Vỉa hè dành cho… ai ?
- Cập nhật: Thứ hai, 19/10/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đó là câu hỏi mà ai cũng biết câu trả lời là dành cho người đi bộ. Thế nhưng cũng không phải bây giờ người ta mới thấy cảnh vỉa hè được sử dụng đa chức năng mà trong đó đi bộ chỉ là phụ. Đơn giản là vì, làm gì có lối mà đi?
Vỉa hè bị lấn chiếm, biến thành chợ “cóc”.
|
Tại các tuyến phố chính như Điện Biên, Đinh Tiên Hoàng, Trần Hưng Đạo, các khu vực như Quảng trường 19/8, Công viên Yên Hoà (thành phố Yên Bái) và một số tuyến quốc lộ chạy qua trung tâm các huyện, thị, vỉa hè đã và đang bị nhiều hộ gia đình ngang nhiên chiếm dụng để mở quán nước, bán hàng ăn đêm, ăn sáng, tập kết vật liệu xây dựng hay bãi để xe, rửa xe. Vỉa hè nghiễm nhiên được coi là “lãnh địa” của mỗi gia đình có mặt tiền và cũng vì thế nên các hộ này đã tự cho mình cái quyền chiếm dụng bao nhiêu tuỳ thích.
Cá biệt, không ít trường hợp còn tự ý cho thuê vỉa hè để buôn bán kinh doanh miễn sao người thuê thoả thuận giá cả hợp lý. Vỉa hè bị chiếm dụng, người đi bộ không còn cách nào khác là phải xuống đường lưu thông cùng xe cơ giới (vô hình chung họ đã lấn đường của xe máy, ôtô). Nhưng không phải xuống đường đã xong.
Tại nhiều hàng quán và các chợ cóc, khách hàng theo thói quen ghếch xe vào mép đường để mua bán nên có những đoạn hàng chục xe máy nối đuôi nhau xếp thành hàng dài dưới lòng đường. Người đi bộ lại tiếp tục phải lượn lờ, đánh võng uốn éo, lúc đi ở trong, lúc đi ra ngoài, lúc ở giữa… Chính vì thế, đã không ít trường hợp người bộ hành bị va quệt, nhẹ thì sứt đầu chảy máu, nặng thì có thể bị chấn thượng sọ não dẫn đến tử vong.
Để giải quyết tình trạng này, chính quyền các địa phương đã có văn bản quy định rõ trách nhiệm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TT ATGT), phân công nhiệm vụ quản lý hành lang ATGT cho từng xã, phường tại các địa bàn trọng điểm thường xuyên xảy ra vi phạm. Các cấp chính quyền cơ sở cũng đã tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hàng loạt đợt ra quân giải toả lấn chiếm, tháo dỡ được trên 735 lều quán, mái vẩy; giải toả 156 lượt chợ cóc, 900 trường hợp tập kết vật liệu xây dựng trong đô thị, phạt tiền nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, “họ tan ta lại về”.
Đặc biệt để “sống chung với các lực lượng chức năng”, nhiều người buôn bán kinh doanh đã tập cho mình thành thạo kỹ năng “Hai sẵn sàng”: sẵn sàng bán và sẵn sàng chạy khi bị đuổi. Cái vòng luẩn quẩn đó cứ tồn tại dai dẳng ngày này qua ngày khác gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Có thể nói, những ai sinh sống gần khu vực chợ, bệnh viện, bến xe… mới thấu hiểu hết nỗi khổ do nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường gây ra. Vỉa hè bị lấn chiếm, đi lại gặp nhiều khó khăn, người bán kẻ mua ngang nhiên biến vỉa hè thành chợ rất mất TT ATGT và mất mỹ quan đô thị.
Chợ tự phát lấn chiếm vỉa hè tại ngã tư công viên Yên Hòa, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Ông Trịnh Văn Dĩnh, tổ 48, phường Minh Tân (TP Yên Bái) bức xúc: “Vỉa hè dành cho người đi bộ nhưng ở nhiều tuyến phố chúng tôi làm gì có đường để đi! Các cơ quan thông tin đại chúng đã nói rất nhiều về vấn đề này nhưng đến nay các hộ lấn chiếm vẫn chưa bị xử lý nghiêm minh. Tôi mong các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương sớm giải quyết triệt để tình trạng này để vỉa hè thực hiện được đúng nhiệm vụ vốn dĩ của nó”.
Công cuộc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ chắc chắn sẽ không thể thực hiện trong ngày một, ngày hai. Tuy nhiên, trước mắt để hạn chế tối đa các trường hợp vi phạm, nên chăng, các ngành chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, khơi dậy ý thức của mọi người dân trong việc giữ gìn văn minh đô thị. Từ đó tạo thành hoạt động thi đua giữa các phường, các xã để mỗi người dân tích cực tham gia cùng các lực lượng chức năng lên án các trường hợp cố tình vi phạm tại các khu dân cư. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể nghiên cứu triển khai áp dụng mô hình giao trách nhiệm quản lý vỉa hè cho từng cá nhân cụ thể phụ trách như kinh nghiệm ở một số thành phố lớn trong nước.
Khi có sự rõ ràng trong quản lý, cá nhân nào không hoàn thành nhiệm vụ thì sẽ bị phạt, như thế có lẽ không ai dám lơ là trách nhiệm của mình. Đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm, tuỳ vào mức độ có thể nâng mức xử phạt hành chính lên cao hơn, còn đối với những hộ kinh doanh cố tình vi phạm nhiều lần có thể xử phạt bằng hình thức thu đăng ký kinh doanh có thời hạn để tạo tính răn đe. Các biện pháp kiên quyết, nghiêm minh được thực thi, chắc chắn tình trạng lấn chiếm vỉa hè sẽ có chuyển biến và hàng năm chúng ta sẽ không còn phải phát động các đợt ra quân giải toả hành lang ATGT, người dân cũng không còn phải thắc mắc “Vỉa hè dành cho…ai?”.
Đức Thành
Các tin khác
Một bộ phận không khí lạnh sẽ tăng cường xuống các tỉnh miền Bắc gây sương mù và mưa rào rải rác từ ngày mai (20/10). Còn vùng áp thấp nhiệt đới có sức gió giật cấp 9 vẫn đang tiến sâu vào bờ biển Thừa Thiên Huế - Quảng Nam.
YBĐT - Ngày 18/10, tại Trường tiểu học Hồng Thái, thành phố Yên Bái (Yên Bái), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam tại Yên Bái tổ chức trao cặp phao cứu sinh cho trẻ em do Ngân hàng thương mại cổ phần Công Việt Nam tài trợ thông qua Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam.
YBĐT - Phát huy truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ, phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái đã tích cực đổi mới, hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ Đại hội Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh lần thứ XIII và tiếp tục vươn lên khẳng định vị thế, vai trò phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước.
YBĐT - Là xã đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên (Yên Bái), đời sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo ở Kiên Thành chiếm tới hơn 25%. Khó khăn là vậy nhưng Kiên Thành vẫn là một trong không nhiều địa phương của Trấn Yên duy trì tốt chuẩn quốc gia về y tế với trang thiết bị khám chữa bệnh được đầu tư tương đối đầy đủ, đội ngũ y, bác sỹ không ngừng được nâng cao trình độ chuyên môn.