câu lạc bộ, đội văn nghệ, đội thể thao nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tình thần cho nhân dân. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa để đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa, phấn đấu mỗi cơ quan đơn vị, mỗi làng, bản, tổ dân phố có đội văn nghệ, thể thao, câu lạc bộ thường xuyên hoạt động.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp liên ngành từ tỉnh đến cơ sở để tạo sự đồng bộ thực hiện tốt các nội dung của phong trào. Kiểm tra giám sát việc thực hiện phong trào, khảo sát đánh giá chất lượng theo từng cấp.

Việc bình xét các danh hiệu văn hóa phải công khai dân chủ, đúng quy trình. Ban vận động phải có trách nhiệm chỉ ra những mặt chưa được của gia đình, cơ quan, đơn vị, làng, bản, tổ dân phố để động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho họ phấn đấu và đưa ra bình xét vào đợt sau. Tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào ở ba cấp để kiểm điểm tình hình, đánh giá rút kinh nghiệm và đề ra kế hoạch cho thời gian tới; làm tốt công tác thi đua khen thưởng cho các điển hình tiên tiến trong phong trào và nhân rộng những gương điển hình tiên tiến, nhằm biểu dương cổ vũ làm cho cuộc vận động không ngừng phát triển.

Thực hiện tốt các nội dung của phong trào nhằm làm cho phong trào thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, tạo nên đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh; giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, loại bỏ dần những tập tục, hủ tục lạc hậu, lỗi thời, xây dựng những thói quen, tập quán mới văn minh, lành mạnh, tiến bộ trong cuộc sống cộng đồng.

Hồng Vân

Các tin khác
Chất lượng công chức là một yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng của bộ máy Nhà nước

Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan sẽ thông báo với công chức bằng văn bản về việc giải quyết thôi việc, sau đó ra quyết định giải quyết thôi việc.

Cục Y tế dự phòng và Môi trường (Bộ Y tế) ngày 1-7 thông báo xác nhận thêm 35 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), tất cả các trường hợp này đều ở khu vực phía nam.

Thanh niên nông thôn tham gia học nghề tại Trung tâm Dạy nghề huyện Văn Yên. (Ảnh: Thu Hạnh)

Đến nay, toàn tỉnh Yên Bái đã giải quyết việc làm mới cho 8.707 lao động, trong đó 142 lao động xuất khẩu ra nước ngoài, 1.929 lao động làm việc ngoài tỉnh, số còn lại được giải quyết việc làm từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phát triển kinh tế hộ gia đình.

Bộ CHQS tỉnh: Bàn giao nhà tình nghĩa cho thương binh/ Lục Yên phấn đấu đạt trên 100 triệu đồng Quỹ " đền ơn đáp nghĩa"/ Yên Bình: Làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và chính sách xã hội

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục