Bão bắt đầu gây ảnh hưởng miền Trung
- Cập nhật: Thứ hai, 2/11/2009 | 12:00:00 AM
Rạng sáng nay (2-11), trên địa bàn tỉnh Bình Định gió đã mạnh dần lên cấp 5, cấp 6 kèm theo mưa. Để chủ động ứng phó với những diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão, UBND tỉnh đã quyết định cho toàn bộ học sinh (HS) trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong ngày 2-11.
Đường đi của bão số 11.
|
Ngành GD-ĐT tỉnh Bình Định cũng đã yêu cầu các trường học trên địa bàn tỉnh bố trí lực lượng ứng trực tại trường để bảo vệ tài sản, tài liệu và trang thiết bị dạy - học đề phòng mưa bão gây hư hỏng.
Trước những diễn biến phức tạp của cơn bão số 11 không dịch chuyển mạnh vào phía Nam như dự báo ban đầu, sáng 2-11, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định đã xuống các địa bàn TP Quy Nhơn chỉ đạo công tác ứng phó với mưa bão.
Tính đến 10g30 sáng, các huyện, thành phố ở Bình Định đã sơ tán 1.731 hộ dân với 7.520 nhân khẩu đến nơi an toàn để tránh bão số 11. Các huyện, thành phố tổ chức sơ tán dân nhiều TP Qui Nhơn và các huyện ven biển như Phù Cát, Phù Mỹ, Tuy Phước và Hoài Nhơn. Tỉnh Bình Định cũng đã cho toàn bộ học sinh các cấp học, ngành học trên địa bàn tỉnh nghỉ học trong ngày 2-11.
Bộ đội giúp dân chống sạt lở ở phường Đống Đa, Quy Nhơn. |
Tại khu vực Núi Một thuộc khu vực 1 phường Đống Đa, TP Quy Nhơn sáng nay đã có một số nhà dân bị sạt lở có nguy cơ đổ sập. Qua kiểm tra, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hữu Lộc, đã điều động lực lượng đến giúp dân chống sạt lở và sơ tán các nhà dân có nguy cơ sạt lở. Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã kịp thời điều động hơn 20 cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường để giúp dân.
Mặc dù đã được cảnh báo, một số ngư dân của TP Quy Nhơn vẫn bất chấp gió bão tiếp tục ra khơi đánh bắt gần bờ nên đến 7g sáng gặp gió mạnh không vào bờ được. Tỉnh Bình Định và TP. Quy Nhơn đang phối hợp cùng Hải đoàn 48, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Bình Định, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh và đặc biệt là tàu cứu nạn SAR của vùng 3 Hải Quân đang ở vùng biển Quy Nhơn triển khai việc cứu hộ ngư dân.
*Phú Yên: Các trường cho học sinh nghỉ học
Sáng nay 2-11, do ảnh hưởng của bão số 11 (bão Mirinae), ở các vùng ven biển Phú Yên đã có gió giật cấp 4, cấp 5. Gió giật khiến một số cây xanh trên đường phố Tuy Hòa bị gãy cành rơi trên đường; một số cây cổ thụ bị ngã đổ, gây ách tắc giao thông, làm đứt đường dây diện.
Trên địa bàn thị xã Sông Cầu (thuộc địa bàn Đồn biên phòng 344) có một nhà dân bị sập hoàn toàn. Cùng với gió, suốt đêm 1-11 và sáng 2-11, trời liên tục đổ mưa làm cho mực nước sông bắt đầu dâng cao.
Một cây cổ thụ trên đường Trần Cao Vân bị bão làm bật gốc, ngã đổ lúc 8g30 sáng 2-11 làm đứt đường dây diện và cản trở giao thông. Lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt khắc phục sự cố. |
Để ứng phó với bão số 11, tất cả các trường trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã cho học sinh, sinh viên nghỉ học.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Phú Yên cho biết đến 6g sáng 2-11, các lực lượng vũ trang phối hợp với các địa phương trong tỉnh đã vận động ngư dân sắp xếp được 3.243 tàu thuyền vào các đầm, vịnh, sông khuất gió trú tránh bão an toàn; đồng thời di dời tài sản và 603 hộ với 2.553 dân (chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ em) ở các khu vực nguy hiểm, vùng triều cường sạt lở đến nơi an toàn.
Hơn 12.700 lồng bè nuôi tôm, cá mú… cũng được các lực lượng phối hợp với người dân chằng chống an toàn. Đến 10g sáng 2-11, tỉnh Phú Yên còn 74 phương tiện với 684 lao động đang hoạt động đánh bắt xa bờ. Các phương tiện khác đã vào bờ đều neo đậu ở khu vực an toàn.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã huy động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, hơn 1.000 phao cứu sinh, 10 nhà bạt, trên 8.000 bao cát… đưa đến các vùng xung yếu, giúp dân ứng phó với bão.
* Cũng trong sáng nay, 2-11, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Trưởng Ban phòng chống lụt bão Trung ương đã đến kiểm tra tình hình phòng chống bão số 11 tại Phú Yên.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đánh giá cao công tác phòng chống lụt bão của tỉnh Phú Yên; đồng thời lưu ý địa phương không được chủ quan; chú trọng việc kiểm tra, đôn đốc, quản lý chặt hoạt động của các phương tiện đánh bắt; không được để người ở trên tàu, trên các lồng bè nuôi hải sản khi bão xảy ra; thực hiện sơ tán dân đến nơi an toàn và bảo đảm lương thực, thực phẩm, nước uống không để xảy ra tình trạng đói rét; bảo vệ tuyệt đối an toàn về người và tài sản; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra; khẩn trương khắc phục hậu quả sau bão, lũ…
*Đắc Lắc: Hái cà phê chạy bão
Người dân phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột thu hoạch cà phê (ảnh chụp lúc 17g ngày 1-1-2009). |
Những ngày qua thông tin về cơn bão số 11 vào biển Đông với tốc độ đi nhanh và nhằm vào khu vực Nam Trung bộ và Tây nguyên đã làm cho người trồng cà phê vô cùng lo lắng. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn trung ương, chỉ trong một hai ngày tới cơn bão sẽ gây mưa lớn ở Tây nguyên và sau đó tâm điểm sẽ đi ngang qua các tỉnh nam Tây nguyên, nên nông dân trồng cà phê đang tranh thủ hái những diện tích cà phê chín sớm trước khi cơn bão tới.
Dù cà phê chưa chín rộ nhưng người dân trồng cà phê trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc đang khẩn trương thu hái số cà phê chín bói để chạy đua với bão. Tại các huyện Cư M’Nga, Krông Năng, nơi tập trung nhiều diện tích cà phê, nông dân cũng đang chạy đua từng phút để tận dụng số cà phê chín trước lúc cơn bão số 11 đổ vào.
Anh Nguyễn Khắc Hiếu, một chủ cà phê tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, cho biết hái cà phê ở thời điểm này là chưa thích hợp do cà phê chưa chín rộ, lượng quả xanh còn nhiều làm giảm chất lượng; tuy nhiên nhiều gia đình đã phải căng bạt ồ ạt hái để tránh thiệt hại nặng (nếu bão vào thì cà phê sẽ bị rụng đồng loạt và gãy đổ). Những diện tích cà phê xanh sẽ được bảo vệ bằng cách giăng bạt, đốn số cây lớn làm tán giữa các rẫy để hạn chế gãy đổ.
Đại diện các nông trường cà phê trên địa bàn tỉnh Đắc Lắc như Ea Tiêu, Cư Quin, Nông trường 52… cũng cho biết đang khẩn trương nhận người và chạy đua với thời gian để thu hoạch cà phê, chấp nhận hái sớm để tránh thất thu sau bão, đồng thời tìm cách bảo vệ số cà phê để hạn chế thiệt hại.
*Nha Trang: Vừa lo bão vừa đi xem bão Theo dự báo, bão số 11 sẽ đổ bộ vào Khánh Hòa vào trưa 2-11. Ngay từ đêm 1-11, các hệ thóng loa phóng thanh và trên các hệ thống phát thanh, truyền hình trong tỉnh đã kêu gọi người dân Nha Trang chống bão. Sáng 2-11, toàn bộ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa được nghỉ học.
Trong khi bão chỉ mới bắt đầu bằng những cơn mưa nhỏ, nhiều người dân Nha Trang lại rủ nhau ra biển... xem bão. Tại Quảng trường 2-4, không riêng người dân địa phương mà cả du khách cũng đứng ngắm nhìn sóng biển đang dâng cao, chụp ảnh kỷ niệm. |
* Quảng Ngãi: còn hàng ngàn ngư dân đang hoạt động trên biển
Ngư dân Bình Hải, Bình Sơn đưa thúng lên bờ trú bão. |
Theo đánh giá của Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, bão số 11 đang thay đổi hướng đi có khả năng đổ bộ vào tỉnh Bình Định, như vậy các huyện Lý Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ của Quảng Ngãi sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ngoài ra do ảnh hưởng của bão, trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa to đến rất to. Vì vậy, Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các địa phương triển khai ngay các biện pháp đối phó với bão số 11, sẵn sàng di dân đến nơi an toàn khi có lệnh.
Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ đội biên phòng tỉnh cũng đã chuẩn bị lực lượng cơ động, các loại phương tiện xe máy, ca nô sẵn sàng ứng cứu và di dời dân đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của BCH Bộ đội Biên phòng, đến 8g sáng 2-11, Quảng Ngãi còn 279 chiếc tàu thuyền đánh cá với 2.524 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, tại khu vực quần đảo Trường Sa có 21 tàu thuyền/452 lao động; vùng biển khu vực Hoàng Sa có 23 thuyền/337 lao động; vùng biển các tỉnh phía Nam có 134 thuyền/ 931 lao động.
* Bão chỉ còn cách Bình Định - Khánh Hòa 60 km
Sáng nay (2-11) bão số 11 đã đi vào vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi - Ninh Thuận. Tại đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; tại Quy Nhơn (Bình Định và Tuy Hoà (Phú Yên) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8, cấp 9
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 11g sáng 2-11, tâm bão cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 60 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10 (75 - 102 km/giờ), giật cấp 11, cấp 12.
Lúc 11g sáng nay 2-11, bão số 11 cách bờ biển các tỉnh Bình Định - Khánh Hòa khoảng 60 km về phía đông - Ảnh: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TƯ (phát lúc 7g30 ngày 2-11) |
Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 11 di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km. Như vậy khoảng trưa và chiều nay, vùng tâm bão sẽ đi vào đất liền sau đó suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 22g ngày 2-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc, 107,8 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39 - 49 km/giờ), giật cấp 7.
Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, đi sâu vào đất liền, suy yếu thành một vùng áp thấp và tan dần.
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.
Vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 2 - 4 m. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Ngoài ra, sáng sớm nay không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, ngày và đêm nay (2-11) không khí lạnh tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở Trung và Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế và khu vực Bắc biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.
(Theo TTO)
Các tin khác
YBĐT - Thành công trên con đường kinh doanh, đó là một nỗ lực lớn mà không phải ai cũng làm được. Với các nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái, không những gặt hái thành công trong sự nghiệp kinh doanh, họ còn là những người vợ thuỷ chung, những người mẹ đảm đang, chăm lo chu đáo cho gia đình và tích cực tham gia công tác xã hội.
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền xã Bạch Hà, huyện Yên Bình luôn đặc biệt quan tâm đến công tác giữ gìn an ninh trật tự (ANTT) ở các thôn bản. Địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, vận động nhân dân tham gia công tác đấu tranh, tố giác tội phạm, xây dựng mô hình CLB thanh niên phòng chống tội phạm… nên công tác giữ gìn ANTT luôn được giữ vững.
YBĐT - Lục Yên cũng là một trong những địa phương của Yên Bái đã xảy ra dịch cúm, nhưng do có sự chủ động phòng dịch nên dịch cúm trên địa bàn huyện đã nhanh chóng bị dập tắt. Huyện Lục Yên đang tích cực vận động nhân dân tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.
YBĐT - Trong những ngày qua, số trẻ em vào điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa tỉnh Yên Bái đột ngột tăng cao. Nguyên nhân chính là do thời tiết chuyển mùa đã gây bệnh cho trẻ em.