Băn khoăn chuyện quản lý trẻ em trong dịp hè
- Cập nhật: Thứ sáu, 3/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nghỉ hè là thời gian để vui hè, chơi hè, không thể bắt con trẻ ngồi nhà mãi để đọc chuyện, không thể để trẻ tụ tập vào các quán điện tử với các trò chơi bạo lực, u mê tốn tiền. Mặc dù trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có điểm vui chơi cho thiếu nhi nhưng không biết các trung tâm văn hoá huyện, thị xã, thành phố, Nhà thiếu nhi Yên Bái tổ chức được bao nhiêu lớp năng khiếu hè và các lớp này thu hút được bao nhiêu cháu? ...
Nhiều trẻ em ở thành phố Yên Bái đến Thư viện tỉnh đọc sách, truyện trong những ngày hè. (Ảnh: Quỳnh Nga)
|
Cô bạn tôi ở phường Nguyễn Thái Học (TP Yên Bái) có 2 con trai ở lứa tuổi tiểu học và THCS cơ sở, phàn nàn: “Mới một tháng nghỉ hè mà mình đến khổ với hai đứa nhỏ vì không quản lý nổi chúng nó. Không có người lớn ở nhà, mình ra bài tập để hai anh em tự giác bảo ban nhau học tập nhưng chỉ được một lúc là chúng mở ti vi, tranh nhau đánh điện tử. Tối đến động viên con tham gia sinh hoạt hè thì nó không đi. Anh em nó bảo đến sinh hoạt hè chán lắm, chẳng có trò chơi gì mới. Chỉ có một ít bọn con gái hay hát mọi năm được các anh chị phụ trách hướng dẫn để đi biểu diễn thôi...!”.
Vợ chồng chị Minh ở phường Yên Ninh (TP Yên Bái) áp dụng giải pháp học kỳ 3 đối với cậu con trai trong dịp này là đi học thêm. Chị Minh nói: “Cháu nhà tôi sang năm lên lớp 8, học lực của cháu chỉ đạt trung bình. Cho cháu đi học thêm chẳng phải tôi đặt áp lực học hành lên vai cháu, mà cái chính là sẽ có cô giáo quản lý cháu trong dịp hè này. Vợ chồng tôi đều là công nhân, bận làm ca kíp cả ngày nên không có điều kiện cho cháu theo học các lớp năng khiếu tại Nhà thiếu nhi. Để cháu ở nhà thì chúng tôi không yên tâm vì đã có nhiều vụ tai nạn thương tích xảy ra đối với trẻ em vào mỗi dịp hè mà nguyên nhân chủ yếu là do các cháu không có chỗ chơi. Vì vậy, tôi cho các cháu đi học hè. Cháu đến lớp, học thêm được chữ nào thì tốt chữ đó vẫn còn hơn là để nó la cà đi chơi game ở các quán Internet”.
Học sinh ở độ tuổi nào phụ huynh có nỗi lo ấy. Với học sinh cấp tiểu học, dù phụ huynh có ép con đi học thêm thì cũng chỉ được mỗi tuần 2 buổi. Thời gian còn lại không ai trông coi vì phần lớn bố mẹ đều đi làm cả, người thân thì ở xa. Đối với học sinh cấp II, nỗi lo lớn nhất của phụ huynh là các em sa đà vào các trò chơi game. Ma lực của game online có sức hút ghê gớm. Nhiều em ham chơi đến độ quên ăn, quên ngủ, gầy rộc cả người nhưng quản lý cấm đoán quả không dễ, còn giáo dục khuyên giải thì các em nghe đấy nhưng rồi lại quên ngay.
Đấy là ở thành phố, còn ở các xã vùng cao, việc tổ chức, quản lý các em trong dịp hè quả là khó tìm được câu trả lời. 3 tháng hè là dịp các em ở gia đình giúp đỡ bố mẹ nấu cơm, trông em, chăn trâu, làm nương rẫy, vui chơi tự do... Có dịp đến vùng cao, tôi gặp hơn 10 em giữa trưa nắng vẫn đang mải bốc bùn đất đắp nặn đồ chơi, kiến thiết những ngôi nhà mơ ước bên ruộng, đó là những trò chơi thú vị của con trẻ trong ngày hè.
Em Lầu Thị Hoa ở thôn Tấu Dưới, xã Trạm Tấu (huyện Trạm Tấu) cho biết: “Hè nào cũng vậy, chúng cháu chẳng có chỗ vui chơi nên chỉ biết ra ruộng vừa chăn trâu vừa chơi, như thế cũng vui lắm đấy ạ...!”. Thật đáng lo ngại cho trẻ em vùng cao vì không có chỗ vui chơi, không có tổ chức Đoàn thanh niên quản lý. Chúng chơi chán rồi rủ nhau bơi lặn ở đầm, suối và nguồn nước không lấy gì làm sạch sẽ và an toàn khi mưa lũ bất thường.
Nghỉ hè là thời gian để vui hè, chơi hè, không thể bắt con trẻ ngồi nhà mãi để đọc chuyện, không thể để trẻ tụ tập vào các quán điện tử với các trò chơi bạo lực, u mê tốn tiền. Mặc dù trên địa bàn tỉnh đã có điểm vui chơi cho thiếu nhi nhưng không biết các trung tâm văn hoá huyện, thị xã, thành phố, Nhà thiếu nhi Yên Bái tổ chức được bao nhiêu lớp năng khiếu hè và các lớp này thu hút được bao nhiêu cháu? Riêng việc sinh hoạt hè năm nào Đoàn thanh niên cũng tổ chức nhưng mỗi tuần chỉ 1 đến 2 buổi tối với nội dung nhìn chung là tẻ nhạt, mang tính hình thức thì tác dụng cũng chẳng... là bao!
Thật ra việc quản lý con em trong dịp hè không phải là chuyện khó, điều quan trọng là cần có sự quan tâm của gia đình. Phụ huynh có thể cho con đi nghỉ mát, về quê thăm ông bà... đây là cũng là dịp để các em thư giãn, cảm nhận thêm nhiều kiến thức trong cuộc sống và tăng cường tình cảm hướng về cội nguồn... Đoàn thanh niên cũng cần đổi mới nội dung hoạt động hè phong phú, thu hút các em đi sinh hoạt hè ở khu phố, theo học lớp năng khiếu ở Nhà thiếu nhi hoặc đến thư viện đọc sách...
Đây là những cách làm bổ ích và lành mạnh nhất. Trẻ em vốn hiếu động không thể để chơi tự do hoặc cả ngày chỉ học thêm khiến các em sinh buồn chán, tư tưởng tâm lý không thoải mái có thể dẫn đến Streest hoặc bệnh tật...
Minh Thư
Các tin khác
YBĐT - Nhận thức đúng đắn vị trí, ý nghĩa của phong trào thi đua trong tình hình mới, ngay từ đầu năm, Đảng uỷ – Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) Yên Bái đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh quán triệt và triển khai thực hiện tốt chỉ thị của các cấp về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua, phát hiện, bồi dưỡng tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến”; đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng trong LLVT tỉnh gắn với phong trào thi đua yêu nước của địa phương và các cuộc vận động lớn trong và ngoài quân đội.
Kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng (ÐH, CÐ) năm 2009 diễn ra trong các ngày 4 và 5-7 (đợt 1), 9 và 10-7 (đợt 2) và 15 và 16-7 (đợt 3). Năm nay, cả nước có hơn 2,1 triệu lượt hồ sơ đăng ký dự thi (ÐKDT), giảm 3% so với năm 2008, trong đó số ÐKDT vào đại học là 1 triệu 565 nghìn 286 hồ sơ, (chiếm 73,5); còn lại 560 nghìn 689 hồ sơ ÐKDT cao đẳng, (chiếm 26,5%).
YBĐT - Trong những năm qua, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh Yên Bái đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Phong trào đã thực sự đi vào đời sống của các tầng lớp nhân dân, đã thu hút sự quan tâm đồng tình ủng hộ của toàn xã hội.
Công chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ, trong thời hạn 30 ngày kể từ khi có kết quả phân loại đánh giá công chức, cơ quan sẽ thông báo với công chức bằng văn bản về việc giải quyết thôi việc, sau đó ra quyết định giải quyết thôi việc.