Các địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ
- Cập nhật: Thứ hai, 6/7/2009 | 12:00:00 AM
Các tỉnh miền núi phía Bắc vẫn đang tiếp tục đối phó với mưa lũ và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Mưa lũ gây sạt lở cắt đứt đường vào xã Nhạn Môn huyện Pác Nặm (Bắc Kạn).
|
Mưa lớn kéo dài liên tục mấy ngày qua ở tỉnh Hà Giang đã làm 3 người chết và mất tích. Mặc dù lực lượng cứu hộ đang khẩn trương tìm kiếm thi thể các nạn nhân, nhưng tối qua (5/7), mới tìm thấy một thi thể bị nước lũ cuốn trôi. Tại các huyện vùng thấp, nơi bị ngập sâu trong nước hai ngày qua, nay nước đang rút dần, nên chính quyền địa phương huy động thanh niên tình nguyện và dân quân giúp các hộ gia đình thiệt hại dựng lại nhà do bị lũ cuốn trôi. Phòng Y tế các huyện cũng đã cử cán bộ xuống tận thôn, bản hướng dẫn bà con vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước sinh hoạt...
Đến cuối giờ chiều qua, tỉnh Hà Giang đã thông tuyến tỉnh lộ từ Tân Quang vào 2 huyện Hoàng Su Phì-Xín Mần và tuyến quốc lộ 34 từ thị xã Hà Giang đi huyện lỵ Bắc Mê. Ông Hà Đình Cường, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang cho biết, trước mắt địa phương tập trung thoát lũ nhanh, xử lý các điểm sạt lở cho các phương tiện vận chuyển đất đá để thông các tuyến đường bị ách tắc. Đối với các nhà dân bị sập, tạm thời di chuyển đến địa điểm an toàn.
** Tiếp tục khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, cả ngày và đêm hôm qua, các đơn vị chức năng của tỉnh Lai Châu tập trung nhiều lực lượng và xe máy để san ủi đất đá vùi lấp các đoạn đường đến các xã, thôn tại các huyện: Mường Tè, Phong Thổ, Than Uyên, Tam Đường; chính quyền các địa phương cũng cử cán bộ thường trực suốt ngày đêm đảm bảo thông tin liên lạc, an toàn tính mạng người dân vùng thiên tai.
Theo ước tính ban đầu, thiệt hại về hoa màu, công trình thuỷ lợi, đường giao thông do mưa lũ gây ra ở tỉnh Lai Châu lên đến hàng chục tỷ đồng. Cùng với việc cứu trợ nhân dân vùng thiên tai, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai Lai Châu phối hợp với Uỷ ban nhân dân huyện Phong Thổ vận động hơn 200 hộ dân ở xã Tung Qua Lìn di dời đến nơi an toàn, sẵn sàng ứng phó trong trường hợp xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Ông Vũ Văn Luật, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lai Châu cho biết, giải pháp hiện nay của địa phương là sử dụng lực lượng công an, quân đội, bộ đội biên phòng đóng trên địa bàn một mặt giúp dân di chuyển đến nơi an toàn, đồng thời sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra. Tỉnh và huyện cũng huy động lực lượng dân vận như mặt trận, thanh niên, phụ nữ tham gia vận động nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm khi thiên tai xảy ra
** Tại Sơn La, mưa liên tục hai ngày qua gây hư hỏng một số tuyến đường, cầu cống và làm ngập úng nhiều diện tích hoa màu. Riêng huyện Mường La, nơi đang thi công Nhà máy thuỷ điện Sơn La; đến thời điểm này, mưa lũ làm 1 người thiệt mạng. Tại xã Ít Ong, nước từ thượng nguồn suối Păm tràn về đã làm ngập cầu tràn Chiềng Tè, gây ách tắc giao thông. Mưa lũ cũng làm trôi 2 cầu treo tại bản Pia và làm sạt mố cầu treo, bắc qua suối Mu từ xã Chiềng Lao đi thuỷ điện Huổi Quảng.
Hiện tại, nước trên sông Đà và sông Mã đang ở mức báo động cấp 1. Các địa phương và ngành chức năng huyện Mường La đang khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục. Trước mắt, đã di dời 16 hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; đồng thời cảnh báo người dân không đi qua các con sông, suối khi trời mưa to, đề phòng lũ quét. Ông Nguyễn Văn Loan, Chi cục trưởng Chi cục thuỷ lợi tỉnh Sơn La cho biết, tỉnh đã chỉ đạo cho các huyện khắc phục ngay thiệt hại, đặc biệt về nhà cửa, tập trung việc cứu người và tài sản. Đồng thời thông báo để bà con không đi đánh bắt cá dọc sông, suối, vớt củi. Cử người canh gác tại các đoạn đường bị nước ngập dâng cao, ngầm qua suối để cảnh báo người dân không qua lại.
** Đợt mưa to trên diện rộng kéo dài từ rạng sáng 3/7 đến nay gây ngập úng cục bộ tại một số nơi ở tỉnh Tuyên Quang. Do mưa lớn, nước từ các nơi đổ về, thuỷ điện Tuyên Quang đã được mở 4 cửa xả đáy để đảm bảo an toàn. Hiện, mực nước lũ tại đây đã lên tới 24,78m, gần cốt 25m, trên mức báo động 3. Do thuỷ điện Tuyên Quang mở cửa xả đáy; nước lũ sông Lô dâng nhanh nên gây ngập một số điểm ven sông, nhất là tuyến đường dọc bờ sông tại thị xã Tuyên Quang.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Tuyên Quang đã cử cán bộ đến các xã vùng sâu, vùng xa dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và tổ chức di dời những hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; đồng thời, chuẩn bị các phương án sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể tiếp tục xảy ra. Bà Nguyễn Thị Định, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh đã tập trung di dời dân ra khỏi những khu vực mưa to, gió lớn, hay xảy ra lũ quét. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão các huyện xuống các cơ sở thường có nguy cơ xảy ra thiên tai, cảnh báo người dân, nếu có mưa to, gió lớn thì phải di chuyển. Công an, quân đội giúp bà con vận chuyển.
** Do ảnh hưởng của mưa kéo dài, tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái xảy ra sạt lở đất đá tại nhiều điểm. Ban phòng chống bão lũ của huyện Mù Cang Chải đã di dời khẩn cấp 58 hộ ở một số xã và thị trấn đến nơi an toàn. Mưa lũ làm sạt lở khoảng 15.000m3 đất đá ở khu vực tuyến quốc lộ 32 từ thị xã Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải sang địa phận huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, tỉnh lộ 166.
Trước thực trạng này, Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Yên Bái, đoạn Quản lý đường bộ 1 và 2 huy động lực lượng cùng nhiều phương tiện khắc phục hậu quả. Đến thời điểm này, tỉnh Yên Bái đã thông tuyến tỉnh lộ 166 và quốc lộ 32, còn tuyến đường từ thị xã Nghĩa Lộ đến Trạm Tấu, hiện vẫn chưa thông được. Ông Trần Anh Văn, Phó Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Yên Bái cho biết: Sở Giao thông - Vận tải đã chỉ đạo hai đơn vị quản lý đường bộ trong khu vực đó là khắc phục để thông đường, dự kiến đường Nghĩa Lộ-Trạm Tấu sẽ sớm được thông đường. Đối với Trung tâm khí tượng thuỷ văn của tỉnh, thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của các mực nước lũ ở các sông, suối trên tỉnh, khu vực nguy hiểm có chính sách di dời dân khỏi vùng nguy hiểm như ven sông, suối, rồi khu vực dễ bị sạt lở.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Là địa phương đầu nguồn của các con suối lớn, địa hình chia cắt mạnh, nhiều núi cao, khe sâu phức tạp địa chấn không ổn định nên những năm qua, Mù Cang Chải (Yên Bái) thường xuyên phải đối mặt với tình trạng lốc xoáy, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
YBĐT - Những năm gần đây huyện Lục Yên (Yên Bái) luôn được đánh giá là địa bàn làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) và trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khách quan, tình hình tội phạm về ma tuý trên địa bàn thời gian qua vẫn còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ người tái nghiện sau cai còn cao, nhiều điểm bán lẻ và sử dụng trái phép chất ma tuý xuất hiện ở nhiều nơi và là nguyên nhân gây ra tình trạng phức tạp trên địa bàn.
YBĐT - Có lẽ ít địa phương nào lại có phong trào ca hát mạnh như ở Trấn Yên (Yên Bái): nam nữ, trẻ già từ cơ quan đơn vị đến các làng bản rẻo cao, đâu đâu mọi người cũng vui vẻ ca hát. Ngân lên lời ca, tiếng hát để thể hiện tinh thần lạc quan, để ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước, Đảng, Bác Hồ. Quan niệm đời thường của người Trấn Yên là: "Trai yêu văn nghệ cho vui, gái yêu văn nghệ cho đời nở hoa".
YBĐT - Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp qua Bắc Bộ kết hợp với hội tụ gió trên cao, gây mưa to kéo dài từ tối 3/7 đến chiều ngày 4/7 làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) và gây ách tắc giao thông trên quốc lộ 32.