Thấy gì qua đợt phòng, chống dịch tiêu chảy cấp ở Yên Bái?
- Cập nhật: Thứ năm, 23/7/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tại tỉnh Yên Bái, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm có phẩy khuẩn tả xuất hiện tại bản Sẻ, xã Sơn Lương (Văn Chấn) vào giữa tháng 5/2009. Tiếp đó, xuất hiện ca bệnh thứ 2 tại thôn Nậm Tộc, xã Nghĩa Sơn (Văn Chấn). Sau 20 ngày khoanh vùng dập dịch, ngày 4/6 Yên Bái xác định ổ dịch chấm dứt hoạt động. Đây là thành công lớn để lại bài học sâu sắc cho công tác phòng chống dịch bệnh ở Yên Bái.
Rắc vôi bột vệ sinh môi trường nơi cư trú.
|
Dễ dàng nhận thấy là các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở luôn ở thế chủ động phòng chống dịch. Điều đó thể hiện ở hai công điện liên tiếp của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp khẩn cấp không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Đồng thời UBND tỉnh triệu tập cuộc họp khẩn, áp dụng ngay các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch; chỉ đạo UBND huyện Văn Chấn phối hợp với ngành y tế thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ nhanh chóng tổ chức khu điều trị cách ly bệnh nhân. Ngành y tế lập tức có kế hoạch khẩn cấp phòng chống dịch tiêu chảy và cử các đoàn cán bộ điều tra xác minh giảm sát ổ dịch tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Tiếp đó nhanh chóng thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm tại hai địa phương trên, tiến hành kiểm tra 92 cơ sở phát hiện xử lý 32 cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ đã áp dụng các biện pháp cách ly, điều trị tích cực các bệnh nhân nghi tiêu chảy cấp nguy hiểm. Hai bệnh nhân dương tính với phẩy khuẩn tả được điều trị đúng phác đồ và cho ra viện theo qui định; đồng thời giám sát người tiếp xúc; xử lý triệt để chất thải trước khi đổ vào môi trường. Những người tiếp xúc gần với bệnh nhân tả đều được cấp kháng sinh uống dự phòng. Từ ngày 15/5 đến 3/6/2009, ngành thực hiện nghiêm ngặt công tác giám sát dịch, báo cáo. Tổng số 322 ca tiêu chảy cấp trên địa bàn tỉnh được giám sát chặt chẽ; các ca nghi tả đều lấy mẫu để chẩn đoán xác định nguyên nhân.
Ngành đã tổ chức 31 lớp tập huấn nhanh tại tất cả các xã, thị trấn của huyện Văn Chấn cho trên 1.000 người học tập. Đồng thời phối hợp với chính quyền phát động nhân dân 2 xã Sơn Lương và Nghĩa Sơn - nơi có các ổ dịch, đào 180 hố thu gom xử lý chất thải, không để mầm bệnh phát tán ra môi trường. Bảo vệ nguồn nước đảm bảo có nước vệ sinh dùng cho sinh hoạt. Cán bộ y tế các xã thường xuyên kiểm tra lượng clo dư trong nguồn nước tại 2 ổ dịch trước khi khuyến cáo nhân dân sử dụng. |
Ngành đã xét nghiệm hàng trăm mẫu bệnh phẩm, kết quả ngoài 2 mẫu được Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xác định dương tính với phẩy khuẩn tả không phát hiện thêm mẫu nào. Riêng tại 2 thôn có dịch đã lấy nước giám sát môi trường sau 15 ngày phát sinh ổ dịch, các mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính. Ngành còn thiết lập đường dây nóng cử cán bộ trực 24/24 giờ thông tin, báo cáo tình hình dịch bệnh hàng ngày. Đặc biệt, sự vào cuộc của Báo Yên Bái và các phương tiện thông tin đại chúng đóng góp làm nên thành tích chung của toàn ngành.
Dịch tiêu chảy cấp được khống chế thành công để lại bài học kinh nghiệm sâu sắc trong công tác phòng, chống dịch. Trước hết phải có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến xã; phải huy động được sự tham gia của các cấp, ngành và toàn dân. Cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó khi có dịch xảy ra.
Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: trên các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp để người dân tự giác phòng, tránh. Ngành y tế phải tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch, đặc biệt là ca bệnh đầu tiên để xác định nguyên nhân, khoanh vùng phòng, chống không để lây lan. Không ngừng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ y tế cả về chẩn đoán, điều trị, dự phòng, xét nghiệm, sẵn sàng đáp ứng khi có dịch.
Dù đã khống chế được dịch, nhưng không thể chủ quan lơ là, vì ở Yên Bái vi khuẩn tả đã phát tán ra cộng đồng theo nguồn phân, chất thải của bệnh nhân. Các xã vùng cao nhiều hộ không có nhà tiêu, thậm chí có nhưng không hợp vệ sinh, lại sử dụng nguồn nước suối, máng lần nên rất khó khăn trong xử lý triệt để mầm bệnh. Vì vậy các địa phương, bên cạnh việc vận động nhân dân làm nhà tiêu, ăn ở hợp vệ sinh, cần tiếp tục thực hiện các khuyến cáo phòng dịch để hình thành nên nếp sống đẹp thường ngày trong mỗi gia đình, khu dân cư và cả cộng đồng; để mỗi người dân có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn sức khoẻ chung cho chính mình và cho cả cộng đồng.
Đào Minh
Các tin khác
YBĐT - Phường Cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) có trên 40% là đồng bào Thái. Mặc dù cơ sở vật chất còn thiếu thốn, song công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong những năm qua luôn được cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm.
YBĐT - Bà Sùng Thị Thu- Phó chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Trạm Tấu cho biết: “ Ở Trạm Tấu đi cơ sở vất vả lắm, nhiều thôn, bản phải đi cả ngày mới tới nơi, nhưng chúng tôi tháng nào cũng bố trí cán bộ xuống củng cố phong trào. Tất cả cũng là để làm tốt công tác Hội và phong trào phụ ở vùng cao ngày một lớn mạnh”.
YBĐT - Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng, không hút thuốc phiện, tích cực đấu tranh, ngăn chặn việc buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép chất ma tuý trên địa bàn, đến nay huyện Văn Chấn có nhiều xã không còn người nghiện.
Ngoài trường tư thục Ngô Thời Nhiệm có HS và GV nhiễm cúm, thì trường ĐH quốc tế RMIT (Q.7 – TP.HCM) cũng đã gia nhập vào danh sách trường học có HS bị dương tính với A/H1N1 (1HS).