Giải tỏa khó khăn cho giáo dục vùng cao
- Cập nhật: Thứ tư, 4/11/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Phát hiện nhanh các bất cập và kịp thời điều chỉnh sửa chữa là nét mới của ngành giáo dục Yên Bái. Theo đánh giá của ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thì việc sắp xếp lại qui mô trường, lớp học vừa qua đã giúp giảm được 31 trường, 230 nhóm lớp; giao quyền tự chủ cho 100% các cơ sở trường học theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ, là một trong số ít tỉnh của cả nước thực hiện tốt chủ trương phân cấp quản lý cho cơ sở.
Một tiết học của học sinh Trường tiểu học - THCS Sùng Đô (Văn Chấn).
(Ảnh: Văn Tuấn)
|
Cô giáo Hoàng Thị Thanh Tứ, quê ở Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, tình nguyện lên Trường PTCS xã Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải dạy học được tám năm, tâm sự: Cái khó nhất của đội ngũ giáo viên nhà trường là giữ được tỷ lệ học sinh đến lớp. Năm học trước, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp đạt 91,2%, năm học này nhà trường ngoài việc triển khai dạy phổ cập, các giáo viên vẫn dồn sức cho việc vận động trẻ đến trường. Vì sao trẻ không đến lớp ở vùng cao có nhiều nguyên nhân, song có lẽ lớn hơn cả là bởi cái đói, cái nghèo và cả sự thiếu hiểu biết của một bộ phận đồng bào vùng cao với việc thêm cái chữ cho con em mình, nhất là với trẻ em gái còn cả một bước cản lớn.
Theo báo cáo của Phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Mù Cang Chải, hiện mạng lưới trường lớp trong huyện chưa bảo đảm đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Nhiều trường khi giao quyền tự chủ theo Nghị định 43/2006/NĐ- CP còn lúng túng, còn một số lớn kế toán trường học làm hợp đồng, chưa phù hợp với cơ chế quản lý mới. Cụ thể, còn 140 phòng học tạm làm bằng tranh tre cần xoá; trên 3.000 học sinh học bán trú nơi ăn ở gặp khó khăn, nhiều em phải thuê trọ nhà dân gần trường với giá 500 ngàn đồng mỗi năm học, là một số tiền không nhỏ với đồng bào dân tộc nghèo vùng cao. Chính sách thu hút giáo viên dạy ở vùng cao theo Nghị định 61 của Chính phủ cũng chưa đạt được yêu cầu đề ra. Ngay trong đầu năm học 2009- 2010 đã có 22 giáo viên chuyển về xuôi, gây sự thiếu hụt đội ngũ giảng dạy vốn đã thiếu nay càng khó khăn hơn ở các xã vùng cao.
Qua tìm hiểu, đặc thù các giáo viên dạy học ở xã vùng cao đặc biệt khó khăn là cần có nơi để ở, có học sinh để dạy, được biên chế để có lương và chế độ ưu đãi. Đến bản Tà Ghênh, xã Nậm Có, cô giáo Nông Thị Trường thân gái một mình cắm bản Mông, đêm không điện dài vô tận, nước phải đi xa hàng km mới có, mỗi buổi có việc xuống chợ phải đi cả giờ mới mua được hàng hoá thiết yếu sinh hoạt, chỉ lòng yêu nghề, yêu trẻ mới giúp được cô bám trụ ở giữa bản Mông xa xôi này. Nhiều nơi, cô giáo phải mượn tạm phòng học để ở vì không có nhà công vụ; các học sinh bán trú phải che chắn tạm bợ đầu chái nhà làm bếp nấu ăn; hiện tại cả tỉnh còn hàng trăm giáo viên hợp đồng với mức 85% lương cơ bản/tháng, vẫn chưa được vào biên chế như là câu chuyện buồn về giáo dục vùng cao.
Trong danh sách hợp đồng biên chế ngành giáo dục Yên Bái còn có 298 kế toán trường học đang thực hiện hợp đồng, không đúng với Pháp lệnh về Kế toán ở đơn vị công lập. Đây là vấn đề mới được triển khai ở tỉnh, bởi theo phân cấp quản lý cho các đơn vị sự nghiệp công lập về thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức theo Nghị định 43 của Chính phủ bước đầu còn lúng túng.
Đặc biệt, tại xã Nậm Có, nhân viên kế toán trường học đang hợp đồng còn kiêm nhiệm cả ba cấp học trong xã, nếu để xảy ra rủi ro về tài chính không biết sẽ xử lý ra sao, bởi số tiền chi trả hàng năm ở đây lên đến cả tỷ đồng. Số hợp đồng này nằm ở các trường học thuộc huyện Mù Cang Chải 31, Văn Chấn 74, Văn Yên 56, Yên Bình 49, Trấn Yên 47, Lục Yên 38...nếu không được quan tâm giải quyết nhanh và dứt điểm, sẽ gây khó khăn trong giao dịch với kho bạc và giám sát tài chính theo hệ thống đã ban hành, đồng thời quản lý không tốt sẽ dễ bị kỷ luật, mất cán bộ và thất thoát tài sản công.
Tháo gỡ các khó khăn cho ngành giáo dục, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thuộc Đề án kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên, đến nay toàn tỉnh đã giải ngân xong 100% vốn năm 2008 và gần 70% vốn của năm 2009, đưa 144 phòng học và 44 nhà công vụ vào sử dụng. Trong thời gian qua, tỉnh đã tiến hành rà soát qui mô trường lớp, bảo đảm qui hoạch phát triển ngành giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập trước mắt và giai đoạn tiếp theo của nhân dân.
Qua khảo sát, đã phát hiện một số trường qui mô lớp học có học sinh vượt quá qui định, như Trường PTCS xã Đại Minh (huyện Yên Bình) lớp 9 có đến 47 học sinh, Trường Sơn Thịnh (huyện Văn Chấn) ngồi đến 40 học sinh một lớp ở cấp tiểu học (trong khi diện tích các lớp học của chương trình kiên cố hoá chỉ xây dựng 40 m2) gây nhiều phiền toái cho cả người học lẫn người dạy vì chật chội và bàn học kê sát bảng. Phát hiện nhanh các bất cập và kịp thời điều chỉnh sửa chữa là nét mới của ngành giáo dục Yên Bái.
Theo đánh giá của ông Trần Xuân Hưng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thì việc sắp xếp lại qui mô trường, lớp học vừa qua đã giúp giảm được 31 trường, 230 nhóm lớp; giao quyền tự chủ cho 100% các cơ sở trường học theo tinh thần Nghị định 43 của Chính phủ, là một trong số ít tỉnh của cả nước thực hiện tốt chủ trương phân cấp quản lý cho cơ sở.
Quan tâm đến chất lượng giáo dục vùng cao, ngoài việc duy trì tỷ lệ chuyên cần, chống học sinh bỏ học, huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp, Yên Bái đã vận dụng tốt việc dùng ngân sách hỗ trợ 15 kg gạo cho học sinh THPT là người dân tộc Mông của hai huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Trên cơ sở rà soát thực trạng đội ngũ, qui mô phát triển giáo dục nghiêm túc, công khai, dân chủ để giải quyết số cán bộ, giáo viên, nhân viên dôi dư nghỉ chế độ theo Nghị định 132/CP, bố trí công việc khác hoặc cho đi đào tạo lại.
Trong thời gian tới, Sở Nội vụ trình phương án cho UBND tỉnh giải quyết dứt điểm biên chế giáo viên và nhân viên kế toán hiện còn hợp đồng thuộc các xã vùng đặc biệt khó khăn, tạo sự an tâm công tác lâu dài cho số đối tượng này phục vụ ở vùng cao, để họ tiếp tục cống hiến đem tâm, tài, lực của bản thân gieo cái chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện tốt nguyện ước theo Di chúc của Bác Hồ là “Ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”, nhằm đào tạo nguồn cán bộ là người địa phương trong tương lai.
Mỹ Sinh
Các tin khác
Bộ Tài chính cho hay ngân sách chịu tác động rất nhiều bởi dịch cúm A/H1N1. Tính đến tháng 11, cơ quan này đã chi tới 790,65 tỷ đồng cho các tỉnh thành khắc phục bệnh dịch.
Ngày 3-11, bão số 11 vừa ngưng thì lũ dữ lại tràn về. Nhiều vùng ở Phú Yên và Bình Định bị cô lập hoàn toàn, hàng ngàn gia đình chới với trong cơn lũ. Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 3-11 ít nhất tại bốn tỉnh Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa và Gia Lai đã có 41 người thiệt mạng.
Theo thông tin ban đầu, đến trưa 3.11, Phú Yên đã có 13 người chết do mưa lũ ở huyện Tuy An (5 người), thị xã Sông Cầu (6 người) và TP Tuy Hòa (2 người).
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều 2/11, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Bình Định – Ninh Thuận, bão số 11 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.