Hành trình đi tìm chữ “tự nguyện”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/7/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Đón tiếp tôi bên cửa nhà sàn không còn là người đàn ông thô lỗ, mặc chiếc quần cộc hôm qua nữa mà là một người đàn ông, ăn nói nhẹ nhàng: “Lại đến bắt vợ chồng người ta không được ngủ với nhau nữa à? Nói vui thôi! Vợ chồng chúng tôi quyết tâm không đẻ nữa và đăng ký cho vợ đi đặt vòng tránh thai”.

Phụ nữ được tư vấn và trao đổi về các biện pháp tránh thai hiện đại.
Phụ nữ được tư vấn và trao đổi về các biện pháp tránh thai hiện đại.

Vào một buổi sáng đầu hạ tháng 5 năm 1998, tôi cùng với chị Phạm Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã cùng rảo bước theo những con đường mòn quanh co, lúc leo đồi, khi lội suối, để đến một bản cách xa UBND xã khoảng 5 km, đó là thôn 9 Cửa Ngòi, xã Tô Mậu (huyện Lục Yên).

 

Đây là thôn 100% đồng bào người Dao trắng cư trú, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng 4 biện pháp tránh thai hiện đại còn hạn chế, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao, vẫn còn tình trạng tảo hôn, số trẻ em được ra lớp ít và nhiều trẻ em bỏ học giữa chừng.

 

Để cùng bàn bạc, thống nhất xuống tư vấn tại các hộ gia đình đã sinh 2 con, đông con, sinh con một bề muốn có con trai và các hộ gia đình có trẻ em bỏ học, chúng tôi tìm đến nhà chị Trương Thị Nhân - cán bộ chuyên trách thôn 9 Cửa Ngòi.

 

Hành trang mang theo gồm: tờ bướm, tờ rơi tranh lật, bao cao su, thuốc tránh thai... Theo chân chị Nhân, chúng tôi tiến đến các hộ gia đình mà danh sách đã được rà soát sẵn. Nhủ thầm, mình sẽ đến từng hộ chia sẻ, tâm sự rồi tư vấn và sẽ được đối tượng niềm nở, song câu chuyện tuyên truyền dân số lại trái ngược hoàn toàn so với tính toán ban đầu.

 

Gia đình đầu tiên, được chị Nhân phiên dịch lại như sau: “Nó bảo là ai cấm bọn mày ngủ với nhau mà tại sao bọn mày cứ nói chúng tao và cấm chúng tao không được ngủ với chồng tao? chưa có nhiều con thì tao cứ phải ngủ và đẻ ra con trai để dòng họ không được chửi là để mất giống nòi!”.

 

Biết là đối tượng rất khó chịu, nhưng chúng tôi vẫn tỏ ra vui vẻ, hoà nhã để xua đi không khí căng thẳng.

 

Bước đầu là hỏi thăm sức khoẻ gia đình, mùa màng ra sao, các cháu học hành thế nào lân la rồi đến các câu chuyện DS/KHHGĐ, đưa ra các tờ bướm, tranh lật minh họa, nhưng đối tượng chỉ cười và nói bằng tiếng dân tộc bởi họ đâu có biết tiếng phổ thông, đâu biết chữ?

 

Tự tôi, lúc ấy cũng ý thức được rằng, hành trang của mình còn thiếu. Nếu tôi biết ngôn ngữ của họ ... thì 4 hộ gia đình đã không tỏ thái độ bất hợp tác, không đăng ký... Mệt mỏi, chán chường, bỗng dưng nghe thấy tiếng khóc ở một bụi cây, tôi nhanh chân tiến lại, một bé gái chừng 7- 8 tuổi tay cầm một bảng đen, quyển sách.

 

-Sao cháu khóc?

 

- Nhà cháu xa lắm! Phải đi thuyền qua suối để học nên bố mẹ cháu bắt bỏ học, đến đây cháu bị rơi phấn và không có bút nên cháu không đi học nữa!

 

-Sao cháu không về nhà?

 

- Về bố, mẹ đánh chết vì cháu tự ý trốn bố mẹ đi học!

 

Nói đến đây, cô bé càng khóc to hơn. Dáng nhỏ, gầy còm và lếch thếch làm tôi không khỏi chạnh lòng. “Phải đi tiếp, dù khó khăn, vất vả, dù có như nào thì cũng phải đến từng hộ gia đình, phải làm sao để cho những mảnh đời nhỏ bé được chăm sóc, được đến lớp? Cô bé đã giúp tôi có thêm nghị lực”.

 

Chúng tôi tiếp tục hành trình, đến trước cửa một đối tượng, chị cộng tác viên dân số thôn chỉ dám đứng ngoài chỉ tay mà không trực tiếp ra mặt. Bởi nhẽ, gia đình này hay chửi mắng các đoàn thể đến tư vấn và còn hay tuyên truyền linh tinh để các hộ dân làm trái Pháp lệnh Dân số.

 

Một người đàn ông mặc quần cộc trong nhà (sau tôi biết tên anh là Trần Quốc Hải), tôi gọi với lên, nhưng không trả lời. Biết là họ tránh mình, chị Phó chủ tịch Hội phụ nữ xã động viên: “Đã đến đây dù khó khăn cũng cứ lên, đuổi cũng cứ lên, đuổi chán rồi thì thôi”.

 

Đến bậc cầu thang nhà sàn, biết chủ hộ nói được tiếng phổ thông, tôi mừng thầm, như vậy thì cũng dễ dàng tư vấn thôi. Không ngờ vừa đến cửa đã nghe tiếng chủ hộ nói: “Con tao nó đòi ăn cơm, chứ không đòi ăn chữ, con tao đẻ tao nuôi không khiến chúng mày”.

 

Chúng tôi vẫn niềm nở. Chị vợ không nói không rằng bỏ đi đâu mất tăm. Anh chồng thì cứ thản nhiên tiếp chúng tôi bằng chiếc quần cộc không dây chun, cũ kỹ và nhàu nát. Anh không mời, nhưng chúng tôi cứ ngồi xuống hỏi thăm hoàn cảnh gia đình, lấy nhiều dẫn chứng các gia đình sinh con đông khó khăn, vợ chồng đánh chửi nhau, bỏ nhau để con cái không người chăm lo...

 

Thấy anh bắt đầu lắng nghe chúng tôi nói về vấn đề dân số hiện nay của thôn, rồi đưa các kỹ năng tuyên truyền DS/KHHGĐ, đưa các tờ rơi, tranh lật và một số hộ gia đình điển hình, gương mẫu không sinh con thứ 3 của thôn cho anh xem. Lúc sau, anh nói: “Để vợ anh về rồi bàn bạc”, Chúng tôi hiểu, việc thực hiện KHHGĐ là do anh chị tự nguyện...

 

Và kết quả ngày hôm đó, chúng tôi tư vấn được 11 hộ gia đình và có 7 hộ đăng ký cho vợ đi đặt vòng tránh thai. Con số không được nhiều, song cũng phần nào an ủi những vất vả, cố gắng và động lực giúp chúng tôi tiếp tục quá trình tuyên truyền dân số của mình. Mặc dù mệt, nhưng cứ trằn trọc mãi không ngủ vì những quan điểm lạc hậu, trình độ dân trí thấp, đẻ nhiều con và hình ảnh cô bé gặp hồi sáng cứ ám ảnh tôi, mong sao trời sáng để tôi đến gia đình cháu.

 

Sáng sớm, một mình tôi vào thôn và tìm đến gia đình cháu. Cháu là con thứ 8 trong một gia đình có 11 anh, chị em. Cháu bé tiến lại gần tôi “Cô ơi! Xin bố mẹ cho cháu đi học nhé, cháu muốn được đi học lắm!”.

 

Khuôn mặt hốc hác của người mẹ, sự gầy gò, vất vả hằn những vết nhăn trên mặt người cha. Lúc đó, tôi cứ nói, nói theo cảm xúc của mình, nói với tất cả tình thương của người mẹ dành cho con và nói về các chính sách khuyến khích con em dân tộc thiểu số tới trường: “Cháu đi học không mất tiền học phí, giảm 50% học phí xây dựng trường... và có cái chữ sẽ giúp các cháu thoát khỏi cái đói, cái nghèo...”. Qua một buổi sáng, bố mẹ cháu đã bị thuyết phục.

 

Đón tiếp tôi bên cửa nhà sàn không còn là người đàn ông thô lỗ, mặc chiếc quần cộc hôm qua nữa mà là một người đàn ông, ăn nói nhẹ nhàng: “Lại đến bắt vợ chồng người ta không được ngủ với nhau nữa à? Nói vui thôi! Vợ chồng chúng tôi quyết tâm không đẻ nữa và đăng ký cho vợ đi đặt vòng tránh thai”.

 

Qua thái độ và nhận thức của vợ chồng anh, chúng tôi quyết định xin cho anh đăng ký học lớp xoá mù chữ tại thôn bản. Đến nay, anh đã là một trưởng thôn biết đọc, biết viết thông thạo và là một tuyên truyền viên DS/KHHGĐ tích cực. Mỗi lần về thôn, tôi đều mời anh Trần Quốc Hải cùng đi để tư vấn các đối tượng có nguy cơ sinh đẻ cao.

 

Kết quả là hàng năm tỷ lệ sinh và đặc biệt là sinh con thứ 3 của thôn đều giảm, không có các cặp vợ chồng cưới tảo hôn, các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại tăng. Nhưng vui nhất đối với người làm công tác dân số như tôi là cháu bé gái ngày nào tôi gặp bên đường, Triệu Thị Ầy giờ đã trở thành một nữ sinh lớp 12A1 Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên. Ước mơ của cháu là trở thành một giáo viên trở về làng dạy học cho các em nhỏ, để thôn, bản không có người mù chữ...

 

Ngọc Sơn (ghi)

Các tin khác
Cán bộ Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội thị xã Nghĩa Lộ thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Thế Hùng nhân dịp kỷ niêm 62 năm Ngày Thương binh liệt sỹ.

YBĐT - Cùng với những hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa" như thăm hỏi, tặng quà, làm nhà tình nghĩa…, chương trình tặng sổ tiết kiệm trong những năm gần đây của thị xã Nghĩa Lộ đã động viên nhiều gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn.

Giờ học âm nhạc của các cháu mẫu giáo 4 tuổi, Trường mầm non Minh Huệ.

YBĐT - Trường Mầm non Minh Huệ (thành phố Yên Bái) được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/2007. Lúc đầu thành lập, nhà trường chỉ có 3 nhóm trẻ với 30 cháu độ tuổi từ 2 đến 5 tuổi và 8 giáo viên đứng lớp. Cơ sở vật chất còn gặp nhiều khó khăn, nhiều phụ huynh tin tưởng và chưa hiểu hết về hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, sau hai năm đi vào hoạt động, Trường đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận và trở thành địa chỉ tin cậy của các bậc phụ huynh có con gửi tại đây và là điểm sáng xã hội hoá giáo dục ngoài công lập của thành phố.

Bộ LĐ-TB-XH vừa công bố dự thảo Quyết định ban hành chuẩn nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015. Theo đó, đối với khu vực nông thôn, hộ nghèo là những hộ có thu nhập bình quân từ 350.000 đ/người/tháng (dưới 4.200.000 đ/người/năm).

Khu vực cách ly trường Tư thục Ngô Thời Nhiệm, TP HCM. (Ảnh: Giadinh.net)

Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm A(H1N1) trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, trước ngày 15/8/2009, các cơ sở giáo dục phải thành lập, kiện toàn các Ban chỉ đạo công tác y tế trường học (Ban chỉ đạo). Ban chỉ đạo Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Ban chỉ đạo quốc gia và các bộ, ngành đề xuất tham mưu với Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa cơ sở giáo dục (CSGD) khi cần thiết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục