Văn Yên: Bạo lực gia đình chưa giảm

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Tình trạng bạo lực gia đình thường xảy ra như: đánh, cãi nhau, “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” chỉ vì kinh tế khó khăn, uống nhiều rượu, bản tính hung hãn không kiềm chế... xảy ra ở các gia đình khiến người phụ nữ và con trẻ trở thành nạn nhân chịu hậu quả nhiều nhất.

Cán bộ Hội Phụ nữ xã Quang Minh tuyên truyền tư vấn cho chị em về phòng chống bạo lực gia đình.
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Quang Minh tuyên truyền tư vấn cho chị em về phòng chống bạo lực gia đình.

Giải quyết xung đột bằng cái chết

Gia đình chị Đặng Thị H. (dân tộc Xa Phó) ở thôn 7 Nhầy - xã Châu Quế Thượng có 3 con, cháu lớn đã 17 tuổi, cuộc sống gia đình đã bớt khó khăn khi Chương trình 134 và gia đình dòng họ, bà con lối xóm giúp đỡ làm được căn nhà mới. Nhưng cũng chỉ vì mâu thuẫn trong gia đình chưa giải quyết được, một phút nông nổi, chị H đã chọn cái chết bằng lá ngón.

Cũng vì cuộc sống khó khăn, gia đình chị Giàng Thị D (dân tộc Mông) ở thôn 8 Ao Ếch - Châu Quế Thượng không mấy khi ấm êm, chồng thì hay uống rượu, bù khú bạn bè, con còn nhỏ, gánh nặng gia đình dồn lên vai chị D. Đã vậy chồng chị lại không thông cảm, 2 vợ chồng thường đánh, cãi nhau. Tháng 7/2008, chị D cũng tìm đến cái chết bằng lá ngón.

Trường hợp mới xảy ra tháng 3/2009 với chị Đặng Thị G (dân tộc Dao) sinh năm 1962 tại thôn Khe Báng, xã Quang Minh (huyện Văn Yên). Mọi chi phí sinh hoạt gia đình vốn đã khó khăn với 5 miệng ăn lại chỉ có 2 lao động chính, bố chồng ốm nặng nhiều năm phải tốn kém tiền chữa bệnh, cái khó cứ níu kéo gia đình vốn dĩ đang túng quẫn. Sau khi bố chồng qua đời, cuộc sống vợ chồng chị không mấy khi vui vẻ, những chuyện đánh, cãi nhau thường xuyên xảy ra. Bất lực vì nhiều lần bị xúc phạm vô cớ, chị G cũng mượn lá ngón để kết thúc cuộc đời.

Đây chỉ là 3 trong số 13 vụ tự tử của phụ nữ Văn Yên do bế tắc trong cuộc sống gia đình đã để lại hậu quả không đáng có.

Ly hôn tăng do bạo lực gia đình

Trên thực tế, các vụ bạo lực gia đình diễn ra dưới nhiều hình thức như bạo lực về tinh thần, bạo lực về thể xác, bạo lực về tình dục, bạo lực về kinh tế có chiều hướng gia tăng. Tuy nhiên, hầu hết phụ nữ đều nhẫn nhục chịu đựng, không muốn để người ngoài biết. Các vụ việc chỉ “hai năm rõ mười” khi hậu quả quá nghiêm trọng, cần có sự can thiệp của chính quyền và cơ quan  pháp luật. Theo báo cáo của Hội Phụ nữ huyện Văn Yên, năm 2008, trên địa bàn huyện xảy ra 12 vụ bạo lực gia đình, 6 tháng năm 2009 xảy ra 7 vụ.

Còn theo thống kê của Toà án nhân dân huyện, năm 2007, Toà án đã thụ lý và xử lý 68 vụ ly hôn; năm 2008 thụ lý giải quyết 81 vụ và 7 tháng năm 2009 đã nhận và thụ lý 46 vụ ly hôn, phần lớn do mâu thuẫn về kinh tế và bạo lực gia đình. Nếu như những năm trước đây, các vụ ly hôn Toà án  đã giải quyết chủ yếu là người chồng đứng đơn, thì 5 năm trở lại đây nguyên đơn phần lớn là phụ nữ. Chị Lý Thị L ở xã Đông An tâm sự: “Cuộc sống đình tôi không thể cứu vãn nổi nên tôi quyết định ly hôn. 21 năm chung sống đã có với nhau 3 mặt con, cháu lớn đã lập gia đình nhưng trong suốt thời gian chung sống tôi quá mệt mỏi vì thường xuyên bị lăng mạ, đánh đập, nhiều lần tiêu cực muốn bỏ đi nhưng vì thương con nên cứ lần lữa mãi...”.

Chị T ở xã Yên Hợp xin ly hôn vì: "Khi hai vợ chồng mâu thuẫn, anh ta không ngần ngại đánh đập và đuổi tôi ra khỏi nhà. Mẹ chồng tôi không can ngăn, phân tích phải trái lại còn bênh con trai... ".Vẫn biết ly hôn là giải pháp không mong muốn, bởi sau ly hôn có tới 60% phụ nữ chịu thiệt thòi về kinh tế, phải nuôi con một mình nhưng họ vẫn quyết tâm. Thực tế, nhiều vụ ly hôn ở Văn Yên đều xuất phát từ phía người chồng lười lao động, rượu chè, ham mê cờ bạc, đánh đập hành hạ, xúc phạm vợ con...

Chị Triệu Thị Viện - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quang Minh chia sẻ: “Hiểu biết về pháp luật nói chung và việc nâng cao kiến thức nói riêng với đồng bào dân tộc Dao ở xã còn nhiều hạn chế. Chị em chưa biết tự bảo vệ mình, lại chưa khéo trong cách xử sự nên xung đột trong gia đình thường xảy ra, chị em thường bị đánh đập nhưng không dám tố cáo vì sợ bị đánh đập nhiều hơn...”.

Không riêng ở Quang Minh, Châu Quế Thượng mà ở nhiều xã vùng cao của huyện Văn Yên, nhận thức về pháp luật của đa số phụ nữ dân tộc thiểu số còn hạn chế. Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhất là Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình chưa được phổ biến rộng rãi. Có chăng chỉ được lồng ghép với nhiều nội dung của các cuộc họp thôn, chị em phần lớn lo toan việc gia đình ít tiếp cận với xã hội nên bản thân tự ti có bị bạo lực về thể xác cũng chỉ biết âm thầm chịu đựng, nói ra thì sợ “xấu chàng hổ ai”.

Tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội phụ nữ là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên kiến thức về giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc. Hội Phụ nữ Văn Yên đã chỉ đạo các cấp hội cơ sở xây dựng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ pháp luật... Mặt khác, phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới tổ chức 14 lớp tập huấn về bạo hành gia đình; phối hợp với ngành tư pháp tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức hội thi tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao kiến thức hiểu biết pháp luật cho hội viên. Khi có các vụ việc bạo lực gia đình xảy ra, Hội đã tích cực vào cuộc cùng chính quyền giải quyết.

Chị  Phạm Thị Duyên - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đại Phác cho hay: “Xã có 10 thôn thì 5 thôn đã thành lập được câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình với 140 cặp vợ chồng tham gia. Ngoài ra còn thành lập được 9 câu lạc bộ trợ giúp pháp lý. Việc duy trì hoạt động của các câu lạc bộ thiết thực đã gắn kết chị em với trách nhiệm xây dựng gia đình hạnh phúc”.

Trường hợp anh Nguyễn Văn H ở thôn 7 xã Đại Phác có vợ và 3 con. Chỉ vì lười lao động, hay rượu chè, cứ rượu say là đánh vợ, chị T, vợ H đã ly hôn và mang 3 đứa con về nhà ngoại ở. Anh H xây dựng gia đình với chị X và sinh thêm con, nhưng cuộc sống của chị X cũng như người vợ trước, anh H vẫn ham rượu không tu chí làm ăn. Từ năm 2008 đến nay, gia đình anh tham gia vào câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, được Hội tư vấn cách làm ăn kinh tế, tín chấp cho vay vốn với lãi suất ưu đãi và được Nhà nước được hỗ trợ làm nhà ở theo Chương trình 134, bản thân anh H cũng đi theo anh em họ hàng làm thuê có thêm thu nhập, cuộc sống được cải thiện đến nay xung đột gia đình đã được giải quyết.

  Bạo lực gia đình ảnh hưởng trực tiếp cuộc sống mỗi gia đình. Để ngăn chặn và tiến tới xoá bỏ các hình thức bạo lực gia đình đối với phụ nữ, không chỉ đòi hỏi sự tham gia của cá nhân, mỗi gia đình mà còn tất cả các cấp, các ngành. Đặc biệt, hội phụ nữ phải phát huy vai trò hoà giải ở cơ sở, thành lập và duy trì tốt hoạt động của các câu lạc bộ: xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình… Bên cạnh đó, cần nâng cao hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng chống bạo lực thì mới giảm thiểu tình trạng bạo lực trong các gia đình, nhất là phụ nữ nông thôn.

Quỳnh Nga

Các tin khác
Làm thủ tục khám bệnh cho bệnh nhân BHYT ở Bệnh viện Đa khoa huyện Văn Yên.

YBĐT - Năm 2009, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Yên Bái được BHXH Việt Nam giao thu 257,6 tỷ đồng. Tới ngày 26.8.2009, số thu đạt 150,5 tỷ đồng, bằng 58,4% kế hoạch năm (so với cùng kỳ tăng 28 tỷ đồng, bằng 22,86%). Hầu hết các loại hình quản ký có số thu đạt từ 50% - 60%; số đơn vị tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) đã lên tới 1.804 với 333.684 lao động.

Để triển khai có kết quả nội dung Nghị quyết TƯ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, công tác quy hoạch phải đi trước một bước, làm căn cứ để triển khai các nội dung của nghị quyết, nhất là xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng liên quan đến vấn đề quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn và bộ Tiêu chuẩn - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia quy hoạch xây dựng nông thôn.

Bộ Y tế cho biết ngày 6-9, Việt Nam đã ghi nhận thêm 154 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó, khu vực phía Nam 125 ca, miền Bắc 23 ca, miền Trung 3 ca, Tây Nguyên 3 ca.

Không đi theo quỹ đạo dự đoán trước đó, ra phía đông và hướng về phía bắc, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) chiều qua bất ngờ đổi chiều và lại hướng vào đất liền nước ta dù với tốc độ rất chậm, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục