Vì một cộng đồng “không H”
- Cập nhật: Thứ tư, 5/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tính đến hết tháng 6/2009, HIV/AIDS đã xuất hiện ở 9/9 huyện, thị, thành phố của tỉnh Yên Bái với 139/180 xã, phường (chiếm 77%). Trong tổng số hơn 3.400 người được phát hiện nhiễm vi rút HIV thì gần 2.900 người có địa chỉ tại Yên Bái. Với tỷ lệ hiện nhiễm là 333 người/100.000 dân, Yên Bái đang đứng thứ 9/10 tỉnh có tỷ lệ người nhiễm HIV còn sống/ tỉ lệ dân số cao nhất toàn quốc.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Yên Bái tặng quà cho những trẻ em bị ảnh hưởng của HIV/AIDS trên địa bàn.
|
Chuyện của những người “có H”
Trong 6 tháng đầu năm 2009 toàn tỉnh đã phát hiện thêm 158 người có “H” (chỉ những người nhiễm HIV). Nhiều nhất là địa bàn 17/17 xã, phường của thành phố Yên Bái có trên 900 người, huyện Trấn Yên 22/22 xã, thị trấn có trên 250 người, huyện Văn Chấn 27/31 xã, thị trấn có trên 650 người và 7/7 xã, phường của thị xã nghĩa Lộ với gần 300 người nhiễm HIV. Điều đáng nói là tỷ lệ phụ nữ phát hiện nhiễm HIV lên đến mức 21,5% (tăng 1% so với cùng kỳ năm 2008).
Thật đau lòng khi có dịp tới thăm một số ngôi làngvắng bóng đàn ông ở thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn bởi sự ra đi của những con bệnh HIV đã chuyển giai đoạn AIDS. Nỗi đau và gánh nặng gia đình buộc những người phụ nữ bị nhiễm HIV từ chồng phải gồng mình hứng chịu. Gia cảnh của ba mẹ con chị Trần Thị Hoà, sinh năm 1981 ở thôn Chao Hạ, xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ là một ví dụ.
Phát hiện mình bị nhiễm HIV từ chồng sau một lần đi làm xét nghiệm tại Hà Nội, được cán bộ y tế tuyên truyền, chị lập tức cai sữa cho đứa con thứ hai chưa đầy 8 tháng tuổi. Đứa trẻ còi cọc lại đau ốm luôn vì thiếu sữa trong khi người mẹ phải làm thuê quần quật suốt ngày mới tạm đủ tiền thuốc men cho cả hai vợ chồng nhiễm HIV và lo cho đứa con lớn 7 tuổi được đi học. “Thôi thì vất vả mấy em cũng gắng chịu. Đứa lớn may mắn không bị lây từ bố mẹ, giờ em đang rất lo cho đứa thứ hai này” – chị Hòa tâm sự.
Ngược lại với nỗi băn khoăn, lo lắng của Hoà là sự sa đà của T.M.K ở phường Yên Ninh (thành phố Yên Bái). Ngoài 30 tuổi nhưng K có vẻ đẹp mặn mà ít người phụ nữ nào ở tuổi ấy có được. Chồng bị nghiện chết, K thất vọng vì xét nghiệm biết mình cũng nhiễm HIV. Cuộc sống khốn khó chốn thị thành cũng như những cạm bẫy của cơ chế thị trường đã biến người con gái hay lam hay làm ấy lún sâu vào tệ nạn xã hội với nghề bán dâm không chuyên. Thời gian qua, những tưởng K không qua khỏi vì bệnh đã chuyển giai đoạn AIDS thì tình cờ tôi lại gặp K ăn mặc chỉnh tề để tiếp tục đi “hành nghề”. Hỏi K sao không bỏ cái nghề “hương phấn” ấy đi thì K lạnh lùng vặc lại: “Bỏ thì lấy gì nuôi con?”, rồi nhấm nhẳng: “Chị đừng đưa em lên báo đấy nhé. Em phải đi thôi, thằng nào dại, thằng ấy chết, đời em bỏ đi rồi!.”. Tôi giật mình nhẩm tính: toàn tỉnh hiện có tới 55 cơ sở dịch vụ nhà nghỉ, khách sạn nghi có hoạt động mại dâm, không biết có bao nhiêu cô gái bán dâm đã bị nhiễm HIV và cũng không thể biết được chính xác có bao nhiêu cô trong số ấy đã chuyển giai đoạn AIDS mà vẫn mặn mà, vẫn “ngon lành” như cô bạn K tôi đã quen?...
Vì một cộng đồng “không H”
Trong 6 tháng năm 2009, đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng đã trực tiếp phát 254.489 bơm kim tiêm và gần 170 ngàn bao cao su miễn phí. Tỷ lệ kim tiêm bẩn được thu gom, tiêu huỷ đạt trên 65%. Ngành y tế Yên Bái đã tổ chức khám đánh giá sức khoẻ, tư vấn xét nghiệm HIV, kiểm tra tế bào CD4, các xét nghiệm cơ bản và tư vấn lập hồ sơ điều trị thuốc ARV miễn phí cho 76 trường hợp. Trong đó có 22 người là người cai nghiện ma tuý và người nhiễm HIV ở huyện Văn Chấn, 54 trường hợp nhiễm HIV ở thành phố Yên Bái.
Qua phân tích các trường hợp nhiễm HIV cho thấy: độ tuổi bị nhiễm HIV cao nhất là ở nhóm tuổi 20 - 29. Trong đó, nam giới chiếm 53%, đối tượng chủ yếu hiện nay là những người nghiện chích ma tuý (60%). Theo đánh giá của Ban Phòng chống AIDS Bộ Y tế, tỷ lệ nhiễm HIV tiếp tục gia tăng trong nhóm nghiện chích ma tuý, mại dâm, người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và bắt đầu có xu hướng gia tăng cả trong nhóm tân binh cũng như phụ nữ có thai. Đại dịch HIV/AIDS đang có xu hướng lan dần vào cộng đồng.
Nếu như những người “có H” mong muốn tìm được cho mình một việc làm ổn định để có thêm thu nhập, để được xã hội, được cộng đồng chia sẻ, quan tâm thì mong muốn lớn nhất của gia đình, người thân và cộng đồng xã hội là xây dựng được một môi trường sống văn hoá, lành mạnh và “không H”. Hàng loạt phong trào xây dựng đơn vị, khu dân cư văn hoá, không có HIV đã được các tổ chức đoàn thể đang chung tay hoàn thành như: xây dựng thôn, xã không có ma tuý, câu lạc bộ những người mẹ phòng, chống HIV/AIDS, khu dân cư không có tai tệ nạn xã hội…
Nhờ những hoạt động tích cực trong công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS của các ngành chức năng, đến nay các hoạt động can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS đã và đang đạt được những kết quả quan trọng. Số người nghiện chích ma tuý thường xuyên tham gia trao đổi bơm kim tiêm trung bình trong 1 tháng gần 1.100 người. Số người bán dâm được tham gia chương trình can thiệp giảm tác hại do Dự án của Ngân hàng Thế giới (WB), VNM J04 tài trợ đang triển khai tại 32 xã, phường và 7 huyện, thị, thành phố là 57 người/tháng.
Bác sĩ Phạm Thị Hoà - Trưởng Khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết: “Năm 2008, Khoa có 100 bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị chăm sóc. Những bệnh nhân phát hiện và đến bệnh viện sớm được điều trị có kết quả rất tốt. Phòng khám ngoại trú của Khoa có 30 bệnh nhân được điều trị, trong đó có 4 cặp là vợ chồng cùng bị nhiễm HIV điều trị liên tục 3 năm nay cho kết quả rất tốt”.
Lời kết
Phòng, chống HIV/AIDS và kiên quyết không để cho đại dịch lây lan trong cộng đồng dân cư không chỉ là nghĩa vụ mà còn là trách nhiệm của mỗi công dân, mỗi gia đình, tổ chức trong xã hội, đặc biệt là của chính bản thân những người “có H”. Sẽ khó kiểm soát và không thể hạn chế sự gia tăng của căn bệnh AIDS nếu như những người trong nhóm nguy cơ cao không tự giác đi xét nghiệm và tư vấn HIV tại các cơ sở y tế, không công khai bệnh tật của mình với cộng đồng. Do vậy, để giảm thiểu tình trạng lây truyền HIV trong cộng đồng và chống sự phân biệt, đối xử của cộng đồng với người “có H”, ngoài sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng, các cấp uỷ Đảng cơ sở cần nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Có như vậy, cuộc chiến chống HIV/AIDS của Yên Bái mới sớm đạt được kết quả như mong đợi.
Thanh Hương
Các tin khác
YBĐT - Xã Cát Thịnh có diện tích rừng lớn nhất huyện Văn Chấn (Yên Bái) với 8.265ha. Bên cạnh đó, xã có 7 thôn, bản vùng cao, người dân sống liền với rừng. Do đó, công tác quản lý bảo vệ rừng, đấu tranh với các hành vi khai thác, buôn bán lâm sản trái phép rất khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định: Cán bộ, viên chức y tế, cán bộ quân y đang công tác hoặc được điều động đến vùng đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp bằng 70% mức lương theo ngạch bậc hiện hưởng, công với các phụ cấp khác nếu có.
Hồi 04 giờ ngày 5/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,9 độ Vĩ Bắc; 112,7 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển phía nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km một giờ), giật cấp 10, cấp 11.
YBĐT - Ngày 4/8/2009, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2008- 2009, triển khai nhiệm vụ năm học 2009- 2010; ký cam kết thi đua trong năm học mới.