Xuất khẩu lao động: Tạo nguồn và gây dựng niềm tin
- Cập nhật: Thứ tư, 15/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong 6 tháng qua, toàn tỉnh Yên Bái chỉ có 142 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, giảm 93 lao động tương đương với 18,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 28,4% so với kế hoạch năm, mặc dù chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 tỉnh đặt ra vốn đã thấp hơn nhiều so với những năm trước: chỉ 500 người.
Người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm tại phiên chợ lao động việc làm 2008.
|
Những con số buồn
Những năm trước đây, Lục Yên là địa phương luôn dẫn đầu toàn tỉnh trong công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) với trên 500 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, chủ yếu là sang thị trường Malaysia. Bước sang năm 2009, công tác này bị chững lại rõ rệt: 6 tháng đầu năm, toàn huyện không có trường hợp nào đi XKLĐ. Chỉ tiêu 60 người tỉnh giao trông chờ vào 6 tháng còn lại trong năm. Không riêng Lục Yên có kết quả XKLĐ là 0% kế hoạch năm, hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải cũng trong tình trạng tương tự. Một số huyện khác có kết quả khả quan hơn song cũng đạt rất thấp so với kế hoạch năm: thành phố Yên Bái chỉ đạt 12,5%, thị xã Nghĩa Lộ là 14% và huyện Yên Bình đạt 14,2%. Hai địa phương có kết quả khả quan hơn cả là Trấn Yên với 90% và Văn Chấn 68,5%.
Tính chung toàn tỉnh trong 6 tháng qua chỉ có 142 lao động đi làm việc có thời hạn tại nước ngoài, giảm 93 lao động tương đương với 18,6% so với cùng kỳ năm trước và đạt 28,4% so với kế hoạch năm, mặc dù chỉ tiêu kế hoạch năm 2009 tỉnh đặt ra vốn đã thấp hơn nhiều so với những năm trước: chỉ 500 người.
Nguyên nhân và giải pháp
Nguyên nhân khách quan được kể đến nhiều nhất là suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có vấn đề việc làm, thu nhập. Sự ảnh hưởng tiêu cực này đã bắt đầu từ năm 2008. Trong năm này lượng người đi XKLĐ của tỉnh chỉ đạt 40% kế hoạch năm. Còn theo thống kê chưa đầy đủ gần đây nhất, từ cuối năm 2008 đến nay, trong số hơn nghìn lao động bị mất việc làm của tỉnh có 140 người là lao động đi xuất khẩu từ các thị trường trở về địa phương.
Cùng đó, hiện tượng lao động xuất khẩu bị mất việc làm, thu nhập thấp tại thị trường Malaysia tác động xấu tới tâm lý người lao động. Thực tế, những rủi ro này chỉ xảy ra đối với thị trường Malaysia. Đơn cử như trên địa bàn huyện Lục Yên, cùng với những lao động trở về nước từ thị trường Malaysia gặp khó khăn thì một số lao động khác từ các thị trường khác trở về địa phương đã trang trải được nợ nần và có tích luỹ tương đối, trong đó có hai lao động trở về từ Hàn Quốc mà theo như một lãnh đạo huyện nói thì lúc này có làm cho họ nghèo đi cũng khó. Tuy nhiên, do người lao động không được tiếp cận thông tin đầy đủ nên những rủi ro của lao động tại Malaysia khiến họ mất niềm tin với việc XKLĐ nói chung, công tác tuyên truyền vận động theo đó gặp nhiều khó khăn.
Về phía các công ty XKLĐ, nhiều công ty không khai thác thêm được các đơn hàng có việc làm ổn định khiến hoạt động của công ty hạn chế, có công ty không chắc chắn về đơn hàng. Huyện Lục Yên có 10 trường hợp đủ điều kiện đi XKLĐ, đã hoàn thành xong mọi thủ tục chỉ chờ ngày đi, song do doanh nghiệp bị cắt đơn hàng nên họ đã không thể đi. 10 trường hợp khác đã hoàn thành học chương trình học ngoại ngữ nhưng sau đó không có cơ hội thi cũng với lý do tương tự. Huyện Văn Yên cũng có 45 lao động chuẩn bị làm thủ tục nhưng sau đó đã ngừng lại vì doanh nghiệp bị cắt đơn hàng.
Mặt khác, hoạt động tạo nguồn của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn rất hời hợt. 6 tháng đầu năm nay có 12 doanh nghiệp đăng ký tạo nguồn lao động xuất khẩu thì có đến 1/3 số doanh nghiệp không tham gia tạo nguồn. Khi triển khai tuyển chọn lao động các doanh nghiệp chưa có kế hoạch cụ thể, việc cử cán bộ tạo nguồn không ổn định. Rất ít công ty có người đại diện thường xuyên có mặt trên địa bàn. Hiện chưa có bất kì doanh nghiệp nào lập văn phòng đại diện tại Yên Bái, do đó sự liên kết giữa doanh nghiệp và địa phương cũng như người lao động lỏng lẻo.
Hiện nay, người lao động được vay ưu đãi đi XKLĐ tối đa mới là 30 triệu đồng, trong khi đó chi phí để tham gia những thị trường có việc làm ổn định, thu nhập cao như Hàn Quốc, Đài Loan... phải 80 - 90 triệu đồng, người lao động dù nhu cầu rất lớn song khó có thể tham gia thị trường này. Về mặt chủ quan nhìn lại, sự chỉ đạo đối với công tác XKLĐ có nơi có lúc chưa quyết liệt, thường xuyên. Mặt khác, thực tế việc giải quyết những tác động xấu của thị trường Malaysia đến người lao động là sức ép không nhỏ đối với chính quyền nhiều địa phương hiện nay.
Các thành viên trong làng nghề xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) may vỏ chăn, đệm, gối thổ cẩm để bán ra thị trường.
(Ảnh: Đức Hồng)
Mặc dù đối mặt với những khó khăn, thách thức song XKLĐ vẫn được tỉnh xác định là giải pháp căn bản trong giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo của địa phương. Vì vậy, tăng cường sự lãnh đạo quyết liệt, thường xuyên, liên tục của các cấp uỷ Đảng, chính quyền; đẩy mạnh, mở rộng kênh thông tin tuyên truyền như tuyên truyền qua hệ thống trường học về XKLĐ; kiện toàn và nâng cao năng lực ban chỉ đạo XKLĐ các cấp, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng nhất là Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội nông dân các cấp trong việc vận động đoàn viên, hội viên tham gia XKLĐ là những giải pháp căn bản, lâu dài nhằm đẩy mạnh XKLĐ.
Cùng đó, trước mắt, phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc, khiếu nại của người lao động để lấy lại lòng tin của họ. Mặt khác, cần tạo thêm điều kiện trong việc vay ưu đãi cho người lao động đi xuất khẩu. Qua khảo sát, 90% người lao động nghèo ở khu vực nông thôn có nhu cầu đi xuất khẩu nhưng không lo được các khoản chi phí ban đầu như làm hộ chiếu, khám sức khoẻ, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng cũng như học nghề. Vì vậy, cần có chính sách cho vay ưu đãi (không lãi) các chi phí này để lao động của tỉnh có nguồn lực tham gia xuất khẩu.
Đối với các thị trường có chi phí cao nhưng có việc làm và thu nhập khá như Đài Loan, EU, Mỹ, Nhật Bản... cần có chính sách cho vay từ 80-100% mức phí để người lao động có đủ điều kiện và cơ hội tham gia xuất khẩu. Song cùng với đó phải tăng cường công tác đào tạo nghề, cần thiết có sự ưu tiên đào tạo nghề phục vụ XKLĐ trong công tác đào tạo nghề ngắn hạn hiện nay của tỉnh để người lao động có đủ trình độ tham gia các thị trường này.
Chú trọng hướng tới các thị trường có thu nhập và việc làm khá đồng thời phải tôn trọng các đơn hàng có thu nhập trung bình như thị trường Trung Đông, các nước Bắc Phi như Libi, Algeri. Đối với các công ty XKLĐ, quan điểm của tỉnh trong thời gian tới là ưu tiên chất lượng hơn số lượng: tỉnh sẽ chỉ lựa chọn một số doanh nghiệp thực sự sâu sát và có sự cam kết đảm bảo quyền lợi cho người lao động để bắt tay lâu dài, chặt chẽ với tỉnh.
Hiện nay, các huyện, thị, thành phố đang xúc tiến tổ chức các hội nghị XKLĐ tại địa phương có sự tham gia của các ngành thành viên Ban chỉ đạo XKLĐ tỉnh và cả các công ty XKLĐ. Đây là cơ sở để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác XKLĐ trong thời gian tới.
Huyền My
Các tin khác
YBĐT - 8.791 thí sinh ở các huyện, thị xã, thành phố vừa dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (năm học 2009- 2010) tại 21 trường THPT (công lập) trong tỉnh.
Thủ tướng vừa ra công điện yêu cầu chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, UBND các cấp phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể quần chúng thực hiện nghiêm túc Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá đợt 2 năm 2009.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 1002 phê duyệt đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đề án này dự kiến thực hiện trong 12 năm (2009 - 2020), triển khai trên 6.000 làng, xã thường bị ảnh hưởng do thiên tai trên toàn quốc.
Theo ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ngày 13-7 áp thấp nhiệt đới đang tiến vào phía nam đảo Đài Loan. Dự báo áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào eo biển Đài Loan, Trung Quốc rồi lên phía bắc nên ít khả năng ảnh hưởng tới nước ta.